Ông bà nuôi cháu như con mọn ở tuổi gần đất xa trời
Mới đây, video về một cụ bà đứng ngoài cửa lớp học được đăng trên trang Weibo thu hút rất nhiều người xem.
22:00 15/07/2023
Cụ bà họ Lưu, 70 tuổi dựa vào cửa sổ lớp học, lắng nghe cô giáo giảng bài rồi ghi chép lại. Hóa ra cháu gái của bà Lưu, 9 tuổi, bị thiếu oxy lúc mới sinh nên trí óc phát triển chậm. Để cháu có thể được học văn hóa như trẻ bình thường, bà Lưu đã bỏ quê nhà từ tỉnh An Huy lên Từ Châu, Giang Tô cho cháu theo học tại trường chuyên biệt.
"Hàng ngày tôi đứng đây ghi chép lại bài giảng của thầy cô giáo để tối về dạy lại cháu", bà Lưu nói.
Mọi người hỏi bố mẹ cô bé đâu, bà Lưu miễn cưỡng trả lời họ bận đi làm ăn xa, đồng thời nhấn mạnh: "Dù sao tôi sẽ không bao giờ từ bỏ cháu gái của mình. Tôi sẽ luôn chăm sóc và bảo vệ nó để nó được là người bình thường".
Đoạn video nhanh chóng được chia sẻ rộng rãi. Một độc giả xúc động viết: "Đây là người bà đẹp nhất Trung Quốc. Trong khi rất nhiều cha mẹ chỉ mong con thành rồng thành phượng thì người bà này lại chỉ mong cháu được là người bình thường".
Trong khi người khác lại nhận xét: "Bây giờ người già Trung Quốc sống thật không dễ".
Theo số liệu thống kê của Hội y tế quốc gia nước này, trong 18 triệu người cao tuổi di cư từ nông thôn ra thành phố thì có tới một nửa chuyên đi chăm sóc trẻ nhỏ - con của những đứa con của họ.
Một thành viên của hội y tế quốc gia Trung Quốc cho hay, nguyên nhân chính là những người già muốn con cái mình đỡ một khoản chi phí chăm trẻ, hơn nữa họ cũng không yên tâm để người lạ chăm sóc cháu mình.
"Đáng lẽ ở tuổi về hưu người già phải được nghỉ ngơi, nhưng vì con cháu, họ lại phải dậy sớm ngủ muộn để làm việc. Đôi khi còn vất vả hơn cả thời thanh niên", một thành viên của hội y tế quốc gia Trung Quốc cho hay.
Một chuyên gia xã hội học Trung Quốc từng nhận xét, ở nước này hiện có rất nhiều người già giống như vậy.
"Nhiều người già dường như coi việc trông cháu là nhiệm vụ độc quyền của họ. Họ luôn biện bạch: ‘Chúng tôi đã nghỉ hưu, không có việc gì, chăm sóc cháu để giảm gánh nặng cho con cái’, hay ‘Người trông trẻ ở thành phố quá đắt đỏ lại không an toàn, giúp đỡ con cái là việc nên làm’... Làm cha mẹ già ở Trung Quốc không bao giờ là dễ", vị chuyên gia nhận xét.
Tuy nhiên với nhiều người cao tuổi, việc chăm sóc trẻ không phải là vấn đề lớn, điều khiến họ thực sự lo lắng là sự phàn nàn của con cái và nỗi cô đơn ở một nơi xa lạ.
Cách đây không lâu, một cô con dâu ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô đã tát mẹ chồng 2 cái bởi bà đến đón cháu muộn. Trước mặt mọi người, cô này chì chiết: "Tôi làm điều này để cho bà nhớ thật lâu".
Vụ việc đã gây một làn sóng phẫn nộ tại Trung Quốc. Một người già khi được hỏi có cảm xúc gì khi xem đoạn video trên đã trả lời: "Nhiều người như chúng tôi không những phải luôn gắng sức chăm cháu thật tốt mà còn phải chịu sự tra tấn về tinh thần".
Năm 2014, từng xảy ra một thảm kịch ở Quảng Châu. Bà Quách có hai cậu con trai. Khi bà đến tuổi về hưu, hai người con bắt đầu sinh con.
Vì vậy, từ năm 2008, bà liên tục di chuyển sang hai thành phố khác nhau - nơi các con sinh sống- để chăm lần lượt 6 đứa cháu.
Thời gian này, do chăm cháu nhiều, sức khỏe đi xuống, bà bắt đầu mắc các bệnh liên quan đến xương khớp và tiểu đường. Chồng bà xa vợ lâu hay trách móc, mâu thuẫn không được hóa giải, bà ly hôn với chồng.
Trong một lần chăm cháu quá mệt, do bất cẩn, bà để làm bỏng đứa cháu gái. Con dâu đã chửi mắng bà thậm tệ. Đối mặt với sự khiển trách của con dâu, cơ thể suy kiệt vì mệt mỏi, bà Quách tuyệt vọng. Cuối cùng vào một buổi sáng sớm, bà đã bế đứa cháu gái mới 3 tháng tuổi nhảy từ tầng 19 của tòa nhà đang sinh sống, kết liễu cuộc đời.
Bộ phim tài liệu "Bà rất bận" ghi lại một ngày bình thường của người phụ nữ tên Công Đạt khiến mọi người hình dung công việc chăm cháu của một người già điển hình.
Mỗi ngày bà Công đều thức dậy lúc 6h sáng, đi chợ để chọn thực phẩm tươi ngon nhất cho gia đình, đặc biệt là đứa cháu trai mới 6 tháng của bà.
Sau khi đi chợ về, bà chuẩn bị bữa sáng, xay sinh tố để cháu được bổ sung vitamin như bà nói.
10h sáng, sau khi cho cháu ăn, bà dỗ cháu ngủ. Sau đó bà chuẩn bị bữa trưa rồi gọi điện giục con dâu và con trai về nhà ăn trưa.
Sau bữa trưa, khi các con đi làm, bà Công lại dọn dẹp nhà cửa rồi chuẩn bị thực phẩm cho bữa tối
Chiều khi cháu ngủ dậy, bà dẫn cháu xuống sân chơi rồi quay trở về nhà nấu bữa tối.
Khi cả nhà dùng xong bữa, bà Công sẽ chơi với cháu để con dâu có thời gian nghỉ ngơi. Đến khoảng 9h, bà mới trả lại cháu cho mẹ. Thời gian này bà Công mới được nghỉ ngơi trên chiếc sofa ngoài phòng khách.
"Bởi nhà đi thuê, có một phòng ngủ nên tôi nhường giường cho cháu nhỏ. Con cái còn khó khăn nên bản thân làm cha mẹ vẫn phải cố", bà Công nói.
Những hình ảnh như bà Công giờ rất phổ biến trong xã hội hiện đại của Trung Quốc.
Trong bộ phim tài liệu này, con dâu của bà Công nói rằng: "Nếu không có sự giúp đỡ của mẹ, tôi chắc không dám sinh con. Bởi vậy tôi luôn cố gắng thấu hiểu và tôn trọng người đang chăm sóc con đẻ của mình".
Cũng theo người con dâu này, khi có mâu thuẫn, cô không bao giờ cố giành phần thắng về mình: "Hãy cho người già có tiếng nói trong gia đình và cho họ có thời gian để được tự do. Những người già như mẹ tôi vẫn đang rất nỗ lực để con cái có được hạnh phúc dù tay chân không còn linh hoạt".
Hải Hiền (Theo sohu)
London vs New York: Cuộc sống ở nơi nào đắt đỏ hơn?
New York và London là hai trong số những thành phố đáng sống nhất do có nhiều cơ hội việc làm và các lựa chọn giải trí sôi động — nhưng cư dân đang phải trả phí cao.