Nóng vội vượt Mỹ lên ngôi số 1 thế giới, Trung Quốc nhận lại phản ứng tiêu cực

Trung Quốc đã hơi nóng vội trong việc thay đổi từ chiến lược ẩn mình đến vị thế một quốc gia đang trỗi dậy, các chuyên gia nhận định.

07:00 26/08/2019

Khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây trở nên căng thẳng vào năm 1989, nhà lãnh đạo Trung Quốc vào lúc đó là Đặng Tiểu Bình đã đưa ra quan điểm mà sau đó trở thành kim chỉ nam cho chiến lược phát triển của Bắc Kinh trong nhiều thập kỉ sau đó: "bình tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, ẩn mình chờ thời, quyết không đi đầu". 

Trong suốt quãng thời gian này, ông Đặng Tiểu Bình cùng những người kế nhiệm đã từng bước mở cửa Trung Quốc ra với thế giới và tránh tham gia vào các cuộc xung đột không cần thiết. Đây là một trong những yếu tố đã tạo ra bước nhảy vọt về phát triển kinh tế giúp hàng trăm triệu người Trung Quốc thoát khỏi nghèo đói.

Căng thẳng Mỹ - Trung trong gia tăng ảnh hưởng quốc tế, thương mại và quân sự giờ đã trở thành cuộc đối đầu giữa 2 nước.

Tuy nhiên, Trung Quốc hiện nay đang có một cách tiếp cận ngược lại, nhất là khi nền kinh tế của nước này trong một số khía cạnh đã vượt qua Mỹ, cường quốc số 1 thế giới. Trong bối cảnh này, câu hỏi được đặt ra là liệu ông Tập Cận Bình có mắc phải sai lầm trong việc đánh giá quá cao sức mạnh kinh tế của nước này về việc tạo dựng vị thế một siêu cường cho Bắc Kinh?

Hay Trung Quốc đáng ra đã nên đợi thêm một hay hai thập kỉ nữa, cho đến khi những lợi thế về công nghệ và thương mại của nước này thực sự trở thành yếu tố giúp Trung Quốc vượt qua Mỹ? - tờ Wall Street Journal đặt câu hỏi.

Phản ứng tiêu cực

Trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2017, ông Tập Cận Bình khẳng định "Trung Quốc đã trở nên lớn mạnh và giàu có hơn". Mục tiêu tối thượng của Bắc Kinh, theo ông Tập, đó là trở thành "quốc gia lãnh đạo toàn cầu với sự kết hợp của sức mạnh quốc gia và tầm ảnh hưởng quốc tế".

Sự thay đổi trong chiến lược phát triển của Trung Quốc là không thể tránh khỏi, theo Wang Huiyao, cố vấn Hội đồng Quốc gia Trung Quốc. Thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ thời kỳ của Đặng Tiểu Bình, khi nền kinh tế Trung Quốc còn chưa nằm trong top 10 của thế giới, và với vị thế hiện tại, chiến lược đó đã không còn hiệu quả, ông Wang nói.

"Trung Quốc đã trở nên lớn mạnh, với tầm ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế hiện tại, bạn không thể che giấu điều đó".

Tuy nhiên, những phản ứng tiêu cực từ cộng đồng quốc tế trước sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc đã khiến nhiều giới lãnh đạo nước này cảm thấy bất ngờ. "Xu hướng chính trị của thế giới hiện nay là bài Trung Quốc", ông Wang nói.

Ở Mỹ, sự phản kháng trước việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng quốc tế, thương mại và quân sự giờ đã trở thành cuộc đối đầu giữa 2 nước. Ở châu Âu, Trung Quốc phần nào được nhìn nhận một cách hoà hoãn hơn như một thế lực mới nổi theo đuổi sự thịnh vượng và ổn định, hơn là tìm kiếm vị thế ở một trật tự thế giới mới.

Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, nhiều tranh cãi đã nổ ra xoay quanh sáng kiến Vành đai - Con đường, trong đó Trung Quốc thúc đẩy các dự án đầu tư hàng tỷ USD trên khắp thế giới.

Từ Malaysia đến Maldives, nhiều đảng chính trị đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử bằng cách đưa ra cam kết xoá bỏ tham nhũng và những khoản nợ gắn với các dự án của Trung Quốc.

"Trung Quốc đã hơi nóng vội trong việc thay đổi từ chiến lược ẩn mình đến vị thế một quốc gia đang trỗi dậy, do đó đã không có sự chuẩn bị cần thiết để thích ứng với những tác động nảy sinh từ quá trình chuyển đổi này", Li Mingjiang, điều phối viên của chương trình Trung Quốc tại trường đại học Rajaratnam, Singapore, nhận định.

"Bên cạnh các ý nghĩa tích cực, sự vươn lên của Trung Quốc sẽ gắn liền với nhiều rủi ro", Zhu Feng, giám đốc Học viện nghiên cứu quốc tế thuộc trường đại học Nam Kinh, nhận định.

Trung Quốc cần ẩn mình thêm ít nhất 5 - 6 năm nữa

"Trung Quốc nên áp dụng cách thức ẩn mình mới, và cần ít nhất 5 - 6 năm để xây dựng chính sách phù hợp", cố vấn Hội đồng quốc gia Shi Yinhong nói. "Trung Quốc đã đi quá nhanh về mặt chiến lược". Với quan điểm tương tự, con trai cả của Đặng Tiểu Bình, Đặc Phác Phương, trong bài phát biểu vào tháng 11 năm ngoái, cảnh báo Trung Quốc "cần giữ cái đầu tỉnh táo và biết rõ vị trí hiện tại của quốc gia đang ở đâu".

Khó có thể biết ông Tập sẽ lắng nghe những ý kiến này như thế nào. "Rõ ràng đã có những ý kiến không hài lòng về con đường mà Trung Quốc đang hướng tới", Ryan Hass, chuyên gia tại viện Brookings nói.

Tuy nhiên, những ý kiến về một cách tiếp cận thận trọng hơn vấp phải thách thức từ một bộ phận mang chủ nghĩa dân tộc, bao gồm các tướng lĩnh đã về hưu. Trong bài phát biểu vào tháng 6 với sự có mặt của người đồng cấp bên phía Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phương Hoà khẳng định Trung Quốc sẽ không khuất phục trước sức ép từ Mỹ: "Sức ép càng lớn và càng khó khăn, người Trung Quốc sẽ càng trở nên mạnh mẽ và can đảm hơn. Những thách thức sẽ chỉ khiến Trung Quốc đoàn kết và tạo nên sức mạnh to lớn", ông nói.

Nhưng sức mạnh của Trung Quốc cũng có giới hạn. Quân đội Trung Quốc, mặc dù đã liên tục được hiện đại hoá, vẫn thiếu kinh nghiệm thực chiến.

Trong khi Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về một số ngành công nghệ của tương lai như 5G hay trí thông minh nhân tạo, quốc gia này vẫn phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ và một số quốc gia phương Tây.

"Trung Quốc vẫn cần có khoảng không gian cần thiết để phát triển", Ni Jiangjun, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc, một tổ chức nghiên cứu có liên quan đến Bộ An ninh Trung Quốc nhận định.

"Trung Quốc đã hi vọng có thể tìm thấy khoảng không gian đó trong trật tự thế giới hiện tại, nhưng điều đó đang ngày càng trở nên khó khăn với áp lực gia tăng từ nhiều phía", nhà nghiên cứu này nói thêm.

Trong quá trình này, cách ứng xử gần đây của Trung Quốc, ví như sự hiện diện quân sự ở khu vực Biển Đông, lại mang tác dụng ngược, cựu thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói.

"Để gia tăng tầm ảnh hưởng quốc tế không chỉ với sức mạnh cứng, Trung Quốc cần thể hiện sức mạnh của họ với sự kiềm chế và tính hợp pháp", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định trong một bài phát biểu gần đây.

theo Trí Thức Trẻ

Tags:
Vì sao trẻ em Mỹ có nghị lực sống mạnh mẽ hơn trẻ em Trung Quốc?

Vì sao trẻ em Mỹ có nghị lực sống mạnh mẽ hơn trẻ em Trung Quốc?

Tác giả của bài viết này là một người Trung Quốc. Anh hẹn gặp người bạn cũ vừa từ Mỹ về, sau khi đến nhà hàng ăn uống xong, đến lúc tính tiền thì hai người vì việc thanh toán mà lại xảy ra tranh cãi. Sau đó, người bạn này đã kể một câu chuyện khiến anh hiểu ra rằng thì ra việc giáo dục trong bữa cơm gia đình của các bậc cha mẹ ở Mỹ lại chính là bí quyết giúp con trẻ sinh tồn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất