Nước mắt đàn ông xa xứ bị vợ bỏ, không đóng đủ tiền nuôi con
Câu chuyện của anh Jimmy Nguyen Nguyen đăng trên Facebook của anh, cũng như group Kết Nối Việt. Anh Jimmy có tài viết văn rất hay, giọng văn của anh lúc nào cũng nhẹ nhàng cảm thông, có vẻ như anh đã thấm hết cái khổ tâm của người Việt sau bao năm xa quê đi tìm cuộc sống mới.
22:30 07/08/2019
Hai ba tuần nay trời lạnh "quíu". Công việc thì nhiều mà làm hỏng được bao nhiêu. Nói chung mùa đông là vậy bà con ạ, sáng dậy sớm không nổi và mới bày đồ ra làm là trời bắt đầu tối, lại thêm cái lạnh nó thấm vào xương thịt, gió thổi qua cái " phù" là chân tay lẩy bẩy, thôi dọn đồ về cho... chắc ăn. (Anh Jimmy làm thợ sơn nhà). Quay đi quay lại hết tuần hồi nào không hay. Đó là ở Úc, nhìn bà con ở xứ khác mùa này khoe chân cẳng với cái lưng trần thấy mà thèm...
Hôm nay thứ bảy cũng tính nằm nhà thì có điện thoại, anh này tên Hoàng, nhờ đưa ra phi trường để về VN. Hoàng có làm chung với tui hồi mấy năm trước, hắn nay khoảng 50 và còn độc thân. Có bạn gái bên VN, lần này H về làm đám cưới và sẽ bảo lãnh vợ qua. Ngày cưới cũng đã dự trù khoảng tháng 9 năm nay và có mời tui. Hy vọng cũng có lý do về thăm quê rồi. Bà con ra phi trường hay nhờ tui đưa đón vì cái xe đi làm của tui rộng " mênh mông", valy, thùng giấy lớn nhỏ gì cũng "cân" hết.
Cách đây mấy năm, H và tui cũng cùng về VN. Lần đó hắn chạy xe sao đó bị té cái đùng, ngất xỉu phải đưa vô Chợ Rẫy, tui có vô thăm. Thấy có một chị đang chăm sóc cho hắn, nghe nói hắn còn một chị gái, tui nghĩ đây là chị của hắn, nên sau khi chào hỏi xã giao, tui có hỏi một câu mà sau này cứ thầm trách mình sao vô duyên quá vậy: - Phải chị là chị gái của H không...??.../-Dạ không anh! Em là... bạn gái của ảnh... Tui xin lỗi muốn chết. Hic!. Chuyến này , H sẽ làm đám cưới với " chị" ấy.
Đến phi trường, sắp xếp đồ đạc vào xe đẩy xong là tui phải đi liền vì nơi đây chỉ cho đậu xe một phút. Chúc hắn " good luck" mà lòng tui xao " siến". Lại thêm một " mạng" phải về quê kiếm vợ.
Chuyện đời của H cũng khá ly kỳ. Vượt biên và được Úc nhận từ những năm 85. Đến 95 thì cũng lấy được vợ , chị vợ cùng là người tỵ nạn nhưng đã một đời chồng và hai con. Khi chắp nối với H thì thêm được hai cháu nữa. Khỏi nói thì cũng biết H vất vả thế nào rồi, phải quần quật làm mới tạm đủ cho cuộc sống gia đình nên so với người cùng trang lứa, hắn có vẻ " già " . Quần áo lúc nào cũng xuề xoà, lại thêm hút thuốc lá hơi nhiều nên hàm răng vàng khè. Nhớ hồi đó sau khi ly dị , có theo một em trong nhóm bạn của tui và xin cưới. Cô này giao điều kiện phải bỏ hút thuốc và đi làm răng lại, hắn suy nghĩ và bỏ.... ý định lấy vợ.
Cô vợ trước của hắn thì lại đẹp gái. Chưn cẳng dài thòn, nói chuyện duyên dáng . 4 con rồi mà ra đường nhiều người vẫn lầm là... chưa chồng. Cô có mẹ còn ở VN, bà đã già và không muốn đi nước ngoài. Cha thì đã thôi mẹ từ lâu và lập gia đình khác, sống bên Mỹ. Chuyện gia đình của H thì cũng bình thường như bao nhiêu người định cư ở miệt dưới này cho đến một ngày cô vợ thỏ thẻ bàn với chồng tạm thời ly dị ( giả) để có thể xin trợ cấp. Lời bàn cũng chí lý vì ở xứ này cũng nhiều người phải làm như vậy mới đủ chi phí sinh hoạt.
Vì chỉ ly dị trên giấy tờ nên H cũng không yêu cầu phân chia tài sản chi cho mệt và tốn tiền luật sư. Nhưng H phải dọn ra nơi khác ở đỡ một năm ( ly thân một năm mới được ly dị). Đổi địa chỉ cho có vị chứ H vẫn ở nhà cũ, lâu lâu ra nơi thuê phòng lấy thư từ mà thôi.
Năm 08 mẹ vợ mất. Vợ H có được thừa kế một số tài sản khá lớn và chuyển qua Úc. Cuộc sống có dễ thở hơn. Nhưng lúc này vợ H thay đổi thái độ, hay cáu gắt cũng như ít bàn bạc chuyện gì cùng chồng. Có lúc nàng mua chiếc xe mới giá mấy chục ngàn nhưng H không biết, chỉ khi xe được chuyển đến nhà mới ngạc nhiên. Hỏi vợ thì chị trả lời đơn giản: " tiền của tui thì tui mua...".
Mãi sau này H mới biết mẹ vợ có tài sản khá lớn không muốn để lại cho người ngoài nên muốn vợ H phải " clear" cho dễ dàng chuyện di chúc và thừa kế. Suốt những năm còn nghèo, hai người khi muốn sắm sửa gì đều phải bàn bạc, suy tính, chọn thời điểm hàng sale. Nay vợ H mua sắm thoải mái khỏi hỏi ý chồng, H đôi lúc cũng cảm thấy không vui... Những năm 12,13, chính phủ xiết chặt viêc trợ cấp. Các con đã lớn nên vợ H cũng phải đi làm. Ở hãng, với lý lịch " single" , vợ H được nhiều người theo đuổi, trong đó có cả ông giám đốc ( Tây). Ông này thường xuyên chở vợ H về sau giờ làm . Dĩ nhiên đôi lúc cũng làm H " nổi điên", nhưng không dám cục cựa. Một hôm đi làm về thấy vợ đang ăn cơm, có cả ông giám đốc. Cơn ghen nổi lên dằn không được, H đá cái cửa ra vào làm bể tấm kính. Nghe tiếng loảng xoảng ông giám đốc gọi cảnh sát.....Chuyện nhỏ thành lớn, H bị cấm không được đến gần khu nhà cũ. Lúc này ... giả đã thành thiệt.
Sau này vợ H có hoà giải và ngỏ ý sống chung trở lại nhưng chỉ một thời gian ngắn lại bất hoà. Thêm vài cuộc cãi vã, hai người chia tay thực sự. Vợ H bán nhà và chuyển đi nơi khác. H mất vợ và phải xa con nên bị trầm cảm , mấy lần phải vào bệnh viện. Bạn bè, anh em bà con khuyên bảo rồi làm mai làm mối, được chị này tuy khá lớn tuổi nhưng tui thấy bộ là người hiểu biết và thông cảm cho H. Mong rằng lần này bạn mình được hạnh phúc ở đoạn cuối cuộc đời....
Vừa nghĩ đến đây thì điện thoại reng, H ở phi trường gọi cho tui...: Anh J, làm ơn trở lại phi trường đón em... /- Chuyện gì? ... /- Chuyến đi của em bị huỷ.../- Trời! Sao vậy.???..../- Em còn thiếu nợ tiền nuôi con, họ giữ lại , khi thanh toán hết mới cho đi... /- Thiếu bao nhiêu?... /- Mấy năm không đóng tiền, lãi mẹ đẻ lãi con lên tới mấy chục ngàn.../- Thôi... xong..., chờ chút tao lên đón...
Cái luật mới bây giờ nếu thiếu tiền child support hoặc credit card không trả là có thể mất quyền đi nước ngoài. Khi ly dị, người chồng phải đóng tiền nuôi con, nhiều ít tuỳ theo mức lương. Như H, 2 đứa con thì xỉu xỉu cũng mươi ngàn một năm, thiếu vài năm không đóng cộng tiền lời, có khi làm hoài trả không nổi...
Viethome (theo Facebook anh Jimmy Nguyen Nguyen)
Chàng Tây 'phải lòng' Sài Gòn: Vì yêu áo dài, cùng vợ lập nghiệp bán xúc xích
Phải lòng cô gái Việt mặc áo dài, chàng trai Hà Lan lặn lội nửa vòng trái đất, chạy theo tiếng gọi con tim. Để rồi trót 'phải lòng' Sài Gòn, anh chọn nơi đây làm quê hương thứ hai, với tiệm xúc xích nướng đông nghịt khách.