Nỗ lực chạy đua với thời gian của Mỹ để nối lại cuộc gặp Trump - Kim

Các quan chức Mỹ đang phải chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim với khung thời gian eo hẹp và nhiều thách thức.

01:00 29/05/2018

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP.

Mỹ và Triều Tiên ngày 27/5 tái khởi động một nỗ lực khẩn cấp nơi hậu trường nhằm hồi sinh hội nghị thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước dự kiến diễn ra ở Singapore vào ngày 12/6 vốn đã bị Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy bỏ nhưng sau đó ra dấu hiệu muốn nối lại. Các quan chức đang chạy đua để xây dựng một chương trình nghị sự chung và xua tan những hoài nghi về triển vọng của cuộc gặp trong khung thời gian vô cùng hạn hẹp, theo New York Times.

Các chuyên gia về kỹ thuật và ngoại giao Mỹ đã có chuyến công tác hiếm hoi tới Triều Tiên để sắp xếp cuộc gặp, giới chức Mỹ cho hay. Trước khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra, đội tiền trạm Mỹ, do nhà ngoại giao kỳ cựu Sung Kim dẫn đầu, sẽ cố gắng tìm kiếm cam kết chi tiết từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về việc nước này sẵn sàng đến đâu trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Thời gian eo hẹp

Tổng thống Trump hôm qua đăng một thông điệp trên mạng xã hội Twitter xác nhận việc nhóm công tác Mỹ đã gặp phái đoàn Triều Tiên ở Khu Phi quân sự liên Triều (DMZ). Ông bày tỏ lạc quan về tương lai của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

"Tôi thực sự tin rằng Triều Tiên có tiềm năng rực rỡ và ngày nào đó sẽ trở thành một quốc gia với nền kinh tế và tài chính tuyệt vời", Trump viết. "Kim Jong-un đồng ý với tôi về điều này. Nó sẽ diễn ra!".

Giới chức Nhà Trắng cho hay Phó chánh văn phòng của Tổng thống Trump Joe Hagin cũng đang dẫn đầu một phái đoàn riêng biệt có mặt ở Singapore, nơi hội nghị dự kiến được tổ chức, để giải quyết những vấn đề hậu cần, ví dụ như các cuộc gặp sẽ tiến hành ở đâu? Những quan chức nào sẽ tham gia gặp mặt? Hay bố trí an ninh như thế nào?

Những cuộc đàm phán đồng thời ở DMZ và Singapore cho thấy một nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền cả hai nước để hoàn thành mọi công tác chuẩn bị nhằm đưa hội nghị thượng đỉnh "trở lại đường ray", giới chuyên gia nhận định. Công việc này thông thường đòi hỏi mất nhiều thời gian, từ vài tháng đến vài năm. Tuy nhiên, Trump đã rút ngắn đáng kể quá trình đó khi bất ngờ chấp nhận lời mời gặp mặt từ lãnh đạo Triều Tiên hồi tháng ba.

Việc Tổng thống Trump liên tục bày tỏ mong muốn giữ nguyên cuộc gặp vào ngày 12/6 đang đặt ra thách thức cho các quan chức ở cả hai đầu bởi họ phải tính toán xem liệu các công tác chuẩn bị cần thiết có thể được hoàn thành chỉ trong vài ngày hay không. Ngay cả những nhà đàm phán lâu năm cũng không thể biết chắc.

"Tổng thống Mỹ nói ông ấy sẽ không tới hội nghị nếu không có một thỏa thuận xứng đáng. Câu hỏi đặt ra là liệu còn thời gian để xây dựng một thỏa thuận như vậy hay không?", Joseph Y. Yun, cựu chuyên gia đàm phán với Triều Tiên tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét.

Lo âu

Hai nghị sĩ Cộng hòa ngày 27/5 bày tỏ thái độ bi quan về tương lai hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, cảnh báo rằng ông Kim sẽ không bao giờ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mà Triều Tiên đã dành hàng thập kỷ để phát triển.

"Tôi vẫn cho rằng ông ấy không hề muốn phi hạt nhân hóa, thực tế, ông ấy sẽ không phi hạt nhân hóa", Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio cho hay. Rubio bác bỏ những thiện chí mà Triều Tiên thể hiện thời gian qua, bao gồm việc thả ba tù nhân Mỹ và phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri. "Tất cả chỉ là một màn trình diễn", ông nói.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Arizona Jeff Flake chia sẻ mối lo lắng của Rubio. Theo ông, "vẫn còn rất nhiều hoài nghi về khả năng Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân hóa hoàn toàn".

Các nhà đàm phán từng làm việc với Triều Tiên trong quá khứ cũng không tránh khỏi quan ngại. Họ cho rằng ông Kim có thể yêu cầu Mỹ gỡ bỏ "chiếc ô hạt nhân" bảo vệ Hàn Quốc để đổi lại việc họ từ bỏ chương trình phát triển vũ khí.

Theo James R. Clapper Jr., cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, yêu cầu trên đồng nghĩa với việc Mỹ phải chấp thuận không điều oanh tạc cơ hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên hoặc những khu vực lân cận. Hiện chưa rõ Tổng thống Trump có đồng ý với việc hạn chế đáng kể năng lực hạt nhân của Mỹ như vậy hay không.

Giới quan sát đánh giá cuộc gặp giữa quan chức Mỹ - Triều ở DMZ hôm qua cho thấy thiện chí thực sự ở Trump khi ông sẵn sàng tìm tới những nhà ngoại giao và chuyên gia với mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền cựu tổng thống Bush nhưng có hàng chục năm kinh nghiệm đàm phán với Triều Tiên.

Hagin từng là cố vấn thân cân của tổng thống Bush và Sung Kim từng được Bush giao trọng trách tương tự trong quá khứ. Với tư cách cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc, Sung Kim không lạ lẫm gì với chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Sung Kim, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới Triều Tiên thảo luận về cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước. Ảnh: AFP.

Sung Kim, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới Triều Tiên thảo luận về cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nước. Ảnh: AFP.

10 năm trước, Sung Kim đã tới Bình Nhưỡng để thu thập những bản ghi về hoạt động của một lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon. Ông bước chân vào DMZ với hàng nghìn trang tài liệu tính toán lượng plutoni Triều Tiên có thể đã sản xuất. Cuối cùng, Triều Tiên đồng ý phá hủy tháp làm mát của lò phản ứng, một động thái có ý nghĩa tương tự vụ đánh sập bãi thử hạt nhân hồi tuần trước.

Nhưng sau vài năm, lò phản ứng đi vào hoạt động trở lại. Và nay, Sung Kim phải đối diện với một Triều Tiên với năng lực hạt nhân tiến bộ hơn nhiều, đã sản xuất ra hơn 20 vũ khí hạt nhân và chế tạo được tên lửa đủ sức vươn tới hầu hết các thành phố Mỹ.

Chuyên gia Joseph Y. Yun nhận định mục tiêu của Sung Kim có thể là xây dựng một tài liệu, được cả hai bên thống nhất, nêu chi tiết ba bước Triều Tiên sẵn sàng cân nhắc thực hiện nhằm tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chương trình vũ khí hạt nhân.

Bước đầu tiên là một thông báo về việc Triều Tiên sẵn lòng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân ở mức độ nào. Bước thứ hai là quyết định xem bằng cách nào và bao giờ Triều Tiên sẽ cung cấp bằng chứng về quá trình trên cho Mỹ và cuối cùng, xác định xem Washington sẽ chứng thực những tuyên bố từ Bình Nhưỡng như thế nào.

"Đó là một nhóm tốt", Yun nhận xét về tổ công tác Mỹ hiện có mặt ở Triều Tiên. "Đó là một nhóm kỹ thuật. Đó là một nhóm chuyên gia, và họ nắm rõ vấn đề. Họ biết cần phải làm gì".

Nguồn: VnExpress.net

Tags:
Ảnh Ivanka Trump ôm con trai bị phản đối trên mạng xã hội Mỹ

Ảnh Ivanka Trump ôm con trai bị phản đối trên mạng xã hội Mỹ

Bức ảnh khiến công chúng Mỹ phản ứng trong bối cảnh nhiều trẻ em bị tách khỏi cha mẹ ở biên giới do chính sách nhập cư của Trump.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất