Obamacare đi về đâu?
Chiều Thứ Tư, 26 Tháng Bảy, Thượng Viện lại không thông qua được một dự luật xóa bỏ đạo luật y tế ACA của cựu Tổng Thống Obama; quen gọi là Obamacare. Trong những ngày tới, các nghị sĩ Cộng Hòa sẽ làm gì tiếp để đạt mục tiêu “xóa bỏ và thay thế đạo luật ACA đang thi hành?”
23:00 27/07/2017
Như chúng ta đã biết, sáng ngày Thứ Ba, 25 Tháng Bảy, đảng Cộng Hòa và Tổng Thống Donald Trump đã thành công khi Thượng Viện chấp thuận đem ra bàn vấn đề này, với tỷ số sát nút.
Có 50 nghị sĩ Cộng Hòa bỏ phiếu thuận, và Phó Tổng Thống Pence, ngồi chủ tọa các phiên họp của Thượng Viện theo Hiến Pháp quy định, bỏ lá phiếu quyết định để đạt tỷ số 51/50. Tất cả 48 nghị sĩ Dân Chủ chống và hai nghị sĩ Cộng Hòa cũng chống.
Nhưng ngay chiều Thứ Ba, dự luật xóa và thay obamacare của ban lãnh đạo Thượng Viện được đưa ra bàn và bị bác bỏ với 57 phiếu, và 43 phiếu thuận. Ðây là dự luật đã được nghị sĩ trưởng khối đa số soạn thảo và thay đổi theo nhiều đề nghị của các nghị sĩ khác, nhưng vẫn có chín nghị sĩ Cộng Hòa không đồng ý. Dự luật này, nếu ban hành, sẽ làm cho khoảng 22 triệu dân Mỹ mất bảo hiểm.
Chiều Thứ Tư, 26 Tháng Bảy, một dự luật khác được đưa ra bỏ phiếu. Ðó là dự luật đã được các dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa thông qua năm 2015, nhưng bị cựu Tổng Thống Obama phủ quyết.
Tổng Thống Trump đã thúc đẩy Thượng Viện hãy đưa ra bỏ phiếu lại, nếu được cả hai viện thông qua thì ông Trump chắc chắn sẽ ký ban hành. Nhưng khi kiểm phiếu, chỉ có 45 nghị sĩ Cộng Hòa ủng hộ. Bảy người đã bác bỏ, mặc dù vào năm 2015, ngoài bà Susan Collins, sáu người kia đã bỏ phiếu chấp thuận. Các nghị sĩ Dân Chủ, 48 người đều chống. Nếu dự luật này trở thành luật, sẽ có 32 triệu người mất bảo hiểm.
Mọi người đang thắc mắc: Giái lãnh đạo Cộng Hòa ở Thượng Viện sẽ làm gì tiếp?
Trong mấy ngày tới, Thượng Viện có thể sẽ thảo luận về một dự luật được thu hồi Obamacare, gọi tên là Thu Hồi Mỏng (skinny repeal), với hy vọng được trên 50 phiếu thông qua. Dự luật Cải Tổ Mỏng này sẽ chỉ xóa bỏ một số điều khoản trong ACA mà tất cả đảng Cộng Hòa muốn xóa; đầu tiên là không bắt buộc mọi công dân Mỹ phải có bảo hiểm y tế, và buộc các xí nghiệp phải tổ chức mua bảo hiểm cho nhân viên, nếu không sẽ bị phạt; và xóa bỏ hẳn những khoản thuế đánh trên các dụng cụ y khoa.
Ngoài ra, các điều mà đảng Cộng Hòa muốn thay đổi như xóa món thuế phụ trội đánh trên lợi tức cao hơn 250,000 đô la một năm; cắt bớt chương trình Medicaid (Medical ở California); và cắt bớt trợ cấp cho giới trung lưu không đủ tiền mua lấy bảo hiểm bị nhiều người chống đối, sẽ khó được đa số nghị sĩ chấp nhận sẽ có thể bị bỏ qua.
Nếu Thượng Viện thông qua được một dự luật Cải Tổ Mỏng, sẽ đến lúc phải dung hòa dự luật này với dự luật mà Hạ Viện đã thông qua tại Hạ Viện vào Tháng Năm vừa qua. Việc thỏa hiệp giữa hai dự luật sẽ khó khăn vì dự luật của Hạ Viện rất nặng tay, sẽ khiến cho 23 triệu người mất bảo hiểm, đến nỗi chính Tổng Thống Trump phải chê là “dữ quá” (mean).
Nếu hai viện không thể thỏa hiệp và thông qua được một dự luật nào thì tình trạng sẽ ra sao?
Khi đó, đạo luật ACA, tức Obamacare sẽ tiếp tục có hiệu lực. Những người được hưởng Medicaid (hay Medical) sẽ giữ được bảo hiểm. Những người trung lưu đang được trợ cấp để mua bảo hiểm sẽ tiếp tục được trợ cấp nhưng chính phủ có quyền giảm bớt món tiền này. Những người lợi tức trên 250,000 đô la sẽ tiếp tục đóng thêm thuế để ngân sách có đủ tiền trả các khoản chi phí này.
Nhưng chính phủ và Quốc Hội sẽ phải quyết định bảo đảm cho các hãng bảo hiểm an lòng rằng các khoản trợ cấp được tiếp tục; nếu không thị trường bảo hiểm sẽ xáo động và nhiều người sẽ mất bảo hiểm. Chính phủ cũng có thể làm giảm hiệu lực của Obamacare bằng cách thả lỏng, ngưng truy tố những người không có bảo hiểm và các xí nghiệp không mua bảo hiểm cho nhân viên. Khi đó, sẽ các hãng bảo hiểm sẽ chỉ thu hút được những người bệnh nặng đi mua bảo hiểm lấy, hậu quả là giá mua (premium) sẽ tăng vọt lên, nhiều người sẽ phải bỏ.
Khi đó, các dân biểu và nghị sĩ thuộc hai đảng sẽ phải hợp tác để giữ cho thị trường bảo hiểm y tế không sụp đổ, nếu không họ sẽ bị các cử tri trừng phạt trong cuộc bỏ phiếu năm 2018. (DT)
Dự luật thay thế Obamacare bị Thượng viện Mỹ bác bỏ
Với 57 phiếu chống và 43 phiếu thuận dự luật thay thế Obamacare đã bị Thương viện Mỹ bác bỏ ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên.