'Nỗi hổ thẹn' vaccine khiến Trump trút giận lên FDA
FDA dường như trở thành "con dê tế thần" khi Trump tức giận vì "nước Mỹ trên hết" lại về sau trong cuộc đua vaccine Covid-19.
02:00 03/12/2020
Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows hôm 1/12 triệu tập Stephen Hahn, giám đốc Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), để chất vấn việc cơ quan này không đẩy nhanh quá trình cấp phép cho vaccine Covid-19 do hãng dược phẩm Pfizer hợp tác phát triển cùng BioNTech của Đức, khi nó đã được ghi nhận hiệu quả tới 95%. Loại vaccine Covid-19 tiềm năng của hãng công nghệ sinh học Mỹ Moderna cũng đã đạt hiệu quả ấn tượng tương tự.
Tin tức về việc Anh chuẩn bị cấp phép cho một loại vaccine Covid-19, trong khi FDA phải tới ngày 10/12 mới tổ chức họp để thảo luận về yêu cầu phê duyệt vaccine khẩn cấp, càng "chọc giận" , bởi họ coi việc "cán đích" đầu tiên trong cuộc chạy đua vaccine Covid-19 là yếu tố quan trọng trong di sản của Tổng thống Donald Trump.
"Thật điên rồ khi tưởng tượng Liên minh châu Âu (EU) hoặc Anh có thể phê duyệt một loại vaccine được phát triển tại Mỹ trước cả chúng tôi, phải không?", một quan chức cấp cao giấu tên trong chính phủ Mỹ cho hay.
Trên thực tế, Anh hôm nay trở thành nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và cho biết nó sẽ được sử dụng ở nước này từ tuần tới, với ưu tiên dành cho cư dân tại các viện dưỡng lão, nhân viên y tế và chăm sóc sức khỏe.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Giám đốc FDA Stephen Hahn trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 19/3. Ảnh: AP.
Quá trình phát triển và cấp phép vaccine tại Mỹ được cho là đang chịu ảnh hưởng từ những tranh cãi chính trị chồng chéo. Sau khi Pfizer thông báo vaccine Covid-19 của họ đạt hiệu quả hơn 90% hôm 9/11, chỉ 5 ngày sau cuộc bầu cử tổng thống, Trump cáo buộc "thế lực y tế ngầm" đã cố tình phá hoại triển vọng tái đắc cử của ông bằng cách trì hoãn công bố kết quả thử nghiệm vaccine.
"FDA đáng lẽ nên công bố kết quả sớm hơn, không phải vì mục đích chính trị, mà để cứu người. Họ và phe Dân chủ không muốn tôi có một vaccine chiến thắng trước ngày bầu cử, nên nó đã được công bố 5 ngày sau đó", Trump viết trên Twitter.
Theo một quan chức giấu tên, Trump đã gọi điện cho giám đốc FDA Hahn ngay trước khi đăng dòng tweet trên và "hét vào mặt ông ấy". Những quan chức cấp cao khác thuộc chính quyền Trump dường như cũng trút nỗi tức giận vì thất bại trong cuộc bầu cử lên "con dê tế thần" FDA.
Trong cuộc họp của nhóm chuyên trách Covid-19 Nhà Trắng không lâu sau khi kết quả thử nghiệm vaccine của Pfizer được công bố, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar được cho là đã tranh cãi gay gắt với Hahn ngay trước mặt Phó tổng thống Mike Pence, quả quyết rằng FDA khiến thông báo của Pfizer bị chậm trễ, trong khi Hahn giải thích thời điểm công bố hoàn toàn phụ thuộc vào Pfizer. Theo một số quan chức giấu tên, Bộ trưởng Azar còn ám chỉ thông báo của Pfizer bị ảnh hưởng bởi động cơ chính trị.
Hôm 30/11, Azar tiếp tục triệu tập cuộc họp với Hahn và một số quan chức y tế cấp cao, bao gồm Peter Marks, lãnh đạo đơn vị phụ trách phê chuẩn vaccine và phương pháp điều trị của FDA. Kể từ tháng 10, Bộ trưởng Y tế Mỹ đã tổ chức một loạt cuộc họp tương tự.
"Azar giờ đây có vẻ không còn bận tâm đến thẩm quyền của Hahn. Ông ấy hỏi những câu mà Hahn đáng lẽ nên hỏi. Ngược lại, có những vấn đề mà Hahn, với tư cách giám đốc FDA, nên thắc mắc, nhưng ông ấy vẫn im lặng", một quan chức cấp cao giấu tên trong Bộ Y tế Mỹ tiết lộ.
Trong cuộc họp tại Nhà Trắng một ngày sau, Hahn tiếp tục bị các thân tín của Trump chất vấn về công việc của ông. Theo Axios, Chánh văn phòng Meadows muốn làm rõ lý do Hahn dành một tuần làm việc từ xa ở Bắc Carolina vào giữa tháng 11, ám chỉ Giám đốc FDA đã đi nghỉ phép vào thời điểm quan trọng cần phê duyệt vaccine.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Michael Felberbaum của FDA giải thích rằng chuyến đi này không phải kỳ nghỉ, mà là Hahn "bị cách ly để phòng ngừa vì có khả năng đã phơi nhiễm Covid-19". "Tiến sĩ Hahn chọn một điểm xa xôi để cách ly và ông vẫn tiếp tục làm việc, như những gì ông đã làm suốt đại dịch", Felberbaum nói.
Một số câu hỏi mà giới chức Nhà Trắng đặt ra cho FDA phản ánh mối lo ngại của nhiều chuyên gia y tế bên ngoài, những người cũng thúc giục cấp phép vaccine Covid-19 trong bối cảnh tình hình đại dịch ngày càng trầm trọng.
"Mỗi ngày trôi qua là 2.000 người chết. Tôi không biết còn trường hợp nào khác mà quá trình chờ đợi cấp phép lại ảnh hưởng tới tỷ lệ tử vong lớn đến vậy. Những tác động sâu rộng về y tế sẽ xuất hiện nếu gạt vấn đề chính trị sang một bên", Walid Gellad, giám đốc Trung tâm Kê đơn và Chính sách Dược phẩm thuộc Đại học Pittsburgh, nêu ý kiến.
Gellad cho rằng FDA bị cản trở bởi quyết định do chính họ đưa ra hồi tháng 10, yêu cầu các hãng sản xuất dược phẩm cung cấp dữ liệu an toàn được ghi nhận trong hai tháng trước khi nộp đơn xin sử dụng vaccine khẩn cấp. "Đôi khi trong một cuộc khủng hoảng, bạn có lẽ phải đơn giản hóa quy trình", ông nói.
Một số quan chức trong chính quyền Trump cũng cho rằng Hahn đáng lẽ nên tìm cách cắt giảm thủ tục hành chính, thay vì tạo thêm rào cản, như quyết định yêu cầu hãng dược cung cấp thêm dữ liệu trước khi cấp phép. Tuy nhiên, giới chức FDA nhấn mạnh họ đang vừa tuân theo khoa học, vừa hành động càng nhanh càng tốt, giải thích rằng việc xem xét dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của loại vaccine sẽ tiêm cho hàng trăm triệu người là vô cùng cần thiết.
Hahn cùng các quan chức hàng đầu của FDA còn tiến hành các bước nhằm giúp việc xem xét vaccine minh bạch nhất có thể, bất chấp những cuộc khảo sát cho thấy khoảng 40% người Mỹ ngần ngại tiêm vaccine Covid-19, một phần bởi lo ngại quá trình phát triển và đánh giá vaccine đã bị chính trị hóa.
Giới chức FDA dường như cũng ý thức được cơn thịnh nộ ngày càng sâu sắc từ Nhà Trắng. Trong những tuần gần đây, Hahn, người bị chất vấn suốt thời gian qua, đã bàn giao phần lớn công việc quản lý quy trình đánh giá vaccine cho các nhân viên kỳ cựu do Marks dẫn dắt.
Cách tiếp cận này được cho là nhằm xây dựng lòng tin của công chúng với vaccine, đồng thời bảo vệ các nhà khoa học khỏi áp lực chính trị. Tuy nhiên, điều đó lại khiến uy tín của Hahn trong Nhà Trắng bị suy giảm, khi các quan chức phàn nàn ông chỉ khiến họ khó đánh giá quy trình của FDA hơn.
"Hahn nhận thức được rằng sự ủng hộ dành cho mình không mạnh mẽ và ông bị đặt vào tình thế đầy rủi ro kể từ tháng 10", chuyên gia y tế Eric Topol, người từng trò chuyện với Hahn, cho biết, nói thêm rằng giám đốc FDA lo ngại cuộc gặp với Meadows hôm 1/12 sẽ kết thúc bằng lệnh sa thải, nhưng ông vẫn kiên quyết không khuất phục trước áp lực đẩy nhanh quá trình cấp phép.
Trên thực tế, nỗ lực phát triển vaccine của Mỹ đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, khi liều đầu tiên được cho phép tiêm chưa đầy một năm sau khi trình tự gene của nCoV được chia sẻ. Tính đến thời điểm này, loại vaccine được phát triển nhanh nhất là dành cho bệnh quai bị, mất tới 4 năm để ra thị trường. Quá trình xem xét phê duyệt vaccine của FDA thường được tiến hành trong 10 tháng.
Thêm vào đó, tình hình tồi tệ của đại dịch tại Mỹ là do nhiều yếu tố kết hợp gây ra, như việc người dân phớt lờ hướng dẫn y tế. Vì vậy, nhiều chuyên gia lưu ý ngay cả khi FDA vội vã cấp phép cho vaccine sớm hơn, điều này cũng khó có thể tạo ra bước ngoặt ngay lập tức.
"Chúng tôi đương nhiên đang làm việc suốt ngày đêm và ý thức rõ trách nhiệm phải hành động nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng phải đảm bảo bất cứ vaccine nào được cấp phép cũng đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn và hiệu quả", Hahn phát biểu trong cuộc điện đàm do Nhà Trắng tổ chức hôm 30/11.
Theo: Vnexpress
Tổng thống Trump tính đường tương lai
Mặc dù vẫn tiếp tục cuộc chiến pháp lý liên quan kết quả bầu cử năm nay nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang có những tính toán cho cuộc bầu cử sau 4 năm nữa.