Ôm con sang Mỹ với hai bàn tay trắng, 16 năm sau, mẹ 5 con thành bà chủ, thu nhập tăng gấp 20 lần

Nhìn lại quá khứ hồi mới sang Mỹ, làm cật lực 7 ngày/tuần mà chưa đủ tiền thuê bảo mẫu cho con, Tracy Trần cũng tự thấy khâm phục sự vươn lên của mình.

19:52 25/04/2023

Tay trắng ôm con sang Mỹ, tan giấc mộng cờ hoa

Tracy Trần (tên Việt là Trần Thị Thanh Thủy, sinh năm 1985), đặt chân đến đất Mỹ năm 2006. Hồi đó, chị và chồng - một người Mỹ gốc Việt - đã có con chung nên việc làm giấy tờ cũng không quá phức tạp. Tracy ôm theo con trai nhỏ (sinh tại Việt Nam) để theo chồng sang xứ người. Gia đình nhỏ sống ở California, nơi chị làm nail để kiếm sống.

Ôm con sang Mỹ với bàn tay trắng, 16 năm sau, mẹ 5 con thành bà chủ, thu nhập tăng 20 lần - Ảnh 1.

Tracy Trần từng có quãng thời gian vất vả trên đất Mỹ.

Tracy nhớ lại: “Hồi ở nhà mình có học nghề make-up, học nail, nhưng sang Mỹ vẫn rất vất vả. Mình tự nói với mình là chỉ được thi một lần phải đậu liền, vì từ nhà lên chỗ thi phải đi 5 - 6 tiếng, con thì không có ai trông. Thi đậu rồi thì được đi làm, nhưng lương rất thấp. Mình khi đó chưa rành tiếng Anh, chỉ cố cắm đầu làm cho xong để khách khỏi phàn nàn thôi.

Mình cảm thấy bất lực, cô đơn ở Mỹ. Khi ở nhà, mình sống cùng gia đình, con có người chăm sóc. Sang Mỹ là một bầu trời khác, cuộc sống cực kỳ nhanh, không cho phép ai có thể lười biếng hay nghỉ ngơi, bằng mọi giá phải tìm cách thích nghi. Không biết lái xe, mình đi bộ hoặc xe bus, thấy người ta làm sao thì để ý bắt chước làm vậy.

Nhiều khi đi một quãng dài xách đồ ở chợ về, thấy con bò ngang bò dọc, mặt mũi lấm lem như con mèo, trong khi ở nhà thì người này người kia ẵm, mình bật khóc. Đã có lúc mình nghĩ thôi về Việt Nam ở, nhưng sau cứ từ từ định hình bản thân, nghĩ cho tương lai của con, mình học cách sống được ở đất Mỹ.”.

Tracy bảo, thời điểm đó chị gần như cô độc vì chưa kết nối được với cộng đồng người Việt tại đây. Tuần nào Tracy cũng làm việc đủ 7 ngày/tuần, nhưng tiền lương không đủ chi trả cho tiền bảo mẫu trông con (25 đô/ngày), cứ làm hôm nay phải lo ngày mai, chi tiêu chắt bóp.

Ôm con sang Mỹ với bàn tay trắng, 16 năm sau, mẹ 5 con thành bà chủ, thu nhập tăng 20 lần - Ảnh 2.

Có lúc, tiền lương của Tracy không đủ để trả tiền vú em.

2 năm sau, Tracy sinh bé thứ hai. Thu nhập thời điểm đó cũng khá lên chút đỉnh, nhưng vẫn ở mức rất thấp, ít hơn nhiều mức thu nhập tối thiểu được đóng thuế của người Mỹ (khoảng 40.000 đô/năm). Nhưng cuộc sống chưa kịp ổn lên thì tan vỡ đã đến. Tracy và chồng chia tay.

Bật khóc nhớ lại thời điểm làm mẹ đơn thân, Tracy không thể quên nổi đêm ấy, chồng cũ của cô ôm va li đi ra khỏi nhà, bỏ Tracy và hai đứa nhỏ. “Mình nhớ mãi thời điểm đó không có tiền thuê người dọn, đêm đi làm về là tranh thủ rinh từng cái bàn cái ghế, đồ đạc ra ngoài để trả nhà cho người ta. Từ căn nhà thuê khoảng 800 - 900 đô/tháng, mình xách hai đứa nhỏ đi thuê lại một cái phòng nhỏ xíu, kiểu như ở ké người ta, giá thuê cỡ 250 đô để ba mẹ con ở.

Cứ sáng mình đi làm, tối về đón con là vô phòng ngủ. Người ta còn nói thẳng là không cho con nít ra ngoài, sợ ồn ào. Mình gọi về nhà, dì mới nói nếu cực quá mang hai đứa nhỏ về mẹ trông cho. Mình cứ nghĩ hoài, nếu để con xa mẹ thế, lỡ có sự cố gì sao mình bay về kịp được.

Nhưng nghĩ lại nếu để con sống khổ cũng tội, mình gạt nước mắt để đưa con về nhà ngoại. Khi đó nghèo tới mức dì phải gửi tiền cho ba mẹ con bay về. Khi bay lại qua Mỹ, mình phờ phạc như một con điên, nước mắt rơi lã chã suốt chặng bay.”.

Ôm con sang Mỹ với bàn tay trắng, 16 năm sau, mẹ 5 con thành bà chủ, thu nhập tăng 20 lần - Ảnh 3.

Khi bước ra khỏi cuộc hôn nhân đầu, Tracy chỉ có hai đứa con là "tài sản" quý giá nhất.

Trở thành bà chủ, thu nhập cao gấp chục lần

Tracy gọi hơn 1 năm xa cách hai con là thời điểm đen tối nhất trong cuộc đời mình. Chị luôn cầu xin con không có chuyện gì, ám ảnh tới mức tối ngủ cũng kêu tên con. Đi làm về, Tracy ôm điện thoại trò chuyện với con. Mỗi khi con hỏi sao mẹ đi lâu vậy, chị lại nước mắt giàn giụa, dỗ dành đến khi có đủ tiền sẽ đón con sang.

Tracy chưa từng nghĩ mình sẽ bước thêm bước nữa, cho đến khi gặp chồng hiện tại. Anh cũng là một người Mỹ gốc Việt. Mới đầu anh chỉ là bạn, sau tiến đến tình yêu. Khi lấy nhau thì tay trắng không có tài sản gì, chỉ Tracy có hai đứa con.

Ttacy đang hạnh phúc bên Khanh, người chồng hiện tại.

Họ làm tiệc nho nhỏ kỷ niệm đám cưới, rồi anh quyết định giục Tracy về đón con sang. “Anh nói thôi giờ nghèo cũng được, khổ cũng được, em về đón con đi, có gì ăn đó, anh sẽ phụ em lo cho con. Khi đó, mình bầu bé thứ ba khoảng 4 tháng. Hạnh phúc nhất là anh rất thương con mình và các con cũng rất mến anh ngay từ lần đầu gặp gỡ.”.

Đến năm 2012, hai vợ chồng Tracy thôi làm thuê, mở tiệm của riêng mình. Cuộc sống cũng dần ổn lên. Tới năm 2017, sức khỏe giảm sút, Tracy bỏ nghề nail, chuyển dần sang kinh doanh online. Chồng chị chuyển sang nghề đấu thầu sửa nhà, mua nhà cũ và bán lại.

Từ năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đến nay cũng là lúc công việc buôn bán của Tracy “vào cầu”. Khi tất cả mọi người phải ở nhà, hạn chế ra đường, tiệm nail phải đóng cửa. Tracy đẩy mạnh kinh doanh nhiều mặt hàng, từ đồ ăn vặt quê hương cho đến quần áo mặc nhà. Để đảm bảo hương vị thuần chất, Tracy tìm nguồn nhập đặc sản ở Việt Nam rồi chuyển sang Mỹ.

Ôm con sang Mỹ với bàn tay trắng, 16 năm sau, mẹ 5 con thành bà chủ, thu nhập tăng 20 lần - Ảnh 5.

Việc kinh doanh thuận lợi đã giúp Tracy trở thành bà chủ "siêu thị online" trên đất Mỹ.

"Nhiều khi mấy món ăn vặt vãnh ở nhà nhưng qua Mỹ là đặc sản, người Việt mình ở bên đó thèm lắm, nhớ lắm. Những món kiểu ô mai sấu, cóc ngâm, me ngâm… mỗi lần mình nhập hàng trăm ký mà hết nhanh lắm. Rồi mùa Tết, mấy món như măng khô, miến, mứt, củ kiệu… đắt hàng vô cùng. Dần dần khách này giới thiệu khách kia, mình quen người ở khắp các tiểu bang Mỹ luôn; rồi cũng bỏ mối, chỉ cho chị em người Việt mới sang cách bán buôn.

Việc kinh doanh đồ bộ cũng là từ nhu cầu của bản thân và của mấy chị em bên đó. Ở Mỹ nhiều khi kiếm đồ bộ không ra hoặc mặc không hợp. Ban đầu mình nhập hàng may sẵn, sau thì mày mò về Việt Nam chọn vải, tìm xưởng may rồi gửi sang Mỹ bán, với tiêu chí các kiểu đẹp, điệu nhưng vẫn thoải mái. Có khách mỗi lần ra mẫu mới là lấy mười mấy bộ mặc và đem tặng luôn!”, Tracy khoe. Chị cũng tiết lộ, mỗi đợt chị đặt may chừng 3.000 bộ, bán trong khoảng 2 tuần lễ là hết. Giá mỗi bộ đồ khoảng 18 - 25 đô/bộ, cỡ 2 - 3 tô phở ở Mỹ.

Hiện tại, thu nhập từ việc kinh doanh của Tracy khoảng hơn 300.000 đô/năm, gấp gần 8 lần mức thu nhập được khai thuế tại Mỹ (khoảng 40.000 đô/năm). So với thu nhập cỡ mười mấy ngàn đô/năm thời mới sang Mỹ, chị thấy tự hào vì những nỗ lực của mình.

Mình nghĩ sống ở nước ngoài phải luôn chăm chỉ, phải lao động cật lực vì vòng quay cuộc sống không cho phép nghỉ ngơi, con người rượt theo thời gian chứ thời gian không đợi mình đâu. Không thể làm biếng được nếu muốn có cuộc sống ổn định. Mình nhiều con nên càng phải cố gắng hơn.”.

Mẹ 5 con đang có gia đình ấm êm tại Mỹ.

Tracy cũng tâm sự, cuộc sống hiện tại của chị khá ổn, gia đình chồng, chồng và các con rất hòa thuận. Chồng của Tracy rất yêu con, chăm sóc 5 đứa trẻ của gia đình rất cẩn thận. Lũ trẻ cũng rất tự giác làm việc nhà theo đúng lứa tuổi.

Mình không đặt áp lực cho con phải học giỏi, không kỳ vọng trở thành bác sĩ kỹ sư, chỉ cần con cố gắng hết sức của chúng thôi. Các con mình, may mắn cũng ngoan và hiểu chuyện, không mấy khi đòi hỏi, vòi vĩnh gì ba mẹ cả. Thương lắm, nhiều khi mua cái gì mắc tiền cho con mà nó xúc động rớt nước mắt luôn đó.”.

Tags:
Kiểm tra sân bay Tân Sơn Nhất vì để khách chờ lâu, gánh phí

Kiểm tra sân bay Tân Sơn Nhất vì để khách chờ lâu, gánh phí

Cục Hàng không vừa có báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về phản ảnh khách đi taxi sân bay Tân Sơn Nhất phải gánh thêm phí và chờ đợi khi nhập cảnh.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất