Ông Biden sẽ không thể chặn được cuộc 'di cư' bắt đầu từ ông Trump
Các công ty sẽ tiếp tục dời nhà máy khỏi Trung Quốc dưới thời ông Biden. Tuy nhiên, đây là quá trình mất nhiều thời gian và nước này có thể giữ vững vị thế trong ít nhất 5 năm tới.
22:30 29/11/2020
Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu bắt đầu dưới thời Tổng thống Donald Trump có vẻ sẽ tiếp diễn khi ông Joe Biden vào Nhà Trắng, Bloomberg nhận định.
Apple, một trong những ông lớn công nghệ phải dựa vào nhà máy ở Trung Quốc, đang chuyển việc sản xuất iPad và MacBook sang khu vực Đông Nam Á. Đối tác lắp ráp chính của Apple, Foxconn, đã phân bổ 270 triệu USD để đầu tư vào khu vực này.
Những động thái này cho thấy xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng có thể kéo dài, lan sang cả những nhà sản xuất iPhone và làm ảnh hưởng vị thế “công xưởng thế giới” của Trung Quốc.
Trung Quốc được mệnh danh là "công xưởng của thế giới". Ảnh: Bloomberg.
Những đối thủ cạnh tranh mới
Nhà sáng lập Foxconn Terry Gou đã dùng cụm từ “G2” để nói về một chuỗi cung ứng được chia ra ít nhất ở 2 quốc gia. Chủ tịch Foxconn Young Liu vào tháng 8 cho biết Ấn Độ, Mỹ và các nước Đông Nam Á có thể sẽ xây dựng được mạng lưới cung ứng phức tạp của riêng mình.
Xu hướng này dường như không thể đảo ngược ở thời điểm hiện tại vì Ấn Độ và Đông Nam Á đang cải thiện cơ sở hạ tầng và thu hút các nhà sản xuất bằng nhân công giá rẻ cùng tình hình chính trị ổn định.
“Chi phí sản xuất ở Trung Quốc ngày càng tăng lên và chính trị Mỹ trở nên bất thường khiến các công ty chuyển việc sản xuất một số sản phẩm ra khỏi Trung Quốc. Xu hướng này sẽ tiếp tục khi các quốc gia khác tăng sức cạnh tranh”, Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại Gavekal Dragonomics, nói với Bloomberg.
Thái độ gay gắt của Tổng thống Trump với Trung Quốc cũng khiến nhiều công ty chuyển nhà máy Trung Quốc đến những nước láng giềng, và cả những nơi xa hơn như Ấn Độ và Mexico. Họ muốn tránh bị thuế và các biện pháp trừng phạt khác trong tương lai ảnh hưởng.
CEO Apple Tim Cook là người tạo ra chuỗi cung ứng tập trung chủ yếu ở Trung Quốc của Apple như ngày nay. Công ty này không muốn dịch chuyển chuỗi cung ứng ở quy mô lớn, nhưng những năm gần đây, Apple đang xem xét các biện pháp thay thế.
Khách hàng tại sự kiện ra mắt iPhone 12 ở Sydney, Australia. Ảnh: Bloomberg.
Ông lớn công nghệ có trụ sở tại Cupertino, California này đang thêm iPhone vào những sản phẩm được lắp ráp tại Ấn Độ. Động thái được chính sách của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi hỗ trợ. Chính sách này nhằm thu hút các công ty điện thoại thông minh hàng đầu sản xuất thiết bị tại Ấn Độ để xuất khẩu.
Pegatron, nhà lắp ráp iPhone lớn cuối cùng đặt nhà máy Ấn Độ, thông báo sẽ bơm thêm 150 triệu USD vào cơ sở ở đây và sẽ bắt đầu sản xuất sớm nhất vào cuối năm 2021.
Tại quê nhà, Apple đang vận động chính phủ Mỹ giảm thuế để hỗ trợ việc sản xuất chip trong nước. Nhà cung cấp chính của Apple, công ty Sản xuất chế tạo chất bán dẫn Đài Loan, đang lên kế hoạch đặt nhà máy sản xuất chất bán dẫn ở bang Arizona. Tuy nhiên, quy mô hạn chế và công nghệ dùng ở nhà máy này cho thấy nó sẽ phục vụ cho những khách hàng nhỏ hơn, ít nhất là vào thời điểm ban đầu.
Các ông lớn khác cũng rời Trung Quốc
Bên cạnh Apple, Google cũng đặt hàng Foxconn lắp ráp những thành phần chính của máy chủ ở Wisconsin, tại một nhà máy chưa sử dụng hết tính năng. Việc sản xuất hàng loạt dự kiến bắt đầu vào quý I/2021.
Đầu tháng này, Pegatron cũng cho biết công ty đang xây dựng nhà máy sản xuất ở Mỹ để phục vụ các khách hàng khác.
Wistron, một nhà sản xuất theo hợp đồng của Đài Loan, đầu tháng 11 công bố kế hoạch tăng sức sản xuất ở Mexico và Đài Loan. Wistron chuyên sản xuất iPhone theo đơn đặt hàng, cùng với máy tính xách tay và máy chủ cho các khách hàng Mỹ. Công ty này cũng đang mua một nhà máy của Western Digital ở Malaysia.
Chủ tịch Wistron Simon Lin vào tháng 3 cho biết một nửa sản phẩm sản xuất của công ty có thể nằm bên ngoài Trung Quốc, sớm nhất vào năm 2021. Công ty này đang xem xét việc để Ấn Độ trở thành địa điểm chiến lược đặt nhà máy trong thập kỷ tiếp theo nhờ thị trường rộng lớn và tài nguyên dồi dào.
Thuế mà ông Trump áp lên những sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc cũng khiến những công ty quốc tế xem xét lại hoạt động của mình. Các sản phẩm Switch của Nitendo hiện được Sharp lắp ráp ở Malaysia sau khi công ty này yêu cầu Foxconn, một cổ đông của Sharp, đưa ra lựa chọn nhà máy bên ngoài Trung Quốc.
Nhân viên kiểm tra điện thoại di động tại Rising Stars Mobile India Pvt., Một đơn vị của Foxconn ở Sriperumbudur, Ấn Độ vào năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.
Trong khi Apple đang cố đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của mình, tập đoàn này cũng thắt chặt quan hệ với các nhà sản xuất Trung Quốc để phục vụ thị trường nội địa. Đầu năm nay, công ty Luxshare của Trung Quốc đã mua lại nhà máy sản xuất iPhone của Wistron tại đây. Động thái này biến Luxshare thành công ty Trung Quốc đầu tiên lắp ráp thiết bị cầm tay của Apple.
Các đơn đặt hàng iPad cũng đang được chia ra giữa BYD của Trung Quốc, Foxconn và Compal, một nguồn tin nói với Bloomberg. Luxshare và GoerTek, hai công ty Trung Quốc, đang phụ trách sản xuất phần lớn AirPods.
Foxconn đã phải mất 30 năm để tạo nên hoạt động sản xuất khổng lồ ở Trung Quốc như hiện tại. Vì vậy, Ấn Độ và những nơi khác khó có thể bắt kịp sau một đêm, ông Young Liu nói đầu tháng này.
Quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ mất nhiều thời gian, “và Trung Quốc vẫn là nơi sản xuất phần lớn sản phẩm điện tử trong ít nhất 5 năm nữa”, ông Wang nói thêm.
8 tác dụng kì diệu của nước ép khổ qua và cách làm đơn giản rất dễ uống tại nhà
Khổ qua hay mướp đắng là một ѕіêᴜ thực phẩm chứa nhiều cʜấᴛ dinh dưỡng và rất tốt cho cơ thể. Đây là một loại rau xanh dân dã, có tính hàn, vị đắng, thường được sử dụng để thanh nhiệt, giải độ.c và làm mát gaɴ.