Nikkei: Một số công ty Việt bắt đầu hưởng lợi từ chiến tranh thương mại

Hãng tin Nikkei dẫn một khảo sát của các doanh nghiệp ở Trung Quốc cho biết, thị phần của họ đang chuyển dần sang một số công ty Việt Nam.

07:00 31/10/2018

Các doanh nghiệp Việt Nam nằm trong số những đơn vị hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, theo một khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại miền Nam Trung Quốc, có văn phòng tại Quảng Châu vừa công bố hôm qua (29/10).

Theo đó, các công ty Mỹ và Trung Quốc tham gia khảo sát từ 21/9 đến 10/10 đều cho rằng, xung đột thương mại đang làm họ mất thị phần, đặc biệt là vào tay các doanh nghiệp Việt Nam. Các công ty Trung Quốc cũng cho biết, doanh thu của họ đang chuyển vào những doanh nghiệp từ Ấn Độ, Mỹ và Hàn Quốc và Việt Nam. Trong khi, đối thủ của các doanh nghiệp Mỹ hiện là những công ty Đức và Nhật.

Công nhân lắp ráp trong một nhà máy sản xuất hàng điện tử tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Công nhân lắp ráp trong một nhà máy sản xuất hàng điện tử tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Từ tháng 7, Tổng thống Mỹ - Donald Trump áp thuế mới trị giá 250 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc nhằm gây áp lực để Bắc Kinh thay đổi chính sách công nghiệp. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD.

Phần lớn các doanh nghiệp Mỹ và Trung đều nói họ cảm thấy tác động tiêu cực từ thuế quan. Theo họ, lợi nhuận là yếu tố bị ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc chiến thương mại này. 20% trong số 219 công ty tham gia khảo sát dự báo, doanh thu có thể bị ảnh hưởng trên 10 triệu USD.

Đa số các doanh nghiệp cũng đang xem xét chuyển địa điểm sản xuất, lắp ráp hay nguồn cung vật tư sang nước thứ ba, trong đó Đông Nam Á là lựa chọn hàng đầu. Một số công ty đã đưa ra kế hoạch dịch chuyển.

Ví dụ, Panasonic đang chuyển nhà máy sản xuất thiết bị điện tử ôtô từ Trung Quốc sang Thái Lan, Malaysia và Mexico. GoerTek – hãng sản xuất tai nghe không dây cho Apple đang có ý định chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Công ty sản xuất polyester - Zhejiang Hailide New Material đang đầu tư 155 triệu USD vào một nhà máy tại Việt Nam với mục tiêu xuất khẩu sang Mỹ.

Ngoài ra, AmCham cũng thông tin, gần một nửa các công ty cảm thấy tác động thương mại không chỉ dừng ở mức thuế quan. 44% doanh nghiệp trả lời khảo sát rằng, việc thông quan các lô hàng trở nên chậm hơn, trong khi 38% cho biết, các thủ tục kiểm tra và phê duyệt giấy phép cũng lâu hơn.

Theo khảo sát của AmCham miền Nam Trung Quốc, hơn một nửa doanh nghiệp tin rằng, chiến tranh thương mại sẽ còn ảnh hưởng trong ít nhất một năm tới. Đối với các doanh nghiệp Mỹ, 54% nghĩ rằng, chính sách thuế của ông Trump sẽ không đem lại lợi ích cho họ hay cải thiện môi trường kinh doanh. Trong khi quan điểm chung của nhiều công ty Trung Quốc về thuế quan là giúp tăng tốc chuyển đổi và nâng cấp nền kinh tế.

Kết quả khảo sát trên cũng tương tự khảo sát một tuần trước với 430 thành viên của AmCham tại Bắc Kinh và Thượng Hải. Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất là hai phần ba số công ty trả lời khảo sát trước đó rằng, họ chưa có kế hoạch chuyển nhà máy, bất chấp các lệnh áp thuế mới.

Ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến có cuộc gặp bên lề hội nghị G20 tại Argentina vào tháng tới. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, cuộc gặp này khó mang lại đột phá cho tình trạng căng thẳng thương mại giữa hai nước.

Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của châu Á từ 5,8% xuống 5,9% vì chiến tranh thương mại. ADB cho rằng, xung đột tác động không đồng đều đến các quốc gia, Đông Nam Á đang được hưởng lợi từ cuộc chiến này.

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Nạn ăn cắp bản quyền khiến Trump gây chiến thương mại với Trung Quốc

Nạn ăn cắp bản quyền khiến Trump gây chiến thương mại với Trung Quốc

Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ từ Trung Quốc khiến Mỹ mất khoảng 500 tỷ USD, buộc Trump phải quyết định hành động.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất