Ông Mexico giả dạng công dân Mỹ trong 37 năm, lấy $361,000 tiền trợ cấp
Sự việc khởi đầu với một cuộc điều tra bình thường về gian lận An Sinh Xã Hội: một người nhận tiền trợ cấp mất năng lực giả như sống ở Mỹ trong khi thực ra ông ta sống ở Tijuana, Mexico, nhìn sang thành phố San Diego.
11:30 07/03/2018
Điều mà giới hữu trách sau đó khám phá ra là một vụ đánh cắp lý lịch, kéo dài đã 37 năm qua, của một kẻ di dân bất hợp pháp và từng nhiều lần phạm tội hình sự, lấy hàng trăm ngàn đô la từ tiền trợ giúp của chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương, bản tin của tờ báo địa phương San Diego Union-Tribune cho hay.
Andres Avelino Anduaga (thực ra cũng không ai có thể chắc chắn đây là tên thật của ông ta) đã nhận đánh cắp lý lịch của một công dân Mỹ vào năm 1980. Với giấy khai sanh giả, ông này tạo ra các hồ sơ cá nhân khi đi xin giấy phép lái xe California, số an sinh xã hội và ngay cả sổ thông hành Mỹ.
Hồ sơ chính thức này của Anduaga nói ông ta là Abraham Riojos, sinh ra ở thành phố Alpine, Texas, năm 1958.
Các giấy tờ này giúp ông ta dễ dàng di chuyển giữa Mexico và Mỹ, và cũng giúp để có được sự trợ giúp khoảng $361,000 từ các cơ quan chính phủ trong nhiều năm qua.
Hôm Thứ Năm tuần trước, Anduaga, 66 tuổi, nhận tội lấy cắp tài sản công và là di dân bất hợp pháp từng bị đưa ra khỏi Mỹ.
Ông này bằng lòng trả lại một số tiền cho các cơ quan chính phủ, nhưng có thể bị phạt thêm cũng như bị 12 năm tù khi tuyên án, theo tờ SD Union-Tribune.
Cuộc điều tra khởi sự năm 2014, từ một hộp thư, sau đó phăng lần ra, theo hồ sơ tại tòa. Văn phòng An Sinh Xã Hội ở Chula Vista báo với cơ quan điều tra rằng các nơi cho thuê hộp thư cá nhân dọc theo biên giới Mỹ-Mexico có thể liên hệ đến tình trạng dối trá về nơi cư ngụ.
Chỉ có các công dân Mỹ hay những người có chiếu khán hợp lệ mới có thể nhận được trợ cấp mất năng lực (disability benefit) từ cơ quan An Sinh Xã Hội, và họ phải sống trên lãnh thổ Mỹ.
Vào Tháng Tư 2015, trong cuộc duyệt xét thường lệ để xem có còn hội đủ điều kiện để xin trợ cấp mất năng lực hay không, ông “Riojos” này đưa ra địa chỉ một hộp thơ ở đường San Ysidro Boulevard. Khi được gọi đến văn phòng Social Security ở Chula Vista để phỏng vấn, người này đưa ra thẻ nhận dạng tiểu bang California với tên “Riojos”, cho biết là mướn phòng của một người đàn ông trên đường I Street ở thành phố Chula Vista.
Một điều tra viên của cơ quan Y tế California gọi điện thoại cho người đàn ông kia, và người này xác nhận là có cho “Riojos” mướn phòng.
Nhưng khi các điều tra viên đến căn nhà hồi Tháng Một năm 2016, người này thú nhận là “Riojos” không hề sống nơi đây, mà thực ra sống ở Mexico.
Hồ sơ qua lại biên giới cho thấy “Riojos” thường xuyên đi qua và nhiều phần đã sống ở Mexico từ năm 2014.
Sau đó, giới chức điều tra lại tìm thấy một người khác, tìm cách làm hồ sơ xin trợ cấp mất năng lực ở Oceanside, dùng cùng tên Riojos, với khai sanh giả ghi cùng ngày và nơi sanh, nhưng bị bác đơn.
Từ hồ sơ tội phạm được lưu trữ, giới hữu trách thấy rằng người đàn ông đầu tiên tự xưng là Riojos đã từng sử dụng 21 tên và sáu ngày năm sanh khác nhau, từ năm 1974, và vi phạm rất nhiều tội hình sự. Khi bị trục xuất lần sau cùng vào năm 2000, người này cho cơ quan di trú hay tên là Jose Reyes.
Trong khi đó, ông Abraham Riojos “thiệt”, sống ở thành phố Immokalle, Florida, nằm về phía Nam của Fort Myers, không hề hay biết rằng danh tính của mình bị đánh cắp trong mấy chục năm như vậy.
Giới hữu trách cho hay Anduaga dùng tên giả để xin trợ cấp Supplemental Security Income (SSI), chương trình trợ giúp của chính phủ liên bang dành cho người thuộc giới khiếm thị, cao niên, mất năng lực, và không có lợi tức, vào năm 1989 cho tới ngày 1 Tháng Tám năm 2016, nhận được tất cả là $244,441.
Ngoài ra ông ta cũng xin được Medi-Cal và các trợ giúp khác, tổng cộng là $112,981. Thêm vào đó, ông cũng nhận được hơn $3,486 tiền food stamps, theo một chương trình ở quận San Diego County, cũng theo tờ SD Union-Tribune. (V.Giang)
Diễn viên gốc Việt bị nhận nhầm thành VĐV gốc Nhật tại Oscar
Nữ diễn viên Kelly Marie Trần bị nhận nhầm thành vận động viên trượt băng nghệ thuật Olympic Mirai Nagasu tại giải Oscar năm 2018. Getty Images đã ghi nhầm tên của cô Kelly thành ‘Mirai Nagasu’ trong ít nhất một phụ đề.