Nơi điều trị đặc biệt 13 người Mỹ nhiễm nCoV

13 người Mỹ nhiễm virus corona trên Diamond Princess lập tức được chuyển tới trung tâm điều trị đặc biệt ở bang Nebraska sau khi xuống máy bay.

23:30 19/02/2020

Nhiều năm sau vụ khủng bố 11/9, giới chức Trung tâm Y tế bang Nebraska đã hình dung ra thời điểm Mỹ cần một trung tâm điều trị lớn và an toàn để chống lại mối đe dọa từ khủng bố sinh học và bệnh truyền nhiễm. Họ đã chi một triệu đô để biến một khu trống của bệnh viện này thành khu điều trị sinh học đặc biệt có 10 giường bệnh, với tường bê tông, hệ thống lọc khí và có thể kết nối video trực tiếp đến phòng trực của y bác sĩ.

Sau đó, họ chờ đợi. 

Khu điều trị này chưa từng tiếp nhận bệnh nhân cho tới thời điểm dịch Ebola bùng phát năm 2014. Nó đã trở thành trung tâm điều trị chính cho những người Mỹ bị nhiễm loại virus chết người trở về từ Tây Phi. Y tá mang kính bảo hộ, bộ đồ chống nước và ba đôi găng tay y tế khi điều trị cho ba bệnh nhân nhiễm Ebola. Khi mối đe dọa lắng xuống, đơn vị này lại trở nên vắng vẻ và chỉ được trưng dụng làm nơi đào tạo hoặc lên kế hoạch.

Nhưng giờ đây, bệnh viện ở thành phố Omaha một lần nữa góp vai trò quan trọng để ứng phó với tình huống khẩn cấp của y tế toàn cầu. 13 người Mỹ nhiễm virus nCoV trên du thuyền ở Nhật Bản đã được đưa lên máy bay về nước và chuyển tới đây để kiểm tra tình trạng sức khỏe hôm 18/2.

Cảnh sát hộ tống xe chở 13 người nhiễm bệnh tới Trung tâm Y tế Nebraska, thành phố Omaha, bang Nebraska hôm 18/2. Ảnh: AP.

Cảnh sát hộ tống xe chở 13 người nhiễm bệnh tới Trung tâm Y tế Nebraska, thành phố Omaha, bang Nebraska hôm 18/2. Ảnh: AP.

Bên cạnh khu điều trị sinh học, bệnh viện này còn có khu cách ly liên bang duy nhất tại Mỹ. "Chúng tôi tiến hành rất nhiều nghiên cứu về các lĩnh vực này", Tiến sĩ Jeffrey P. Gold, người đứng đầu Trung tâm Y tế Đại học Nebraska, nói về nghiên cứu trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm và biện pháp đối phó với vũ khí hủy diệt hàng loạt.

"Không ai mong muốn nhưng nếu một nhân viên tiếp xúc với người nhiễm bệnh và tệ hơn là bị lây nhiễm virus, bạn phải để họ ở đâu? Bạn không thể gọi tới bệnh viện địa phương rồi nói 'Tôi vừa có người nhiễm bệnh, hãy sắp xếp giường bệnh nhé'. Bạn cần các cơ sở có thể đảm đương mọi thứ, từ xử lý không khí, nước cho tới vấn đề phức tạp của xử lý chất thải", tiến sĩ Gold nói.

Giới chức bệnh viện hôm 19/2 nói rằng họ đang đợi kết quả xét nghiệm bổ sung nhưng dự đoán gần như tất cả 13 người đều nhiễm nCoV. Dịch Covid-19 do loại virus này gây ra khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và hiện khiến hàng chục nghìn người nhiễm bệnh tại hơn 20 quốc gia. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm nCoV ở các nước bên ngoài Trung Quốc vẫn ở mức thấp và dịch cúm mùa vẫn được xem là mối đe dọa cấp thiết hơn virus corona.

Trước khi được chuyển đến Omaha, 13 bệnh nhân bị mắc kẹt nhiều ngày trên du thuyền ở cảng Yokohama, Nhật Bản. Thời điểm giới chức chuẩn bị đưa công dân Mỹ rời tàu, đại sứ quán Mỹ ở Tokyo nói với hành khách rằng người bị nhiễm virus không được phép lên máy bay về nước. Nhưng quyết định trên được thay đổi vào phút cuối cuộc di tản hôm 18/2.

13 người nhiễm vẫn được phép lên máy bay tới cơ sở quân sự ở CaliforniaTexas. Sau đó họ sẽ tiếp tục được kiểm tra sức khỏe ở Omaha, cùng với vợ hoặc chồng của họ. Nhóm người này về tới Omaha vào sáng 18/2 và lên xe buýt đến Trung tâm Y tế Nebraska với sự hộ tống của cảnh sát.

Mike Wadman, giám đốc trung tâm cách ly quốc gia Mỹ, cho biết nhóm hành khách được đưa tới đây rất lạc quan và vui vẻ vì được hít thở chút không khí trong lành khi xuống máy bay. Ông thêm rằng vài người trong số họ đã phải ở trong phòng và không được ra ngoài suốt nhiều ngày trên du thuyền.

Hiện có ít nhất hai người bị nhiễm bệnh nặng hơn được theo dõi tại khu điều trị sinh học ở tầng 7 của bệnh viện, nơi từng điều trị bệnh nhân Ebola năm 2014. Nó giống như phòng bệnh thông thường nhưng được trang bị thêm công nghệ đặc biệt, bao gồm cửa ngăn thoát khí và khu vực riêng để bác sĩ, y tá tắm gội và thay đồ.

Những người còn lại hiện ở khu cách ly có 20 giường, được mở năm ngoái và là một phần của Trung tâm Y tế Đại học Nebraska. Các căn phòng ở đây trông giống ký túc xá thông thường: tường màu be, giường đơn và đồ nội thất gỗ. Mỗi phòng đều được trang bị thiết bị như máy chạy bộ hoặc xe đạp tập thể dục, nhằm giúp bệnh nhân có thể vận động khi sức khỏe được cải thiện. Với những người có kết quả xét nghiệm bổ sung là âm tính, họ vẫn phải tiếp tục cách ly ở đây trong 14 ngày, trong khi người nhiễm virus sẽ ở tới khi nào khỏi bệnh.

Người Mỹ trở về từ du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản về tới sân bay Eppley, thành phố Omaha, bang Nebraska hôm 18/2. Ảnh: AP.

Người Mỹ trở về từ du thuyền Diamond Princess ở Nhật Bản về tới sân bay Eppley, thành phố Omaha, bang Nebraska hôm 18/2. Ảnh: AP.

Giới chức ở đây dự định cung cấp sách và trò chơi điện tử cho người có nhu cầu, tương tự những gì đã làm cho nhóm 57 người trở về từ Vũ Hán được cách ly ở cơ quân sự bên ngoài thành phố Omaha. Taylor Wison, phát ngôn viên cơ quan y tế bang Nebraska, cho biết họ đã chấp thuận yêu cầu mượn đàn guitar của một bệnh nhân, nhưng từ chối cung cấp trò điện tử Twister vì thấy "không phải hoạt động phù hợp trong thời gian cách ly".

Để giảm bớt cảm giác bị cô lập, bệnh nhân tại khu điều trị sinh học cũng có thể sử dụng công nghệ video được kết nối tới một phòng cách ly khác. Theo đó, bệnh nhân và người thân có thể gặp nhau mà không lo bị lây nhiễm virus.

"Tôi nhớ khi chúng tôi điều trị cho bệnh nhân Ebola, gia đình của họ thường đến đây. Họ đọc chuyện cho con nghe và cầu nguyện cùng vợ. Điều đó thực sự cảm động", tiến sĩ Gold kể.

Nguồn: VnExpress.net

Link nguồn: https://vnexpress.net/the-gioi/noi-dieu-tri-dac-biet-13-nguoi-my-nhiem-ncov-4057180.html

Tags:
Người Mỹ gốc Á bị kỳ thị vì nỗi sợ nCoV

Người Mỹ gốc Á bị kỳ thị vì nỗi sợ nCoV

Phố người Hoa ở thành phố Chicago vẫn rực rỡ đèn lồng đỏ nhưng quạnh hiu, chỉ một tiếng ho cũng khiến mọi người hoảng loạn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất