Nước Mỹ đang trở lại vị trí đầu tàu thế giới?

Giữa nhiều mối lưu tâm đối nội cấp bách, những trọng tâm đối ngoại được Tổng thống Biden lựa chọn trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ rất có thể là nền tảng chiến lược định hình bộ mặt nước Mỹ trong ít nhất 4 năm tới.

09:00 30/04/2021

"Thông điệp mà tôi muốn cả thế giới lắng nghe hôm nay chính là nước Mỹ đã trở lại", Tổng thống Joe Biden nói khi đến trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ một ngày đầu tháng 2.

Trong bài phát biểu, ông Biden nói chính quyền sẽ nhanh chóng khôi phục sự hợp tác với cộng đồng quốc tế, "tìm lại vị thế lãnh đạo dẫn đầu của mình, để thúc đẩy hành động toàn cầu trước những thách thức chung".

Trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, chính quyền Biden phải đối mặt với nhiều thách thức đối nội hơn hẳn những người tiền nhiệm, buộc tổng thống thứ 47 của nước Mỹ phải ưu tiên nguồn lực quốc gia cho những mục tiêu trong nước.

Điều này gián tiếp phô bày những lợi ích cốt lõi mà nước Mỹ đang theo đuổi bên ngoài biên giới quốc gia.

Cái lạnh của tiểu bang Alaska không làm “hạ nhiệt” hội nghị cấp cao Mỹ - Trung Quốc hôm 18/3. Đó là lần đầu tiên đại diện hai nước gặp nhau sau khi ông Biden lên nắm quyền.

Trước ống kính máy quay, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, và Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì cùng Ngoại trưởng Vương Nghị có màn đối đáp và chỉ trích kịch liệt ngay trong phiên khai mạc, trái ngược với những cuộc gặp ngoại giao trước đây.

“Trung Quốc có những hành động đe dọa trật tự dựa trên luật lệ vốn giúp duy trì sự ổn định toàn cầu”, ông Blinken nhấn mạnh. Cuộc chạm mặt trực diện đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc này như báo hiệu về viễn cảnh tương lai của mối quan hệ.

Dù đề ra chính sách “xoay trục”, cựu Tổng thống Obama chưa thực sự quyết liệt đối phó với thách thức từ Trung Quốc. Đến thời chính quyền Trump, Mỹ rất cứng rắn, song lại “đơn thương độc mã” trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.

Điều này phần nào kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc, song nó cũng tạo ra khoảng trống quyền lực lớn tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và Trung Quốc nhanh chóng chớp lấy cơ hội để trở thành nhân tố có ảnh hưởng với khu vực.

Chính vì vậy, ông Biden nhận thấy mình cần “đưa nước Mỹ trở lại”, không chỉ qua những hành động đơn phương, mà còn qua các cơ chế hợp tác song phương và đa phương với những đối tác trong khu vực.

Giữa tháng 4, Tổng thống Joe Biden tiếp đón Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tại Nhà Trắng. Đây là lần đầu tiên ông Biden, trên cương vị mới, gặp gỡ trực tiếp một lãnh đạo nước ngoài. Cuộc gặp qua đó góp phần khẳng định cam kết mạnh mẽ dành cho đồng minh và ưu tiên của ông Biden đối với khu vực.

“Chúng tôi cam kết làm việc với nhau để ứng phó với thách thức từ Trung Quốc, và về các vấn đề như Biển Hoa Đông, Biển Đông và Triều Tiên, từ đó đảm bảo tương lai tự do và rộng mở của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, ông Biden nói tại cuộc họp báo cùng Thủ tướng Suga.

Khoảng một tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Floyd Austin cũng đến Ấn Độ, một thành viên của nhóm “Bộ Tứ”, để tái khẳng định cam kết thúc đẩy trật tự ở khu vực và thắt chặt quan hệ hợp tác quốc phòng song phương.

Cuộc gặp trên diễn ra ngay sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên của nhóm "Bộ Tứ", gồm các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Hội nghị gửi đi tuyên bố mạnh mẽ của nhóm này trong quyết tâm ngăn chặn Trung Quốc, theo Washington Post.

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden vẫn giữ cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc nếu cần thiết. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng kể từ khi ông Biden nhậm chức, Mỹ triển khai hai đợt tuần tra tự do hàng hải (FONOP) vào ngày 5/2 và 17/2.

Đây được xem là thông điệp cứng rắn của Washington gửi cho Bắc Kinh, khi Luật Hải cảnh Trung Quốc được thông qua chỉ vài ngày trước đó.

Ngay trong tháng 4, hai nước một lần nữa lại “chạm mặt” khi đưa tàu sân bay vào Biển Đông. Phía Mỹ cử nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt cùng với nhóm tàu đổ bộ tấn công Makin Island đến tập trận chung. Sau đó 10 ngày, ba tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ áp sát tàu sân bay Liêu Ninh cùng nhóm 5 tàu hộ tống của Trung Quốc trên vùng biển này.

Giáo sư Toshihiro Nakayama, chuyên ngành Chính trị và Chính sách đối ngoại Mỹ, Đại học Keio, Nhật Bản, bình luận cách tiếp cận của chính quyền Biden đã “bổ sung sự khôn ngoan vào lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc của thời ông Trump”.

Tuy nhiên, ông Nakayama cũng cho rằng chính sách của ông Biden có phần quá phức tạp, vì thế việc triển khai cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, trong khi “mục tiêu cuối cùng vẫn chưa hề rõ ràng”.

"Đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ. Đã đến lúc đưa lính Mỹ về nhà", ông Biden tuyên bố hôm 14/4, về quyết định dấu ấn trong 100 ngày đầu: Rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Afghanistan trước ngày 11/9.

Ông Biden đến thăm Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở Virginia ngay sau đó. Đứng giữa làn mưa và bia mộ của những lính Mỹ hy sinh, tổng thống thứ 47 của nước Mỹ nhắc đến người con trai lớn Beau Biden.

Ông không cầm được nước mắt.

Sau hơn 10 năm chờ đợi và cố gắng, ông Biden hiện thực hóa được một điều đau đáu trong lòng: Chấm dứt cuộc chiến gần 20 năm của Mỹ tại Afghanistan, và đưa những người lính Mỹ cuối cùng về nhà.

“Tôi đau lòng mỗi khi nghĩ đến nghĩa trang, và khi nghĩ về con trai Beau - người khăng khăng khoác lên mình bộ quân phục, tự hào đến Iraq và từ bỏ vị trí tổng chưởng lý bang Delaware. Nó làm điều đó với suy nghĩ rằng đó là điều phải làm”, Tổng thống Biden nói.

Tổng thống Mỹ cho biết câu chuyện về Beau chính là một trong những lý do khiến ông quyết định rút toàn bộ 2.500 binh sĩ còn lại ở Afghanistan.

“Họ đều là những người con thân yêu, những người đã bỏ lại cả gia đình sau lưng”, ông Biden nói, ám chỉ những người lính Mỹ đã mãi nằm xuống.

Từ khi giữ vị trí phó tổng thống dưới thời Obama, ông Biden đã cho rằng Afghanistan là cuộc chiến không thể thắng, theo Washington Post.

Trước cuộc họp cân nhắc vấn đề gia tăng quân sự ở Afghanistan vào năm 2009, ông Biden yêu cầu được nói chuyện riêng với ông Obama nhưng bị từ chối. Không bỏ cuộc, ông chặn cấp trên lại để nói về khả năng thất bại của Mỹ nếu tiếp tục tăng quân, nhưng lời cảnh báo của ông là vô ích.

Sau đó, Biden nhiều lần tiếp tục phản đối chiến tranh ở Trung Đông. Ông khuyên ông Obama không tiến hành cuộc đột kích trùm khủng bố Osama bin Laden, phản đối cuộc chiến ở Libya và kêu gọi không trả đũa Syria.

Trong 8 năm cầm quyền, "sếp cũ" của ông Biden - cựu Tổng thống Obama - quyết định mở rộng can dự tại Afghanistan, bổ sung hàng chục nghìn binh sĩ, cùng khoản chi hàng chục tỷ USD để củng cố chính quyền Afghanistan.

Năm 2009, trong nhiệm kỳ đầu của mình, Obama ra lệnh tăng mạnh quân số Mỹ tại Afghanistan để giải quyết cuộc nổi dậy của Taliban. Ông và các tướng lĩnh của ông ở Afghanistan hy vọng sự gia tăng quân số của Mỹ sẽ đánh bại Taliban trên chiến trường, từ đó buộc nhóm cực đoan này phải đến bàn đàm phán.

Tuy nhiên, Taliban đã giành được quyền kiểm soát đối với nhiều huyện và tỉnh hơn của Afghanistan, theo DW.

Tới tháng 6/2011, ông Obama thông báo kế hoạch đến năm 2012 sẽ rút 30.000 lính Mỹ. Năm 2014, cựu tổng thống hứa hẹn đến cuối năm 2016 sẽ rút hết quân Mỹ khỏi Afghanistan.

Ông Obama không thể hoàn thành lời hứa này. Với lo ngại lực lượng an ninh địa phương không đủ khả năng tự mình chống lại Taliban, ông Obama quyết định để lại 8.400 binh sĩ ở Afghanistan.

Khi được hỏi liệu việc rút quân có phải là một quyết định khó khăn hay không, ông Biden trả lời: “Không, không hề. Đối với tôi, điều đó rất rõ ràng. Tôi chưa bao giờ nghĩ chúng ta có mặt để thống nhất Afghanistan”.

Tuy nhiên, để đi đến quyết định trên, ông Biden đã vấp phải nhiều khó khăn. Các tướng lĩnh quân đội cũng như quan chức tình báo cấp cao đều phản đối việc rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan, vì lo ngại rằng chính quyền Kabul sẽ sụp đổ nhanh chóng dưới áp lực của Taliban.

Ở một khía cạnh tích cực hơn, việc rút quân cũng có thể sẽ giúp nước Mỹ thoát khỏi bóng ma của vụ khủng bố 11/9 - vốn đã xảy ra hơn 20 năm trước.

Trong thời gian hai thập niên, bối cảnh thế giới đã thay đổi rất nhiều, và mối đe dọa hàng đầu đối với nước Mỹ đã không còn là chủ nghĩa khủng bố mà là các vấn đề quốc nội cũng như các thách thức từ Trung Quốc và Nga.

Nếu việc rút quân thành công, ông Biden sẽ thực sự thay đổi cách người Mỹ nghĩ về quyền lực và sức ảnh hưởng, cũng như bản chất của an ninh quốc gia.

Ông cũng sẽ giúp đưa nguồn lực của nước Mỹ từ một cuộc chiến “không thể chiến thắng” sang những lĩnh vực cần tập trung, như ứng phó với đại dịch, chống đói nghèo và phân biệt chủng tộc, và đầu tư vào các cơ sở hạ tầng.

"Tổng thống tin rằng chúng ta cần đối mặt với các mối đe dọa và thách thức của năm 2021, chứ không phải 2001. Chúng ta cần tập trung vào năng lượng, tài nguyên, con người và thời gian vào những thách thức và đe dọa nhức nhối nhất với nước Mỹ", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki bình luận.

Ngay trong ngày nhậm chức 20/1, tại Phòng bầu dục, Tổng thống Biden đặt bút ký sắc lệnh đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Ông Biden nhất quán với quan điểm rằng biến đổi khí hậu là “yếu tố sống còn đối với chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia Mỹ”.

“Điều này thay đổi cả chính sách đối ngoại và thế trận quốc phòng”, ông John Podesta, một cựu quan chức của chính quyền Barack Obama, khẳng định.

Tuy nhiên, chẳng phải ngẫu nhiên mà “giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu có thể và sẽ là trụ cột trung tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden”, bà Meghan O'Sullivan, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush, nhận xét.

Trước đó, ông Biden đã luôn nhấn mạnh biến đổi khí hậu trong suốt chiến dịch “Build Back Better”của mình.

Đến khi đắc cử, ông ngay lập tức giới thiệu cựu Ngoại trưởng John Kerry vào một trong những vị trí đầu tiên của nội các mới - đặc phái viên tổng thống về biến đổi khí hậu - vai trò chưa từng xuất hiện trong lịch sử Mỹ.

Trước việc Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) tại Glasgow, Scotland bị hoãn do dịch Covid-19, chính quyền của ông Biden đứng ra tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về biến đổi khí hậu vào đúng Ngày Trái Đất 22/4.

Tại hội nghị trên, ông Biden kêu gọi 40 nhà lãnh đạo hành động nhanh chóng để chống lại thảm kịch khí hậu. “Đây là thập kỷ mà chúng ta phải đưa ra quyết định, qua đó tránh các hậu quả tệ nhất của khủng hoảng khí hậu”, ông Biden nhấn mạnh.

Bên cạnh những trăn trở về thách thức loài người phải đối mặt nhân một thời điểm đầy ý nghĩa, triển vọng tươi sáng về tương lai càng được lan tỏa từ hội nghị trên, ngay giữa bầu không khí căng thẳng bủa vây mối quan hệ Mỹ - Nga - Trung.

Trong thời điểm Nhà Trắng và Điện Kremlin vẫn phải bận tâm về sự căng thẳng ở vùng biên giới miền Đông Ukraine, còn hải quân của Mỹ và Trung Quốc quần thảo trên vùng biển tây Thái Bình Dương; thì đây lần đầu tiên sau nhiều tháng, Tổng thống Biden cùng người đồng cấp Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể nói với nhau về chuyện hợp tác.

Trước đó, ngày 17/4, ông John Kerry đã cùng đại diện Trung Quốc Giải Chấn Hoa khẳng định sự đồng lòng hiếm hoi giữa Washington và Bắc Kinh trong nỗ lực giải quyết thách thức toàn cầu về khí hậu, theo The Hill.

Tại đó, như tuyên bố của Bộ ngoại giao Mỹ, hai bên “nhắc lại vai trò lãnh đạo của sự hợp tác Mỹ - Trung trong quá khứ đối với quá trình hình thành, phê duyệt, ký kết và thực thi Hiệp định Paris”.

Theo Dữ liệu Khoa học Hệ thống Trái Đất (ESSD) năm 2018, Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia phát thải carbon dioxide lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 43% lượng phát thải CO2 toàn cầu. Thậm chí, lượng phát thải của Trung Quốc gần gấp 4 lần con số của quốc gia xếp thứ ba là Ấn Độ.

Cam kết trên cụ thể và mạnh mẽ đến mức dường như chẳng hề có cuộc đụng độ đáng chú ý nào của hải quân hai bên ngay trên Biển Đông chỉ mười ngày trước đó.

Trong tuần trước, chính ông Biden cũng tuyên bố sẽ cắt giảm đến 50-52% lượng phát thải carbon của Mỹ so với năm 2005. Con số này gấp đôi so với cam kết trước đó của cựu Tổng thống Obama, theo BBC.

Động thái của Nhà Trắng gửi đi thông điệp đến toàn thế giới, rằng nỗ lực trong vấn đề biến đổi khí hậu sẽ là viên gạch đầu tiên đưa nước Mỹ trở lại vai trò lãnh đạo, thay vì bất kỳ ưu tiên nào khác.

Quyết tâm của ông Biden đặt Mỹ vào vai trò trung tâm và trao cho Mỹ ngọn cờ lãnh đạo giữa cuộc chuyển mình đáng kỳ vọng của thế giới.

Từ việc quay lại hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đến việc chuẩn bị cho hội nghị COP26 tại Glasgow, nước Mỹ đang đi những bước chắc chắn và đầy toan tính trên hành trình trở lại vị thế của người dẫn đầu.

Dù vậy, “khí hậu sẽ phải cạnh tranh với những ưu tiên khác trong chương trình nghị sự của Mỹ”, ông Richard Haass, một nhà ngoại giao kỳ cựu của nước này, nhận xét.

Trong bối cảnh đời sống thế giới biến đổi từng ngày, giữa những lợi ích đan xen và vô vàn thách thức tiềm ẩn, không có gì đảm bảo nỗ lực của Tổng thống Biden có thể giúp ông khôi phục sức ảnh hưởng và củng cố vai trò của Mỹ.

Dù vậy, những thành tựu đạt được trong 100 ngày đầu tiên vẫn đồng điệu với khúc nhạc mà ông Biden đã tấu gần hai năm trước khi bắt đầu chiến dịch tranh cử. Trong ít nhất là bốn năm nữa, sứ mệnh mà nước Mỹ và thế giới đang cam kết đối với khí hậu vẽ ra một tương lai rất đáng trông chờ.

Tags:
MC Quỳnh Chi xót xa đặt bút ký giấy để chồng cũ đưa con sang Mỹ sau nhiều lần kiện tụng

MC Quỳnh Chi xót xa đặt bút ký giấy để chồng cũ đưa con sang Mỹ sau nhiều lần kiện tụng

MC Quỳnh Chi xót xa đặt bút ký giấy để chồng cũ đưa con sang Mỹ sau nhiều lần kiện tụng giành quyền nuôi con nhưng thất bại.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất