Ông Bolton và những tháng ngày đối đầu kịch liệt với Tổng thống Trump trước khi từ chức

Những bất đồng tích tụ giữa Tổng thống Trump và Cố vấn An ninh Quốc gia Bolton đạt tới đỉnh điểm và là tác nhân dẫn tới cuộc chia tay ngày 10/9.

06:30 12/09/2019

Khi Tổng thống Trump chuẩn bị cho các cuộc đàm phán với Taliban ở Trại David trong tuần này và cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani ở New York vào cuối tháng, ông Bolton không giấu nổi thất vọng. Tới cuộc trò chuyện hôm 9/9, 2 bên đã chạm tới giới hạn của nhau.

Trong 520 ngày làm Cố vấn An ninh Quốc gia thứ 3 dưới trướng của ông Trump, vị cố vấn diều hâu cố gắng thuyết phục ông chủ Nhà Trắng theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn.

Rạn nứt giữa 2 bên hình thành từ những bất đồng tích tụ trong gần 18 tháng và đỉnh điểm là đầu tuần này.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton. (Ảnh: Getty)

Theo các nguồn tin của Time trong chính quyền Mỹ, khi ông Trump nói về ý tưởng gặp gỡ 2 đối thủ gay gắt nhất của Mỹ, ông Bolton đã kịch liệt phản đối. Nỗ lực thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ hồi tâm chuyển ý của ông ông Bolton không thành và còn khiến ông bị đá khỏi bàn đàm phán với Taliban.

Hôm 9/9, cả 2 quyết định ngồi lại để nói chuyện sòng phẳng nhưng kết quả là sự ra đi của ông Bolton.

Ông Trump viết trên Twitter nói đã yêu cầu ông Bolton từ chức vào tối cùng ngày và nhận được đơn vào sáng 10/9. Ông Bolton phủ nhận, nói chính ông mới là người đề nghị từ chức vào tối 9/9 và được Tổng thống Trump chấp nhận vào sáng hôm sau. Lá đơn từ chức của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cũng cụt lủn với chỉ 2 câu, 1 xác nhận từ chức, 2 cảm ơn vì được trao cơ hội phụng sự đất nước.

Dù bằng cách nào, sự ra đi của ông Bolton cũng thể hiện bước ngoặt trong nhiệm kỳ của vị Tổng thống Mỹ thứ 45. Một chiến binh "diều hâu" như ông Bolton, từng nhiều lần thành công trong việc hướng Tổng thống Trump theo đuổi đường lối cứng rắn ở một số nơi trên thế giới, đã ra đi.

Kể từ khi gia nhập vào Nhà Trắng tháng 4/2018, ông Bolton nhiều lần sử dụng tài khoản Twitter đưa ra cảnh báo tới các đối thủ của Mỹ. Ông đe dọa thời gian tại vị của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro chỉ còn tính bằng ngày, cảnh báo Iran rằng bất kỳ cuộc tấn công nào gây ảnh hưởng tới lợi ích của Washington hoặc các đồng minh của Mỹ sẽ phải trả giá và chọc giận Triều Tiên khi đề nghị Bình Nhưỡng đi theo mô hình hạt nhân như Libya.

Giờ đây, khi Mỹ đang phải đối mặt với những thách thức về chính sách đối ngoại đang sôi sục từ Trung Đông, Triều Tiên cho tới Nam Mỹ, ông Trump mất đi một tiếng nói cứng rắn sát sườn.

Theo một quan chức cấp cao của Mỹ, ngay từ đầu, ông Trump và ông Bolton chưa bao giờ hợp nhau xét về cấp độ cá nhân.

David Rothkopf, tác giả cuốn sách "Câu chuyện nội bộ của Hội đồng An ninh Quốc gia và Kiến trúc sư quyền lực Mỹ" cho rằng, trong khi ông Trump theo đuổi "chủ nghĩa Trump", ông Bolton là một nhà tư tưởng luôn tìm cách thúc đẩy một thế giới quan mà ông theo đuổi.

Theo thời gian, ông Trump bắt đầu chọn cách tin tưởng Ngoại trưởng Mike Pompeo hơn là kiên nhẫn lắng nghe các ý kiến bất đồng tới từ vị cố vấn diều hâu của mình. Bản thân ông Pompeo và ông Bolton cũng luôn trong trạng thái bằng mặt không bằng lòng.

Khi Giám đốc CIA Gina Haspel, người từng là cấp dưới của ông Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, đồng minh lâu năm của ông Pompeo lần lượt được bổ nhiệm, họ dần hình thành một bộ khung và cố gắng đẩy ông Bolton ra khỏi vòng tròn quyền lực.

Cuối cùng, ông Bolton đạt tới giới hạn khi Tổng thống tính đưa đại diện Taliban tới Washington đàm phán. Ông tin rằng hành động này sẽ hợp pháp hóa Taliban và đặt nền móng cho một hội nghị thượng đỉnh với tổ chức từng thảm sát 3.000 người Mỹ.

Mặc dù ý tưởng đưa Taliban tới nước Mỹ đàm phán bị hủy bỏ, ông Trump vẫn tiếp tục theo đuổi một kế hoạch khác mà ông Bolton cũng hết mức phản đối. Đó là gặp Tổng thống Iran vào cuối tháng này. Nguồn tin của Time nói ông Trump đã quá mệt mỏi với những lời càm ràm phản đối liên tục của ông Bolton. Ông liên tục chỉ trích ông Bolton là người quá khích, nửa đùa nửa thật rằng muốn xâm chiếm các nước đối thủ của Mỹ.

Trong khi đó, ông Bolton không thích các gặp gỡ liên tục với nhà lãnh đạo Triều Tiên và khó chịu khi ông Trump khăng khăng về ý tưởng gọi Nga gia nhập trở lại G-7.

Nhiều nhà phân tích nói rằng dù họ không đồng ý với quan điểm quá mức cứng rắn của ông Bolton nhưng việc ông Trump loại bỏ vị cố vấn này cho thấy ông đang bảo vệ nước Mỹ theo cảm tính khi gạt bỏ một người đang cố gắng tìm kiếm sự nhất quán và kỷ luật sau hàng loạt các chính sách đối ngoại thất thường của ông.

"Họ sẽ rất nhớ ông ấy vì ông ấy là người quyết định phanh lại một số xu hướng nguy hiểm của ông Trump", Time viết.

Các chính khách Mỹ than thở dù ông Trump tại nhiệm chưa tới 3 năm nhưng đã đổi tới 3 Cố vấn An ninh Nhà Trắng.

"Cánh cửa quay vòng của giới lãnh đạo Mỹ đang tàn phá an ninh quốc gia của chúng ta khi các đồng minh của Mỹ đang chuyển sang các quốc gia ổn định hơn như Trung Quốc và Nga trong lúc chính sách đối ngoại của chúng ta gặp quá nhiều vấn đề", Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Murphy nhận định.

theo VTC News

Tags:
Trump sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton

Trump sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton

Trump cho biết ông quyết định sa thải Bolton bởi "bất đồng sâu sắc với nhiều lời khuyên" của ông này trong thông báo hôm nay trên Twitter.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất