Ở Mỹ, luật sư không tố giác thân chủ dù bị đe dọa tính mạng
Nếu luật sư có "nghĩa vụ" tố giác các tội nghiêm trọng, thì vô hình chung những người bị luật sư nghi ngờ đã bị đối xử khác biệt.
20:30 21/06/2017
Luật sư Khanh, hiện làm việc tại Mỹ, chia sẻ với độc giả VnExpress bài chia sẻ về việc luật sư ở Mỹ không bao giờ tố giác thân chủ.
Công việc của luật sư có một đặc thù: họ hàng ngày phải lắng nghe những vấn đề pháp luật nghiêm trọng, những tội ác khó lường, những chuyện khiến lương tâm con người đau xót. Nhưng họ phải bảo vệ thân chủ của họ. Luật sư hàng ngày phải ôm những tâm sự khổ đau, những sự ghét bỏ của người đời, những câu chuyện đùa mỉa mai của bao kẻ.
Cái duy nhất bảo vệ luật sư khỏi những gánh nặng nghìn cân và bao nhiêu đau khổ là niềm tin mãnh liệt rằng họ đang bảo vệ công lý. Đối với những kẻ ngoại đạo thì cái niềm tin này gần như là một sự xỏ xiên, cũng như cái bản chất của nghề luật sư vậy.
Người ta hay nói đến việc suy luận theo hướng vô tội trong quá trình điều tra. Người ta cũng hay nói về nỗi oan khổ của những người bị kết án oan. Nhưng ít ai nghĩ ra được rằng cách duy nhất để giảm án oan là việc cho phép mọi bị can được sự bảo vệ của luật sư, và sự bảo vệ ấy nhất thiết phải có quyền được bảo mật thông tin của thân chủ.
Vì sao vậy? Bảo mật là đặc thù cần thiết của việc bào chữa. Nếu luật sư bị bắt buộc phải tố cáo thân chủ của mình khi luật sư "chắc chắn" rằng họ phạm tội nghiêm trọng thì luật sư đã bị bắt làm cái việc mà họ không được phép làm trong quy trình hành pháp: việc xem xét một người có phạm tội hay không là việc của công tố viên và sau đấy là toà án.
Khi luật sư "được" trao cho cái nhiệm vụ tố cáo đấy thì luật sư đã bị "phong" cho các chức vị là phán xét xem thân chủ của mình có phạm luật hay không. Tức là hệ thống hành pháp trở nên điên đảo và mục đích của hệ thống hành pháp coi như mất sạch.
Đó mới là lý do chính yếu của nghĩa vụ bảo mật thông tin trong quá trình bào chữa. Lý do tiếp theo là nghĩa vụ này giúp cho thân chủ đủ tự tin để nói cho luật sư biết việc gì đã xảy ra. Những gì mà thân chủ nói với luật sư trong phòng tư vấn khác hẳn với những suy nghĩ thông thường được mọi người tưởng tượng và đưa lên màn ảnh.
Luật sư không bao giờ hỏi "Anh bị khởi tố tội giết người, vậy anh có giết nạn nhân nay hay không?". Điều đó không giúp ích gì trong quá trình bảo chữa, nó lại càng không giúp bị can được bảo vệ chính đáng.
Thay vào đó sẽ là "Anh kể cho tôi nghe vì sao anh bị bắt?" Khi đó thân chủ sẽ nói rằng mình chưa bao giờ động tới nạn nhân, tức là họ bị oan ức hoàn toàn, hay là nạn nhân đã nhiều lần dọa giết bị can, và vào hôm đó thì nạn nhân đã tìm tới thân chủ với cây dao, chẳng hạn.
luật pháp được dựa trên một nguyên tắc bất di dịch: đó là mọi người phải được đối xử như nhau trước luật pháp. Ai bị khởi tố thì cũng có thể có tội, cũng có thể vô tội, và cũng cần phải được đối xử như nhau. Nếu luật sư có "nghĩa vụ" tố giác các tội nghiêm trọng, thì vô hình chung những người bị luật sư nghi ngờ đã bị đối xử khác biệt.
Những lời bàn về "nghĩa vụ công dân", "đạo đức con người là trên hết" để bắt luật sư phải tố cáo thân chủ của mình đơn giản là sự thiếu hiểu biết về mục tiêu hành pháp. Công việc của pháp luật là bảo vệ hiến pháp - mà quyền bình đẳng trước pháp luật là trọng tâm.
Còn việc bảo vệ đất nước, bảo vệ chính quyền, chống khủng bố, điều tra tội phạm... là việc của các nhánh nhà nước khác. Lôi luật sư vào thì các luật sư cũng không đóng góp được gì nhiều trong việc điều tra phá án, lại còn khiến cho mục tiêu công bằng trước Luật pháp bị phá nát.
Ở các nước khác, luật sư đều có nghĩa vụ bảo mật cho thân chủ. Có một số tiểu bang ở Mỹ cho phép luật sư tiết lộ thông tin, nhưng chỉ là các thông tin không liên quan tới vụ việc mà họ được thuê, ví dụ như là họ được thuê bảo vệ thân chủ về một vụ đánh người đã xảy ra, nhưng mà thân chủ lại tiết lộ là họ muốn đánh người khác chẳng hạn.
Và trong mọi trường hợp thì luật sư không bao giờ bị bắt buộc phải tố cáo thân chủ. Họ được phép tiết lộ thông tin trong một số trường hợp rất đặc biệt nhưng không bao giờ bị ép buộc. Còn ở California, nơi tôi hành nghề, luật sư phải bảo mật tuyệt đối, ngay cả khi là luật sư bị đe dọa tính mạng cũng vậy.
Vùng Vịnh San Francisco: Nắng nóng kỷ lục, gây mất điện nhiều nơi
Gần 20.000 người dân quanh vùng vịnh San Francisco bị mất điện vào hôm chủ nhật do nhiệt độ cao, thời tiết nóng, nhiều gia đình dùng máy lạnh cùng một lúc khiến đường giây điện, các trạm biến áp bị quá tải.