Nỗi sợ mất quyền nuôi con của những người chống dịch Covid-19
Một số nhân viên y tế, lính cứu hỏa ở Mỹ bị chồng, vợ cũ đòi lại quyền nuôi con nữa vì lo sợ nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
13:00 12/04/2020
Tháng trước, bác sĩ nội khoa Bertha Mayorquin (sống ở bang New Jersey, Mỹ) thông báo với người chồng sắp ly dị về kế hoạch mới của cô. Sau hai tuần chữa trị từ xa qua video để tránh nguy cơ lây nhiễm virus corona, cô sẽ tiếp tục thăm khám trực tiếp cho bệnh nhân.
Nhưng khi cô rời bệnh viện vào thứ sáu để đón hai con gái thì chồng cô, Wendell Surdukowski, xuất hiện. Anh cầm theo lệnh của tòa án thông báo, trước mắt, chỉ một mình anh có quyền nuôi con. Luật sư của anh đã thuyết phục thẩm phán rằng bác sĩ Mayorquin có nguy cơ lây Covid-19 sang cho hai cô bé 8 và 11 tuổi.
Nữ bác sĩ dự định dành cuối tuần để tổ chức sinh nhật cho con gái út. Thay vào đó, cô phải vùi đầu trong 50 trang tài liệu để cố lật ngược lệnh của tòa.
Bác sĩ Mayorquin phải chuyển sang khám bệnh từ xa để không bị tước quyền gặp con. Ảnh: NY Times
“Rất nhiều người đang làm việc ở bệnh viện - bác sĩ, y tá, chúng tôi rất đông - đã lên chức bố mẹ. Không lẽ các con phải rời xa chúng tôi bởi chúng tôi ở trên tuyến đầu giúp đỡ mọi người?”, bác sẽ Mayorquin tâm sự.
Câu hỏi đó đang dấy lên một vấn đề ở nước Mỹ khi ngày càng nhiều người bị vợ, chồng cũ đòi tước quyền gặp con do mối lo lây nhiễm dịch bệnh. Cuộc chiến trở nên căng thẳng với các tranh luận ngày càng lên cao. Một số ý kiến cho rằng, họ không đáng bị trừng phạt khi tham gia các hoạt động thiết yếu; quan điểm trái chiều khẳng định những công việc đó gây ra nhiều nguy cơ cho các thành viên trong gia đình.
“Nếu có một mối đe dọa tiềm ẩn với sức khỏe của con cái, bạn phải hành động dù đó là lạm dụng thuốc hay một con virus. Xem tin tức, thấy các trường hợp bác sĩ bị ốm, bạn không thể nói với tôi rằng họ không có nguy cơ cao hơn người khác,” Surdukowski cho biết. Người bố này cũng đang có bệnh nền và nói với thẩm phán anh lo cho cả chính mình.
Trong đại dịch, luật gia đình Mỹ, với những khác biệt giữa các bang, trở nên không hợp lý bởi rất ít hướng dẫn về các mối lo an toàn.
Chánh án Tòa án Gia đình và Di chúc bang Massachusetts đã đưa ra một bức thư ngỏ viết rằng trẻ em cần dành thời gian với cả bố lẫn mẹ - những người có quyền bảo hộ hợp pháp. Nếu một người phải tự cách ly hoặc hạn chế liên lạc, cả hai bố mẹ cần hợp tác để con có thể trao đổi qua điện thoại hoặc video.
Nhưng bức thư trên cũng như nhiều văn bản khác không đề cập trực tiếp tới cách ứng xử khi một phụ huynh tiếp tục làm việc ở tuyến đầu chống dịch. Ngay cả hệ thống tòa án ở New York, tâm dịch nước Mỹ, cũng không có một giấy tờ nào chỉ dẫn quyền chăm sóc con.
Khi tìm kiếm sự trợ giúp từ tòa án, các phụ huynh cũng nhận nhiều kiểu phản hồi khác nhau. Một số nơi gần như đóng cửa hoàn toàn. Những nơi khác chỉ duy trì đường dây tư vấn online khẩn cấp. Và quan điểm về “khẩn cấp” cũng khác nhau.
Cuối tuần trước, Tabatha Sams, khách hàng của luật sư Moore, sống ở bang Florida, cũng quyết định không muốn chia sẻ quyền nuôi con trai 21 tháng tuổi với chồng cũ Stephen Thilmony nữa. Người lính cứu hỏa này và vợ chưa cưới, y tá khoa cấp cứu, luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn, luôn mặc đồ bảo hộ khi làm việc.
Tuy nhiên, Sam đã thấy mức độ tăng nhanh báo động của các ca Covid-19 càn quét khắp đất nước. Cuối cùng, mức lo lắng của cô lên tới đỉnh điểm. “Tôi không thấy thoải mái với tình huống này. Tôi không thể mạo hiểm được”, cô nói.
Theo lời khuyên của luật sư, Sam đệ trình yêu cầu được toàn quyền nuôi con trong thời gian thực hiện lệnh ở nhà của bang.
“Có những người đang ở tuyến đầu chống dịch ngủ ở xe ô tô để cách ly gia đình. Dường như giải pháp đúng duy nhất là để trẻ ở với người ít nguy cơ lây nhiễm nhất. Tòa án phải giải quyết chuyện này”, luật sư Moore khẳng định.
Trong văn bản trả lời, các luật sư của Thilmony viết, Sam không chỉ ra được bất cứ điều gì cụ thể mà chồng cũ đã làm để khiến con trai của họ gặp nguy hiểm. Tòa án sẽ sắp xếp lịch tranh tụng trực tuyến trong thời gian tới.
Ở New Jersey, Surdukowski có một buổi gặp khẩn cấp với tòa án khi luật sư của anh đệ trình kiến nghị. Đó là chiều muộn ngày thứ Sáu và luật sư của Mayorquin - vợ cũ của anh - không nghe máy. Tòa án đã ra phán quyết cho phép tạm thời Surdukowski được toàn quyền nuôi dưỡng con.
Rối loạn khi bị chia cắt với hai con gái, bác sĩ Mayorquin ngay lập tức bắt đầu vào cuộc chiến giành lại quyền nuôi con. Cô chỉ ra các điểm: Cô không có ý định chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19. Cô sẽ mặc đồ bảo hộ và tắm rửa ngay khi về nhà. Nhưng cuối cùng, cô cảm thấy cách an toàn nhất là đáp ứng yêu cầu của chồng cũ: Không gặp trực tiếp bất kỳ bệnh nhân nào.
Bệnh viện đã cho phép cô khám từ xa. Mặc dù hối tiếc khi không thể làm nhiều hơn cho ngành y vào thời điểm này, Mayorquin nói rằng cô không có lựa chọn nào khác: “Tôi chỉ muốn giành các con lại”.
Thứ Hai kế tiếp, thẩm phán đã đảo ngược phán quyết, cho Mayorquin tiếp tục được gặp con.
Trong khi đó, ở Californina, Lisa Chu đã đệ trình yêu cầu được toàn quyền nuôi hai con sinh đôi 11 tuổi và một bé trai 9 tuổi. Chồng cũ của cô, Steven Biakanja, là lính cứu hỏa. Anh sẽ phải trình kết quả âm tính với Covid-19 mỗi khi được xếp lịch tới thăm con. Đây là yêu cầu bất khả thi khi việc khám sàng lọc bị hạn chế.
Theo kế hoạch đã được tòa thông qua trước đó, lũ trẻ sẽ dành khoảng 60% thời gian ở với mẹ. Nhưng hai tuần trước, Chu muốn tách các con khỏi bố sau khi hai người lính cứu hỏa dương tính với Covid-19. Họ và những người đồng nghiệp phải cách ly tại nhà. Biakanja, chồng cũ của cô, khẳng định anh sẽ tự cách ly nếu có dấu hiệu bệnh hoặc tiếp xúc gần với người nhiễm virus.
Nhưng Chu vẫn lo ngại khi chồng cũ ở cùng trong trạm cứu hỏa và khả năng người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng. Cô lo ngại Biakanja có thể vô tình lây bệnh cho các con và mẹ của cô - một người đã lớn tuổi, thường xuyên tới thăm các cháu.
“Tôi biết điều này khó khăn với tất cả mọi người nhưng chúng ta phải đưa ra quyết định này”, cô nói.
Khi thời gian một tuần được nới lên thành hai, anh Biakanja ngày càng tức giận. “Đây là sự tấn công với bất cứ ai đang thực thi những nhu cầu thiết yếu của đất nước”, anh nói.
Sau đó, vào tối thứ Hai, lũ trẻ đã trở về với bố. Thẩm phán từ chối yêu cầu của Chu. Trừ khi anh Biakanja có dấu hiệu Covid, phán quyết cũ vẫn được giữ nguyên.
Ban Mai (Theo NY Times)
Nguồn: VietNamNet
Link nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/suc-khoe/noi-so-mat-quyen-nuoi-con-cua-nhung-nguoi-dang-chong-dich-covid-19-632684.html
Thảm họa khác sắp kéo đến trong dịch Covid-19 khiến nước Mỹ lo lắng
Các chuyên gia khí tượng Mỹ cho rằng, mùa mưa bão năm nay tại Mỹ có thể hoạt động mạnh hơn mức bình thường. Ngày 9.4, cơ quan dự báo thời tiết Mỹ đã phát hiện 4 cơn bão lớn ngoài khơi đang dần hình thành và có thể tấn công nước Mỹ trong khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát.