Nước Mỹ chia rẽ về kiểm soát súng đạn

Ngày 20-2 (giờ Việt Nam), Nikolas Cruz, nghi phạm xả súng tại Trường Trung học Marjory Stoneman Douglas ngày 14-2, làm 17 người thiệt mạng, đã trình diện tại tòa trong thời điểm làn sóng phẫn nộ trước việc chần chừ siết chặt kiểm soát súng đạn tiếp tục gây chia rẽ xã hội Mỹ.

14:00 22/02/2018

Biểu tình kêu gọi kiểm soát súng đạn trước Nhà Trắng

Gây áp lực lên giới lập pháp

Ở phiên xét hỏi đầu tiên, Nikolas Cruz xuất hiện với trang phục tù nhân, tay bị xích và gương mặt không hề bộc lộ cảm xúc. Cruz đối mặt với các tội danh giết 17 người có kế hoạch từ trước tại Trường Trung học Marjory Stoneman Douglas. Vụ xả súng đẫm máu này chính là thảm kịch kinh hoàng nhất tại một trường trung học ở Parkland, bang Florida. Trong phiên xét xử, thẩm phán yêu cầu đưa ra các nội dung đánh giá về sức khỏe thần kinh của Cruz. Bản đánh giá này do Cơ quan Gia đình và Trẻ em Florida thực hiện vào tháng 11-2016 cho thấy, Cruz vốn có hành vi bất bình thường và theo lời bạn bè của Cruz, nghi phạm này có nỗi ám ảnh với súng đạn.

Trong khi đó, một nhóm thanh niên và hàng trăm người ủng hộ đã tổ chức biểu tình ở khu vực Nhà Trắng nhằm gây áp lực lên giới lập pháp về việc kiểm soát chặt hơn việc sở hữu súng đạn. Các cuộc tuần hành phản đối việc giới chức trách Mỹ chần chừ ban hành một luật kiểm soát súng đạn mới đã nổ ra sau khi vụ xả súng kinh hoàng ở Parkland. Theo truyền thông Mỹ, làn sóng phẫn nộ của học sinh, giáo viên đang diễn ra trên toàn quốc nhằm kêu gọi Tổng thống Donald Trump và các nhà lập pháp thắt chặt các biện pháp kiểm soát súng, vốn bị trì hoãn từ lâu. Đây không phải là lần đầu nước Mỹ có tuần hành kêu gọi kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề nhạy cảm, gây chia rẽ trong chính giới Mỹ nên nước này vẫn chưa có biện pháp kiểm soát súng đạn mạnh tay.

Ủng hộ kiểm tra lý lịch người mua súng

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ủng hộ những nỗ lực cải thiện các biện pháp kiểm tra lý lịch của người mua súng. Tổng thống Donald Trump đã nói chuyện với Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn về một dự luật mà ông đã giới thiệu trước đó với Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy nhằm thúc đẩy việc tuân thủ của chính phủ liên bang và chính quyền các tiểu bang với việc kiểm tra lý lịch hình sự người mua súng. Ông Murphy cho rằng sự ủng hộ của Tổng thống Donald Trump đối với dự luật trên là một dấu hiệu mới cho thấy chính sách bạo lực về súng đạn đang chuyển hướng dù dự luật không phải là biện pháp phù hợp duy nhất cho vấn đề này.

Dư luận Mỹ hiện có nhiều chỉ trích Tổng thống Donald Trump và giới lập pháp của đảng Cộng hòa – giới chính trị được cho là có quan hệ mật thiết với Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA). Đây vốn là hiệp hội có tiếng nói trên chính trường Mỹ khi quy tụ số lượng hội viên lớn, sẵn sàng đóng góp mạnh tay trong các cuộc bầu cử Mỹ. Nhiều năm qua, NRA luôn cương quyết chống lại mọi hình thức kiểm soát súng đạn. Trước đây, Tổng thống Barack Obama cũng nhiều lần nỗ lực thúc đẩy thông qua dự luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ, song đều thất bại trong bối cảnh đảng Cộng hòa chiếm đa số ghế trong Quốc hội.

Theo nhóm vận động kiểm soát súng đạn Everytown for Gun Safety, nước Mỹ đã phải đối mặt với tổng cộng 18 vụ xả súng trường học chỉ trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2018. Bạo lực súng đạn đã cướp đi sinh mạng của 90 người Mỹ mỗi ngày. Hiện việc mua bán và sử dụng vũ khí tại nhiều bang ở Mỹ vẫn diễn ra mà không cần thông qua bất kỳ sự rà soát nào về lý lịch cũng như tiền sử tâm lý.

Theo SGGP

Tags:
Học sinh ‘biểu tình nằm’ trước Tòa Bạch Ốc, đòi kiểm soát súng

Học sinh ‘biểu tình nằm’ trước Tòa Bạch Ốc, đòi kiểm soát súng

Hơn một chục học sinh hôm Thứ Hai “biểu tình nằm” (lie in) trước Tòa Bạch Ốc trong ba phút để đòi hỏi chính quyền có biện pháp kiểm soát súng, theo NBC News.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất