Nước Mỹ báo động gia tăng lừa đảo, tống tiền qua điện thoại

Theo dữ liệu của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ, khiếu nại về các vụ lừa đảo trong đó người gọi giả danh các cơ quan chính phủ Mỹ đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

10:30 10/07/2019

Julianne Stafford, một giáo viên giáo dục đặc biệt ở Massachusetts (Mỹ) gần đây đã nhận được một cuộc điện thoại đáng sợ: một người tự xưng là quan chức an sinh xã hội cho biết một số tài khoản ngân hàng được mở dưới tên của cô ở El Paso (Texas) có liên quan đến buôn bán ma túy và Cảnh sát Boston đã có lệnh bắt giữ cô.

Cách duy nhất để xóa tên của cô, người gọi điện cho biết, là trả tiền – bằng cách mua hai thẻ quà tặng Google Play trị giá 500USD và đưa mã kích hoạt qua điện thoại.

Stafford đã bị “sốc” vì điều đó, cho đến khi người quản lý tại cửa hàng nơi cô đến mua thẻ quà tặng nói với cô rằng cô đang bị lừa đảo.

“Anh ấy nhìn tôi với sự đồng cảm rất lớn trong mắt anh ấy và nói, ‘Bạn đang bị lừa đảo. Đừng làm điều này.’ Anh ấy đã tiết kiệm cho tôi 1.000 USD,” Stafford nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn.

Khiếu nại về các vụ lừa đảo trong đó người gọi giả danh là từ chính phủ – cơ quan an sinh xã hội, IRS hoặc các cơ quan khác – đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay – theo dữ liệu của Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) mới công bố.

Trong nửa đầu năm nay, cơ quan giám sát người tiêu dùng của FTC cho biết họ đã nhận được 209.000 báo cáo về các vụ lừa đảo qua điện thoại. Con số này cao gần bằng số lượng báo cáo mà FTC nhận được trong cả năm 2018, cho thấy các khiếu nại đang trên đường tăng gần gấp đôi trong năm nay.

Theo FTC, kể từ 2014 đến nay, người Mỹ đã bị lừa lấy đi ít nhất 450 triệu USD theo cách trên – và số liệu này mới chỉ tính tới các báo cáo gửi tới cơ quan quản lý.

“Sự gia tăng gần đây nhất mà chúng tôi thấy thực sự bắt đầu vào tháng 9 và tháng 10 năm 2018,” Monica Vaca, phó giám đốc bộ phận phản ứng và hoạt động của người tiêu dùng thuộc FTC, nói với CNN.

Sự bùng nổ các khiếu nại lừa đảo mạo danh cơ quan chính phủ phản ánh một cuộc khủng hoảng sâu sắc liên quan đến các cuộc gọi tự động (robocall) và số điện thoại giả mạo. Những kẻ lừa đảo thường sử dụng phần mềm quay số để mạo danh các cơ quan chính phủ và dụ dỗ các nạn nhân. Trong một số trường hợp, bọn tội phạm còn giả mạo cả các số điện thoại được đăng ký hợp pháp của cơ quan thực thi pháp luật.

Hàng ngàn người tiêu dùng đã báo cáo về các vụ lừa đảo trong năm nay nói với FTC rằng họ bị mất tiền. Hầu hết nạn nhân mất 500 USD, nhưng tổn thất trung bình lại gần gấp đôi số tiền đó. Người cao tuổi bị mất nhiều nhất – trong một số trường hợp bị mất tới 2.700 USD.

Để tránh bị phát hiện, những kẻ lừa đảo đe dọa các nạn nhân bằng các hình phạt và sau đó yêu cầu thanh toán bằng thẻ quà tặng bán lẻ, chẳng hạn như iTunes hoặc Google Play.

Logic cơ bản của trò lừa đảo rất đơn giản, dựa trên nỗi sợ hãi của người tiêu dùng về việc tuân thủ luật pháp. Nó cũng tận dụng những tiến bộ trong công nghệ, vốn khá xa lạ với nạn nhân.

Các nhà lập pháp và các nhà quản lý ở Mỹ đã thực hiện một số bước để hạn chế robocall và giả mạo số điện thoại.

Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) cũng đã khuyến cáo các công ty viễn thông có thể triển khai các công nghệ chặn mặc định robocall cho khách hàng của họ. Công nghệ này hoạt động tương tự như cách các dịch vụ email lọc thư rác. FCC cũng đã kêu gọi các nhà mạng áp dụng các tiêu chuẩn xác thực cuộc gọi có thể giúp người dùng điện thoại tin tưởng hơn vào nhận dạng người gọi./.

Theo Vietnam+

Tags:
Mỹ quy định thế nào là hàng ‘Made in USA’?

Mỹ quy định thế nào là hàng ‘Made in USA’?

Trong khi Việt Nam chưa có quy định thế nào là hàng “Made in Vietnam”, các nền kinh tế lớn trên thế giới đưa ra những bộ tiêu chí rất chi tiết về việc gắn nhãn “Made in…”.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất