Nước Mỹ sẽ thế nào nếu California ly khai?
Người Mỹ đã trở nên ngày càng phân cực trong những năm gần đây. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, người Cộng hòa trung bình (tức là nằm ở điểm giữa trên thang từ ôn hòa nhất đến cực đoan nhất) còn bảo thủ hơn 97% người Dân chủ, trong khi người Dân chủ trung bình lại tự do hơn 95% người Cộng hòa.
01:30 16/05/2019
Hồi năm 1994, những con số này chỉ là là 64% và 70%.
Một số học giả lập luận rằng căng thẳng ý thức hệ chưa bao giờ quyết liệt như thế.
Chia rẽ dâng cao
"Chúng ta phải quay ngược lại lịch sử, trở lại thời hậu Nội Chiến, hồi thập niên 1890, để thấy rằng nền chính trị Mỹ khi đó cũng bị phân cực dữ dội gần giống như hiện nay," ông Bernard Grofman, nhà khoa học chính trị tại Đại học california, Irvine, nói. "Sự phân cực ở Quốc hội đang ở mức mà chúng ta chưa từng chứng kiến trong suốt hơn 100 năm qua."
California cũng không phải ngoại lệ. Trong vòng vài năm qua, sự chia rẽ trong lòng tiểu bang này cũng như giữa California và phần còn lại của Hoa Kỳ đã làm phát sinh ít nhất sáu ý tưởng nhằm chia California ra thành những tiểu bang nhỏ hơn hoặc cắt đứt nó hoàn toàn ra khỏi nước Mỹ.
Theo bà Monica Toft, giáo sư chính trị quốc tế tại Trường Quan hệ Quốc tế Fletcher thuộc Đại học Tufts ở Boston, thì những lập luận ủng hộ cho các kế hoạch này bao gồm quan điểm cho rằng chính phủ liên bang không còn đại diện cho lợi ích kinh tế của California nữa; rằng tiểu bang này quá lớn đến nỗi chỉ có thể quản trị đúng đắn trên cơ sở áp dụng quy mô địa lý nhỏ hơn; và rằng đã có sự khác biệt không thể dung hòa giữa những gì mà California và phần còn lại của nước Mỹ đại diện.
Cần phải nói rõ là trừ phi có gì đó thay đổi triệt để, bang California sẽ không sớm tách ra khỏi nước Mỹ.
Hiến pháp không cho phép các tiểu bang quyền ly khai, và không có mấy bằng chứng cho thấy đa số người dân California thật sự muốn rời khỏi nước Mỹ. Một khảo sát hồi năm 2017 được thực hiện trên 1.000 người dân California do Đại học California, Berkeley tiến hành cho thấy 68% người dân thuộc cả hai đảng phái chống đối lại ý tưởng ly khai.
Tuy nhiên, hãy thử xem xét xem điều gì sẽ xảy ra nếu sự việc bất khả thi này trở thành hiện thực, và tác động của chuyện khó xảy ra này đối với cán cân quyền lực, chính trị mong manh ở Mỹ.
Nội chiến?
Khả năng bạo lực, hay thậm chí là chiến tranh chính quy, là câu hỏi đầu tiên và quan trọng nhất khi đặt ra ra giả thiết điều gì sẽ xảy ra nếu California muốn ly khai.
Một cuộc nội chiến nữa ở Mỹ có lẽ là không có khả năng. Tuy nhiên, miền Nam nước Mỹ cũng không hề cho rằng sẽ có chiến tranh kéo dài xảy ra khi họ quyết định ly khai với miền Bắc hồi 157 năm về trước.
Nội chiến khi đó bùng nổ, khiến cho 620.000 người Mỹ mất mạng và làm rung chuyển nước Mỹ đến tâm can.
"Dường như khó mà nghĩ rằng nước Mỹ sẽ có một cuộc chiến ly khai nữa, nhưng tôi nghĩ rằng nếu ta nói chuyện với những người sống vào giữa Thế kỷ 19 thì họ sẽ nói giống như vậy," bà Toft nói. "Nước Mỹ không hề miễn nhiễm với việc này."
Những vụ ly khai khác trong suốt lịch sử cũng gây ra bạo lực. Pakistan đáp trả với nạn diệt chủng và hiếp dâm tập thể khi Bangladesh quyết định trở thành một quốc gia riêng rẽ vào năm 1971; cuộc chiến của Eritrea giành độc lập khỏi Ethiopia thì kéo dài trong suốt 30 năm.
Nhưng không phải lúc nào ly khai cũng có kết cục như vậy; một số quốc gia đã giải quyết vấn đề trong hòa bình.
Vào năm 1993, trong sự kiện 'Ly dị Nhung', Cộng hòa Czech đã tách ra khỏi Slovakia mà không gây ra đổ máu. Và bất chấp các cuộc đàm phán khó khăn giữa Anh và Liên hiệp châu Âu, Brexit vẫn đang được tiến hành trong hòa bình.
Liệu nước Mỹ có lựa chọn cách dùng vũ lực để ngăn cản California tách ra hay không tùy thuộc phần lớn vào ai sẽ lãnh đạo đất nước vào thời điểm đó, và người đó sẽ cảm thấy như thế nào về việc ly khai, ông Stephen Saideman, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Carleton ở Ottawa, Canada, nói.
"Phe Cộng hòa có thể nói rằng 'Thế là rảnh nợ', trong khi phe Dân chủ có thể nói rằng 'chúng ta phải giữ California, nếu không chúng ta sẽ bị gạt ra lề mãi mãi," ông nói.
Tuy nhiên, không giống như trong cuộc Nội Chiến Mỹ, không có vấn đề cơ bản nào như nô lệ để thổi bùng sự chia rẽ, và hầu hết các học giả đều đồng ý rằng có quá nhiều bản sắc chung giữa California và phần còn lại của nước Mỹ để tưởng tượng kịch bản xảy ra chiến tranh.
"Người California không giống như người Kurd ở Iraq, người Catalan ở Tây Ban Nha hay thậm chí là người Scotland hay Ireland ở Anh," ông Brendan O'Leary, giáo sư khoa học chính trị ở Đại học Pennsylvania, nói. "Tôi không thể nghĩ tới chuyện các tướng lĩnh ở Lầu Năm Góc sẽ tuân lệnh, dùng vũ lực chiếm đóng California."
Chính trị quyền lực
Tuy nhiên, sau khi California ly khai một cách hòa bình, nỗi sợ của Đảng Dân chủ sẽ thành hiện thực.
Trong liên bang thì California là tiểu bang lớn nhất tính về dân số, và sự ra đi của bang này sẽ thay đổi cơ bản bàn cờ chính trị ở Mỹ.
Cán cân quyền lực ở Quốc hội sẽ nghiêng về phía sự kiểm soát hoàn toàn của Đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, nếu không còn số phiếu cử tri đoàn của California, sẽ không còn mấy hy vọng về việc nước Mỹ sẽ có một tổng thống nữa của Đảng Dân chủ trong tương lai gần.
"Về mặt chính trị, điều này sẽ đặt Đảng Dân chủ trong một hố sâu thăm thẳm," Saideman nói. "Họ đã dựa vào California kể từ đầu những năm 1990 để có cơ hội thắng cử tổng thống."
Để đối phó với làn sóng đỏ của Đảng Cộng hòa, các vị dân biểu Dân chủ còn lại ở Mỹ nhiều khả năng sẽ chuyển lập trường sang cánh hữu.
"Nếu quý vị không còn bang California để nắm giữ những vị trị của Đảng Dân chủ nữa thì nó sẽ thay đổi đáng kể trọng tâm của nền chính trị," Grofman giải thích.
Đối với những thành viên Đảng Dân chủ, kết quả lạc quan nhất của nước Mỹ không có California, ông nói tiếp, sẽ là sân khấu chính trị trung dung hơn - giống như thời kỳ Dwight Eisenhower làm tổng thống (1953-1961), khi sự đồng thuận lưỡng đảng cho phép thực hiện những dự án lớn như xây dựng hệ thống cao tốc xuyên các tiểu bang.
Tuy nhiên, cho dù chính trị Mỹ có thay đổi như thế nào đi nữa thì việc mất đi bang California sẽ dẫn đến một cú giáng kinh tế nghiêm trọng cho quốc gia mới vừa bị thu nhỏ lại.
California là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới - lớn hơn cả toàn bộ nước Anh - với tổng sản phẩm đạt 2.700 tỷ đô la trong năm 2017.
Bang này cũng đóng góp số tiền thu thuế cho chính phủ liên bang Mỹ nhiều hơn bất cứ tiểu bang nào khác, giúp trợ cấp cho 'toàn bộ các tiểu bang Cộng hòa khác nhưng đổi lại đơn giản chỉ nhận được sự sỉ nhục," O'Leary nói.
Tác động chung đối với kinh tế Mỹ lớn như thế nào sẽ tùy thuộc vào liệu các nhà lãnh đạo liệu có đạt được thỏa thuận thương mại tự do hay không, hay họ sẽ áp đặt thuế hay các hàng rào thương mại khác lên nhau.
Tuy nhiên, dù gì đi nữa thì nước Mỹ không thể bước ra mà không bị hề hấn gì.
"Đồng đô la sẽ suy sụp," O'Leary nói. "Đồng euro và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ thay thế đồng đô la làm tiền tệ toàn cầu."
Một nước Mỹ bị chia rẽ sẽ mất vị thế quốc tế và sẽ trở nên gắn chặt hơn với các đồng minh, và một số tình bạn lâu đời sẽ bị thử thách.
Một khi nước Mỹ ngả nhiều hơn về phía hữu thì những quốc gia cũng do các đảng cánh hữu lãnh đạo, chẳng hạn như Nga và Hungary, có thể sẽ trở nên gần gũi hơn với nước Mỹ.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ và Canada - vốn nhìn chung sẽ tốt hơn khi lãnh đạo của cả hai nước đều thuộc cùng một khuynh hướng chính trị - sẽ trở nên chia rẽ.
Quan hệ với Mexico cũng vậy do chính phủ Mỹ ngày càng hữu khuynh sẽ thay đổi về hướng chính sách di dân cứng rắn hơn.
Mặt khác, California sẽ trở thành một đồng minh mới hấp dẫn đối với những nước có khuynh hướng cấp tiến khác.
"Đột nhiên, thay vì một trật tự lưỡng cực với Mỹ và Trung Quốc thì chúng ta sẽ thấy một trật tự đa cực với Mỹ, Trung Quốc, California, Ấn Độ và các nước khác," Saideman nói.
"Trong quan hệ quốc tế, trật tự đa cực sẽ gây ra nhiều rối rắm hơn bởi vì các liên minh có tầm quan trọng hơn nhiều."
California nhiều khả năng sẽ nắm vai trò đi đầu trong việc đối phó thay đổi khí hậu, nhưng Mỹ có thể vẫn tiếp tục đi ngược lại trong vấn đề này
Do California tìm kiếm vị thế cao hơn trong cộng đồng quốc tế, nhiều khả năng họ sẽ dẫn đầu trong những hồ sơ chủ chốt như hạn chế tác động của tình trạng nóng ấm toàn cầu.
Tuy nhiên, sự tiến bộ của California sẽ bị cân bằng bởi sự tiếp tục thụt lùi của Mỹ, trong đó có sự nới lỏng các tiêu chuẩn xả thải và ô nhiễm, thoái vốn ra khỏi các sáng kiến phát triển năng lượng bền vững và bỏ ngỏ các khu vực hoang dã.
"Nỗ lực nghiêm túc hơn nhiều của California để giảm nhịp độ biến đổi khí hậu sẽ bị phần còn lại của nước Mỹ phá hỏng," Saideman nhận định.
Nơi ẩn náu của di dân
California cũng sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với di dân so với nước Mỹ. Quốc gia mới được thành lập gần như chắc chắn sẽ tiếp tục hoan nghênh các nhà sáng tạo hải ngoại đến Thung lũng Silicon và cơ quan không gian của họ, và rất có thể họ sẽ nới lỏng các chính sách nhập cư cho lao động không có trình độ.
"Dựa trên quy mô của dân số gốc Tây Ban Nha ở California và vai trò của nông nghiệp ở bang này, tôi không thể hình dung ra rằng California sẽ không muốn xây dựng một chính sách mới trên vấn đề chào đón người dân từ Trung Mỹ và các nơi khác," O'Leary nói.
Mặt khác, mặc dù miền nam California mang tính đa dạng cao có thể có vẻ ủng hộ di dân, nhưng miền bắc California vốn bảo thủ hơn có thể sẽ kiên quyết phản đối.
"Nếu nhìn vào bản đồ cuộc bầu cử vừa rồi, có những khu vực cực kỳ đỏ hoặc xanh và những khu vực ở giữa," Toft nói. "California không phải đương nhiên là một bang cấp tiến."
Grofman nói thêm rằng, là con người, chúng ta tự nhiên có khuynh hướng xem thế giới là bàn cờ được-mất. "Mọi người có xu hướng tin rằng có thêm người đơn giản chỉ là chia nhỏ cái bánh ra thêm," ông giải thích. "Nói cách khác, anh có được thêm bất cứ cái gì thì có nghĩa là tôi mất đi cái đó."
"Quy tắc chuẩn mực về di dân là những ai đã ở một nơi nào đó sẽ quyết định rằng có lẽ tốt nhất là nên dựng hàng rào để không cho ai khác vào nữa," Grofman nói thêm. Không có gì đảm bảo California độc lập sẽ là ngoại lệ.
Nam California có thể hoan nghênh người nhập cư, như Bắc Cali có thể không
Và cũng đi ngược lại những gì mà nhiều người mặc định, việc ly khai của California có lẽ sẽ không dẫn đến sự đột ngột ồ ạt kéo đến của những người Mỹ cấp tiến và sự ra đi của những người Cộng hòa ra khỏi bang này.
"Tôi là người Mỹ ở Canada, và sau mỗi kỳ bầu cử, mọi người đều nói rằng 'Tôi sẽ chuyển đến Canada,' nhưng họ không đi," Saideman nói. "Nếu California tách ra sẽ có một số người ra đi, nhưng nó sẽ không đột biến như mọi người nghĩ và đa số sẽ ra đi vì công ăn việc làm."
Làn sóng ly khai
Tuy nhiên, sự ly khai của California có thể tiếp sức cho những ý tưởng ly khai tương tự ở những vùng khác của nước Mỹ.
Chẳng hạn khu vực đông bắc có thể trở nên ngày càng bị cô lập ở một đất nước do phe Cộng hòa lấn át mà không có hy vọng có được đại diện chính trị của mình.
Do đó, các tiểu bang trải dài từ Maryland lên Maine ở phía bắc và Pennsylvania ở phía tây có thể xem ly khai là cách duy nhất để thoát khỏi một đất nước đã luôn bị Đảng Cộng hòa nắm đa số.
"Trong tình huống giả định này, bạn có thể tưởng tượng rằng người dân ở đông bắc cho rằng nếu D.C. để cho California ra đi mà không hề hấn gì thì nước Mỹ cũng nên để họ ra đi luôn," Saideman nói.
Sau khi khu vực đông bắc ly khai, Florida có thể quyết định cũng ra đi, và một số vùng của Texas cũng vậy.
Vào lúc đó, các tiểu bang khác - nhiều bang trong số này có năng lực kinh tế và quy mô dân số đủ để tự mình trở thành quốc gia nhỏ - có thể thấy không còn động lực ở lại trong liên bang nữa.
Nói cách khác, sự ly khai của California có thể là điểm khởi đầu của sự cáo chung của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ mà chúng ta biết đến từ lâu nay.
Nghi can giết người bị bắt sau khi bị đuổi trên xa lộ California
Một người đàn ông bị tình nghi bắn chết một chủ tiệm rượu gần Los Angeles vừa bị bắt hôm Thứ Sáu, 10 Tháng Năm, sau khi bắn nhau với cảnh sát trong một vụ rượt đuổi trên xa lộ kéo dài nhiều giờ đồng hồ.