Nông dân Mỹ chật vật vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Terry Davidson, một nông dân trồng đậu nành bang Illinois, hy vọng có thể tiếp tục công việc nông nghiệp lâu dài trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã nổ ra.
01:30 11/07/2018
Davidson là một trong ít những nông dân có cái nhìn lạc quan về tương lai nhưng nhiều người khác tại các trang trại vùng Trung tây Mỹ lại không thấy thế trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang diễn ra.
Sau khi Washington áp thuế 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (bao gồm máy móc, hàng điện tử và thiết bị công nghệ cao) vào ngày 6/7, tất cả như đang đứng giữa một trận chiến.
Hạt đậu nành là một trong những sản phẩm của Mỹ mà Trung Quốc đã tuyên bố nằm trong danh sách trả đũa và họ sẽ "ăn miếng trả miếng" sau khi đạo luật thuế quan mới của Mỹ có hiệu lực. Trước đó, Trung Quốc liên tiếp chỉ trích Trump.
ÔngTerry Davidson. Ảnh: AFP.
“Chúng tôi đã và đang sinh sống ở đây từ những năm 1800 và chúng tôi sẽ không đi đâu hết”,Davidson, một nông dân đời thứ 5, cho biết. Người đàn ông này vẫn không rõ liệu đạo luật thuế mới sẽ ảnh hưởng ra sao đến giá thành sản phẩm mà chỉ vài tháng tới thôi sẽ đến mùa thu hoạch.
Ông vẫn tỏ vẻ lạc quan khi nói "các nước khác đang ra sức thu mua đậu nành của Mỹ, họ sẽ là thị trường khác ngoài Trung Quốc”.
Một số nông dân khác, cùng với nhiều hội nhóm, đang tỏ ra rất lo lắng, đặc biệt là nông dân trồng đậu nành. Sản phẩm của họ chủ yếu được xuất khẩu và Trung Quốc chính là thị trường lớn nhất, có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.
Các nỗ lực của Trump nhằm tìm kiếm những thương vụ có lợi hơn được sự ủng hộ của nhiều nông dân nhưng cũng không ít người hoài nghi liệu đạo luật thuế này có phải là biện pháp tốt nhất không. Ho còn lo ngại về những hậu quả xấu mà nó có thể gây ra.
Quan điểm trái chiều
Illinois là một trong những nơi trồng đậu nành lớn nhất của Mỹ và có khoảng 43.000 nông dân đang sinh sống ở đây. Đậu nành được cho là dễ trồng, tốn ít chi phí, có nhu cầu cao từ các nước khác và có thể giúp nông dân đạt được lợi nhuận cho dù nền nông nghiệp có đang trải qua giai đoạn khó khăn.
Một nửa diện tích nông trại được Davidson sử dụng để trồng đậu nành và nửa còn lại để trồng ngô. Khi ông bước ngang qua những hàng trồng đậu nành, chúng đã cao tới 1 m với những tán lá to phủ lấp vỏ đậu nành. Ông dự định thu hoạch vào đầu mùa thu. Do không xây nhà kho nên ông buộc phải bán hạt đậu nành ngay khi thu hoạch và chấp nhận bất kỳ mức giá nào có thể.
“Trước đây tôi chưa từng thấy Trung Quốc áp thuế quan lên đậu nành nhưng tôi không hề lo lắng vì tôi tin họ sẽ bỏ loại thuế đó khi mùa thu hoạch tới”, Davidson chia sẻ.
Một nông dân khác đến từ bang Kentucky, Davie Stephens nay đã 52 tuổi, cho biết: “Chúng tôi sẽ bị ảnh hưởng khá nặng nề trong thời gian ngắn sắp tới. Trước kia chiến tranh thuế quan hiếm khi xảy ra nên sẽ có một vài nông dân được trải nghiệm lần đẩu”.
Giá thành của đậu nành đã bắt đầu rớt từ tháng 5 khi người ta lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại xảy ra và có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Kiên nhẫn chờ đợi
Hiệp hội Đậu nành Mỹ đang động viên nông dân nói ra quan điểm của họ tại một chiến dịch hashtag (#) trên mạng xã hội với hy vọng ít nhất là có thể rút ngắn thời hạn của đạo luật thuế quan mới này.
Không chỉ nông dân, sự nghiệp chính trị của Tổng thống Donald Trump cũng sẽ gặp trở ngại nếu nền kinh tế hứng chịu bất cử thiệt hại nào.
Trong lần tranh cử tổng thống 2016, Trump đã nhận được nhiều ủng hộ từ các bang vùng Trung tây Mỹ, nơi trồng nhiều đậu nành. Chính quyền Trump tin thuế quan mới là cần thiết để buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho những động thái kinh tế mà Trump mô tả là "nham hiểm" đối với Washington.
Thâm hụt thương mại năm 2017 giữa Mỹ và Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục 375,2 tỷ USD. Dù nông dân vẫn đặt niềm tin vào Trump, hy vọng ông sẽ tìm kiếm được những hợp đồng thương mại béo bở thì ở một khía cạnh khác, sự kiên nhẫn của họ có giới hạn nhất định.
Câu hỏi đang được đặt ra là liệu nông dân có thể trụ được bao lâu.
Michael Boland, đang theo học ngành nông nghiệp tại Đại học Minnesota, dự báo thiệt hại kinh tế sẽ tiếp tục tăng lên trừ phi luật thuế quan được gỡ bỏ.
“Người trồng đậu nành đã gieo hạt giống và lợi nhuận vốn đã ít nay sẽ ít hơn, thậm chí lỗ, do ảnh hưởng của hàng rào thuế quan này”, theo Boland.
Chiến tranh thương mại bùng nổ: Thịt heo Mỹ ‘chạy’ sang VN
Việt Nam cần xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó với cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc.