Ông Trump chính là ‘cuộc cách mạng tốt nhất’ của Mỹ?
Theo chuyên gia Rauf Baker đánh giá, bất chấp những chỉ trích, chính sách đối ngoại của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự ‘mang tính cách mạng’.
21:30 08/02/2021
Mới đây, chuyên gia Rauf Baker đã nhận định vắn tắt trên “Báo cáo Quan điểm số 1.921” của Trung tâm BESA, ra ngày 7 tháng 2 năm 2021 rằng, nhìn chung, di sản chính sách đối ngoại của Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là “một thành công lớn”.
Thành công lớn thứ nhất là nhà lãnh đạo thứ 45 của Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành công “lần đầu tiên” đáng chú ý từ châu Á đến châu Âu và qua Trung Đông. Ông đã để lại những thỏa thuận và sáng kiến hòa bình, trong khi loại bỏ những kẻ khủng bố và đương đầu với các mối đe dọa chiến lược theo cách chưa từng có, bất kể nó có chính thống hay không.
Thành công lớn thứ hai là Donald Trump đã thành công trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc thêm một sự chuyển đổi chính trị và xã hội đã chậm chạp bắt đầu ở Mỹ gần hai thập kỷ trước.
Phương pháp cách mạng của ông trong việc giải quyết các vấn đề chính sách đối ngoại là một cú sốc chính trị đối với hệ thống quyền lực của Hoa Kỳ, hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của những người tiền nhiệm của ông, những người không muốn đi lạc khỏi con đường truyền thống.
Một sự “phá cách” ở châu Á
Ở châu Á, cựu tổng thống đã nỗ lực chưa từng có để giải quyết vấn đề Triều Tiên, một lĩnh vực chiến lược mà chính sách của Mỹ chưa từng có bước đột phá nào kể từ năm 1953.
Ông Trump đã thực hiện một cách tiếp cận không chính thống và cho thấy một quyết tâm chính trị mà nhiều tổng thống Mỹ thiếu, bất chấp việc ông chưa bao giờ được đánh giá là một chính trị gia đúng nghĩa.
Tại DMZ của Hàn Quốc, ông đã không ngần ngại băng qua biên giới sang Triều Tiên, khiến ông trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến quốc gia đó. Nếu không có áp lực của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng để cản trở thành công của ông Trump, biên giới kiên cố nhất trên thế giới có thể đã không còn tồn tại trong nhiệm kỳ của ông.
Sự kiện lịch sử mang tên "Cuộc gọi Trump-Tsai" (“Trump-Tsai call”) giữa ông Donald Trump và người đứng đầu Đài Loan Thái Anh Văn (“Tsai Ing-wen”) vào ngày 02 tháng 12 năm 2016 đánh dấu việc lần đầu tiên kể từ năm 1979, một Tổng thống Mỹ hoặc ứng viên tổng thống đã nói chuyện trực tiếp với một nhà lãnh đạo Đài Loan.
Chính quyền của Trump là người đầu tiên gây áp lực kinh tế lớn lên Bắc Kinh để kiềm chế tham vọng bành trướng của họ và là chính phủ đầu tiên và duy nhất ở phương Tây công khai đổ lỗi cho Trung Quốc về vai trò của họ trong đại dịch coronavirus.
Đến bây giờ, ông Donald Trump vẫn là vị Tổng thống Mỹ gây tranh cãi nhất trong lịch sử Hoa Kỳ
Vào năm 2017, ông Trump đã tìm cách hồi sinh “Đối thoại Tứ giác An ninh” (QUAD), hay còn được gọi là “NATO châu Á”, là một diễn đàn chiến lược giữa Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ, nhằm chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Từ châu Âu đến Trung Đông, châu Phi
Tại châu Âu, vào năm ngoái, ông Trump đã làm trung gian cho một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa Kosovo và Serbia về việc bình thường hóa quan hệ, trong đó hai bên đồng ý khôi phục các chuyến bay giữa Belgrade và Pristina lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến năm 1999.
Ông Trump cũng đã đạt được một thành tựu lịch sử khi làm trung gian cho các thỏa thuận hòa bình giữa bốn quốc gia Ả Rập, bao gồm: UAE, Bahrain, Maroc và Sudan với Israel trong vòng vài tháng, một kỳ tích chưa từng có bất kỳ người tiền nhiệm nào của ông làm được.
Ông Trump đã chứng tỏ ông là Tổng thống Mỹ đầu tiên tôn trọng và biết giữ lời hứa trong thời gian tranh cử, khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel bất chấp sự phản đối của gần như toàn thế giới và ông là tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm “Bức tường Than Khóc” (còn được gọi là “Bức tường phía Tây” – Kotel).
Quốc gia châu Phi Sudan hiện gần gũi với Mỹ hơn bao giờ hết. Chỉ 25 năm trước, Khartoum đã che chở cho trùm khủng bố al-Qaeda Osama bin Laden, trong khi Bill Clinton bận tâm đến các vụ bê bối tình ái của ông, cho phép kẻ sáng lập al-Qaeda chuyển đến Afghanistan và vạch kế hoạch tiến hành vụ khủng bố kinh hoàng 11/9/2001.
Chính ông Trump cũng là người trong vòng 10 tháng, đã ra lệnh tiêu diệt thủ lĩnh tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (Islamic State – IS) Abu Bakr Baghdadi, nhân vật số 2 của al-Qaeda là Abu Muhammad Masri.
Người tiền nhiệm của ông Trump là cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, người được trao giải Nobel Hòa bình chỉ 9 tháng sau khi nhậm chức mà không có bất kỳ thành tích nào để biện minh cho giải thưởng danh giá đó, đã để lại cho Trump một di sản chính trị là Thỏa thuận hạt nhân Iran (còn gọi là “Kế hoạch Hành động chung Toàn diện” - JCPOA), sau đó đã bị Trump hủy bỏ.
Obama cũng để lại Trump với sự hỗn loạn bao trùm ở Syria, nơi Bashar al-Assad đã yên vị và càng củng cố quyền lực dưới sự hậu thuẫn của Nga. Chính Trump, chứ không phải Obama, đã lần đầu tiên thực hiện các cuộc không kích nhắm vào các mục tiêu của chính quyền Damascus.
“Hạt giống Trump” sẽ được nhân rộng?
Cốt lõi trong quan điểm chính sách đối ngoại của ông Trump là tránh các cuộc chiến tranh ngẫu nhiên và thúc đẩy hòa bình, đồng thời làm suy yếu các lực lượng đe dọa đến sự thịnh vượng, an ninh và ổn định toàn cầu bằng cách hạn chế chúng về mặt chính trị, quân sự và kinh tế.
Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông cánh tả của Mỹ và phương Tây đã luôn mô tả trước công chúng về chính sách đối ngoại của Trump với sự hoài nghi và thành kiến, mặc dù thực tế rằng ông là tổng thống đầu tiên trong nhiều thập kỷ không tham gia bất kỳ cuộc chiến tranh nào ở nước ngoài trong suốt nhiệm kỳ của mình.
Ông Trump đã phá vỡ hệ thống chính trị bảo thủ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ ở Mỹ. Trong quá trình này, ông dường như chứng minh rằng, cơ sở của mình lớn hơn cơ sở của chính Đảng Cộng hòa.
Mặc dù ông Trump đã thua trong cuộc bầu cử, nhưng chủ nghĩa Trump vẫn không bị đánh bại. Ngược lại, nó đã bén rễ và trở thành “hạt giống hoang dã” trong thể chế và cơ chế chính trị của Mỹ.
Thiên Nam
Tổng thống Biden tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc vì lợi ích của Mỹ
Tổng thống Joe Biden ngày 4/2 tuyên bố sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc vì lợi ích của Mỹ.