Nước mắt trẻ thơ

Cuộc sống vẫn trôi. Người lớn vẫn tiếp tục yêu nhau, lấy nhau, sản sinh ra những đứa trẻ, rồi gây gỗ, và bỏ nhau. Mike đã ra đi, nhưng trong ngôi trường nhỏ này, cũng như đâu đó trong thế giới quanh tôi, rất nhiều Mike khác vẫn tiếp tục lớn lên và sống trong sự lãng quên của người lớn, trong cô đơn, và trong những ngôi nhà rạn nứt.

08:30 13/10/2017

Mike tám tuổi, nhỏ con, nhanh nhảu, chạy nhiều hơn đi, lúc nào cũng toét miệng ra cười, ngay cả khi cái đầu u một cục sau những va chạm ngày nào cũng xảy ra: hôm thì va đầu vào tường, hôm thì vào cột cờ, hôm lại vấp chân vấp cẳng rồi va đầu vào bạn khác, xui xui hơn thì đang đi lơn tơn cũng bị trái banh từ đâu bay đến đập trúng đầu. Cái đầu nhỏ xíu chờm bơm cứ hết nổi cục u này đến cục u nọ. Gặp Mike chạy te te lên văn phòng là tôi lấy sẵn túi đá lạnh đứng chờ để chườm lên chỗ đau cho thằng nhỏ.

Có hôm xót ruột quá, tôi hỏi, “Sao u đầu hoài vậy con? Đi thì phải ngó chứ?”

Mike nhún vai nói “Con không biết.”

Mà tôi cũng ngớ ngẩn thật, nếu nó biết mà để ý đi đứng đàng hoàng thì nó đã không bị u đầu hoài vậy rồi.

Lần nào cũng vậy, trước khi trở lại lớp, Mike bao giờ cũng đứng chờ tôi xoa đầu nó một cái, thổi cái phù rồi nói, “Hết đau rồi, về lớp học giỏi nhe.” Thế là Mike toét miệng cười khóai chí, gật gật đầu, cái mặt lém lình dễ thương hết sức.

Có hôm Mike rụt rè hỏi tôi, “Cô cho con “hug” cô 1 cái được không?”

Tôi gạt đi, “Thôi, con lớn rồi, hug cái gì, give me a high five thôi.” Xứ Mỹ này luật lệ tùm lum đủ thứ, nhỡ ôm nó một cái có ai độc mồm độc miệng đi tố cáo mình ôm ấp rờ mó con nít là tàn đời.

Một ngày nọ, khi thấy Mike xuất hiện trên văn phòng, tôi hỏi, “Đau ở đâu?”

“Không có, không đau ở đâu hết.” Mike đứng yên lặng một hồi, mắt đỏ lên, nước mắt ứa ra.

Tôi cuống quít, “Không đau sao con khóc? Tại sao, nói cô nghe.”

Mike òa lên, tảng đá trên ngực đang cố kìm vỡ ra thành nước, “Ba mẹ ly dị. Mẹ đuổi ba đi rồi.”

Tôi thừ người, chuyện vợ chồng ly dị ở xứ sở này xảy ra như cơm bữa. Hơn 30% trong số 700 học sinh của ngôi trường nghèo mà tôi đang làm này lớn lên trong một gia đình chỉ có cha, hoặc mẹ. Tôi đã từng chứng kiến và quặn lòng trước bao giọt nước mắt trẻ thơ khi cha mẹ chia tay. Chỉ có cha mẹ các em là dửng dưng khi rứt áo ra đi, không biết họ nghĩ gì khi phải đối diện với những giọt nước mắt thơ ngây này? Các em làm chi nên tội?

Tôi biết gia đình của Mike. Mẹ em trẻ lắm, đẹp như tranh vẽ. Ba thì nhìn hơi ngầu một chút nhưng cũng trẻ, cũng đẹp trai xứng đôi vừa lứa. Cách đây hơn hai năm thôi, ngày mà gia đình Mike mới ở Việt Nam qua, Mike mới vào lớp Một, cả cha lẫn mẹ ngày nào cũng đưa Mike đến trường, chờ cho Mike vào lớp xong mới quay đầu đi về nhà. Gia đình đầm ấm hạnh phúc lắm. Nghe nói lúc đó mẹ Mike còn chưa biết lái xe, chỉ ngồi may ở nhà. Ba đi làm công nhân lắp ráp ở hãng điện tử. Sau khi Mike đi học rồi, rảnh rỗi, mẹ Mike mới đi học lái xe, học làm móng tay, rồi đi làm. Giờ thì lại nghe nói ba mẹ Mike chia tay. Tại sao vậy không biết?

Chỉ vài tháng thôi mà Mike xơ xác thấy rõ. Một hôm, Mike đến trường với một bên mặt sưng húp. Tôi đưa cho Mike túi đá lạnh để chườm. Nhưng lần này, không phải Mike tự va vào đâu hết, mà là ba đánh Mike đêm qua.

“Ba về nhà. Ba mẹ gây gỗ dữ lắm. Con sợ quá ôm mẹ. Ba đẩy con ra rồi còn rút súng ra dí vào đầu mẹ. Con sợ ba “kill” mẹ nên bốc phone gọi 911. Ba nhào đến đánh con. Mẹ can ra, ba đánh mẹ luôn,” Mike buồn bã thuật lại.

Không hỏi thêm nhưng tôi đóan biết được đoạn kết của câu chuyện, cảnh sát đến, người cha bị bắt đưa vào tù. Thế là lại một gia đình tan nát.

“Am I a bad boy?” Mike khóc nức nở.

“Sao con nói như vậy?” tôi hỏi.

“Tại con gọi cảnh sát bắt ba, bà nội nói con là bad boy. Bà nội không thương con nữa. Bà nói từ giờ bà không bao giờ nhìn mặt con và mẹ nữa.”

Mắt tôi cay xè rồi. Tội nghiệp Mike của tôi! Người lớn ơi, sao lại nỡ lòng nào trút tất cả tội tình lên đầu đứa trẻ vô tội này.

“Không, con không phải là bad boy. Không bao giờ con là bad boy hết Mike à! Lúc đó con sợ quá nên con phải làm vậy để cứu mẹ mà, có phải vậy không?” tôi an ủi và đưa cho Mike chiếc khăn giấy để thấm đi những giọt nước mắt đang ràn rụa trên gương mặt nhem nhuốc của thằng nhỏ.

“Thật không cô?” ánh mắt Mike lấp lánh một tia hy vọng. “Con không phải là “bad boy” hết phải không cô?”

Hết năm lớp Ba, Mike bị ở lại lớp. Năm sau gặp lại thấy Mike rất khác. Em đã dần mất đi nụ cười tròn vo cố hữu. Mike ít lên văn phòng để xin chườm đá. Có lẽ cái đau thể xác giờ không làm cho em bận tâm như trước. Mike người lớn hẳn ra. Thỉnh thoảng gặp Mike trong sân trường, tôi hỏi chuyện. Mike nói mẹ đã có boyfriend mới, dọn đi tiểu bang khác ở. Ba đã ra tù rồi, nhưng bị án lệnh của toà không cho đến gần Mike nên không còn gặp Mike nữa. Mike giờ đang sống với bà ngoại. Tôi đã có gặp bà vài lần. Bà ngoại còn trẻ, chắc cỡ trên dưới 50 tuổi thôi, cũng đã ly dị ông chồng ở Việt Nam, giờ đang sống với bạn trai.

Một hôm, Mike lên văn phòng, khoe với tôi tờ giấy $5. Mike nói đó là tiền Mike kiếm được bằng cách cọ cầu tiêu phòng tắm và được bà ngoại cho.

“Mike giỏi quá!” tôi khen. “Con sẽ làm gì với số tiền này?”

“Con sẽ mua đồ chơi,” Mike vui vẻ đáp. “Lâu lắm rồi không có ai mua đồ chơi cho con.”

Kỳ khôi nhỉ, thằng bé đang vui thế kia mà sao tôi lại buồn rơi nước mắt!

Một sáng Thứ Sáu, cả trường đang tập họp trước sân để chào cờ. Bỗng dưng, học sinh nhốn nháo rồi bỏ chạy tán loạn về mọi phiá.

“Call the police! Someone brings a gun to school,” có ai đó hét to lên.

Hỗn loạn, những tiếng la hét, tiếng rú, tiếng khóc loạn xạ chen lẫn vào nhau.

Tôi cứng người, tay chân như tê liệt. Tin tức về học sinh đem súng vào trường bắn nhau, bắn các học sinh khác, rồi có người xả súng bắn điên cuồng vào khán giả xem phim trong rạp hát, trong siêu thị, tôi đã đọc trên báo, xem trên TV hàng ngày, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ nó lại xảy ra tại chính ngôi trường này.

Hiệu trưởng của trường thông báo là đã gọi cảnh sát! Cảnh sát sẽ tới ngay. Lệnh “Lock down” được ban ra. Tôi cùng 1 số giáo viên khác cố chạy tới chạy lui lùa học sinh đang chạy náo loạn trong sân trường vào các phòng học để giáo viên khoá cửa lại. Trong giờ phút này, chúng tôi không còn tỉnh táo để kịp nghĩ gì về mình. Tất cả chỉ biết hành động theo bản năng là phải chắc chắn làm sao không còn sót một em nhỏ nào còn lang thang ngoài sân.

Nhưng sao Mike còn đứng đó? Em đứng giữa sân trường như trời trồng, mắt nhìn ngơ ngác trước những tiếng la hét của mọi người. Trong tít tắc, cảnh sát đã ập đến và họ đang chĩa súng vào em. Mike! Mike! Chạy vào lớp đi Mike.

“What’s happening?” tôi như đang đi trong một giấc mơ. Tôi không còn biết và không hiểu những gì đang diễn ra. Nhưng điều đập vào mắt tôi đã làm tôi lạnh người. Trên tay Mike đang lăm lăm một khẩu súng đen ngòm.

“Drop the gun! Drop the gun! Or we’ll shoot you!” Cảnh sát bao vây quanh Mike và hét to.

“No, No! Please please don’t kill him, “tôi vừa khóc vừa la hét như người điên khi thấy hai ba họng súng của cảnh sát đang chĩa vào Mike. “Please let me talk to him. He doesn’t speak English!” Tôi biết Mike hiểu tiếng Anh, nhưng tôi nói vậy vì biết Mike đang sợ, sợ lắm, sợ đến nỗi cứng người như tôi đây và không biết phải làm gì.

“Bỏ súng xuống, quăng súng xuống đất, Mike, please” tôi ráng lấy bình tĩnh nói với em. Hai tay tôi giơ về trước, van vỉ.

Mike quăng súng xuống đất. Ngay lập tức, hai người cảnh sát nhào đến, đá khẩu súng ra xa và vật Mike nằm xuống nền xi măng khô nháp. Đầu Mike đập xuống đất và máu bắt đầu ứa ra.

Một cảnh sát khác chạy đến nhặt khẩu súng lên rồi hét lớn, “It’s a FAKE one! That’s really REALLY stupid! But it looks so real.” Họ bắt đầu chửi thề giận dữ.

Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Lệnh báo động được giải toả. Tôi như vừa trút được một gánh nặng ngàn cân trên ngực, nhưng rồi tôi lại bắt đầu nổi nóng lên với Mike và hỏi dồn dập: “Ngu ngốc quá, sao con lại đem súng vào trường vậy Mike, cho dù chỉ là súng giả. Con có biết con có thể bị cảnh sát bắn chết không? Ở đâu con có cây súng đó?”

“Con mua lại của 1 thằng bạn trong xóm hết 5 đồng. Lâu nay mới có đồ chơi, con muốn đem vô trường khoe với bạn,” Mike trả lời, mặt em vẫn còn xanh lè vì sợ hãi.

Đúng rồi, đó chính là số tiền $5 Mike kiếm được bằng cách chùi cầu tiêu nhà tắm mà em đã khoe với tôi. Lâu lắm rồi không có ai mua đồ chơi cho con. Thương con quá Mike ơi!

Mike ngồi đó ủ rủ như một con gà ướt. Ông cảnh sát, sau khi la hét một trận om sòm cho Mike nghe giờ đã hơi dịu dịu. Tôi trình bày hoàn cảnh gia đình Mike cho hiệu trưởng và cảnh sát nghe. Sở xã hội và cơ quan bảo vệ trẻ em được mời đến. Bà ngoại em cũng được mời đến. Mike bị kỷ luật đuổi học 1 tuần lễ, nhưng bà ngoại không thể đón em về nhà, vì trên tay bà không có một mẩu giấy lộn chứng minh bà là người bảo hộ hợp pháp của Mike.

Người Việt mình thường ỷ y coi thường pháp luật. Cha mẹ đi làm xa sẵn sàng để con cho ông bà, hoặc cô dì chú bác nuôi mà ít khi nào chịu ra toà hoặc ít nhất là đến văn phòng luật sư để làm giấy tờ hợp lệ trao quyền nuôi dưỡng cho thân nhân. Bình thường thì không sao, đến khi có chuyện như hôm nay thì đã muộn…

Mike tạm thời bị đưa đến một nhà tạm dành cho trẻ em”có vấn đề” (juvernile hall) cho đến khi số phận của em được định đoạt.

Rồi toà án, rồi sở xã hội, qua nhiều ngày điều tra và họp bàn, cuối cùng quyết định truất luôn quyền nuôi dưỡng của cả cha mẹ lẫn bà ngoại vì tất cả đều lơ là không làm tròn trách nhiệm. Suýt nữa thì sự lơ là (neglection) của họ đã lấy đi mạng sống của thằng bé. Điều gì xảy ra nếu các cảnh sát tưởng Mike cầm súng thật và họ bắt đầu nổ súng vào em?

“It’s a broken family!” quan tòa phán quyết, và ra lệnh Mike phải dọn đi ở với 1 gia đình “foster care.”

Ngày Mike dọn đi đến với người foster care, cô hiệu trưởng và tôi đã đến tiễn đưa em. Tôi mua tặng em một số quần áo ấm, sách truyện, và một cái back pack mới. Mike cảm ơn rồi chuyển đồ dùng, quần áo của em mà bà ngoại đã để sẵn trong một bao rác đen qua cái back pack. Vậy mà back pack còn rộng! Tài sản của em chẳng có gì. Cái đồ chơi tôi mua cho em là một khối Rubik. Mike thích lắm, em xin phép tôi bóc ra rồi xoay xoay chơi liền. Hình như đây là món đồ chơi duy nhất mà em có.

Bà ngoại em đứng 1 góc phòng thút thít khóc. Mẹ em còn ở tiểu bang khác không về được, nghe nói mẹ em đã có thêm em bé.

Mike cầm túi xách khoác lên vai. Em nhìn tôi một hồi lâu rồi hỏi nhỏ, “Can you take me with you?”

Tôi sững người, mọi người chung quanh cũng đều sững sờ trước câu hỏi của em. Nhưng biết làm sao đây Mike. Tôi chỉ là 1 cán sự quèn trong một văn phòng trường với đồng lương ba cọc ba đồng. Tôi còn gia đình, còn con nhỏ, còn nhiều gánh nặng. Tôi không thể đem em về. Xin em hiểu và tha lỗi cho tôi!

“I’m sorry! ” Tôi nói, và cúi gằm mặt xuống thật thấp, cảm thấy mình thật nhỏ mọn và bất lực.

“It’s OK!” Mike nói. Chưa bao giờ tôi thấy em người lớn bằng lúc này. Mike ngập ngừng, “But… can you give me a hug, please?”

Tôi bật khóc, chung quanh tôi có cảnh sát, có cha mẹ nuôi (foster parents) của Mike, có bà ngoại, có cô hiệu trưởng, nhưng tôi không còn thấy sợ ai nghĩ gì nữa. Tôi ôm ghì lấy em. Mike cũng quàng tay ôm chặt tôi, dụi đầu vào lòng tôi mà khóc.

Hồi xưa, mỗi lần em đau tôi chỉ cần chườm đá rồi thổi phù một cái là em hết đau ngay. Nhưng bây giờ, nỗi đau trong lòng em sâu nặng quá, biết làm sao tôi chữa được cho em?

Thế là Mike đã ra đi, nghe nói gia đình foster care ở đâu xa lắm. Không biết tôi còn có dịp gặp lại em không. Tôi rất mong muốn gặp lại em và nói với em thêm một lần rằng em không bao giờ là “bad boy” cả. Tôi tin là vậy và em hãy tin là vậy. Hãy lớn lên và sống thật tốt, Mike nhé!

Cuộc sống vẫn trôi. Người lớn vẫn tiếp tục yêu nhau, lấy nhau, sản sinh ra những đứa trẻ, rồi gây gỗ, và bỏ nhau. Mike đã ra đi, nhưng trong ngôi trường nhỏ này, cũng như đâu đó trong thế giới quanh tôi, rất nhiều Mike khác vẫn tiếp tục lớn lên và sống trong sự lãng quên của người lớn, trong cô đơn, và trong những ngôi nhà rạn nứt.

Tags:
Ngân sách mới của TT Trump có thể khiến hàng triệu người mất tem phiếu thực phẩm

Ngân sách mới của TT Trump có thể khiến hàng triệu người mất tem phiếu thực phẩm

Mặc dù khi tranh cử, Donald Trump thể hiện mình như một người anh hùng của tầng lớp lao động nghèo (và nhiều người da trắng trong tầng lớp này đã bỏ phiếu cho ông ấy).

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất