Nước Mỹ trẻ mà… cổ kính
Chúng ta ai cũng biết, Mỹ là một quốc gia có tuổi đời… mỏng dính. So với các dân tộc “hàng ngàn năm văn hiến” khác, Mỹ thuộc hàng không đáng để “các cụ” xoa đầu…
11:30 10/06/2019
Ấy thế nhưng, sau hơn hai năm trời với những chuyến đi, chưa phải là tới những nơi cổ kính nhất, có bề dày lịch sử nhất (vùng New England đông bắc nước Mỹ), mình đã cảm nhận được một nước Mỹ thật dày dạn, sâu thẳm…
Chẳng biết có phải ý thức được mình “nghèo”, nên Mỹ “tiết kiệm”, hay quy luật bảo tồn đã ăn sâu vào máu người phương Tây, chỉ biết rằng, trong nước Mỹ chỗ nào cần hiện đại thì… khỏi nói, còn chỗ nào cần bảo tồn thì một cái gốc cây chết ngắc rồi, họ vẫn rào lại để giữ khư khư!
Và mình xin khẳng định, bằng những gì thấy trên đất Mỹ: Hiện đại và quá khứ hoàn toàn không có chuyện phải cạnh tranh, mâu thuẫn nhau. Trong nước Mỹ không có cái lý luận: muốn xây dựng cái hiện đại thì phải hy sinh cái cũ.
Hoàn toàn không khó để có thể chứng kiến trên khắp nước Mỹ những mảng quá khứ mỏng manh đang được nâng niu, từ những công trình kiến trúc, cho đến tập quán, phong tục… Một khu nhà có tuổi đời trên trăm năm, những buổi chợ phiên bán hàng thủ công mỹ nghệ, những hàng cổ thụ xanh thẫm che dài trên những con đường nhỏ, những chuyến tàu điện chở du khách leng keng ngay trên đại lộ thế kỷ 21…
Mình xin đưa lại ở đây một vài hình ảnh minh họa cụ thể:
Nhân đây, mình nhớ một câu chuyện nghe kể từ nhỏ, đại ý: Có một nhà tài phiệt Úc, qua thăm châu Âu, khi ghé một trường đại học, ông này mê quá, bèn nói với một giáo sư của trường: Khi về Úc, tôi sẽ xây một ngôi trường y hệt như thế này. Vị giáo sư châu Âu nói: Tôi e rằng ông có thể xây được một ngôi trường y hệt, nhưng cái hồn thời gian có trong nó, ông sẽ chẳng thể nào xây được.
Và dù rất không muốn mang mọi thứ ra so sánh, nhưng mình không thể không liên tưởng đến hàng xà cừ… ứa máu trên đường Tôn Đức Thắng (Sài Gòn), hay Phạm Văn Đồng (Hà Nội)… Và còn nữa, những Eden, thương xá Tax, dinh Thượng Thơ…
Lịch sử Việt Nam mang một nỗi đau, những công trình được xây dựng qua bao triều đại, cứ mỗi lần bị Trung Quốc xâm lăng là chúng phá hết, xóa mọi dấu tích… Ấy là lỗi của kẻ xâm lược, của chiến tranh. Nhưng đến thời chẳng có chiến tranh nào hết, chúng ta lại… phá tiếp, phá… tàn bạo hơn cả đám xâm lăng, ấy là cớ gì? Chợt nhớ câu thơ ngao ngán của Tản Đà, tưởng là chuyện đầu thế kỷ 20, vậy mà trăm năm sau vẫn còn y hệt, nếu chẳng muốn nói là bi quan hơn thế nữa:
“Dân hai nhăm triệu ai người lớn?
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”…
Theo Facebook Nhà văn Nguyễn Danh Lam
Vai trò của Việt Nam khi trở thành ủy viên Hội đồng Bảo an LHQ
Với việc được bầu làm thành viên của cơ quan có thực quyền nhất LHQ, Việt Nam sẽ đóng góp vào việc ra quyết định về các vấn đề quan trọng của thế giới.