Nữ CEO gốc Việt được vinh danh trên đất Úc: “Đói khổ, túng thiếu và bị ghẻ lạnh… tôi ép mình lao đầu vào việc học”
Tan Le (Lê Thị Thái Tần) là nhà đồng sáng lập và giám đốc điều hành công ty Emotiv System về nghiên cứu não bộ con người. Nữ CEO gốc Việt từng lọt top 30 người phụ nữ dưới 30 tuổi thành công nhất nước Úc. Bà cũng là thành viên của Hội đồng Kinh tế Thế giới (WEF) và hội đồng tương lai toàn cầu về khoa học thần kinh và khoa học não.
09:30 17/07/2018
Rời Việt Nam từ năm 4 tuổi, bà Lê Thị Thái Tần theo gia đình sang Úc bắt đầu cuộc sống giống như những người dân nhập cư nghèo khác. Họ đã trải qua nhiều ngày lênh đênh trên chuyến tàu chở dầu của Anh cùng với 150 người dân tị nạn. Thậm chí, gia đình bà Lê Thị Thái Tần còn bị lưu lạc ở Malaysia suốt 3 tháng trước khi đặt chân đến đất Úc.
“Đó là một cảm giác thực sự đáng kinh ngạc bởi vì chúng tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn mới có thể đến được nước Úc. Nước Úc thực sự rộng mở, không chỉ về mặt không gian địa lý, mà còn là nơi để mở rộng tầm nhìn của tôi với thế giới bên ngoài, để bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn”, bà Tần chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNBC.
Đói khổ, túng thiếu lại phải chịu sự ghẻ lạnh của bạn bè cùng lớp nhưng Lê Thị Thái Tần luôn tự nhủ sẽ vượt qua tất cả bằng cách ép mình lao đầu vào việc học tập. Kết quả là bà đã học xuất sắc đến mức kết thúc sớm chương trình trung học so với bạn đồng lứa.
Năm 16 tuổi, bà Tần nhận được học bổng toàn phần vào thẳng Đại học Monash, rồi tốt nghiệp loại ưu chỉ trong vòng 3 năm ở cả hai ngành Luật và Thương mại. Từ một sinh viên nhút nhát, Lê Thị Thái Tần bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến việc giúp đỡ cộng đồng dân nhập cư nghèo. Năm 1998, lần đầu tiên tại Úc, một nữ sinh viên gốc Việt 18 tuổi vinh dự nhận danh hiệu “The Young Australian of the Year”, giải thưởng thường niên dành cho cá nhân ưu tú dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất.
“Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi, bởi trước đó, tôi là một người hết sức bình thường, chỉ đứng phát biểu trên lớp cũng khiến tôi run sợ. Trở thành biểu tượng của giới trẻ Úc đã mở ra cho tôi nhiều cơ hội mới. Tôi phải học hỏi nhiều hơn, gặp gỡ nhiều người và phải có ý kiến, quan điểm của riêng mình trong nhiều lĩnh vực. Dần dần, tôi đã có thể nói chuyện trước hàng trăm, hàng nghìn người mà không còn cảm thấy sợ hãi nữa“, bà Tần nhớ lại.
Khi mới 16 tuổi, Lê Thị Thái Tần đã nhận được học bổng toàn phần vào Đại học Monash, sau đó tốt nghiệp loại ưu chỉ trong vòng 3 năm ở cả hai ngành Luật và Thương mại.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Monash ở Melbourne, bà Tần đã có một khoảng thời gian trở thành luật sư của hãng luật hàng đầu thế giới FreeHills nhưng bà không cảm thấy hài lòng với công việc mình đang làm.
Tin rằng công nghệ là cách nhanh nhất để thay đổi và phát triển thế giới, bà quyết định rời Úc đến Thung lũng Silicon khởi nghiệp, thành lập công ty riêng mang tên Emotiv System cùng với 3 người bạn. Đó là một công ty nghiên cứu phát triển công nghệ cho phép con người điều khiển thiết bị điện tử bằng ý nghĩ.
Dưới sự lãnh đạo của nữ CEO trẻ tuổi, Emotiv đã nghiên cứu thành công sản phẩm đầu tiên là chiếc máy Emotiv EPOC sau 7 năm. Nó giống như một chiếc mũ EGG (công nghệ đo điện não) nhỏ gọn, kèm với 16 nút điện cực ghi lại mọi hoạt động trong não và cử chỉ gương mặt.
“Não bộ là sự liên kết của hàng tỉ nơ-ron thần kinh. Khi các nơ-ron thần kinh tương tác với nhau, phản ứng hóa học của chúng sẽ tạo thành một xung điện. Chúng tôi đo lường các xung điện bằng cách sử dụng thiết bị tai nghe không ảnh hưởng đến não bộ và truyền tải thành các lệnh đến máy tính cho phép người điều khiển xe có thể bật đèn, lái xe mà không cần sử dụng tay hoặc bấm nút”, bà Tần giải thích nguyên lý hoạt động của chiếc xe điện tử điều khiển bằng não bộ.
Năm 2017, Rodrigo Hubner Mendes, một người đàn ông bại liệt đã sử dụng công nghệ từ Emotiv điều khiển thành công chiếc xe Formula One nhờ một chiếc máy tính tích hợp biến suy nghĩ thành các lệnh điều khiển xe. Ông Mendes giải thích rằng nhóm nghiên cứu của Emotiv đã sử dụng thiết bị máy tính để vẽ bản đồ điện não, có nghĩa là nếu bạn muốn điều khiển tốc độ xe, rẽ trái hoặc phải thì suy nghĩ này sẽ được ghi nhận vào bộ máy EPOC và ngay lập tức EPOC ra lệnh cho máy tính điều khiển chiếc xe theo suy nghĩ của bạn. Công nghệ Emotiv EPOC cũng bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong y học hỗ trợ cho những bệnh nhân bị bại liệt, khuyết tật và điều trị bệnh liên quan đến não bộ.
Cùng với việc điều hành Emotiv, bà Lê Thị Thái Tần còn là thành viên của Hội đồng Kinh tế Thế giới (WEF), hội đồng tương lai toàn cầu về khoa học thần kinh và khoa học não. “Khi bạn nhìn vào tương lai, công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chúng ta phải giao tiếp trực tiếp với bộ máy trí tuệ mà mỗi người chúng ta có trong đầu”, bà Tần khiêm tốn cho rằng tất cả những gì bà và Emotiv System đang làm chỉ mới chạm vào phần nổi của vô vàn những ứng dụng hiện đại khác.
Audrey Nguyễn: Thủ khoa gốc Việt của đại học UCLA
Đối với người Việt hay người Á Châu ở Mỹ, con đường duy nhất để thăng tiến trong xã hội là học vấn. Vì vậy, nhiều người trẻ tuổi luôn cố gắng học hành, lấy đó làm mục tiêu thăng tiến. Trong số những người này có Audrey Nguyễn, thủ khoa gốc Việt của đại học University of California Los Angeles (UCLA).