Obama bị 'cuốn lại' chính trường Mỹ
Ngay sau khi Trump đắc cử, Obama ngồi ngả người xuống ghế và nói với phụ tá đứng gần đó "đã đến lúc tôi cần nghỉ ngơi".
06:00 06/07/2020
Obama đã từng nghĩ về cuộc sống nghỉ hưu khi rời Nhà Trắng từ trước khi Trump đắc cử. Đó là cuộc sống gắn liền với công việc viết lách, đánh golf, sản xuất phim tài liệu với Netflix hay dành thời gian cùng gia đình tại biệt thự 11,7 triệu USD trên đảo Martha's Vineyard ở bang Massachusetts.
Tuy nhiên, hơn ba năm sau khi rời , tổng thống thứ 44 của Mỹ đã quay lại "chiến trường" chính trị mà ông từng muốn rời đi và bị cuốn vào cuộc chiến giữa Trump, người kế nhiệm có nhiều định kiến với ông, với Joe Biden, người bạn thân và đồng thời là cựu phó tổng thống khi ông còn đương nhiệm.
Sự trở lại này là một ván cược lớn với Obama. Ông sẽ không còn gì nếu không bảo vệ các di sản mình từng để lại, đặc biệt là khi đối đầu với rất nhiều đòn tấn công của Trump. Tuy nhiên, nhiều người quen biết Obama sẽ đối mặt với tình thế đầy thách thức, khi phải cố kiểm soát nỗi tức giận với người kế nhiệm để không bị cuốn vào cuộc khẩu chiến, có thể hủy hoại danh tiếng và vị thế của ông.
Tính toán này có thể thay đổi sau cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu 46 tuổi bị cảnh sát ghì gáy ở Minneapolis. Là tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, Obama nhận thấy làn sóng phẫn nộ của dư luận về phân biệt chủng tộc chính là cơ hội để biến cuộc bầu cử 2020 trở nên ý nghĩa hơn, hay hướng một phong trào mới và trẻ trung tới mục tiêu chính trị, như cách ông làm năm 2008.
Obama đang tính toán cẩn thận từng bước đi, để có thể giữ được danh tiếng, vị thế cũng như giữ nguyên thời gian nghỉ hưu của ông.
"Tôi không cho rằng ông ấy đang do dự. Tôi nghĩ ông ấy có chiến lược. Ông ấy luôn biết cách sử dụng tiếng nói của mình một cách giá trị nhất", Dan Pfeiffer, cựu cố vấn cấp cao của Obama, chia sẻ.
Nhiều người ủng hộ thúc giục ông nên quyết liệt hơn. "Đây sẽ là thay đổi tốt nếu Obama có thể tái xuất và yêu cầu hành động", nhà bình luận Drew Magary viết trong bài đăng trên Medium hồi tháng 4.
Một ý kiến phản biện rằng Obama đã hoàn thành công việc tổng thống và xứng đáng được nghỉ ngơi. "Obama đã rời ba năm rưỡi nhưng vẫn luôn bị làm phiền. Không có ai gây áp lực cho các cựu tổng thống da trắng như George W. Bush và Jimmy Carter như vậy", Monique Judge, biên tập viên tạp chí The Root, nói.
Obama dường như đứng giữa hai luồng ý kiến này. Ông không từ bỏ kế hoạch nghỉ dưỡng tại biệt thự ở Martha's Vineyard và vẫn luôn đau đáu nghĩ về ngày xuất bản cuốn hồi ký chờ đợi đã lâu. Nhưng tuần trước, Obama ngầm chỉ trích cách điều hành đất nước của chính quyền Trump là "hỗn loạn, không có tổ chức và thiếu thận trọng", trong bài phát biểu trực tuyến gây quỹ cho Biden.
Hôm 25/6, trong sự kiện gây quỹ của Zoom chỉ dành cho người được mời, cựu tổng thống Obama bày tỏ phẫn nộ về việc Trump gọi nCoV là "kung flu", gần giống tên gọi môn võ thuật "Kung Fu", và "virus Trung Quốc".
"Tôi không muốn một đất nước mà ở đó Tổng thống Mỹ cố tình thúc đẩy cảm xúc chống châu Á và nghĩ rằng điều đó thật buồn cười. Tôi không muốn điều này. Nó khiến tôi sốc và tức giận", Obama nói.
Cựu tổng thống Mỹ thường xuyên nói chuyện với Joe Biden và các trợ lý chiến dịch tranh cử cấp cao, đưa ra nhiều gợi ý về nhân sự và thông điệp. Tháng trước, ông khuyên Biden nên có các bài phát biểu ngắn gọn, các cuộc phỏng vấn thu hút và giảm độ dài bài đăng Twitter, biến chiến dịch tranh cử thành cuộc trưng cầu dân ý về Trump và nền kinh tế Mỹ, theo quan chức đảng Dân chủ.
Obama cũng cho rằng Biden nên tận dụng sự ủng hộ của những người bạn là "trùm" kỹ thuật số như Reid Hoffman, nhà sáng lập LinkedIn và cựu giám đốc điều hành Google Eric Schmidt, để có được các chia sẻ chuyên môn của họ.
Tuy nhiên, ông phản đối một số yêu cầu, đặc biệt là quảng cáo rầm rộ cho các nhà gây quỹ, bởi không muốn nó làm lu mờ hình ảnh của Biden.
Từ khi Trump đắc cử, Obama đã hạn chế tối đa tiếp xúc. Ông sẽ phê phán các chính sách của Trump nhưng không chỉ trích bản thân Tổng thống, theo quy tắc ứng xử văn minh mà những người tiền nhiệm truyền lại, đặc biệt là cựu tổng thống George W. Bush.
Nhưng Trump không mấy để tâm quy tắc này. Ngay từ đầu, Trump đã thể hiện rõ mong muốn xóa bỏ mọi dấu vết về sự hiện diện của Obama ở Cánh Tây . "Ông ấy có gu thẩm mỹ tệ nhất", Trump nói với một khách tham quan năm 2017, khi khoe bộ rèm mới thay, dù nhiều người từng tới đó cho biết nó không khác nhiều so với khi tổng thống Obama còn làm việc.
Trump cũng loại bỏ nhiều chính sách dưới thời Obama. Thậm chí Trump từng cắt ngang bài thuyết trình để đảm bảo đề xuất của nhân viên không phải là "di sản của Obama", theo cựu quan chức Nhà Trắng.
"Việc muốn xóa bỏ tất cả di sản và dấu vết của Obama là ý muốn cá nhân của Trump. Ông ấy bị ám ảnh vì điều này", Omarosa Manigault Newman, cựu nhân viên Nhà Trắng cho hay.
Khi Obama và Trump gặp nhau sau cuộc bầu cử tháng 11/2016, tổng thống vừa đắc cử rất lịch thiệp nên Obama đã "chớp" cơ hội để khuyên Trump không nên xóa bỏ . "Ông có thể bỏ tên tôi khỏi chương trình đó. Tôi không quan tâm điều này", Obama nói. Trump gật đầu lấy lệ.
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển giao, Obama ngày càng khó chịu với sự thờ ơ của tân tổng thống cùng đội ngũ nhân viên thiếu kinh nghiệm. Rất nhiều người trong số họ đã phớt lờ các chỉ dẫn mà nhân viên của Obama đưa ra dưới sự chỉ đạo của ông. Thay vì tập trung vào chính sách và công việc của Cánh Tây, họ chỉ hỏi về chất lượng món bánh tacos (bánh thịt chiên của Mexico) ở khu nhà ăn và nơi tìm được căn hộ tốt.
"Trump không có ý tưởng gì về điều mình đang làm", Obama nói với phụ tá sau cuộc gặp Trump tại Phòng Bầu dục.
Obama luôn cố gắng tránh động chạm tới người kế nhiệm, nhưng Trump thì ngược lại. Tháng 3/2017, Trump cáo buộc người tiền nhiệm Obama nghe lén điện thoại của ông trong thời gian tranh cử năm 2016. Tổng thống Trump sau đó so sánh trường hợp của ông với Watergate, bê bối hồi đầu những năm 1970 khiến tổng thống khi đó là Richard Nixon, đảng Cộng hòa, mất chức. Obama đã bác bỏ cáo buộc này.
Trump sau đó cũng nhiều lần "chĩa mũi dùi" chỉ trích về phía Obama, khi cho rằng ông "bất tài" trong thời gian tại nhiệm. Trump cho rằng Obama có thể phạm tội phản quốc liên quan đến cuộc điều tra nghi án ông thông đồng với Nga, song không nêu bằng chứng.
Trong những lần ít ỏi nhắc trực tiếp tên Trump, cựu tổng thống Obama từng ví Tổng thống Mỹ như người bị nhiễm bệnh từ phe Cộng hòa. "Bệnh không bắt đầu từ Donald Trump. Ông ấy chỉ mang triệu chứng, chứ không phải nguyên nhân gây bệnh", Obama nói tại Đại học Illinois hồi tháng 9/2018. Ông thêm rằng hệ thống chính trị Mỹ không đủ "khỏe mạnh" để hình hành "kháng thể" chống lại việc coi phân biệt chủng tộc như bản sắc dân tộc.
Về mối quan hệ với Biden, cá nhân Obama luôn ủng hộ người bạn của ông ngày từ đầu chiến dịch tranh cử, nhưng ông cũng hứa với Bernie Sanders rằng sẽ trung lập. Tuy nhiên, Obama luôn lo lắng về các "điểm yếu" của bạn ông, nên đã yêu cầu các trợ lý đảm bảo rằng Biden "không hủy hoại các di sản của bản thân" dù thắng hay thua.
Phụ tá của Obama khẳng định cựu tổng thống Mỹ chưa bao giờ xem chiến dịch tranh cử của Biden như "chiến trường ủy nhiệm" cho cuộc đối đầu giữa ông và Trump. Nhưng ông luôn theo dõi sát sao cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông để ý từng kết quả khảo sát về cuộc bầu cử, liên tục kiểm tra tin tức trên NYTimes, Washington Post hay Atlantic, giữ thói quen thức muộn như lúc còn ở Nhà Trắng, gửi cho bạn bè các mẩu tin hay đường link vào giữa đêm.
Obama đã tăng cường chỉ trích Trump từ tháng 5, trước thời điểm George Floy bị cảnh sát ghì chết. Tuy nhiên, phong trào biểu tình sau cái chết của người đàn ông da màu đã khiến Obama bị cuốn vào chiến dịch tranh cử tổng thống nhiều hơn.
Phản ứng đầu tiên của Obama đối với các cuộc biểu tình là lo lắng. Ông sợ rằng biểu tình bạo loạn sẽ vượt tầm kiểm soát và sẽ trở thành hành vi "vô pháp" trong câu chuyện của Trump. Sau đó, Obama bày tỏ sự phẫn nộ về cách Bộ trưởng Tư pháp William P. Barr trực tiếp chỉ đạo lực lượng an ninh liên bang dẹp người biểu tình, để dọn đường cho Trump đi bộ tới nhà thờ gần đó chụp ảnh.
Phản ứng của Obama về cái chết của Floyd nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri trẻ tuổi dành cho Biden nhiều hơn là "chĩa mũi dùi" về phía Trump. Trong buổi nói chuyện trực tuyến mới đây, Obama cũng nêu bật một loạt cải cách cảnh sát chưa được thực hiện thành công trong nhiệm kỳ thứ hai của ông.
Ngày 4/6, khoảng một giờ trước lễ tưởng niệm Floyd ở Minneapolis, cựu tổng thống Mỹ đã gọi điện chia buồn với Philonise Floyd, anh trai của George Floyd, giống như cách ông thường làm suốt 8 năm ở Nhà Trắng.
"Tôi muốn bạn luôn hy vọng. Tôi muốn bạn biết bạn không cô đơn. Tôi muốn bạn hiểu Michelle và tôi sẽ làm bất cứ điều gì bạn muốn", Obama nói trong cuộc điện thoại dài 25 phút.
"Tôi nghĩ đó là lần đầu tiên gia đình Floyd thực sự cảm thấy được an ủi kể từ sau cái chết của anh ấy", nghị sĩ Al Sharpton, người biết về cuộc nói chuyện của Obama, chia sẻ.
Bí mật khiến đập Tam Hiệp không thể bị phá hủy hoàn toàn, tên lửa bắn chỉ như “gãi ngứa”
Đập Tam Hiệp không thể bị phá hủy