Nỗi oan từ định kiến vô tình mà du học sinh chẳng biết tỏ cùng ai
Bạn đã bao giờ, dù chỉ là vô tình, thốt ra những câu nói gây áp đặt và cả tổn thương cho những người bạn là du học sinh của mình?
23:30 11/12/2018
“Chắc ở bên kia không kiếm được việc nên mới về đây à?”, “Du học sinh về chắc công việc lương phải cao lắm nhỉ?”… đó chỉ là hai trong số vô vàn những áp đặt mà du học sinh phải đối mặt từ chính bạn bè, họ hàng và những người xung quanh.
Nỗi niềm từ một bộ ảnh
“Ngưng Phán Xét” là một bộ ảnh do nhóm When The Birds Fly Home thực hiện, với mong muốn truyền tải tới cộng đồng thông điệp rằng, vì mỗi người có một câu chuyện riêng, mỗi người là một cá thể đặc biệt, và du học sinh, dù có đi năm châu bốn bể, khi trở về cũng chỉ là những đứa con xa xứ mong được gia đình, xã hội đón nhận và thông cảm.
Những hình ảnh trong bộ ảnh “Ngưng Phán Xét”.(Ảnh: When The Birds Fly Home)
Mỗi hình ảnh trong “Ngưng Phán Xét” là một nỗi áp lực, một sự khó chịu mà đa số các bạn du học sinh đã từng hoặc phải chịu đựng. Theo định kiến của một bộ phận trong xã hội Việt Nam, du học sinh là những bạn trẻ “nhà có điều kiện, được bố mẹ cho học nước ngoài và cuộc sống không có gì ngoài hai chữ ‘sung sướng’”. Nhưng đây chỉ là định kiến lúc đi…
Sau một thời gian thích nghi và trải qua nhiều thử thách của cuộc sống tự lập và từ rào cản văn hóa, họ trở về quê hương để gần gũi với những người thân yêu và cống hiến cho đất nước. Nhưng những lời ong tiếng ve cũng chẳng giảm đi là bao. “Chắc ở bên kia không kiếm được việc nên mới về đây à?”, “Du học sinh về chắc công việc lương phải cao lắm nhỉ?”… chỉ là một vài trong số những câu nói gây khó chịu. Bởi, suy cho cùng, người ngoài cuộc, dễ mấy ai có cái nhìn bao quát và bao dung?
Cuộc sống du học không như mơ
Ai cũng nghĩ cuộc sống của các du học sinh là sướng, là như thiên đường bởi họ được hưởng nền giáo dục tốt của những quốc gia tiên tiến. Nhưng đi kèm với những lợi ích nhãn tiền như nền giáo dục tốt, cơ hội tốt, khoản thu nhập đầy hứa hẹn với “cái mác” du học sinh… ấy là vô vàn những bất tiện khác mà không phải ai cũng biết.
Đó là những khi vừa tan học, họ phải chạy ngay đến nơi làm thêm giữa cái giá lạnh khắc nghiệt của trời Âu, làm việc không ngưng nghỉ cho đến khi hết ca. Sau đó lại lặng lẽ trở về kí túc xá hoặc nhà thuê, uể oải nấu một bữa ăn không mấy dinh dưỡng ăn qua loa, và vẫn chưa thể đánh một giấc ngay bởi còn phải chuẩn bị bài vở cho ngày mai. Với những bạn thể trạng yếu và không kịp thích nghi với thời tiết, bệnh vặt là điều không thể tránh khỏi. Và lúc ấy, những người trẻ ấy phải khóc với ai khi ở xứ người khi họ chỉ có một mình?
Họ vẫn phải làm thêm để đỡ gánh nặng cho gia đình. (Ảnh minh họa – Nguồn: Internet)
Đó là những lúc ăn uống kham khổ chẳng khác gì những bạn sinh viên Việt Nam xa quê lên thành phố lớn học tập cả. Phương Thảo, 22 tuổi, du học sinh Anh chia sẻ: “Giá cả ở Anh rất đắt đỏ, đừng quy tiền Anh sang tiềng Việt, bởi bạn sẽ ‘chết đói’ khi biết 1 lát bánh mì sandwich kẹp thịt ở đây có giá bằng… 3 tô phở ở Việt Nam. Vì thế, mình không ăn ở ngoài nhiều, rất mắc”. Vậy mới thấy, ai bảo sống ở trời Tây là được tha hồ thưởng thức của ngon vật lạ thả cửa mà không phải lo tiền bạc? Du học sinh, dẫu gia đình có điều kiện hay được cấp học bổng, thì vẫn canh cánh nỗi niềm hệt như bao sinh viên học tập tại Việt Nam: làm sao để “sống sót” cho đến cuối tháng? Làm sao để tiết kiệm tối đa?
Bữa ăn của du học sinh Việt tại Nhật Bản. (Ảnh: Internet)
Đó là những khi đứng giữa ranh giới mong manh giữa nghĩa vụ học tập và biết bao cám dỗ của cuộc sống tự lập ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Làm tăng ca kiếm thêm tiền hay quay lại với bài vở khô cứng mà nhìn thôi là đã nản? Những bộ quần áo đẹp lung linh và đắt tiền nay giảm giá chỉ còn một nửa – có nên “hi sinh” nhịn ăn một chút để mua hay không? Họ đã phải cắn răng bỏ qua những sở thích cá nhân và cám dỗ để con đường học tập không dở dang. Nhưng không phải người trẻ đang lớn nào cũng làm được điều đó…
Và chưa kể đến những tình huống dở khóc dở mếu không biết phải kêu với ai ở nơi xứ lạ. Ngọc Mai, 19 tuổi, du học sinh Anh, từng là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc. Khi vừa chân ướt chân ráo đến xứ sở xương mù, Mai được sắp xếp sống chung với một gia đình nuôi người Anh (host family). Mọi chuyện không hề suôn sẻ với cô gái nhỏ, Mai tâm sự: “Mình vào đúng một gia đình kì thị người châu Á nên họ đã đối xử với mình khá tệ. Sau đó mình quyết định tìm nhà khác để chuyển đi”.
Hãy dang tay đón những chú chim trở về
Hay ít nhất, cũng đừng tạo ra những rào cản vô hình giữa du học sinh với cộng đồng. Đành rằng “không có lửa, làm sao có khói”, không phải tự dưng mà người đời dễ dàng buông ra những câu nói đầy tiêu cực và nặng tính phán xét trên. Nhưng quy chụp thái độ của thiểu số lên đa số thì có thật sự là công bằng?
Du học sinh thì vẫn là những người con của Việt Nam, vẫn tận tâm cống hiến cho quê hương như bao thanh niên yêu nước khác. Sự trở về của họ là một sự hứa hẹn cho tương lai nước nhà khi trong họ nay đã trải nghiệm nhiều bài học quý giá mà học sinh, sinh viên học tập tại Việt Nam khó thể nào có được. Họ trở về với ngọn lửa hừng hực của sức trẻ, tri thức, mong muốn cống hiến cho quê hương và cả nỗi nhớ nhà dồn nén trong những năm tháng ở xứ người. Đừng dập tắt ngọn lửa đáng quý ấy bằng những lời phán xét khi bạn chưa bao giờ ở trong vị trí của họ.
Hãy để những chú chim xa xứ trở về tổ trong sự nồng ấm của những người anh em ruột rà cùng chảy trong người dòng máu Việt – thứ tình cảm họ từng thiếu thốn trong những năm tháng học tập và phấn đấu nơi xứ người.
Hãy dang tay đón những chú chim trở về. (Ảnh: Internet)
Theo Thế giới trẻ
Giám đốc Huawei bị Canada bắt như thế nào?
Bốn tháng sau khi tòa án Mỹ phát lệnh bắt, Canada gấp rút bắt Mạnh Vãn Chu khi biết bà sẽ quá cảnh ở Vancouver ngày 1/12.