Ông lão vô gia cư không đủ tiền mua vé xe bus về thăm con gái dịp Giáng sinh

Ông lão vô gia cư sống trên Quảng trường Franklin, thành phố Washington, Mỹ tuy không một xu dính túi nhưng đầy ắp hy vọng: Ông mong muốn được đoàn tụ với con gái trong dịp Giáng sinh.

10:30 28/12/2019

Điều ước đêm Giáng sinh của ông Robert Fox, người vô gia cư 70 tuổi là được ở bên cạnh con gái mình. Ông đã mơ con gái sẽ chào đón mình bằng những cái ôm hôn. Ông nhẹ nhàng nói với con rằng ông rất thương yêu cô, cảm ơn Chúa vì đã đưa hai cha con đến bên nhau. Ông mơ mình sẽ ngồi trong căn phòng ấm, hồi tưởng lại những kỷ niệm vui vẻ về kem bơ hồ đào và bánh chanh phủ sô cô la; ông sẽ cạo râu, tắm và khi tỉnh dậy, ông sẽ có một cuộc sống hoàn toàn mới. 

Ông đã nghĩ về tất cả những điều này khi ngồi trên băng ghế dài ở Quảng trường Franklin, giữa trung tâm thành phố Washington, bao quanh là những chiếc lều tạm bợ, chắp vá.

Ông Robert Fox.

Chỉ còn chưa đầy 48 giờ nữa là Giáng sinh, những người ở đây đã từ bỏ hy vọng tìm một nơi ấm áp để tận hưởng kỳ lễ. Giáng sinh này cũng sẽ như mọi ngày, họ sẽ ở lại những túp lều tạm bợ này. 

Ông Fox cởi nút áo len, đội lên chiếc mũ của mình, để ánh nắng mặt trời chiếu rọi vào những nếp nhăn trên khuôn mặt người đàn ông già…

Trải lòng về quá khứ

Con gái ông sống ở một thị trấn nhỏ bên ngoài Fredericksburg, bang Virginia.  

Ông Fox có di động nhưng không có tiền trả cước điện thoại, ông cũng không biết số của con gái. Lần cuối cùng ông gặp cô có lẽ là khoảng 6 năm trước, trong đám tang của một người họ hàng. Ông không có ôtô để đến thăm con gái, tất cả những gì ông có là 62 xu trong túi. 

Ông đã sống trên đường phố nơi thủ phủ hoa lệ này được gần một năm. Mặc dù chính phủ đã chi hàng triệu đô để giảm số lượng người vô gia cư và giúp đỡ nhiều gia đình thoát khỏi cảnh “màn trời chiếu đất” nhưng số lượng người độc thân lang thang trên phố vẫn tăng lên. 

Ông đã sống trên đường phố Washington được gần một năm.

Ông Fox hối hận rằng mình từng làm ra một số chuyện sai lầm. Ông từng vật lộn với ma túy, bị bắt nhiều lần và từng bị bỏ tù một năm vì cáo buộc liên quan tới ma túy. Nhưng có một điểm không đổi qua nhiều năm là ông vẫn luôn rất thương yêu 5 đứa trẻ của mình. 

Ông đã từng làm qua nhiều công việc như thợ xây, thợ sơn sửa tường và mái nhà, ông cũng làm qua một số việc chân tay tại những nơi sang trọng như cửa hàng cao cấp Saks Fifth Avenue hay làm ở Sân bay quốc gia Washington. Ông làm việc chăm chỉ để kiếm tiền trả tiền thuê nhà và mua đồ ăn cho các con.

Điều ước của ông lão vô gia cư 

Cuộc đời ông có bước ngoặt đầu tiên vào 15 năm trước, khi vợ ông qua đời vì bệnh phình mạch não. Ông dành hết số tiền tiết kiệm của mình để chi trả cho chi phí đám tang, từ đó, mọi thứ trở nên khó khăn hơn. 

Khoảng bốn năm trước, ông bị đuổi khỏi nhà tại bang Washington. Gia đình và bạn bè của ông đều có những vấn đề riêng nên ông không thể ở lại quá lâu trong nhà họ. Thỉnh thoảng, ông ngủ lại tại nhà của người thân; nhưng phần lớn thời gian, ông ngủ ngoài phố. Nếu các tài xế cho phép, ông sẽ ở lại trên xe bus cả đêm bởi trong đó ấm áp và an toàn hơn. Tuy vậy ông chỉ cần một chỗ trú mà không bao giờ xin tiền. 

Sống bươn chải vất vả ngoài đường phố, nhưng ánh mắt ông vẫn ánh lên niềm hy vọng.

Ông biết con gái sẽ dang tay chào đón ông. Lần cuối cùng họ nói chuyện là vào Lễ Tạ ơn, trước khi ông bị đuổi khỏi nhà. Cả hai đều rất vui khi trò chuyện cùng nhau, ông khóc và con gái cũng vậy.

Dù không có tiền, ông lão vẫn tràn đầy hy vọng được trở về đoàn tụ cùng con gái dịp Giáng sinh.

Ông Fox đã tìm hiểu tuyến xe để đến được nhà con gái. Ông dự định khi đến nơi sẽ gọi cho con gái. Có lẽ cô ấy sẽ tức giận vì đã không nhận được tin tức của ông trong một thời gian dài, nhưng ông chắc chắn cô sẽ tha thứ cho ông.

“Tôi biết con gái sẽ nói, ‘Bố ơi, con đang trên đường đón bố,” ông nói. “Tôi biết điều đó.”

Tất nhiên tất cả những điều ấy chỉ là ước mơ của ông lão… 

Giá vé cho “cuộc hội ngộ trong mơ” của người cha này là 27 USD. Nhưng tất cả những gì ông Fox có là một gói snack, bình nước chanh, đôi tất và 3 cái túi. Ông đã dùng nốt 62 cent cuối cùng để mua một điếu thuốc.

Hy vọng chúng ta có thể giúp ông ấy

Ông mới đến sống ở Quảng trường Franklin. Đối diện khu quảng trường này là tòa nhà bỏ hoang, trước đây từng là Trường học Franklin, những người vô gia cư đã chuyển đến sống tại tòa nhà này.

Patrick Hill, một người đồng cảnh ngộ, khuyên Fox thử tìm đến tổ chức từ thiện Georgetown Ministry Center hoặc một nhà thờ, một người bạn mục sư nào đó để nhờ giúp đỡ. Anh nói “Hy vọng chúng ta có thể giúp ông ấy có được tấm vé đó”. 

Cô Lisa Smith, một người sống lang bạt khác cũng đề nghị Fox sử dụng di động của mình để gọi cho con trai. Cô cũng như những người vô gia cư tại đây, luôn coi mọi người trong cộng đồng như gia đình mình và giúp đỡ lẫn nhau. 

Fox gọi điện cho con trai. Anh nói ngày mai ông có thể đến làm việc cùng anh, ông hy vọng mình kiếm đủ tiền để mua vé xe buýt.

Đường đến nhà con gái còn xa xôi 

Trời dần tối, đèn nơi quảng trường bắt đầu bật sáng.Vài người tốt bụng đến phân phát đồ dùng vệ sinh và bánh sandwhich cho những người vô gia cư. Lát sau, một người đàn ông mặc đồ ông già Noel mang chăn dày cùng balo, gói quần áo và thức ăn đến phân phát.

Ông Fox chọn một gói quà, hy vọng biết đâu có một thẻ quà tặng được nhét trong túi. Nhưng ông không thấy thẻ quà tặng nào cả, dù vậy ông vẫn không từ bỏ. 

Để chuẩn bị cho chuyến đi này, ông Fox đã đi nhặt nhạnh rất nhiều thứ. Ông bày chúng trên bậc thang của Đền Almas (tòa nhà đối diện Quảng trường Franklin). Hôm nay ông có một chiếc chăn mới vì vậy ông sẽ ngủ một giấc thật sâu để chuẩn bị ngày mai lên đường thăm con gái (đương nhiên rồi, ông ấy vẫn luôn tràn hy vọng như vậy). 

Ông Fox ngủ tạm bợ trên bậc thềm ở tòa nhà đối diện Quảng trường Franklin.

Khi ông tỉnh dậy, mới 5 giờ sáng của đêm vọng Giáng sinh, ngày hôm nay ông vẫn chưa đến gần được nhà con gái. Tuy nhiên, ông vẫn hy vọng.

Ông ấy đã không đến được chỗ con trai nhưng ông biết giá vé xe bus đến Virginia. Ông có một kế hoạch khác, ông sẽ tới Trạm tàu Union và bán những món đồ đạc mình có – có thể là chiếc áo khoác mới mà ông vừa được tặng, nó vẫn còn nhãn giá 100 đô la, hoặc có thể bán chiếc chăn dày hay ba lô.

Nếu không bán được, Fox tự nhủ ông sẽ phá vỡ quy tắc của mình và xin tiền những người lạ trên đường.

Bởi vì Giáng sinh sắp đến, và ông cần tiền để đến được nhà con gái. 

Tôi không biết câu chuyện sẽ đi về đâu, không biết liệu Fox có thể đoàn tụ với con gái trong những ngày tuổi già không, nhưng tôi biết một điều, rằng chúng ta hãy dành nhiều thời gian hơn cho những yêu thương và tha thứ, bởi cuộc sống vốn dĩ đã rất khắc nghiệt rồi. 

Cuộc sống này chính là bất định như vậy, một ngày bạn có thể làm ông chủ, quyền cao chức trọng nhưng cũng có những gấp khúc khiến bạn trắng tay, trở nên nghèo nàn khánh kiệt. Mỗi người đều nên xứng đáng được tôn trọng dù họ có địa vị như thế nào, bởi vì giá trị của một người không thể đo lường bằng những thứ vật chất vốn rất vô thường này mà nằm trong những giá trị tâm hồn, những thứ mãi mãi không thay đổi theo năm tháng. 

Nguồn/ ảnh: Washington Post

Tags:
Giữ thói quen xấu của người Việt khi sang Mỹ, nam thanh niên nhận những bài học “nhớ đời”

Giữ thói quen xấu của người Việt khi sang Mỹ, nam thanh niên nhận những bài học “nhớ đời”

Đọc tâm sự của anh này xong mới thấy, đúng là dân ta, nhiều người còn sống vô kỷ luật thật. Kiểu ra đường đội mũ, đi đúng luật vì để ko bị CSGT bắt phạt chứ ko phải vì sự an toàn của bản thân mình ấy. Thế nên lúc ko có CSGT thì cứ ngang nhiên mà phạm luật, dẫn đến tai nạn giao thông, bao cảnh thương tâm….

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất