Nỗi lo của giới trung lưu Trung Quốc trong chiến tranh thương mại với Mỹ
Giá thực phẩm ở Trung Quốc tăng và đồng nội tệ giảm có thể khiến nhiều người tìm cách bảo vệ của cải bằng vàng hay USD.
12:30 29/05/2019
"Xin hãy nói cho tôi hiểu đúng về tác động của cuộc chiến thương mại đối với cuộc sống của những người bình thường như chúng ta. Cảm ơn", Su Gengsheng, một nhà văn và blogger nổi tiếng Trung Quốc với hơn 300.000 người theo dõi viết trên mạng xã hội Weibo 4 ngày sau khi Mỹ tăng thuế đối với 200 triệu USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bài đăng này đáng chú ý vì Su vốn là một blogger chuyên về mỹ phẩm và mẹo trang điểm chứ không liên quan đến chính trị. Câu hỏi về cuộc chiến thương mại dường như nói lên nỗi lòng của nhiều người theo dõi Su và nó nhanh chóng thu hút hàng nghìn câu trả lời, lượt thích và hơn 10.000 lượt chia sẻ. Các bình luận đã bị chặn với lý do "vi phạm luật và quy định" nhưng bài đăng của Su vẫn còn.
Một phụ nữ chọn gừng trong siêu thị ở Bắc Kinh hồi tháng 4. Ảnh: Reuters. |
Tầng lớp trung lưu Trung Quốc, đặc biệt là những lao động cổ cồn trắng, đang ngày càng lo lắng về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mặc dù truyền thông nhà nước liên tục đưa ra thông điệp thúc giục người dân vững vàng trước nghịch cảnh.
Những lo ngại về tác động của cuộc chiến thương mại, kết hợp với giá thực phẩm tăng, đã ảnh hưởng đến mức độ sẵn sàng chi tiêu của người tiêu dùng và có thể khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Nỗi lo lắng cũng có thể khiến tầng lớp trung lưu và thượng lưu Trung Quốc tìm cách bảo vệ của cải bằng cách mua vàng hoặc ngoại tệ hay chuyển tài sản ra nước ngoài.
Đối với tầng lớp trung lưu thành thị Trung Quốc, những người được hưởng lợi từ sự bùng nổ kinh tế của đất nước trong vài thập kỷ qua và luôn tin rằng cuộc sống sẽ ngày càng tốt hơn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung khiến họ cảm thấy không chắc chắn về tương lai. Họ cố gắng tìm hiểu những thông tin về cuộc chiến thương mại bên ngoài các kênh truyền thông nhà nước.
Mặc dù khó tiếp cận được những tin tức không qua kiểm duyệt, người dân Trung Quốc đang dần cảm nhận được tác động của chiến tranh thương mại. Điều này đặc biệt đúng đối với những người có nhiều tài sản như cổ phiếu và bất động sản, cơ hội cho con cái đi du học Mỹ hoặc thậm chí chỉ đơn giản là cơ hội xem mùa cuối cùng của phim truyền hình Mỹ Game of Thrones trên TV.
Những lời kêu gọi mang tính chủ nghĩa dân tộc của Bắc Kinh, thúc giục mọi người "thắt lưng buộc bụng" và chuẩn bị cho những khó khăn kéo dài, càng làm tăng nỗi lo của những người đã làm việc chăm chỉ với mục tiêu có cuộc sống thoải mái.
"Gần đây tôi thường trò chuyện với các bạn học cũ và khách hàng sống, làm việc ở nước ngoài. Chúng tôi nói chuyện rất thận trọng vì sợ tài khoản WeChat của mình bị chặn do có nội dung nhạy cảm liên quan đến tin tức về chiến tranh thương mại. Nhưng tôi thực sự cần biết thêm về những gì đang xảy ra và điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", một nhà xuất khẩu 40 tuổi giấu tên ở Quảng Châu nói.
"Chỉ trong hai tuần, tâm lý của bạn bè tôi đã thay đổi. Chúng tôi từng nghĩ rằng chiến tranh thương mại là điều hoàn toàn không thể xảy ra. Bây giờ tôi bắt đầu lo sợ nhân dân tệ (NDT) sẽ mất giá trong tương lai gần và tình huống sẽ trở nên tồi tệ hơn rất nhiều nếu Mỹ - Trung lâm vào một cuộc chiến kinh tế toàn diện, không chỉ về thương mại và công nghệ mà cả về tài chính và thị trường tiền tệ", ông nói.
"Tôi rất muốn nghĩ rằng mình đang lo hão, nhưng tôi không thể ngừng lo lắng về vấn đề này. Có lẽ tôi phải lên kế hoạch đề phòng như tiết kiệm tiền bằng đồng yen hay USD để dùng trong trường hợp khẩn cấp. Vấn đề có thể sẽ không phát sinh nhưng tôi phải đề phòng vì gia đình", ông cho biết.
Giá thực phẩm ở Trung Quốc tăng 6,1% trong tháng 4 do giá thịt lợn và trái cây lên cao. Giá thịt lợn đã tăng từ 5,1% lên 14,4% hồi tháng ba. Tuần trước, Bắc Kinh thành lập một tổ công tác để theo dõi tình hình việc làm của đất nước, nhấn mạnh mối quan tâm ngày càng tăng của chính phủ đối với tình trạng thất nghiệp do sự leo thang liên tục của cuộc chiến thương mại với Mỹ và việc cắt giảm nhân sự của các công ty như Sony Mobile, Cisco Systems và Oracle.
"Tỷ giá hối đoái sắp lên mức một USD đổi được 7 NDT (trước đây là 6,3-6,7 NDT), một gói nho 500 gram đã tăng lên mức 30 NDT (4,3 USD)", Yan Chao, 30 tuổi, quản lý tại công ty quảng cáo ở Thượng Hải, nói. "Ngày càng có nhiều tin tức về tác động của chiến tranh thương mại và việc nó bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của chúng tôi như thế nào".
"Công việc rất quan trọng đối với tôi vì vợ tôi ở nhà nội trợ và chúng tôi có con gái hai tuổi. Bố mẹ tôi là bác sĩ đã nghỉ hưu. Vợ chồng tôi định vay tiền để mua xe mới nhưng có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng tôi trì hoãn kế hoạch đó cho đến khi tình hình kinh tế trở nên chắc chắn", Yan Chao cho biết thêm.
"Là người làm trong lĩnh vực công nghệ, tôi hoàn toàn hiểu rằng nếu quan hệ Trung - Mỹ tiếp tục xấu đi, hoặc nếu Trung Quốc mất nhiều đơn đặt hàng từ các nước phương Tây, nhiều chuỗi cung ứng công nghiệp từng phát triển mạnh trước đây sẽ sớm bị loại bỏ", Li Yue, kỹ sư điện tử tại Thâm Quyến, nói.
Các công dân Trung Quốc khác đang cố gắng bảo vệ tài sản của mình. "Tôi nghe nói một số người giàu có đến các ngân hàng ở Hong Kong mua vàng miếng và giữ chúng trong ngân hàng để đảm bảo an toàn", Li Zhenbiao, làm dịch vụ giúp người Trung Quốc mua tài sản nước ngoài ở Quảng Châu, nói.
"Đó là một lựa chọn tốt nếu bạn không lạc quan về triển vọng kinh tế và giá trị của đồng nhân dân tệ, tuy nhiên, trào lưu này chỉ mới xuất hiện. Chưa có nhiều người mua vàng miếng lắm, mọi người chủ yếu mua và dự trữ USD", Li nói thêm.
Những khoản nợ cá nhân cũng là mối lo ngại đặc biệt của người Trng Quốc nếu nền kinh tế chững lại. Eli Mai, 35 tuổi, giám đốc bán hàng tại Quảng Châu sở hữu hai căn hộ với tổng giá trị thị trường 7 triệu NDT (một triệu USD) với khoản vay hai triệu NDT có thế chấp.
Mai dành phần lớn tiền lương hàng tháng, khoảng 15.000 NDT (2.200 USD), để trả nợ, trong khi gia đình sử dụng thu nhập của vợ anh để chi tiêu hàng ngày. Đầu năm ngoái, Mai cảm thấy sự nghiệp của mình đình trệ và chi tiêu của gia đình lớn hơn thu nhập. Vì vậy, anh vay 300.000 NDT (43.400 USD) từ một ngân hàng địa phương với lãi suất trên 5% và sử dụng số tiền này để đầu tư vào công ty du lịch của một người bạn.
"Khoản đầu tư này chưa có lãi. Tôi chỉ cầu nguyện rằng cuộc chiến thương mại sẽ kết thúc sớm nhất có thể. Thế nhưng kết thúc có hậu có lẽ vẫn là tương lai xa vời", Mai nói thêm.
Phương Vũ (Theo SCMP)
Khảo sát ở Mỹ: Sau tuổi 40 mới tiết kiệm là quá muộn
Người lao động thường đạt đỉnh lương vào tuổi 30, vào sau tuổi 45 thì xuống dốc không phanh, theo các khảo sát tại Mỹ.