Ông Trump chạy đua để xây xong tường biên giới
Mặc dù chính quyền mới tuyên bố sẽ ngưng việc xây dựng bức tường biên giới, tiến độ xây dựng đang được tăng tốc để kịp hoàn thành lời hứa Tổng thống Trump đưa ra.
09:30 01/12/2020
Bốn năm trước, Tổng thống Donald Trump vào Nhà Trắng với lời hứa xây một bức tường lớn dọc biên giới Mỹ - Mexico. Đây là biểu tượng cho sự quyết tâm ngăn người nhập cư từ phía Nam.
Ông Trump muốn tạo nên một vách ngăn biên giới tồn tại lâu hơn cả nhiệm kỳ của mình.
Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ ngưng việc xây tường. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump đang gấp rút xây nhiều nhất có thể trong những tuần cuối của nhiệm kỳ.
Tốc độ hiện tại cho thấy bất kể ông Biden có làm gì, bức tường này vẫn sẽ tồn tại và trở thành di sản của Tổng thống Trump ở Arizona - nơi trở thành bất ngờ lớn nhất cuộc bầu cử vừa qua.
Ở đông nam Arizona, bang vừa lần đầu tiên thuộc về ứng viên đảng Dân chủ sau nhiều thập kỷ, bức tường của tổng thống khiến các chủ trang trại mâu thuẫn và hàng xóm quay lưng với nhau.
Khu vực này đang trở thành nơi tập trung những nỗ lực cuối cùng trong việc xây tường của ông Trump. Các đội nổ mìn đã xé toạc dãy núi Peloncillo, nơi những con cừu sừng lớn và mèo gấm cư ngụ.
“Các hành lang động vật hoang dã, khu khảo cổ và cả lịch sử đang bị thổi tung lên và lãng quên”, Bill McDonald, 68 tuổi, người chăn nuôi gia súc đời thứ năm trong gia đình, nói với New York Times.
“Tôi gọi đây là bi kịch”, ông McDonald, nói thêm.
Người nông dân này đã dành cả đời để ủng hộ đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, ông đã bỏ phiếu cho ông Biden trong cuộc bầu cử vừa qua.
Bức tường gây mâu thuẫn
Mặc dù ông McDonald và nhiều người ghét bức tường này, họ vẫn chuẩn bị tinh thần cho việc phải chịu đựng nó trong thời gian dài vì những dấu hiệu từ nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden.
Tuy ông Biden nói sẽ ngừng việc xây tường, những lời kêu gọi phá bỏ bức tường bị những ưu tiên khác trong chính sách nhập cư, như xóa lệnh cấm nhập cảnh, làm lu mờ. Các cố vấn trong nhóm chuyển giao nói với New York Times rằng chính quyền mới sẽ không cố gắng tháo dỡ bức tường này.
Quan chức Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) đang cố gắng đạt mục tiêu 724 km tường của ông Trump. Họ tăng gấp đôi tốc độ xây dựng từ đầu năm và tính đến ngày 13/11, 645 km tường đã được hoàn thành, trong số đó có 40 km tường mới.
Một trong những hoạt động xây dựng đắt đỏ và gây ảnh hưởng nhiều nhất là ở hẻm núi Guadalupe trên dãy Peloncillo, nơi các loài động vật hiếm sinh sống.
Trước khi công nhân nổ mìn đến, hẻm núi này là một nơi hẻo lánh. Nó cách thị trấn gần nhất, Douglas, 30 km và xung quanh chỉ toàn những con đường đất.
Giờ đây, hẻm núi này trông như một khu mỏ lộ thiên. Hàng ngày, các công nhân cho nổ các vách đá để xây tường và những con đường dẫn đến đó.
Jay Field, người phát ngôn lực lượng công binh, cho biết địa hình gồ ghề và dốc của hẻm núi là lý do mỗi 1,6 km tường ở đây tiêu tốn đến 41 triệu USD, gần gấp đôi số tiền CBP đưa ra trong một báo cáo.
“Việc xây tường không chỉ khiến tôi đau lòng. Đây là hành động vô ích”, Diana Hadley, nhà sử học có phần lớn diện tích trang trại ở hẻm núi Guadalupe, cho biết.
Bà Hadley cũng nói những rào cản tự nhiên từ lâu đã ngăn việc xâm nhập vào khu vực này.
Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ như bà Hadley. Donald Huish, Thị trưởng Cộng hòa của Doughlas, là một trong những người nhiệt liệt ủng hộ bức tường.
Ông Huish tin bức tường giúp thị trấn an toàn hơn vì người nhập cư phải chọn nơi khác để vượt biên. “Chúng tôi đã quá mệt mỏi khi phải bắt những kẻ ‘ngoại lai bất hợp pháp’ ở sau nhà. Và giờ tình hình đã khác”.
Timmothy Klump, chủ trang trại 31 tuổi, nhìn bức tường theo hướng khác.
“Bức tường giúp tăng cường an ninh trong khu vực và ngăn những con bò của tôi đi qua biên giới Mexico”, ông Klump nói với New York Times.
“Những chủ trang trại phản đối bức tường chỉ là thiểu số”, ông Klump cho biết.
Mark Morgan, quyền Ủy viên của CBP, cho biết bức tường giúp CBP có thể tập trung lực lượng ở những nơi cần thiết nhất.
Ông Morgan cũng nói việc ông Biden ngừng xây dựng tường biên giới “sẽ có những tác động tiêu cực thảm khốc”.
Vướng mắc với các chủ đất
CBP đang tập trung xây dựng tường trên đất liên bang. Chính phủ Mỹ cũng đẩy nhanh quá trình này bằng cách cho phép vi phạm hàng chục đạo luật, bao gồm luật bảo vệ nơi chôn cất của người Mỹ bản địa và các loài bị đe dọa.
Rodney Scott, người đứng đầu CBP, tháng trước nói thung lũng Rio Grande là ưu tiên hàng đầu cho việc xây tường vì người nhập cư thường vượt biên ở đây. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng rất chậm vì bức tường này cắt ngang đất tư nhân.
Năm 2020, chính quyền Mỹ đã nộp 117 đơn kiện để khảo sát, chiếm giữ hoặc bắt đầu xây dựng trên đất tư nhân. Con số này tăng gần 5 lần so với 27 đơn kiện vào năm 2019, theo Dự án Nhân quyền Texas.
Richard Drawe, một chủ đất 70 tuổi ở Texas, tự nguyện giao đất để không phải đối mặt với chính phủ ở tòa án.
Giờ đây, hàng rào thép chạy qua nhà ông Drawe, khiến ông và vợ không thể ngắm hoàng hôn hay những con cò thìa hồng như trước.
Ông Drawe đã bỏ phiếu cho Tổng thống Trump vào đầu tháng này. Và mặc dù không muốn bức tường cắt ngang đất của mình, ông Drawe thừa nhận nó giúp CBP kiểm soát người nhập cư.
Mặc dù tiến độ xây dựng được đẩy nhanh, nhiều người nói vẫn còn quá sớm để kết luận rằng bức tường sẽ mãi nằm ở đó.
Vicki Gaubeca, Giám đốc Liên minh các Cộng đồng Biên giới phía Nam, nói chính quyền mới không chỉ có thể ngưng xây dựng, mà còn tháo gỡ tường ở những nơi gây hại cho văn hóa bản địa hoặc động vật nguy cấp.
“Lãnh đạo mới có thể tránh xa những ý tưởng tồi tệ”, bà Gaubeca nhận định.
Tuy nhiên, ngay cả khi muốn làm vậy, ông Biden có thể phải đối mặt với các thách thức về hậu cần và số tiền không lồ để chấm dứt hợp đồng. Chính quyền có thể tốn đến 15 triệu USD chỉ để hủy một hợp đồng trị giá 420 triệu USD cho việc thay thế 53 km tường ở Arizona, theo tổ chức ProPublica.
Trung Quốc tung đòn "ăn miếng trả miếng" Mỹ
Trung Quốc tuyên bố sẽ trừng phạt 4 cá nhân thuộc các tổ chức tại Mỹ nhằm đáp trả động thái tương tự trước đó của Washington.