Niềm vui bất ngờ với các gia đình trong đại dịch
Tối mỗi ngày, Melissa Anderson và mẹ đi bộ trước nhà. Hành trình qua lùm cây óc chó ngày nào cũng như nhau, nhưng các cuộc trò chuyện ngày càng sâu sắc.
01:00 23/06/2021
Đại dịch đã đẩy hàng triệu thanh niên Mỹ phải sống với cha mẹ khi các trường đại học đóng cửa, các doanh nghiệp giảm giờ làm và sự cô lập xã hội làm suy giảm sức khỏe tâm thần của nhiều người. Thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 7/2020 có 52% người Mỹ từ 18 đến 29 tuổi sống cùng cha mẹ. Đây là cách sống phổ biến nhất đối với những người trong độ tuổi này và là mức cao nhất trong ít nhất một thế kỷ.
Trải nghiệm này không phải lúc nào cũng dễ dàng, vì các gia đình buộc phải cùng nhau vật lộn với các cuộc đấu tranh tài chính và mối đe dọa mắc phải một căn bệnh đã giết chết gần 600.000 người Mỹ. Nhưng đối với một số gia đình, khoảng thời gian bên nhau này giống như một món quà để gắn kết tình cảm cha mẹ, anh chị em.
Gia đình Anderson xem đây là may mắn bất ngờ. Melissa, 29 tuổi, là con thứ ba trong gia đình có bốn chị em gái. Cô đã không có nhiều thời gian ở với cha mẹ cho đến khi "chạy trốn" Los Angeles vào mùa hè năm ngoái và về sống với bố mẹ ở Gridley (bang California). Trong vài tháng, cô và bố mẹ hình thành mối quan hệ như những người bạn đồng trang lứa.
Melissa lên tiếng nếu bị làm phiền - điều trước đây không phải lúc nào cô cũng dám. Mary và chồng David biết không cần phải chăm chút cho Melissa như ngày nhỏ, cũng không thấy có trách nhiệm với con. Trong suốt một năm căng thẳng bên ngoài, bên trong gia đình họ lại bình dị, chăm sóc lẫn nhau.
"Tất cả chúng tôi đều sợ hãi, không biết điều gì sẽ xảy ra và điều đó giúp chúng tôi hiểu nhau hơn", Melissa nói. Cô tin giờ bố mẹ hiểu cô hơn bất cứ đứa con nào khác.
Cô cũng trở nên thoải mái với cha mẹ đến mức vài tháng trước khi bạn bè cô được tiêm vaccine và quay lại Los Angeles, cô đã nói bố mẹ mình sẽ đi vào mùa hè, phòng trường hợp họ sợ mình không đi. "Một buổi tối Melisa nói với chúng tôi chuyện đó. Chúng tôi phải vờ rằng sẽ vui mừng thế nào nếu con chuyển về chỗ cũ", chị Mary chia sẻ.
Trên thực tế, chuyện những đứa con chuyển về sống cùng bố mẹ hơn một năm qua có cả những căng thẳng và niềm vui. Nhiều người Mỹ đánh đổi lối sống độc lập để có những đêm xem phim chung và bữa tối quây quần. Nhiều người lần đầu tiên đã thử một kiểu sống chung vài thế hệ và thực sự thích điều đó.
Trong nhiều thập kỷ, tỷ lệ thanh niên ở Mỹ sống với cha mẹ đang tăng đều đặn, sau khi đạt mức thấp vào những năm 1960. Thông lệ này trở nên đặc biệt phổ biến trong thời kỳ đại suy thoái và vẫn tiếp tục tăng lên ngay cả sau khi nền kinh tế phục hồi. Giáo sư tâm lý Jeffrey Arnett (Đại học Clark), người nghiên cứu về những người trẻ tuổi, cho biết sự thay đổi này là do những người trẻ tuổi trì hoãn việc kết hôn, đi học lâu hơn. Tình hình tài chính và xã hội ngày càng lung lay đối với những người ở độ tuổi 20 và đã khiến cuộc sống ở nhà trở nên hấp dẫn hơn.
"Đại dịch khó khăn đối với tất cả bậc cha mẹ như chúng ta và khó khăn hơn đối với con trẻ. Chúng là nhóm có nhiều khả năng bị gián đoạn công việc, học vấn, cuộc sống", Arnett nói.
Chuyến đi ba tuần của Derek Daniels về nhà bố mẹ mùa hè năm ngoái đã biến thành một kỳ nghỉ 10 tháng. Ngôi nhà thời thơ ấu ở Burlingame không chỉ ấm áp hơn căn hộ trống trải ở Los Angeles, mà anh còn tận hưởng thêm thời gian với em gái. "Khi nào bạn có thể quay trở lại năm 24 tuổi và sống với cả gia đình trong gần một năm? Khi thế giới bên ngoài đang sụp đổ, thật tuyệt khi được ở bên nhau", Daniels cho biết.
Tuy nhiên không phải ai cũng thích về với gia đình. Josephine Cheng, 24 tuổi, không muốn rời San Francisco để đến Chino Hills, quê hương của cô. Nhưng vì vấn đề tài chính cô buộc chấp nhận dùng chung phòng tắm với em gái tuổi teen. "Tôi không ngừng nói với mẹ: 'Con nóng lòng muốn dọn ra ngoài. Tôi mơ mộng về những căn hộ và bây giờ một năm sau đó, mẹ hỏi tôi 'Con có nghe nói khi nào cơ quan sẽ mở cửa trở lại không?", Cheng kể.
Đối với Melissa Anderson, quê nhà Gridley chưa bao giờ là nơi cô muốn đến. Nhưng vào mùa hè năm ngoái, khi hợp đồng thuê căn hộ một phòng ngủ của cô ở khu Pico-Robertson sắp kết thúc, cô phải đối mặt với viễn cảnh sẽ sống một năm một mình. Vì vậy, lần đầu tiên kể từ khi học trung học, cô chuyển về nhà. Những cái ôm của mẹ khiến cô quặn lòng vì đã quá lâu rồi không được chạm vào ai. Đôi khi cô cảm thấy như mình trở về thời thơ bé.
Để sống cùng nhau, cô và bố mẹ lập ranh giới. Cô và bố, một giáo viên trung học, đã tìm ra cách để cả hai có thể làm việc từ xa trong cùng một ngôi nhà.
"Khi chúng còn nhỏ, bạn nghiêng về phần cha mẹ hơn. Bây giờ ít vai trò cha mẹ đi, thì trở thành bạn bè. Con bé là một người bạn cùng nhà rất tốt", ông David nói.
Còn Melissa và mẹ có một nghi thức mỗi ngày là đi bộ trên đường phố vào lúc hoàng hôn. Thời gian này cho phép hai mẹ con hiểu nhau theo cách mới. Mary từng nghĩ Melissa là người kín đáo và thiếu hành trang cần thiết cho cuộc sống, nhưng giờ hiểu nhau thì bức tường ngăn cách họ đã sụp đổ.
Hai mẹ con trò chuyện nhiều chủ đề hẹn hò, tôn giáo, tiền bạc, quan hệ gia đình và mục tiêu cuộc sống. Qua đó Mary nhận ra Melissa có thể hạnh phúc khi được kết đôi hay không và con trở thành một người phụ nữ tự tin hay không sẽ không phụ thuộc ý kiến của người khác. "Trước đây tôi đã không tin tưởng con. Giờ đây tôi muốn thành bạn của con", Mary nói.
Nhà tâm lý Arnett cho biết các bậc cha mẹ hiện tìm kiếm những mối quan hệ khác với con cái của họ, từ quyền lực sang bình đẳng. Trong năm qua, con gái học đại học của Arnett đã sống cùng vợ chồng anh và tạo ra nhiều cơ hội để bố mẹ và cô bé hiểu nhau.
Adriana Barba, 29 tuổi thì bắt đầu trả nhiều hóa đơn cho gia đình khi mẹ cô mất việc vì đại dịch. Khi virus lây lan, cô ấy đã khuyến cáo gia đình mình không nên đi giày vào trong nhà. Và khi mẹ bị nhiễm nCoV vào tháng 7, Barba đã lên kế hoạch ngăn những người còn lại trong gia đình lây nhiễm, bằng cách đeo khẩu trang và cách ly ở các phòng riêng. Cuối cùng, không ai dương tính.
"Thực lòng tôi cảm thấy tôi mới là mẹ", Barba nói. Cô cho biết muốn sống một mình, nhưng vì gia đình nên hiện giờ "kế hoạch của tôi là chuyển đến một nơi nào đó gần đó để có thể tiếp tục quan tâm gia đình".
Melissa, sau khi thề rằng sẽ rời Gridley vào mùa hè, đã đặt cọc một căn hộ mới ở LA vào tháng Năm. Cô và bố mẹ đồng ý rằng cần phải tiếp tục cuộc sống của chính mình, ngay cả khi sợ hãi nói lời chia tay. Tuy nhiên, cô quyết định rằng nếu một ngày nào đó có con thì sẽ chuyển về gần bố mẹ hơn, điều mà cô chưa bao giờ nghĩ đến. Hiện tại, căn hộ của cô ở LA sẽ trưng bày nhiều bức ảnh gia đình hơn trước.
"Tôi sẽ không bao giờ nói đại dịch là một may mắn. Thực tế nó thật kinh khủng, gây nhiều đau đớn và tổn thương. Nhưng nó đặt mọi thứ về vị trí và dạy cho tôi biết kiểu tôi muốn sống sau này", cô gái bộc bạch.
Vào một ngày cuối tuần gần đây, Mary và David đã giúp con gái chuyển đồ. David cũng hoàn thành chiếc bàn ăn đã đóng cho con. Trước khi mặt trời mọc, ba người kéo nhau ra khỏi con đường đi bộ thường ngày. Lần này, Mary đi và không quay lại như một năm qua vẫn làm cùng mẹ.
Bảo Nhiên (Theo Latimes)
Thanh Thảo bán nhà để qua Mỹ: Từ bỏ ánh hào quang để làm thợ hồ, thợ may rồi lại quay về Việt Nam vì buồn chán
Ca sĩ Thanh Thảo cho hay, “giấc mơ Mỹ” không đẹp như nhiều người vẫn tưởng. Vì hoàn cảnh nên nhiều nghệ sĩ phải rũ bỏ ánh hào quang và gia đình ở Việt Nam để lên đường sang Mỹ.