Ổ dịch ngày Quốc khánh Mỹ hé lộ tương lai đại dịch

Phân tích về ổ dịch bùng phát trong dịp Quốc khánh tại một thị trấn thuộc bang Massachusetts có thể sẽ dự đoán được tương lai của nước Mỹ sau đại dịch Covid-19.

04:00 20/11/2021

Đới với hàng nghìn người tập trung tại thị trấn Provincetown, bang Massachusetts nhân ngày Quốc khánh mùng 4/7, đây là lần hiếm hoi mà họ được tận hưởng không khí lễ hội thực sự. Với tỷ lệ tiêm phòng cao nhất nước Mỹ, mọi người có thể thoải mái vui chơi mà không cần tới khẩu trang bảo hộ.

Tuy vậy, tình hình thời tiết xấu đi đã khiến người dân thay vì có các hoạt động ngoài trời đã phải kỷ niệm ngày Quốc khánh trong các quán bar, câu lạc bộ hay tại nhà của mình. Chính sự thay đổi này đã tạo ra một môi trường lây nhiễm hoàn hảo cho biến chủng Delta lây lan.

Hai tuần sau, khu vực này đã ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm Covid-19 mới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của giới chức y tế rằng vaccine có thể chấm dứt đà lây lan của dịch bệnh. Sự kiện này cũng thúc đẩy Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) tái áp dụng quy định đeo khẩu trang tại các địa điểm trong nhà.

O dich Covid-19 tai thi tran My anh 1

Tỷ lệ tiêm chủng ở Provincetown lên tới 95%. Ảnh: New York Times.

Bốn tháng sau khi ổ dịch bùng phát, các nhà nghiên cứu đã có những khám phá mới về mức độ kháng virus của những người nhiễm bệnh sau khi được tiêm phòng. Hơn nữa, những khám phá này còn cho họ những manh mối về mức độ bảo vệ cần thiết để giúp loài người thoát khỏi đại dịch Covid-19.

"Những khám phá đã mở ra một góc nhìn hoàn toàn mới về ổ dịch tại thị trấn Provincetown", giáo sư tại Trường Y Harvard, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Virus và Vaccine Beth Israel Deaconess, ông Dan Barouch cho biết.

"Ban đầu ổ dịch ở Provincetown được coi như một ví dụ cho thấy vaccine đang mất tác dụng. Tuy vậy, tôi tin rằng đây chính là dấu hiệu vaccine đang có hiệu quả. Những liều vaccine đang hoạt động đúng như những gì chúng ta mong muốn", ông Barouch chia sẻ.

Ổ dịch ở Provincetown, một thị trấn nghỉ dưỡng nhỏ nằm ở phía bắc bờ biển Cape Cod là ví dụ được nghiên cứu kỹ đầu tiên về một đợt bùng phát biến chủng Delta của dịch Covid-19 tại một cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Trong số 1.000 ca nhiễm thì có tới 3/4 các trường hợp là những người đã được tiêm đủ hai mũi các loại vaccine Pfizer, Moderna hay 1 mũi Johnson & Johnson ít nhất hai tuần trước khi ổ dịch bùng phát.

Điều tra nguyên nhân đợt bùng phát

80% những trường hợp lây nhiễm đột phá (cụm từ chỉ những người nhiễm virus sau khi tiêm vaccine) tại Provincetown là những ca nhiễm có triệu chứng. Tuy vậy, phần lớn các triệu chứng đều ở mức độ vừa và nhẹ.

Sự bùng phát một ổ dịch Covid-19 tại một khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine cao đã buộc chính quyền y tế địa phương và bang phải tìm ra nguyên nhân đằng sau sự lây lan dịch bệnh.

O dich Covid-19 tai thi tran My anh 2

Các poster phòng dịch tại Provincetown. Ảnh: Getty Images.

Theo đó, các nhân viên y tế đã khám phá ra rằng lượng virus trên các que test Covid-19 giữa người đã và chưa được tiêm phòng là tương đương nhau. Điều này đã loại bỏ giả thuyết trước đó rằng vaccine sẽ ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, đặc biệt là biến chủng Delta có khả năng lây truyền mạnh mẽ.

Kết quả phân tích chuỗi gene được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu Broad đã tìm ra nguồn gốc của hơn 80% các ca lây nhiễm tại Provincetown bắt nguồn từ một người duy nhất. Phân tích cũng chỉ ra rằng đợt bùng phát ở Provincetown không có quá nhiều tác động tới làn sóng lây lan biến chủng Delta ở Mỹ.

Kết quả này cũng đã củng cố hiểu biết của các nhà khoa học về cơ chế hoạt động của vaccine.

"Việc tiêm phòng Covid-19 là biện pháp tốt nhất để tránh các trường hợp mắc bệnh nặng. Tuy nhiên, những người đã tiêm vaccine không hoàn toàn miễn nhiễm với virus, mặc dù họ sẽ có ít có khả năng phát tán virus hơn so với những người chưa được tiêm vaccine", bà Helen Petousis-Harris, nhà nghiên cứu vaccine tại Đại học Auckland cho biết.

Tiếng gọi cảnh tỉnh

Kết quả phân tích dựa trên 35 trường hợp lây nhiễm đột phá ở thị trấn Provincetown của giáo sư Barouch tại phòng thí nghiệm Trường Y Harvard đã chứng minh cho khả năng kháng virus của các sản phẩm này.

Theo đó, những người được tiêm vaccine có lượng kháng thể và tế bào T chống virus Covid-19 cao hơn đáng kể.

Cơ thể của người được tiêm vaccine từ 5 đến 6 tháng khi bị lây nhiễm đã sản sinh kháng thể, tế bào T và triệt tiêu hoàn toàn Covid-19 trước khi virus có cơ hội lan rộng và gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe.

"Chúng tôi nghĩ đây là lý do vì phần lớn những trường hợp lây nhiễm đột phá Covid-19 chỉ có các triệu chứng vừa và nhẹ. Bởi vì họ có lượng kháng thể và tế bào T mạnh mẽ giúp kiểm soát sự lây lan của virus trong cơ thể. Những người này sau khi khỏi bệnh cũng sẽ có phản ứng miễn dịch lâu hơn", giáo sư Barouch cho biết.

O dich Covid-19 tai thi tran My anh 3

Mỹ đang tiến hành tiêm chủng vaccine Covid-19 trên diện rộng nhằm làm giảm các trường hợp nhiễm bệnh nặng và kiểm soát đại dịch. Ảnh: Reuters.

Tương lai của đại dịch

Các chuyên gia y tế sử dụng thuật ngữ "phản ứng anamnestic" để miêu tả việc lượng kháng thể bị sụt giảm trong cơ thể được phục hồi thông qua việc tái nhiễm virus. Với xu hướng ngày càng lan rộng của Covid-19, những người này tin rằng phản ứng trên sẽ xảy ra trên quy mô ngày càng lớn.

Theo số liệu của Bloomberg, hơn 7,52 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên toàn thế giới. Tuy nhiên quá trình tiêm vaccine đang diễn ra không đồng đều khi mới chỉ có 10% dân số tại khu vực hạ Sahara đã được tiêm phòng.

Các chuyên gia dự đoán rằng mức độ nghiêm trọng của virus cùng khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ giảm dần theo thời gian khi hệ miễn dịch của cơ thể được huấn luyện để nhận diện và đối phó với sự lây nhiễm.

Theo thời gian, loại virus này sẽ không còn là một mối nguy hại với sức khỏe cộng đồng nữa mà sẽ giống như một căn bệnh cảm cúm thông thường.

"Chúng tôi tất nhiên muốn mọi người đạt được điều này thông qua việc tiêm bổ sung các mũi vaccine", giáo sĩ Barouch, người giúp phát triển vaccine ngừa Covid-19 của Johnson & Johnson cho biết. "Tuy nhiên, với những trường hợp lây nhiễm đột phá, tình hình sẽ không đáng ngại khi đây thường là những ca lây nhiễm ở thể nhẹ", ông bổ sung thêm.

O dich Covid-19 tai thi tran My anh 4

Các nhà khoa học hy vọng việc tiêm bổ sung vaccine về lâu dài sẽ làm giảm độ nghiêm trọng của Covid-19. Ảnh: New York Times.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu để hiểu được tác động lâu dài của Covid-19 đối với các trường hợp lây nhiễm đột phá, bao gồm việc tính toán nguy cơ mắc các di chứng Covid dài sau khi khỏi bệnh của những người này.

"Điều mà chúng tôi muốn thấy ở các loại virus chính là sự lây nhiễm định kỳ theo dạng không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhằm giúp cơ thể duy trì phản ứng miễn dịch. Nếu xu hướng này được tái hiện ở các trường hợp lây nhiễm đột phá Covid-19 thì chúng ta có thể chắc chắn về tương lai của dịch bệnh", giáo sư Shane Crotty tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm và Vaccine thuộc Viện nghiên cứu Miễn dịch La Jolla ở San Diego cho biết.

Tags:
Mỹ bàn giao tòa nhà 1 triệu USD cho Việt Nam

Mỹ bàn giao tòa nhà 1 triệu USD cho Việt Nam

Đại sứ quán Mỹ bàn giao khu lưu trú 5 tầng trị giá 1 triệu USD cho Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam để phục vụ hoạt động huấn luyện.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất