Omicron giáng đòn vào Biden
Khi tiếp quản Nhà Trắng, Biden cam kết sẽ "làm theo khoa học" để chiến thắng Covid-19, nhưng một năm sau, Mỹ lại lao đao vì làn sóng Omicron.
15:18 31/12/2021
Số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày trong một tuần qua tại Mỹ là 265.427, vượt mức đỉnh 251.989 hồi giữa tháng một, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins. Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, tới nay đã ghi nhận hơn 54,6 triệu ca nhiễm và hơn 844.000 ca tử vong do Covid-19.
"Thống kê này có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, với hơn nửa triệu ca nhiễm mới hàng ngày trong thực tế", Howard Forman, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Yale của Mỹ, nhận xét.
Tin tốt đằng sau những dữ liệu đáng lo ngại về tình hình Covid-19 ở Mỹ là Omicron dễ lây lan, nhưng có thể ít gây chết người hơn các biến chủng trước. Số ca nhiễm mới ở Mỹ tăng 126%, nhưng số ca nhập viện chỉ tăng 11%, dấu hiệu mà chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu chính phủ Anthony Fauci xem là "đáng khích lệ".
"Chúng ta không nên tự mãn nhưng tất cả các dấu hiệu đều chỉ ra Omicron ít nghiêm trọng hơn", Fauci nói ngày 29/12.
Tuy nhiên, tốc độ lây lan chóng mặt của Omicron và sự khó lường của Covid-19 đủ gieo cảm giác hỗn loạn và khiến nhiều người không hài lòng với cách ứng phó đại dịch của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Tình hình Covid-19 ở Mỹ hiện khác xa với những gì Biden từng cam kết khi nhậm chức cách đây 11 tháng, khi ông cam kết sẽ thay đổi cách lãnh đạo thất thường của Donald Trump và nỗ lực kiểm soát đại dịch. Chứng kiến làn sóng Covid-19 dần thoái lui trong những tháng đầu nhiệm kỳ, Biden thậm chí tuyên bố ngày Quốc khánh 4/7 là thời điểm Mỹ thoát Covid-19.
Nhưng khi làn sóng Delta tấn công Mỹ hồi mùa hè và sau đó là làn sóng Omicron hiện tại, Biden hứng chỉ trích từ tất cả các bên và hứng chịu đòn giáng mạnh mẽ khi tỷ lệ ủng hộ giảm xuống 40%, mức thấp kỷ lục, trong khi tỷ lệ phản đối lên tới gần 52%.
Tờ New York Post cho rằng Biden có thể không bị đổ lỗi vì Covid-19, nhưng phản ứng với đại dịch của ông tỏ ra không hiệu quả.
Sau khi Tổ chức (WHO) ngày 26/11 tuyên bố Omicron là biến chủng "đáng lo ngại", chính quyền Biden cấm nhập cảnh với người đến từ 8 quốc gia phía nam châu Phi, ngoại trừ công dân và thường trú nhân của Mỹ. Washington cũng yêu cầu từ ngày 6/12, khách quốc tế trên một tuổi phải có xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong 24 giờ kể từ khi khởi hành. Đối với cả các chuyến bay nội địa và quốc tế, chính quyền đã gia hạn yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc thêm hai tháng tới tháng 3/2022.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Biden có thể làm nhiều hơn thế để ngăn chặn Omicron. Các lệnh cấm nhập cảnh có thể giảm nguy cơ biến thể xâm nhập vào Mỹ, nhưng sau đó nó được chứng minh là không hiệu quả khi Omicron vẫn tấn công nước này. Chính quyền Biden lẽ ra có thể siết chặt các biện pháp cách ly người nhập cảnh để làm chậm sự lây lan của Omicron hoặc một biến thể tương lai.
Các chuyên gia cho rằng Mỹ có thể yêu cầu người nhập cảnh xét nghiệm vài ngày sau khi đến để kịp thời phát hiện và ngăn chặn ca nhiễm lây lan. Anh hiện tái áp dụng quy định cách ly khách nhập cảnh, xét nghiệm PCR hai ngày sau khi đến và yêu cầu thêm một xét nghiệm vào ngày thứ tám đối với người chưa tiêm chủng.
Chính quyền cũng có thể thắt chặt hạn chế đi lại đối với người Mỹ. Hiện chính quyền Biden chỉ yêu cầu khách nước ngoài phải tiêm chủng khi đến Mỹ. Lawrence Gostin, giáo sư luật y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown, khuyến nghị đưa ra yêu cầu tiêm chủng đối với công dân và thường trú nhân Mỹ nếu muốn lên các chuyến bay trong nước hoặc quốc tế.
Giới quan sát cho rằng Biden có cơ sở để thực hiện những biện pháp này. Một khảo sát của Pew hồi tháng 9 cho thấy 62% người Mỹ trưởng thành cảm thấy các hạn chế để làm chậm lây lan dịch là đáng giá. Hồi cuối tháng 11, một cuộc thăm dò của Morning Consult cho thấy khoảng 80% người trưởng thành Mỹ ủng hộ các hạn chế đi lại với các nước xuất hiện biến chủng Omicron. Cuộc thăm dò tương tự cho thấy 76% người trưởng thành ủng hộ tăng cường xét nghiệm để truy vết ca nhiễm.
Thiếu kit xét nghiệm nhanh cũng là vấn đề mà chính quyền Biden vấp nhiều chỉ trích, khi các hiệu thuốc hết nguồn cung và các trung tâm xét nghiệm do chính phủ điều hành luôn có những hàng người xếp dài chờ đến lượt.
Chính quyền Mỹ nói họ sắp phân phối 500 triệu bộ xét nghiệm tại nhà, một trong những biện pháp để ứng phó với làn sóng mới, nhưng chính Biden tuần này thừa nhận rằng bấy nhiêu là không đủ.
Howard Forman, giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Yale, cho rằng xét nghiệm thường xuyên các nhóm có nguy cơ cao là "rất quan trọng", bởi vì các loại thuốc điều trị có thể can thiệp kịp thời nếu bệnh được phát hiện sớm.
Vaccine vẫn được xem là biện pháp bảo vệ tốt nhất với Covid-19. Tỷ lệ ca tử vong có liên quan tới Covid-19 tăng 14 lần đối với người chưa tiêm chủng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).
Tuy nhiên, đây cũng chính là lĩnh vực mà Biden vấp nhiều trở ngại, đặc biệt ở các khu vực đảng Cộng hòa chiếm ưu thế. Bất chấp nhiều tháng khuyến khích tiêm chủng và tăng cường phân phối vaccine, chỉ 62% người Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ và chưa tới 33% tiêm liều tăng cường.
Hồi đầu tuần này, CDC thông báo giảm một nữa thời gian cách ly với ca nhiễm không triệu chứng xuống 5 ngày, quyết định nhận được sự ủng hộ từ một số doanh nghiệp chật vật vì thiếu nhân viên, nhưng vấp chỉ trích mạnh mẽ từ các khu vực khác.
Cuộc tranh cãi mới nhất này là minh chứng cho những khó khăn mà chính quyền Biden phải đối mặt để có thể làm hài lòng tất cả các bên.
Giám đốc CDC Rochelle Walensky hôm 29/12 cho biết quyết định giảm thời gian cách ly không chỉ dựa vào khoa học, mà còn cân nhắc cả yếu tố con người và chính trị. "Nó thật sự liên quan rất nhiều đến những gì chúng tôi nghĩ mọi người có thể chịu đựng được", Walensky nói.
Thanh Tâm (Theo AFP, Economist)
Vì sao phải đợi lâu để lấy hành lý tại sân bay?
Có nhiều lý do khiến hành lý xuất hiện trên băng chuyền rất lâu sau khi máy bay hạ cánh như thời tiết xấu, chuyến bay đông, sân bay rộng...