Nhượng bộ của chính phủ Pháp liệu có dập tắt biểu tình 'áo vàng'?
Người biểu tình có các mục tiêu khác nhau, vượt ra khỏi vấn đề giá nhiên liệu nên việc hoãn kế hoạch tăng thuế khó thỏa mãn được tất cả.
05:00 06/12/2018
Người biểu tình chặn lối vào một kho xăng ở Montabon, tây bắc Pháp từ ngày 2/12. Ảnh: AFP. |
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe ngày 4/12 công bố một loạt các biện pháp nhằm dập tắt sự tức giận của những người biểu tình "áo vàng": hoãn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu trong vòng 6 tháng, ngừng tăng giá khí đốt và điện trong ba tháng bắt đầu từ 1/1/2019. Việc thắt chặt các tiêu chuẩn đánh giá ôtô để xử phạt những phương tiện cũ gây ô nhiễm nặng cũng bị hoãn lại 6 tháng.
Phong trào áo vàng xuất hiện vào cuối tháng 10 do Pháp tăng thuế nhiên liệu trong nỗ lực của Tổng thống Emmanuel Macron để theo đuổi chính sách năng lượng sạch. Dẫn đầu cuộc tuần hành này là các tài xế mặc áo bảo hộ màu vàng, loại áo người Pháp phải mang theo trong xe và mặc khi xe gặp sự cố cần sửa chữa trên đường.
Các cuộc biểu tình chống tăng thuế dần biến thành phong trào lớn chống lại Macron của những người sống ở các thị trấn nhỏ và nông thôn Pháp. Họ cho rằng Macron là "Tổng thống của người giàu", không cảm thông được với những khó khăn của người dân bình thường ở tỉnh lẻ, theo AFP.
Vì vậy, đám đông biểu tình có nhiều mục tiêu khác nhau: Một số người tập trung vào việc giảm thuế nhiên liệu, trong khi những người khác muốn Macron từ chức. Nhiều người còn muốn đảo ngược chính sách cắt giảm thuế mà Macron đã áp dụng cho những người giàu nhất nước Pháp để thúc đẩy đầu tư.
Phủ bóng phong trào là những phàn nàn từ người dân tỉnh lẻ rằng khoản thu nhập khiêm tốn của họ không đủ sống sau khi trả những khoản thuế cao nhất ở châu Âu.
Sự nhượng bộ của chính quyền đánh dấu sự thay đổi lớn của Macron. Ông từng tuyên bố rằng không giống như các lãnh đạo Pháp trước đây, ông sẽ không bị ép buộc phải thay đổi chính sách vì những phong trào đường phố quy mô lớn.
Biện pháp mới liệu có đủ
Một số người biểu tình hài lòng với sự nhượng bộ của chính phủ. Một nhóm nói rằng họ sẽ dỡ bỏ rào chắn mà họ đã lập trước một kho xăng tại Brest, Brittany.
Trong khi đó, nhóm chặn tại một kho xăng ở Le Mans, miền tây đất nước, cho biết họ vẫn tiếp tục. Marc Beaulaton, 59 tuổi, từng làm trong ngành an toàn hạt nhân, gọi những thay đổi của chính phủ là "các biện pháp nhỏ".
"Chính phủ đang cố gắng ru ngủ chúng tôi", Lionel Rambeaux, thợ hàn 41 tuổi nói.
Dù tập hợp lực lượng tới hàng trăm nghìn người, phong trào "áo vàng" không có ban lãnh đạo. Họ giờ cố gắng trở nên có tổ chức hơn bằng cách chọn ra phái đoàn 8 người để đàm phán với chính phủ.
Tuy nhiên, một số người biểu tình từ chối công nhận các đại diện này. Một nhóm ôn hòa đã có kế hoạch gặp quan chức tại văn phòng của Philippe hôm 3/12 nhưng sau đó phải hủy bỏ vì bị những người biểu tình khác dọa dẫm.
Việc này khiến chính phủ Pháp trở nên bối rối khi không biết phải đứng ra đàm phán với ai và yêu sách thực sự của họ là thế nào. Người biểu tình tức giận trước Macron về nhiều lý do nên họ cũng khó thống nhất được về mục đích.
"Không chắc chắn rằng các biện pháp của chính phủ có thể dừng được các cuộc biểu tình", Jerome Sainte-Marie, người đứng đầu cơ quan thăm dò dư luận PollingVox nói. "Nhưng các biện pháp này có thể chia rẽ phong trào".
Jerome Fourquet, nhà phân tích tại tổ chức thăm dò dư luận IFOP, cho rằng nhiều người biểu tình sẽ nghi ngờ chính phủ chỉ đang cố gắng xoa dịu họ rồi sau đó sẽ đưa những loại thuế này trở lại.
"Họ đưa ra phản ứng tương đối muộn", ông nói. "Các biện pháp có thể có hiệu ứng tốt hơn nếu được thông báo cách đây một tuần".
Nguồn: Vnexpress.net
Pháp cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp vì bạo loạn tồi tệ nhất 5 thập kỷ
Chính quyền Tổng thống Macron có kế hoạch đối thoại với các thủ lĩnh của phong trào biểu tình nhưng khẳng định sẽ không thay đổi chính sách.