Ông Trump lại muốn Mỹ mua Greenland

Tổng thống đắc cử Donald Trump nói Mỹ cần sở hữu Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, "vì an ninh quốc gia và hòa bình thế giới".

20:44 23/12/2024

Trong nhiệm kỳ đầu tiên tại Nhà Trắng, ông Donald Trump từng nhiều lần đề cập ý tưởng Mỹ mua lại Greenland từ Đan Mạch. Ông nghiêm túc bình luận về viễn cảnh này vào năm 2019, cho rằng chính phủ Đan Mạch cũng muốn "chốt kèo bất động sản đắt giá" với Mỹ để giảm gánh nặng ngân sách. Điều này đã châm ngòi căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Copenhagen.

Chưa đầy một tháng trước khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống đắc cử Mỹ một lần nữa nhắc lại ý tưởng gây tranh cãi qua bài viết trên TruthSocial vào ngày 22/12, khi ông đề cử doanh nhân Ken Howery làm đại sứ Mỹ tại Đan Mạch.

"Vì an ninh quốc gia và tự do trên toàn thế giới, việc Mỹ sở hữu và kiểm soát Greenland là yêu cầu cấp bách. Ken sẽ hết lòng đại diện cho những lợi ích của Mỹ", ông Trump viết.

Tổng thống đắc cử Donald Trump tại West Palm Beach, Florida, ngày 6/11. Ảnh: AP
Tổng thống đắc cử Donald Trump tại West Palm Beach, Florida, ngày 6/11. Ảnh: AP

Howery là nhà đồng sáng lập công ty PayPal, được ông Trump ca ngợi là "doanh nhân và nhà đầu tư nổi tiếng thế giới". Ông cũng đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund, chuyên đầu tư cho các công ty công nghệ, trong đó có SpaceX, Facebook và Airbnb. Howery làm đại sứ Mỹ tại Thụy Điển trong hai năm cuối nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump.

Greenland, lãnh thổ tự trị thuộc Đan Mạch từ năm 1814, là hòn đảo lớn nhất thế giới với diện tích khoảng 2,16 triệu km2. Hòn đảo nằm gần lục địa Bắc Mỹ, giữa Đại Tây Dương và Bắc Băng Dương, với dân số khoảng 57.000 người.

Greenland được cho là rất giàu tài nguyên thiên nhiên, bao gồm quặng sắt, chì, kẽm, kim cương, vàng, các nguyên tố đất hiếm, uranium và dầu. Hầu hết nguồn tài nguyên kể trên đều chưa được khai thác bởi 80% diện tích hòn đảo bị băng bao phủ. Giới nghiên cứu cũng đánh giá khu vực đáy biển xung quanh hòn đảo có trữ lượng dầu mỏ dồi dào.

Vị trí Greenland, Mỹ và Đan Mạch. Đồ họa: Washington Post
Vị trí Greenland, Mỹ và Đan Mạch. Đồ họa: Washington Post

Từ năm 1967, các đời chính phủ Mỹ đã có ít nhất 4 lần cân nhắc hoặc chính thức đặt vấn đề với Đan Mạch về thỏa thuận sang nhượng Greenland.

Mỹ xây căn cứ không quân Thule ở phía tây Greenland vào năm 1951, cách Vòng Bắc cực khoảng 1.200 km. Căn cứ trang bị radar trong hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo sớm, có thể phát hiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bay về phía Mỹ. Không quân Mỹ chuyển căn cứ này cho Lực lượng Vũ trụ Mỹ vào năm 2020, đổi tên thành Căn cứ Vũ trụ Pituffik.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen khi đến thăm hòn đảo tự trị vào năm 2019 đã tuyên bố "không bao giờ bán Greenland".

Thanh Danh (Theo RT, Daily Beast, NY Post)

Tags:
Bay 9.000 km mỗi lần lên giảng đường

Bay 9.000 km mỗi lần lên giảng đường

Trong ba tháng cuối năm, mỗi lần đến lớp Từ Quang Lợi phải mua vé máy bay từ Sơn Đông đến Đại học RMIT ở Melbourne, Australia.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất