Nơi tôi ở Mỹ giá cả tăng vọt vì người nhập cư bất hợp pháp bị bắt
Sau khi họ bị bắt, bên trong chợ, hàng cá, hàng thịt không có ai phục vụ.
13:15 29/11/2024
Sau khi họ bị bắt, bên trong chợ, hàng cá, hàng thịt không có ai phục vụ.
Ở quận hạt của tôi đã xảy ra một chuyện như sau. Chả là có một khu chợ của người Hàn Quốc bán rất nhiều thực phẩm và hàng gia dụng với giá rất rẻ, khiến cho các siêu thị khác của người gốc Á ế hàng.
Một hôm, lực lượng thực thi luật di trú (ICE) đột kích vào khu chợ đó, bắt đi rất nhiều các nhân viên bốc vác, dọn dẹp, những người làm cá, xẻ thịt, tất cả đều là người nhập cư bất hợp pháp.
Ít hôm sau tôi đi ngang chợ, thấy một toán nhân viên mới đang được "training" trong bãi đậu xe. Còn bên trong chợ, hàng cá, hàng thịt không có ai phục vụ, giá cả cũng tăng cái vù.
Đó cũng là những gì sẽ diễn ra ở Mỹ nếu các chiến dịch trục xuất quy mô lớn được tiến hành. Các cơ sở thuê người nhập cư bất hợp pháp, đa phần là các nông trại, các nhà thầu xây dựng, các cơ sở cung cấp dịch vụ làm vườn, quét dọn... sẽ là mục tiêu, và họ chắc chắn sẽ không để yên cho chính phủ bắt nhân viên.
Nếu công ty nào bị mất nhân viên thì coi như sẽ khó khăn, vì các công việc đó rất khó thuê được những người có giấy tờ đàng hoàng. Giá cả hàng hóa và dịch vụ sẽ tăng, còn việc người dân Mỹ chịu được bao lâu thì hạ hồi phân giải.
Khi nội các bắt đầu hình thành, ông Trump đồng thời bắt đầu đưa ra những tuyên bố về chính sách mà ông sẽ thực thi. Những chính sách này liệu có đem lại kết quả như mong muốn không?
Về vấn đề đối nội của nước Mỹ, hai vấn đề nổi bật mà ông Trump thường đưa ra tuyên bố nhất là việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp và tăng thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu.
Tính khả thi của hai chính sách này khác nhau nhưng kết quả có lẽ sẽ giống nhau.
Đối với việc trục xuất người nhập cư bất hợp pháp, những ai có chút hiểu biết về kinh tế Mỹ đều thấy rằng mọi chuyện rất không khả thi. Không phải là chuyện cần bao nhiêu nhân viên hành pháp để bắt người nhập cư bất hợp pháp, hay là trục xuất họ về đâu, mà kế hoạch này sẽ tan tành thành mây khói với sự chống đối của các chủ sử dụng lao động.
Vì sao vậy? Thực tế hành pháp không đơn giản. Để bắt được một người nhập cư bất hợp pháp thì trước hết bạn phải biết họ ở đâu. Gõ cửa từng nhà để hỏi giấy tờ thì quá mất thời gian.
Chặn đường để hỏi giấy tờ cũng không được, vì trên đường có bao nhiêu người, chặn lại thì khả năng bắt được người không có giấy tờ rất thấp. Đó là chưa kể là làm sao để biết người đó có giấy tờ hợp pháp hay không? Chả lẽ lại bắt mọi người ra đường phải cầm theo hộ chiếu, thẻ xanh, visa ư?
Các chiến dịch bắt các di dân bất hợp pháp quy mô "lớn", tức là trên hai người, chỉ "thành công" ở một địa điểm duy nhất: nơi làm việc. Nơi làm việc là nơi mà người sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ di trú của người mà họ thuê, và chuyện những người không có giấy tờ làm việc ở đâu thì ai cũng biết
Việc áp thuế đối với hàng hóa nhập khẩu thì dễ hơn vì không cần một lực lượng hành pháp lớn. Hàng hóa tới cửa khẩu thì phải đưa tiền thuế ra, vấn đề chỉ là bao nhiêu thôi. Hậu quả thì ai cũng biết ngay, đó là giá cả hàng hóa ở trong nước Mỹ sẽ tăng cao ngay lập tức.
Chính vì những hiệu ứng tức thì này mà ai cũng cảm thấy thắc mắc về chuyện ông Trump có làm thật hay không. Câu trả lời có lẽ nằm ở chỗ liệu các nước bị áp thuế sẽ làm gì để bớt được phần thuế mà hàng hóa nước mình sẽ gánh.
Với Canada và Mexico, hai nước này có thể thỏa mãn các yêu cầu mà ông Trump đưa ra về hợp tác ở biên giới để giảm tình trạng buôn ma túy và nhập cư bất hợp pháp qua biên giới Mỹ để đổi lấy tỷ lệ thuế thấp hơn.
Trung Quốc là phía sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, bởi vì ông Trump chưa đưa ra yêu sách gì, và khả năng là ông Trump sẽ không có yêu sách gì với Trung Quốc. Mục tiêu của ông Trump là dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và đánh thuế vào hàng hóa sản xuất ở Trung Quốc là biện pháp để thúc đẩy quá trình này.
Ở bên ngoài nước Mỹ, ai hơn ai thiệt vì những chính sách thuế của ông Trump thì rõ ràng hơn. Các nước sẽ được lợi là điểm đến tiềm năng của quá trình dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Các nước Đông Nam Á vì vậy đang tăng cường đón làn sóng đầu tư mới. Ngay cả những doanh nghiệp nhỏ ở Việt Nam và các nước láng giềng cũng có khả năng được lợi nếu nắm bắt được cơ hội sản xuất những mặt hàng gia dụng nhỏ với số lượng cao.
Ông Trump chỉ có bốn năm nắm quyền nữa thôi, và đây cũng là cửa sổ cơ hội hiếm có đối với những ai có tham vọng tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất hàng tiêu dùng cho người Mỹ.
Khanh Huỳnh
Những nỗi bất an sau tuyên bố tăng thuế của ông Trump
Cổ phiếu hàng loạt hãng ôtô lao dốc, nội tệ của Canada, Mexico và Trung Quốc mất giá sau lời đe dọa áp thuế của ông Trump.