'Nội chiến' tranh giành tài sản của gia tộc Trump

Cuối năm 1990, khi liên tiếp kinh doanh thua lỗ, Trump đã tìm cách "thâu tóm" tài sản thừa kế của bố và nội chiến gia đình bắt đầu.

10:00 12/10/2020

"Đây là một giai đoạn cực kỳ tồi tệ và vì bất cứ điều gì mà tôi không thể thoát ra được, điều này sẽ cho tôi thêm niềm tin để bảo vệ số tiền đó", Donald Trump từng nói về khoản thừa kế từ người bố giàu có Fred Trump Sr., khi đó 85 tuổi và là người xây dựng đế chế bất động sản trị giá hàng trăm triệu USD, trong vụ kiện tụng về quyền thừa kế năm 2000 để giải thích lý do ông nảy ra ý tưởng sửa đổi di chúc.

Hệ thống casino của Trump vào thời điểm đó đang trong tình trạng kiệt quệ tài chính, theo báo cáo của cơ quan quản lý New Jersey, trong khi hãng hàng không Trump Shuttle thua lỗ hàng triệu USD mỗi tháng và dự án siêu sòng bài mới nhất của ông, viên ngọc quý Taj Mahal, đang tước đoạt công việc kinh doanh của nhiều sòng bài khác.

Trump đã cố thuyết phục các ngân hàng cấp cho ông khoản tín dụng trị giá 100 triệu USD, ông từng tiết lộ trong bài phỏng vấn về cuốn tiểu sử "Trump Revealed". Nhưng nguy cơ phá sản vẫn chưa quá rõ ràng và Trump đã tìm kiếm giúp đỡ từ nhiều ngân hàng hơn, một trong số đó sau này nói với Washington Post rằng họ cho Trump vay tiền chỉ vì nếu ông ấy phá sản, họ cũng có thể bị ảnh hưởng.

Các khoản nợ của Trump không ngừng tăng lên và ông thậm chí phải phụ thuộc nhiều hơn vào bố, người thường xuyên "cứu vớt" mình. Fred Trump Sr. đã cử luật sư mang tấm séc 3,35 triệu USD tới một trong số sòng bạc của con trai.

Donald Trump (trái) và nói chuyện với bố Fred Trump Sr. (giữa), mẹ và chị gái tại buổi khai trương sòng bạc Taj Mahal ở thành phố Atlantic, bang New Jersey năm 1990. Ảnh: AP.
Donald Trump (trái) và nói chuyện với bố Fred Trump Sr. (giữa), mẹ và chị gái tại buổi khai trương sòng bạc Taj Mahal ở thành phố Atlantic, bang New Jersey năm 1990. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, số tiền này chưa đủ để cứu công việc kinh doanh của Trump. Ông phải đối mặt với 6 vụ phá sản liên tiếp sau đó. Lo sợ tài sản thừa kế tương lai bị chiếm mất, Donald Trump đã lên kế hoạch sửa đổi di chúc của bố.

Mặc dù Trump được cho là người được thực hiện chính trong bản di chúc đầu tiên, kế hoạch sửa đổi sẽ giúp tăng thêm vai trò của ông, cháu gái Trump, Mary, tiết lộ trong cuốn hồi ký của mình. Cô viết rằng sửa đổi này khiến các anh chị em của Trump phải phụ thuộc vào sự chấp thuận của ông dù là khoản giao dịch nhỏ nhất.

"Sửa đổi giúp Donald Trump có thẩm quyền lớn hơn so với bản di chúc gốc. Về cơ bản nó giúp ông ấy có toàn quyền làm bất kỳ điều gì ông ấy muốn để vận hàng các doanh nghiệp này, đồng thời sử dụng bất động sản và tài sản ủy thác cho mục đích đó", Don Novick, chuyên gia về luật bất động sản New York ở công ty luật Novick & Associates, nói.

Sửa đổi di chúc, được NYTimes báo cáo năm 2018 như một phần của cuộc điều tra về các biện pháp trốn thuế của gia đình Trump, cũng nhằm bảo vệ tài sản thừa kế của Trump khỏi bị các chủ nợ và Ivana, vợ đầu tiên của Trump và người muốn đòi hàng tỷ USD cho vụ ly hôn.

Trump và Ivana đã hoàn tất thủ tục ly hôn vào tháng 12/1990. Ivana ban đầu đòi nhận 2,5 tỷ USD, nửa số tài sản ước tính của Trump, nhưng luật sư của ông nói rằng thỏa thuận tiền hôn nhân chỉ cho phép bà nhận được 1% tài sản của ông. Cuối cùng hai bên đã đạt được thỏa thuận, nhưng không được công bố chi tiết.

Donald Trump khi đó yêu cầu luật sư Peter Valente thực hiện sửa đổi di chúc. Sau đó, thay vì đề xuất sửa đổi với Fred Trump Sr, Trump nói trong vụ kiện năm 2000 rằng ông đã cử hai cộng sự thân tín nhất của bố, gồm luật sư Irwin Durben và kế toán Jack Mitnick, trình bày về kế hoạch sửa đổi vào tháng 12/1990.

Durban đã qua đời năm 2016, trong khi Mitnick từ chối bình luận.

Khi Durban và Mitnick mang bản di chúc sửa đổi tới cho Fred Trump Sr để xin chữ ký, mẹ của Trump, bà Mary MacLeod Trump, đã xem tài liệu và nói với chồng "Ông đừng ký bất kỳ cái gì cho tới khi tôi đọc nó", theo đoạn ghi âm của chị gái Trump, bà Maryanne Trump Barry.

Sau khi Fred Trump Sr. từ chối ký, ông gọi cho Barry đến gặp, cho bà thấy bản di chúc sửa đổi và nói rằng ông khó chịu với cách Donald Trump dùng hai trợ lý thân tín để yêu cầu ông ký, theo lời của Barry năm 2000.

Barry thêm rằng khi bà và bố thảo luận về tài liệu này, họ nhận thấy nó có nghĩa "Donald, với vai trò là người thực thi và được ủy thác, là người duy nhất kiểm soát mọi thứ, như có thể bán và làm mọi điều ông ấy muốn với số tài sản này".

"Bố tôi rất khó chịu khi điều này được thực hiện sau lưng ông dù ông không ủy quyền, đồng thời ông không hề biết họ sẽ đưa cho ông ký", Barry nói thêm.

Nhiều năm sau, Trump, người hiếm khi thừa nhận sai lầm, đã nói rằng "tôi tự trách mình" vì cách đã làm để thay đổi di chúc.

"Bố tôi đã không vui về điều đó. Bố tôi khi đó rất minh mẫn và muốn biết luật sư này là ai. Ông ấy muốn đọc tài liệu đó, muốn hiểu rõ nó và cuối cùng ông có lẽ chỉ không thích ý tưởng này, hoặc cách nó được đưa ra hoặc chỉ muốn xem xét lại toàn bộ tình hình", Trump nói trong lời khai năm 2000.

Tới mùa xuân năm 1991, Fred Trump Sr. thay đổi di chúc mới, trong đó nêu rõ Donald Trump là người đồng quản lý số tài sản, cùng với chị gái Maryanne và em trai Robert. Hai người anh chị còn lại của Trump gồm anh trai Fred Jr., qua đời vì căn bệnh liên quan tới rượu năm 1981, và chị gái Elizabeth, không nằm trong danh sách thực thi di chúc của Fred Trump Sr.

Tuy nhiên, vấn đề mới xuất hiện sau đó là hai con của Fred Trump Jr., gồm Mary và Fred III, đòi quyền thừa kế. Hai con của Fred Jr. năm 2000 đã tranh luận trước tòa rằng ông nội Fred Trump Sr. không còn minh mẫn khi Donald cùng anh em trong nhà tìm cách thay đổi di chúc vào tháng 9/1991, khiến họ không được hưởng thừa kế.

Để củng cố tuyên bố của mình, họ thu thập hồ sơ y tế và nhiều giấy tờ khác chứng minh Fred Trump Sr. bị suy giảm nhận thức. Mary nói trong một bản khai rằng ông nội đã bị chứng "mất trí nhớ do tuổi già" và cáo buộc di chúc là "sản phẩm của việc gây sức ép quá mức" từ Donald Trump và anh chị em của ông.

Robert Trump, em trai út của Trump, nói rằng bố của họ đã bị "suy giảm đáng kể" về khả năng nhận thức từ năm 1990, thời điểm Donald Trump muốn ông ký bản di chúc sửa đổi.

Tới tháng 10/1991, Fred Trump Sr. đã tới gặp bác sĩ riêng C. Ronald MacKenzie. Bác sĩ đã viết trong báo cáo rằng ông bị "suy giảm trí nhớ đáng kể" và có "dấu hiệu sớm của chứng sa sút trí tuệ". MacKenzie cũng viết trong lưu ý rằng Sr. "rõ ràng đã suy giảm trí nhớ trong vài năm gần đây". Bác sĩ MacKenzie từ chối bình luận về thông tin này.

Tháng 2/1992, Fred Trump Sr đã trải qua bài đánh giá tâm lý học thần kinh do bác sĩ Rajendra Jutagir thực hiện. Bác sĩ này viết trong báo cáo rằng Sr. "không nhớ ngày sinh của mình, không biết chắc mình bao nhiêu tuổi và phải nhờ tới con trai Robert để trả lời một số câu hỏi".

Bài kiểm tra của Jutagir cho thấy khả năng nhận thức của ông Trump Sr. thấp hơn nhiều so với người trong cùng độ tuổi, khi ông không thể nhớ điều mình nói trước đó 30 phút, báo cáo cho biết. Ông cũng chỉ có thể nhớ được ba trong số 6 tổng thống gần đây nhất của Mỹ. Sau khi đọc một câu chuyện, ông chỉ có thể nhớ một trong số 23 chi tiết. Tuy nhiên Washington Post không thể liên lạc với Jutagir để yêu cầu bình luận về thông tin này.

Robert Trump, Elizabeth Trump, Fred Trump Jr., Donald Trump và Maryanne Trump, từ trái qua phải, trong bức ảnh gia đình không ghi thời điểm chụp. Ảnh: Trump family.
Robert Trump, Elizabeth Trump, Fred Trump Jr., Donald Trump và Maryanne Trump, từ trái qua phải, trong bức ảnh gia đình không ghi thời điểm chụp. Ảnh: Trump family.

Bỏ qua toàn bộ thông tin này, Donald Trump vẫn khẳng định trong lời khai ở tòa rằng ông chưa từng thấy hoặc nghe chứng cứ nào về việc bố bị suy giảm trí tuệ vào thời điểm đó. Khi được hỏi về vấn đề này trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump nói với chương trình "The Dr. Oz Show" rằng bố ông chỉ xuất hiện dấu hiệu bệnh Alzheimer "vài năm" trước khi qua đời năm 1999.

Mary Trump nói trong bản khai vụ kiện năm 2000 rằng những người thừa kế của ông nội, bao gồm Donald, đã "nói dối" về tình trạng sức khỏe của Fred Trump Sr và ép buộc ông tước quyền thừa kế của cô và em trai.

Trump và em trai Robert sau đó đã nỗ lực chống lại vụ kiện của Mary và Fred III, bằng cách rút dịch vụ chăm sóc y tế dành cho William, con trai bị bại não của Fred III. Trả lời phỏng vấn của New York Daily News sau đó, Trump nói sau khi bị Mary và Fred III kiện về quyền thừa kế, ông tự hỏi "Tại sao chúng tôi phải trang trải chi phí y tế cho William?".

Cuối cùng, vụ kiện được dàn xếp, Mary và Fred III đồng ý ký vào các thỏa thuận bí mật.

Nhưng Mary nói rằng năm nay cô quyết định không muốn duy trì thỏa thuận bí mật khi biết giá trị thật của số tài sản trên. Dựa theo hồ sơ cung cấp cho NYTimes, Mary cho biết giá trị tài sản của ông nội cô thực tế là gần một tỷ USD chứ không phải 30 triệu. Mary cho biết cô đã bí mật ghi âm các cuộc nói chuyện với người cô ruột Maryanne để thu thập bằng chứng.

Một trong số trợ lý giấu tên của Fred Trump Sr. đã tiết lộ về cuộc phân chia tài sản của gia tộc Trump. Năm 1991, cố vấn này cho biết đã đề nghị Fred Trump Sr. cân nhắc việc chia sẻ quyền thừa kế với Mary Trump và em trai. "Ông có lẽ nên thêm người thừa kế để tránh hậu họa trong tương lai". Tuy nhiên, Trump Sr. đã bỏ ngoài tai lời khuyên của ông.

Gần 30 năm sau, Mary Trump, người vẫn phẫn nộ về cuộc chiến tranh giành thừa kế của gia đình và bất đồng quan điểm chính trị với người chú Donald Trump, đã xuất bản cuốn sách với tựa đề "Quá nhiều và Không bao giờ đủ".

Tags:
Hai hướng chính sách của Mỹ với Việt Nam sau bầu cử tổng thống

Hai hướng chính sách của Mỹ với Việt Nam sau bầu cử tổng thống

Mỹ có thể thúc đẩy hai hướng hợp tác khác nhau với Việt Nam, tuỳ thuộc vào việc Trump hay Biden trở thành tân tổng thống, theo các chuyên gia.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất