Nỗi buồn trong gia đình có người đi làm thuê ở nước ngoài

Khi Gina Fabiano muốn bỏ ngôi nhà gỗ thuộc TP Rodriguez, Philippines để làm giúp việc ở Arab Saudi, các con cô đã không ngừng cầu xin mẹ đừng đi.

09:19 12/09/2024

Họ chưa bao giờ xa nhau, huống chi khoảng cách 7.000 km và trong khoảng thời gian dài. Chúng không biết sống thế nào nếu thiếu mẹ. Nhưng vào thời điểm đó, người mẹ 43 tuổi của 5 đứa trẻ cảm thấy không còn lựa chọn nào khác.

Mảnh đất nông nghiệp không còn giúp gia đình kiếm ra tiền khi một bãi rác gần đó được mở vào năm 2002. Fabiano cùng chồng làm nghề nhặt rác, sàng lọc hàng tấn rác thải nguồn từ Manila, tìm kiếm kim loại, nhựa và các đồ vật có giá trị khác để bán cho nhà máy tái chế.

Thu nhập của họ không ổn định. Gia đình chỉ kiếm được 17-34 USD mỗi tháng, đủ để mua thức ăn và trả tiền học phí cho các con. Mẹ Fabiano qua đời vào năm 2016 và với tư cách chị cả của 14 anh chị em, trong số đó có người còn đang đi học, cô phải đóng vai trò người mẹ.

"Chúng tôi không có tiền để đưa mẹ tôi đến bệnh viện", người phụ nữ đã ba năm làm giúp việc ở Trung Đông, nói. "Tôi nghĩ mẹ sẽ không qua đời nếu tôi đi nước ngoài sớm hơn". Ở Arab Saudi, cô kiếm 400 USD mỗi tháng

Năm 2016, Philippines có 2,1 triệu người làm việc ở nước ngoài. Con số này giảm trong đại dịch nhưng đã tăng lên mức kỷ lục 2,3 triệu vào năm 2023, theo Bộ Lao động Di cư Philippines.

Phần lớn lao động đến từ vùng nông thôn xa xôi, khu dân cư đô thị nghèo, nơi có rất ít cơ hội việc làm, đặc biệt là đối với những người như Fabiano, chỉ có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở.

Làm việc ở nước ngoài cho phép họ kiếm được ít nhất gấp đôi mức lương tối thiểu ở Philippines là 10 USD một ngày, nhưng đi kèm với một số chi phí khá lớn.

Với những người mẹ như Fabiano, làm việc ở nước ngoài đồng nghĩa mất đi cơ hội chứng kiến con cái lớn lên, tổ chức sinh nhật, Giáng sinh và bỏ lỡ các khoảnh khắc quan trọng như ngày đầu tiên đi học hoặc lễ tốt nghiệp.

Gia đình ở lại cũng bị vắng bóng người mà họ yêu thương, bảo vệ, điểm tựa tinh thần. Con út của Fabiano vẫn đang học mẫu giáo khi cô ra đi.

"Điều khó khăn nhất là tôi không thể chăm sóc đứa con gái duy nhất của mình", cô nói. Tất cả những gì Fabiano có thể làm là gọi điện cho con, hỏi chúng đang làm gì, ăn chưa, có đi học không? Nhưng ở Arab Saudi, cô buộc tóc, bón thức ăn, ru ngủ cho con gái gia chủ.

Ở các nước Đông Nam Á như Philippines và Indonesia, làn sóng di cư ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội việc làm và mức lương tốt hơn rất phổ biến.

Người lao động ở nước ngoài đang đóng góp rất lớn cho nền kinh tế Philippines, quốc gia mà 15,5 % trong số 117 triệu người đang sống dưới mức nghèo khổ, theo Cơ quan Thống kê Philippines năm 2023. Họ chi tiêu mức dưới 1,35 USD mỗi ngày.

Năm ngoái, theo Ngân hàng Thế giới, người lao động ở nước ngoài đã gửi về nước 40 tỷ USD, đóng góp 9,2 % GDP đất nước. Philippines là nước nhận kiều hối lớn thứ tư thế giới sau Ấn Độ 125 tỷ USD, Mexico 67 tỷ USD và Trung Quốc 50 tỷ USD.

Dòng chảy lao động nước ngoài quan trọng đối với nền kinh tế đến mức chính phủ Philippines đã ban hành nhiều chính sách khác nhau để thúc đẩy và hỗ trợ di cư. Các chính sách bao gồm bảo vệ người lao động, cải thiện phúc lợi khi họ di cư trở về.

noi buon lam thue o nuoc ngoai 1

Một khu phố nghèo đói ở Manila, Philippines. Ảnh: CNA

Ông Sutarno, người tuyển dụng lao động Indonesia ra nước ngoài, khi đồng rupiah yếu đi, nhiều quốc gia đã chuyển sang quốc gia này để tìm kiếm nguồn lao động giá rẻ.

Người dân Indonesia mất việc làm vì cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998. Dù vậy, họ vẫn không mấy quan tâm đến các công việc ở nước ngoài khá nặng nhọc như trồng hạt cọ dầu, xây dựng.

Sutarno chỉ có thể tuyển dụng được 10 người từ làng mình, Kuniran, ở vùng núi xa xôi miền Đông Java. Nhưng sau khi các lao động này gửi nhiều tiền về nhà, sự quan tâm tăng vọt chỉ sau một đêm.

"Trong vòng hai tháng, những lao động di cư có thể tiết kiệm đủ tiền để mua xe máy, điều mà chủ đồn điền thành đạt thời điểm đó cũng khó làm được", người đàn ông 69 tuổi nói. "Đột nhiên, mọi người đều muốn trở thành công nhân nhập cư".

noi buon lam thue o nuoc ngoai 1

Ông Sutarno ở làng Kuniran, tỉnh Đông Java, Indonesia. Ảnh: CNA

Kuniran là một trong nhiều ngôi làng lao động di cư ở khắp Indonesia. Ở đây, cứ hai nhà thì có ít nhất một thành viên trong gia đình đi làm nước ngoài. Theo Ngân hàng Thế giới, họ đã gửi về quê hương hơn 11 tỷ USD vào năm ngoái. Đặc điểm của làng di cư là trẻ em được ông bà, họ hàng chăm sóc thay vì cha mẹ chúng.

Suparni, 40 tuổi, ở làng Kuniran đã nuôi mộng đi làm nước ngoài khi chứng kiến chị gái, người về nhà hai năm một lần với bộ quần áo đẹp, socola, mỹ phẩm cho cả gia đình. Chị đưa bố đến cửa hàng điện tử sắm TV, tủ lạnh.

Cô trở thành công nhân nhà máy ở Malaysia trong hai năm rồi chuyển sang giúp việc tại Singapore. Sau 5 năm ở nước ngoài, Suparni trở về quê kết hôn năm 2011 và có con gái ba năm sau đó.

Nhưng cuộc sống ở Kuniran không dễ dàng. Chồng bà, ông Kusno chỉ kiếm được 7 USD mỗi ngày với công việc ngành xây dựng, chưa kể nơi làm việc xa xôi. Suparni bán rau ở chợ địa phương, lãi khoảng 4 USD mỗi ngày.

"Chúng tôi đã chi nhiều hơn số tiền kiếm được và bắt đầu nợ nần", bà nói. Năm 2017, Suparni đưa ra lựa chọn đầy khó khăn là để lại cô con gái Noni ba tuổi để trở thành người giúp việc gia đình ở Singapore lần thứ hai.

Noni đã 10 tuổi, không nhận ra mẹ mỗi khi Suparni về thăm. Cô bé gắn bó với ba và bà nội, hầu như không nghe lời mẹ. Suparni vẫn đang nỗ lực để chiếm được trái tim con gái, dù Noni không muốn nói chuyện với cô, hoặc trả lời rất ngắn gọn và lạnh lùng.

Những trường hợp như thế này rất quen thuộc với bà Anis Hidayah, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Indonesia (Komnas HAM). Bà nói gia đình không có sự quan tâm của cha lẫn mẹ, trẻ sẽ cư xử không đúng mực, học hành kém hoặc gặp rắc rối.

"Có nhiều bất cập xã hội phát sinh từ việc di cư", bà nói.

Ở Philippines, tình trạng con của những người di cư bị trầm cảm, gặp vấn đề về ma túy, đánh nhau ở trường, phạm pháp vì thiếu sự giám sát và kỷ luật, cũng phổ biến.

Maryjane Yago, 19 tuổi, nói tình trạng mình bị bắt nạt trở nên tồi tệ hơn sau khi mẹ cô rời Philippines vào năm 2020 để trở thành người giúp việc ở Arab Saudi.

Cô chỉ ngủ ở nhà mình hai hoặc ba lần mỗi tuần. Yago đã mang thai ở tuổi 17 và không thể học hết phổ thông trung học. Cô sinh một bé gái, chỉ vài tháng trước khi mẹ cô trở về Philippines vào năm 2023.

"Tôi rất sốc nhưng cố gắng tha thứ cho con", mẹ Yago, bà Gemma Yago, 47 tuổi, nói. "Tôi hối hận về việc đi nước ngoài, lẽ ra có thể chăm sóc nó tốt hơn".

Tương tự, Fabiano đã khiến các con thất vọng khi di cư sang nước ngoài. Bốn đứa con đã không thể học hết trung học phổ thông, bà đang nỗ lực để con út không theo vết xe đổ của các anh.

"Khi đi nước ngoài, ước mơ của tôi là cho chúng hoàn thành việc học", bà nói. "Nhưng giờ đây, tôi nhận ra đó không phải là câu trả lời thỏa đáng".

VnExpress (Theo CNA)

Tags:
Nhiều người đổ xô mua thực phẩm, bếp gas vì sợ lụt

Nhiều người đổ xô mua thực phẩm, bếp gas vì sợ lụt

Nghe tin báo động lũ trên sông Hồng, Ngọc Trang từ công ty ở quận Cầu Giấy vội về siêu thị gần nhà để mua bếp gas mini, trưa 10/9.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất