Nửa năm sau bầu cử, ông Trump vẫn đang đòi đếm phiếu lại
Ông Trump và các đồng minh đang thúc đẩy các chiến dịch tái kiểm phiếu trên nhiều bang nhằm chứng minh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 là gian lận.
10:00 04/06/2021
Hơn nửa năm trôi qua, cựu Tổng thống Donald Trump vẫn không ngừng đưa ra các cáo buộc rằng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11/2020 là gian lận, và tiếp tục hành động chứng minh rằng ông "đã thắng", theo Washington Post.
Các cuộc tái kiểm phiếu được thực hiện trên nhiều bang, mà mở đầu là bang Arizona. Các bang khác đang tiến hành hoặc nằm trong kế hoạch là Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, New Hampshire và Georgia, theo các cố vấn của ông Trump.
Ngoài ra, cựu tổng thống cũng đã công khai thảo luận với các nhân vật ủng hộ ông nhằm nhân rộng việc tái kiểm phiếu trên toàn quốc, trong đó có bà Christina Bobb, người dẫn chương trình của mạng One America News; ông Mike Lindell, giám đốc điều hành của công ty MyPillow; và Thượng nghị sĩ Doug Mastriano (đảng Cộng hòa) của bang Pennsylvania.
Điệp khúc "ông Trump nên được phục hồi chức vụ”
Mối bận tâm ngày càng sâu sắc của ông Trump với các cuộc kiểm phiếu hậu bầu cử đã tạo ra một tình huống hiếm gặp: một cựu tổng thống thường xuyên công kích tính hợp pháp của kết quả bầu cử dù người kế nhiệm đã nhậm chức.
Nhiều người ủng hộ không thôi biện luận để củng cố thêm cho quan điểm của ông Trump, và ám chỉ rằng ông Trump sẽ trở lại.
Cuối tuần qua, tại một hội nghị của tổ chức cực hữu chuyên lan truyền thuyết âm mưu QAnon ở Dallas, một khán giả hỏi đã hỏi cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn rằng liệu Mỹ có thể xảy ra chính biến như ở Myanmar hay không.
“Không có lý gì, ý tôi là, điều đó nên xảy ra ở đây”, ông trả lời.
Ông Flynn sau đó đã viết trên mạng xã hội Parler rằng câu trả lời của ông đã bị hiểu sai, và ý trong câu nói của ông là ông không ủng hộ chính biến.
Cũng tại sự kiện đó, luật sư Sidney Powell cho biết bà tin rằng ông Trump nên được "phục hồi chức vụ" trong năm nay. Bà Powell từng đại diện cho ông Flynn, và cũng đã nhiều lần đệ đơn phản đối kết quả bầu cử năm ngoái nhưng không thành.
Cựu Tổng thống Donald Trump (phải) và cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Ảnh: AP.
Ngày 31/5, bà khẳng định với CNN rằng ông Flynn chưa từng khuyên khích “bất kỳ hành động bạo lực hoặc bất kỳ cuộc nổi dậy nào của quân đội”, đồng thời nói rằng các phương tiện truyền thông đã “bóp méo một cách thô bạo” lời nói của ông.
Những lời lẽ của ông Trump và người ủng hộ đã khiến các nhà phê bình chính trị lo ngại rằng chúng sẽ đem đến những tác động nguy hiểm đối với đất nước và niềm tin của công chúng đối với hệ thống bầu cử Mỹ.
Chiến dịch chống lại cuộc bầu cử của ông Trump vẫn tiếp tục trong suốt gần 5 tháng, sau khi đám đông người ủng hộ ông xông vào Điện Capitol nhằm ngăn cản việc chính thức hóa chiến thắng của ông Biden.
Các cuộc khảo sát công khai cho thấy những ý niệm sai lệch về cuộc bầu cử đã bắt đầu bén rễ bên trong đảng Cộng hòa. Một cuộc thăm dò của CNN vào tháng 4 cho thấy 70% đảng viên Cộng hòa nói rằng họ không tin rằng ông Biden thắng cử một cách hợp pháp.
Các cố vấn cho biết ông Trump đã thu thập các cuộc thăm dò như vậy để làm bằng chứng cho kết quả điều tra của ông.
Chiến dịch tái kiểm phiếu không ngừng nghỉ
Các cáo buộc gian lận bầu cử của ông Trump trong những tuần gần đây xuất hiện ngày càng dày đặc. Ông sẽ tiếp tục phát biểu vào cuối tuần này tại Bắc California. Nhiều cuộc vận động chính trị cũng sẽ diễn ra, dự kiến bắt đầu vào cuối tháng 6, theo Washington Post.
“Chúng tôi đang thực hiện đại sự ở Georgia và sẽ tiết lộ về vấn đề gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Cánh tả nói suốt về an ninh bầu cử, nhưng họ lại không làm điều gì cả, vì họ sợ sẽ tìm ra điều gì đó”, ông nói vào ngày 31/5.
Cuộc tái kiểm phiếu tại hạt lớn nhất bang Arizona do đảng Cộng hòa tại Thượng viện bang yêu cầu bắt đầu vào cuối tháng 4.
Cơ quan lập pháp đã sử dụng trát đòi hầu tòa để thu giữ phiếu bầu và máy bỏ phiếu của hạt Maricopa, tiến hành kiểm phiếu lại và xem xét cuộc bỏ phiếu năm 2020 ở hạt, bất chấp sự phản đối của hội đồng giám sát hạt.
Cuộc kiểm phiếu do một công ty ở Florida có tên là Cyber Ninjas chỉ đạo thực hiện. Giám đốc điều hành của công ty này tin vào việc gian lận bầu cử. Vì các phương pháp kiểm phiếu đã được thay đổi và không được giải thích rõ ràng, nên các quan chức hạt Maricopa và các chuyên gia bầu cử đã chỉ trích cuộc tái kiểm phiếu trên là cẩu thả và không đáng tin cậy.
Người ủng hộ Trump bên ngoài đại hý trường Tưởng niệm Cựu chiến binh ở Phoenix vào ngày 1/5. Ảnh: Washington Post.
Chủ tịch Thượng viện Arizona Karen Fann (đảng Cộng hòa) đã nhiều lần nói rằng mục tiêu của cuộc tái kiểm phiếu không phải là để lật ngược chiến thắng của ông Biden mà để tìm cách cải thiện luật bầu cử của bang.
Các quan chức kiểm phiếu ngày 2/6 cho biết rằng tính đến ngày 1/6, họ đã kiểm tra lại hơn 1,2 triệu trong tổng số gần 2,1 triệu lá phiếu của hạt Maricopa, và sẽ hoàn thành phần còn lại vào cuối tháng 6. Tuy nhiên, không rõ khi nào Cyber Ninjas sẽ báo cáo những phát hiện của mình.
Sự tập trung của ông Trump đối với quá trình trên đã khiến người ủng hộ ông nghĩ rằng cuộc tái kiểm phiếu ở Arizona có thể là “quân domino đầu tiên” nhằm đưa ông Trump về lại Nhà Trắng.
Đồng minh của ông Trump đang thúc đẩy các cuộc tái kiểm phiếu kiểu Arizona tại các bang khác trên khắp đất nước: Michigan, Georgia, Wisconsin, Pennsylvania.
Lãng phí thời gian
Trong những tuần gần đây, các cuộc kiểm phiếu tiềm năng tại hạt Fulton, bang Georgia là điều mà ông Trump quan tâm nhất.
Ông Mike Lindell, giám đốc điều hành của công ty MyPillow. Ảnh: Getty.
Tuy nhiên, không có cuộc tái kiểm phiếu nào được tiến hành ở hạt Fulton. Sau khi thẩm phán bang yêu cầu hạt cho phép cử tri địa phương kiểm tra các lá phiếu gửi qua đường bưu điện ở đó, hạt đã bác bỏ yêu cầu này. Một cuộc họp nhằm thảo luận về vấn đề hậu cần cho việc kiểm phiếu cũng bị hủy bỏ.
Gần như nhất trí, các cố vấn chiến dịch tranh cử năm 2020 của cựu tổng thống cho biết họ coi nỗi ám ảnh của ông Trump về cuộc bầu cử vừa qua là lãng phí thời gian.
Tuy nhiên, ông Trump thường xuyên chuyển chủ đề trở lại cuộc bầu cử khi các cố vấn cố gắng tập trung vào các vấn đề khác, theo ba người đã nói chuyện với ông gần đây.
Khi một cố vấn đang cố gắng phân tích về các vấn đề vào năm 2022 thì ông Trump nói: “Mọi người đang nói về Arizona mà”.
Ông Trump cũng đưa ra chủ đề này tại các sự kiện khác nhau, ngay cả tại các buổi tiệc phi lợi nhuận, các cố vấn nói.
Khi các cố vấn viết bài phát biểu cho ông mà không đề cập đến cuộc bầu cử năm 2020, ông Trump sẽ ứng khẩu, tự nói chi tiết về các bang.
Trong một bài phát biểu tại Palm Beach hồi mùa xuân, ông đã tự phát nói về từng bang và giải thích các thuyết của ông về một cuộc bầu cử gian lận, theo một bản ghi hình sự kiện mà Washington Post thu được. Ông thậm chí còn nêu tên các quan chức bầu cử địa phương và các quận cụ thể ở mỗi bang và tổng số phiếu của từng bang so với cuộc bầu cử năm 2016.
Hiện tại, các cố vấn của ông đang chuẩn bị bài phát biểu cho sự kiện vào cuối tuần này ở Bắc California. Theo họ, bài phát biểu tập trung nhiều vào Tổng thống Biden và các chính sách trước đây của cựu Tổng thống Trump. Tuy nhiên, họ đã chuẩn bị tâm lý rằng ông Trump sẽ tiếp tục tự nói về cuộc bầu cử.
Ông Dan Eberhart, một người từng ủng hộ Trump nhưng sau đó chỉ trích ông vì tấn công vào cuộc bầu cử, cho biết: “Điều này đang đặt đảng Cộng hòa vào tình thế ‘ăn mày quá khứ’ của năm 2020, ngăn đảng này học hỏi từ những mất mát trong năm đó và thích ứng với những lo ngại mới đây nhất của cử tri".
LÃNH SỰ QUÁN MỸ TẠM DỪNG CÁC DỊCH VỤ DU TRÚ THÔNG THƯỜNG ĐẾN 11/06/2021
Tối ngày 30/05/2021, Lãnh Sự Quán Mỹ tại Tp.HCM thông báo sẽ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và 16 của Thành phố nhằm góp phần cùng Thành phố chung tay chống dịch COVID-19.