ÔNG TRUMP CÓ THỂ THAY ĐỔI THẾ GIỚI RA SAO TRONG HƠN 40 NGÀY TỚI?
Hành động của ông Trump trong khoảng 45 ngày còn lại ở Nhà Trắng có thể tác động lâu dài tới chính sách đối ngoại của Mỹ những năm tới.
23:30 09/12/2020
Bất chấp chiến dịch pháp lý của phe ông Trump hòng lật ngược kết quả bầu cử, ông Biden gần như chắc chắn sẽ nhận được đủ phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Tuy nhiên, ít nhất cho tới khi thủ tục tuyên thệ diễn ra ngày 20/1/2021 hoàn tất, ông Trump vẫn tiếp tục là ông chủ Nhà Trắng.
Và dù chỉ còn vài tuần ít ỏi, hành động của ông Trump thời gian này có thể để lại những dấu ấn lâu dài đối với chính sách đối ngoại của Mỹ trong vài năm tới.
Thực tế cho thấy các tổng thống sắp mãn nhiệm lại rất tích cực hoạt động trong vấn đề đối ngoại. Bởi không còn nhiều ràng buộc, họ có xu hướng đẩy mạnh ngoại giao, và thậm chí sử dụng vũ lực để tìm cách củng cố di sản để lại.
Mặt khác, hành động của tổng thống mãn nhiệm đôi khi có thể trói tay người kế nhiệm nếu muốn triển khai một chiến lược hành động trái ngược.
Nỗ lực củng cố di sản đối ngoại
Tháng 12/2008, Tổng thống George W. Bush tìm cách củng cố duy trì hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq. Ông ký một thỏa thuận với chính phủ Baghdad có hiệu lực trong 3 năm.
"Ông ấy muốn gây ảnh hưởng lên hành động của chính phủ kế nhiệm", cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ John Negroponte cho biết.
Vị thế đàm phán của một tổng thống sắp mãn nhiệm khiến ông Bush phải miễn cưỡng chấp nhận yêu cầu của Baghdad về thời gian biểu cố định cho kế hoạch giảm bớt quân số Mỹ.
Theo tiết lộ của ông Negroponte, Tổng thống Bush nhượng bộ Baghdad bởi ông lo ngại người kế nhiệm - Tổng thống Obama của phe Dân chủ - sẽ rút toàn bộ quân khỏi Iraq. Sau này, ông Obama bị "bó chân" một phần bởi thỏa thuận đã ký giữa chính quyền Bush với Iraq.
Tám năm sau, chiến lược tương tự được ông Obama sử dụng. Tổng thống thứ 44 của Mỹ tạo ra vô số rào cản pháp lý và hành chính cho người kế nhiệm Donald Trump trong nhiều lĩnh vực, từ chính sách năng lượng tới tiến trình hòa bình Trung Đông.
Việc điều động quân đội hiếm xảy ra hơn trong thời gian chờ chuyển giao, nhưng vẫn có tiền lệ. Điển hình là việc Tổng thống George H.W. Bush vào tháng 12/1992 gửi 30.000 quân tới Somalia tham gia một nhiệm vụ nhân đạo.
Quyết định của Tổng thống Bush "cha" cuối cùng dẫn tới một cuộc khủng hoảng chính trị cho người kế nhiệm Bill Clinton, sau khi 18 binh sĩ Mỹ bị sát hại trong một chiến dịch đặc biệt vào tháng 10/1993.
Ông Trump có thể làm gì?
Việc Tổng thống Trump sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper hôm 9/11, chỉ hai ngày sau khi các hãng thông tấn uy tín của Mỹ công bố dự đoán ông Biden chiến thắng, phần nào cho thấy chính quyền hiện tại sẽ tìm cách gây khó khăn cho người kế nhiệm.
Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq và Afghanistan từ lâu đã là cái "gai" mà ông Trump kiên quyết "nhổ bỏ".
Tiết lộ với AP, một số quan chức Mỹ ngày 16/11 cho biết Tổng thống Trump lên kế hoạch cắt giảm một nửa quân số tại Afghanistan trước ngày 15/1/2021.
Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng dự kiến rút khoảng 500 quân nhân khỏi Iraq, để lại một lực lượng gần 2.500 người.
Theo kế hoạch, việc rút quân sẽ hoàn thành chỉ 5 ngày trước khi tổng thống tân cử Joe Biden nhậm chức.
Kế hoạch chấm dứt hoàn toàn hiện diện quân sự sau hai thập kỷ ở Afghanistan và giảm quân ở Iraq vấp phải phản đối từ giới lãnh đạo quân đội và các cố vấn ngoại giao Mỹ.
Các chuyên gia lo ngại sự ra đi trong vội vã của Mỹ sẽ để lại khoảng trống quyền lực quá lớn ở Trung Đông, tạo không gian cho các lực lượng cực đoan nổi lên.
"Tổ chức phiến quân tự xưng Nhà nước Hồi giáo (ISIS) có thể xây dựng lại một đế chế khủng bố mà chúng từng để mất ở Syria và Iraq", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo.
Iran là vấn đề tiếp theo mà ông Trump có thể tìm cách trói tay chính quyền kế nhiệm.
Theo tiết lộ của New York Times, trong một buổi họp tại Phòng Bầu dục ngày 12/11, Tổng thống Trump hỏi nhóm cố vấn cấp cao về những phương án tấn công cơ sở hạt nhân chủ lực của Iran bằng tên lửa. Ông muốn cuộc tấn công xảy ra trong vài tuần sau đó.
Ngoại trưởng Mike Pompeo và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley phải giải thích cho Tổng thống Trump về rủi ro leo thang quân sự, tìm cách thuyết phục ông Trump từ bỏ ý định sử dụng vũ lực.
Sau khi nhóm cố vấn rời khỏi phòng họp, họ tin rằng nhà lãnh đạo không còn cân nhắc phương án không kích bằng tên lửa.
Tuy nhiên, để đối phó với Iran, ông Trump vẫn còn công cụ trừng phạt kinh tế và hệ thống đồng minh đắc lực ở Trung Đông, đặc biệt là Israel - nước hưởng lợi lớn từ chính sách đối ngoại của Washington trong 4 năm qua.
Mới đây nhất, nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh, người mà phương Tây nghi là "cha đẻ" chương trình vũ khí hạt nhân của Iran, bị sát hại trong một cuộc phục kích gần Tehran hôm 27/11.
Giới quan sát tin rằng cái chết của ông Fakhrizadeh sẽ gây phức tạp cho tổng thống đắc cử Joe Biden khi muốn khôi phục quan hệ với Iran trong thời gian tới.
Nhà Trắng cũng có thể siết chặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế chống Tehran, tới mức đủ để khiến chính quyền Biden gặp khó khi muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran của năm 2015.
Toan tính phiêu lưu ở châu Á
Những tuần gần đây, nhà phân tích Michael Hirson của tổ chức tư vấn chính sách Eurasia Group cảnh báo thời kỳ hoàng hôn nhiệm kỳ của ông Trump có thể là giai đoạn "dữ dội" nhất.
"Sự đối đầu đối với Trung Quốc chắc chắn sẽ trở nên gay gắt hơn bao giờ hết", ông Hirson nói.
Jeff Kingston, trưởng khoa nghiên cứu châu Á của Đại học Temple, nhận định ông Trump có thể đẩy nước Mỹ vào tình thế đối đầu chưa từng có với Trung Quốc.
Và sau ngày 20/1/2021, mọi nỗ lực điều chỉnh quan hệ song phương của ông Biden đều có thể bị quy chụp là "sự mềm yếu trước Bắc Kinh".
Câu hỏi còn lại là ông Trump sẽ muốn đi xa tới mức nào.
Ông Trump có thể mở rộng các loại thuế trừng phạt nhắm vào hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, hay thậm chí xé bỏ thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn 1.
Những bước đi vượt ngoài mọi toan tính địa chính trị có thể là việc ông Trump công nhận Đài Loan (Trung Quốc) độc lập, mời các nhân vật đối lập chống Bắc Kinh tới Nhà Trắng, yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại vì Covid-19, hoặc triển khai quân sự quy mô lớn tới Biển Đông.
Vài tuần qua, Bộ Ngoại giao Mỹ hai lần siết chặt quy trình cấp thị thực nhập cảnh đối với quan chức cấp cao Trung Quốc. Đây có thể là những chỉ dấu đầu tiên báo hiệu cơn sóng dữ trong quan hệ song phương đang ở trước mắt.
Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có lý do để lo lắng trước những bước đi chưa thể dự đoán của ông Trump. Tổng thống sắp mãn nhiệm có thể yêu cầu Seoul và Tokyo trả thêm chi phí duy trì hiện diện quân đội Mỹ ở hai quốc gia Đông Á này.
Nhắc tới chính sách châu Á của Tổng thống Trump thì không thể bỏ quên Triều Tiên.
Trong vài tuần ít ỏi còn lại, kịch bản ông Trump bình thường hóa quan hệ kinh tế với Triều Tiên hay bật đèn xanh cho việc thiết lập cơ quan đại diện của Mỹ ở Bình Nhưỡng cũng có thể xảy ra.
Và nếu thực sự như vậy, đó sẽ không chỉ là đòn đau với chính quyền kế nhiệm của ông Biden - người chủ trương cứng rắn với Triều Tiên - mà còn là cú sốc với phần còn lại của thế giới.
Ông Trump: 'Vui nhất thế giới lúc này là Trung Quốc'
Tổng thống Trump từng tuyên bố nếu ông không thắng ông Biden trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Trung Quốc sẽ 'sở hữu' nước Mỹ. Ngày 5-12, ông Trump nói Trung Quốc và Iran giờ đây là những bên đang vui nhất trên thế giới.