Nỗi lo bị rơi vào tầm ngắm của các nhà khoa học gốc Hoa ở Mỹ

Hồi tháng 5, nhóm nghiên cứu khoa học thần kinh của vợ chồng Li Xiaojiang và Li Shihua bị Đại học Emory ở Georgia, Mỹ sa thải sau khi cáo buộc họ không công khai khoản tài trợ từ Trung Quốc. Hồi tháng 4, Trung tâm Ung thư MD Anderson ở Houston sa thải ba nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa bị cáo buộc do thám cho Bắc Kinh.

13:00 04/07/2019

Hồi tháng 5, nhóm nghiên cứu khoa học thần kinh của vợ chồng Li Xiaojiang và Li Shihua bị Đại học Emory ở Georgia, Mỹ sa thải sau khi cáo buộc họ không công khai khoản tài trợ từ Trung Quốc. Hồi tháng 4, Trung tâm Ung thư MD Anderson ở Houston sa thải ba nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa bị cáo buộc do thám cho Bắc Kinh.

Những người khác nói rằng họ từng bị FBI gọi điện hay tra hỏi dù không bị cáo buộc hành vi phạm tội nào. Các học giả Trung Quốc thỉnh giảng tại đại học Mỹ và các sinh viên chuyên ngành khoa học đang phải đối mặt với quy trình thị thực thắt chặt.

Những động thái này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trở nên căng thẳng do chiến tranh thương mại. Các chuyên gia quốc tế cho rằng hai nước đang lâm vào một cuộc “cạnh tranh chiến lược” không chỉ trên lịch vực thương mại, mà nó đã lan sang mặt trận công nghệ, giáo dục, địa chính trị.

“Những gì xảy ra với MD Anderson và Đại học Emory thật đáng lo ngại”, Xiaoxing Xi, cựu chủ tịch khoa vật lý tại Đại học Temple ở Philadelphia, công dân Mỹ sống ở nước này từ năm 1989, nói. “Tất cả bắt nguồn từ việc FBI có thể truy cập vào tài khoản email của các nhà khoa học gốc Hoa”.

Ông Xi nói về trải nghiệm của chính mình: tháng 5/2015, ông bị bắt tại khu vực ngoại ô Philadelphia với cáo buộc ăn cắp bí mật chất siêu dẫn cho Trung Quốc. Cáo buộc bị rút lại 4 tháng sau vì thiếu bằng chứng, nhưng ông Xi tiếp tục chịu hậu quả từ “vết nhơ” gây ra bởi cáo buộc sai và ông đã mất phần lớn tài trợ của chính phủ Mỹ cho các dự án nghiên cứu.

Một số trường hợp tương tự đã xảy ra. Sherry Chen bị sa thải khỏi Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ vì bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc nhưng cáo buộc bị rút vào tháng 3/2015. Guoqing Cao và Shuyu Li, các nhà sinh vật học cao cấp tại Eli Lilly & Company, bị buộc tội ăn cắp bí mật thương mại nhưng cáo buộc bị rút vào tháng 12/2014.

“Việc chính quyền nhắm mục tiêu vào các nhà khoa học gốc Hoa là hành vi lấy chủng tộc làm căn cứ để nghi ngờ ai đó phạm tội”, Xi nói thêm.

Fred Yan, chủ tịch tổ chức phi chính phủ Hiệp hội Khoa học và Công nghệ gốc Hoa ở Mỹ, cho biết FBI yêu cầu các thành viên của tổ chức báo cáo nếu thấy người quen có hành vi khả nghi. “Điều này làm cho cộng đồng người Mỹ gốc Hoa cảm thấy không thoải mái”, Yan nói.

Trung Quốc có tham vọng trỗi dậy về công nghệ, còn Mỹ lo ngại Bắc Kinh cố gắng đạt được mục tiêu đó bằng cách đánh cắp công nghệ Mỹ. Nhà Trắng đã nêu ra một số ước tính rằng hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc khiến kinh tế Mỹ thiệt hại tới 600 tỷ USD mỗi năm.

Hồi tháng hai, giám đốc FBI Christopher Wray phát biểu trong một phiên điều trần của quốc hội rằng “Trung Quốc đang lợi dụng môi trường nghiên cứu và phát triển cởi mở của chúng ta”.

“Mỹ có môi trường nghiên cứu cởi mở vì sự hợp tác đã giúp họ đạt tiến bộ và đưa Mỹ trở thành điểm đến nghiên cứu khoa học tốt nhất thế giới”, Xi nói về bình luận của Wray. Ông cảnh báo rằng nếu cộng đồng nhà khoa học gốc Hoa tiếp tục bị nhắm mục tiêu vô cớ, việc đó sẽ gây tổn hại cho khoa học và công nghệ Mỹ.

Ngày 1/11/2018, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions công bố Sáng kiến Trung Quốc để xử lý các vụ án gián điệp kinh tế. Đồng thời, họ cáo buộc ba cá nhân và hai công ty do Trung Quốc hậu thuẫn trộm cắp bí mật thương mại.

Sáng kiến này cũng nhắm vào một chương trình của Trung Quốc có tên là Kế hoạch Hàng nghìn Nhân tài, được thiết kế để thu hút các chuyên gia từ các trường đại học và công ty phương Tây quay trở lại Trung Quốc.

Sessions cho biết sáng kiến “nhằm xác định các vụ trộm cắp bí mật thương mại, đảm bảo chúng ta có đủ bằng chứng để buộc tội, xử lý một cách nhanh chóng và hiệu quả”.

Tuy nhiên, một số người bày tỏ lo ngại về quy trình. “Các nhân viên FBI không thực sự hiểu về khoa học”, Peter Zeidenberg, từ công ty luật Arent Fox, nói.

Xiaoxing Xi tại Viện Trung Quốc ở New York tuần trước. Ảnh: Viện Trung Quốc.

Xiaoxing Xi tại Viện Trung Quốc ở New York tuần trước. Ảnh: Viện Trung Quốc.

Cộng đồng người Mỹ gốc Hoa đang bắt đầu tìm cách tự bảo vệ mình. Nhóm Người Mỹ gốc Hoa Đoàn kết (UCA) đã vận động thành công 13 trường đại học hàng đầu của Mỹ, bao gồm Yale, Columbia và Stanford, đưa ra tuyên bố ủng hộ các nhà khoa học Mỹ gốc Hoa.

Tuy nhiên, Yiguang Ju, giáo sư kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ tại Đại học Princeton, cho biết các các học giả ở đây vẫn cảm thấy bất an. “Bạn không biết ranh giới là ở đâu, liệu bạn có vượt qua ranh giới, từ ‘tự do học thuật’ sang ‘ảnh hưởng của nước ngoài’ hay không”, Ju nói.

Cuối tuần trước, NPR đưa tin rằng các cơ quan tình báo Mỹ đang khuyến khích các trường đại học Mỹ phát triển giao thức giám sát sinh viên và các học giả thỉnh giảng từ các tổ chức nghiên cứu nhà nước Trung Quốc.

“Thật sai lầm khi coi cả một nhóm sinh viên, giáo sư và nhà khoa học là mối đe dọa đối với đất nước chỉ vì cội nguồn của họ”, Patrick Toomey, luật sư từng đại diện cho Xi, nói.

Phương Vũ (Theo SCMP)

Tags:
Văn phòng ảm đạm của Deutsche Bank tại Mỹ

Văn phòng ảm đạm của Deutsche Bank tại Mỹ

Nhiều nhân viên ra ngoài uống bia hoặc dùng máy tính công ty tìm việc khác, còn các lãnh đạo không mấy quan tâm.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất