Nước Mỹ đang "thất thủ" vì Covid-19, bệnh nhân thoi thóp chờ giường bệnh, tâm lý chán nản bao trùm các bác sĩ
Bác sĩ Drew Miller biết bệnh nhân của mình cần được chuyển lên một bệnh viện lớn hơn nhưng tình trạng khan hiếm giường bệnh khiến chàng trai 30 tuổi phải chờ đợi trong tình trạng thoi thóp.
01:00 26/11/2020
Các dấu hiệu của sự sống của bệnh nhân 30 tuổi tại bệnh viện hạt Kearny ở vùng nông thông Lakin, Kansas đang ngày càng mất đi. Miller, giám đốc bệnh viện kiêm luôn cả nhân viên y tế, gọi điện đến các bệnh viện lớn hơn để tìm giường ICU (điều trị tích cực). Khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt ở Kansas, không có giường ICU nào còn trống.
Vào ngày hôm sau, khi một giường trống ở nơi khác được xác nhận, thanh niên này đã thoi thóp. Trong suốt 45 phút, Miller và các nhân viên y tế phải thực hiện ép ngực trong một nỗ lực tuyệt vọng để duy trì sự sống cho chàng trai trẻ. Bằng cách nào đó, tim bệnh nhân đập trở lại và một chiếc xe cấp cứu phóng hết tốc lực để đưa anh ta tới cơ sở y tế lớn hơn cách đó gần 50km.
Miller đã cầu nguyện cùng với gia đình bệnh nhân, người mà ông chẳng có gì xa lạ. Họ sống ở Lakin, một thị trấn chỉ có vài nghìn người. Nói về trường hợp này, bác sĩ Miller khẳng định: "Đó thực sự là một phép màu khi cậu ấy vẫn còn sống".
Sau khi đại dịch Covid-19 quét qua nước Mỹ vào mùa xuân vừa qua, virus corona đã nhấn chìm các vùng nông thông và các thị trấn nhỏ trên khắp nước Mỹ. Thậm chí, chúng gần như hiện diện ở mọi ngóc ngách của đất nước. Reuters cho biết hàng chục nhà cung cấp dịch vụ y tế và các quan chức y tế cộng đồng nói đến tình trạng thiếu thiết bị, giường bệnh và nghiêm trọng nhất là thiếu cả y bác sĩ.
Các ca mắc Covid-19 và số ca nhập viện đang tăng đột biến trên toàn nước Mỹ. Tuy nhiên, vùng Trung Tây, bao gồm hàng chục bang nằm giữa Ohio và Dakotas, bị tàn phá một cách đặc biệt nghiêm trọng. Tỷ lệ số ca mắc mới cao gấp đôi so với bất cứ khu vực nào khác ở Mỹ. Từ giữa tháng 6 đến tháng 11, tổng số ca mắc Covid-19 được ghi nhận tại vùng Trung Tây đã tăng hơn 20 lần.
Trong tuần kết thúc vào ngày 19/11, North Dakota có 1.769 ca mắc mới trên 1 triệu dân mỗi ngày. South Dakota có tới 1.500 ca mắc mới/1 triệu dân trong khi Wisconsin và Nebraska ghi nhận khoảng 1.200 ca. Kansas cũng có 1.000 ca. So với tuần tồi tệ nhất của New York hồi tháng 4, thời điểm mà giãn các xã hội được thực thi, bang này chưa bao giờ ghi nhận nhiều hơn 500 ca mắc/1 triệu dân mỗi ngày.
Các quan chức y tế tại các bệnh viện ở miền Trung Tây nước Mỹ nói rằng họ đang hoặc sắp hết giường. Hầu hết các cơ sở y tế đã gia tăng khả năng phục vụ bằng cách sắp xếp lại số giường bệnh cũng như gia tăng số lượng người bệnh trong 1 phòng. Họ cũng yêu cầu các nhân viên làm thêm giờ và việc này kéo dài liên tục.
Tuy nhiên, các bệnh viện nhỏ, vốn có ít kinh phí hoạt động vì chỉ đảm trách các nhiệm vụ cấp cứu cơ bản cho người dân sống cách xa các bệnh viện lớn, cũng phải hoạt động hết công suất. Bác sĩ Miller, người đã nói ở phần đầu bài báo, đang đảm trách luôn nhiệm vụ chăm sóc cho tất cả mọi người dù chuyên môn của mình là y tế gia đình.
Trong khi số ca mắc tăng đột biến ở các bang hoặc quận bảo thủ, giới chức y tế còn có thêm một nhiệm vụ nữa là thuyết phục bệnh nhân và lãnh đạo địa phương tin rằng căn bệnh này là một mối đe dọa thực sự, cần được xem xét nghiêm túc. Họ cũng phải miệt mài giải thích rằng đại dịch này không phải một trò lừa bịp kéo dài của những người Dân chủ.
Quan điểm này, có lẽ một phần liên quan tới Tổng thống Trump, người thường xuyên tổ chức các cuộc vận động tranh cử ở các bang Trung Tây nước Mỹ. Ở đây, người ta coi đeo khẩu trang là sự lựa chọn cá nhân. Hiện tại, Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ thua nhưng việc ông tại nhiệm 2 tháng nữa cho thấy khó có sự thay đổi nào trong chiến lược đối phó Covid-19 ngay cả khi khủng hoảng gia tăng.
Là những người chấp nhận liều mình để đối phó với đại dịch, những nhân viên y tế là những người chán nản nhất khi nhìn thấy các quán bar, nhà hàng vẫn miệt mài chuẩn bị cho các bữa tiệc trong Lễ Tạ ơn. Tâm lý chán nản bao trùm, nhất là khi họ phải chứng kiến nhiều người ra đi ngay trước mắt vì căn bệnh đang bị đám đông ngoài kia thờ ơ.
Ở thời điểm hiện tại, có 256.000 người Mỹ đã chết vì Covid-19. Những thông tin tích cực về vắc xin có thể khiến nhiều người cảm thấy lạc quan. Tuy nhiên, cần thời gian để vắc xin đến được với toàn bộ người dân Mỹ cũng như nó không thể chữa khỏi cho những bệnh nhân đã mắc Covid-19. Các phương thuốc hiện tại góp phần làm giảm số ca tử vong nhưng trang thiết bị ICU hoặc nhân viên y tế có chuyên môn lại đang rất thiếu.
Khi mùa đông đang tới nhưng mọi người lại rời khỏi nhà đi du lịch trong dịp nghỉ lễ, các bác sĩ lo ngại số ca mắc có thể tăng thêm. Tuy nhiên, điều khiến họ lo lắng là cơ sở hạ tầng không gia tăng tương ứng nhằm đối phó với số bệnh nhân cao kỷ lục.
Hiện tại, vẫn còn nhiều quan chức không hài lòng với các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan, thậm chí còn đe dọa xóa bỏ các yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc của địa phương. Điều này khiến đội ngũ y bác sĩ tiếp tục cảm thấy chán nản, nhất là khi họ làm việc suốt nhiều ngày không nghỉ vì Covid-19.
Link nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/nuoc-my-dang-that-thu-vi-covid-19-benh-nhan-thoi-thop-cho-giuong-benh-tam-ly-chan-nan-bao-trum-cac-bac-si-42020251110434933.htm
Bí mật vừa được tiết lộ: Một SAI SÓT đã khiến vắc-xin COVID-19 của ĐH Oxford thành công
Thật không thể ngờ được rằng, chính một sai lầm lại là điều khiến vắc-xin COVID-19 do ĐH Oxford nghiên cứu bỗng đạt được mức độ hiệu quả cao đến thế và sẽ sớm được đưa vào sử dụng. Thế mới thấy, không phải sai lầm nào cũng là đáng trách cả.