Ông Trump quyết tâm xóa sổ tiếp di sản Obama
Tổng thống Donald Trump sẽ có bước đi quan trọng nhất trong ngày hôm nay (28.3) khi ký sắc lệnh nhằm xóa bỏ di sản về môi trường của người tiền nhiệm Obama.
13:14 28/03/2017
Tờ Washington Post cho biết, ông Trump sẽ ký sắc lệnh chỉ thị các nhà làm luật liên bang viết lại những quy tắc quan trọng về việc ngăn chặn phát thải khí carbon của Mỹ. Họ cũng được yêu cầu tìm cách dỡ bỏ những quy định đối với các quan chức liên bang phải cân nhắc tác động của biến đổi khí hậu khi đưa ra quyết định.
Mệnh lệnh của ông Trump gửi đi một thông điệp không thể nhầm lẫn, đó là trong khi ông Obama tìm cách đưa vào mọi khía cạnh của chính phủ liên bang những cân nhắc về khí hậu, thì ông Trump hy vọng có thể xóa bỏ tận gốc rễ.
"Chính sách này phù hợp với mong muốn của Tổng thống Trump nhằm biến nước Mỹ độc lập về năng lượng" - một quan chức cao cấp của chính phủ phát biểu với phóng viên hôm 27.3. "Khi nói đến biến đổi khí hậu, chúng tôi muốn đi theo con đường của mình và làm theo cách riêng của chúng tôi".
Một số biện pháp có thể mất nhiều năm mới thực hiện được, và không có khả năng thay đổi những xu hướng kinh tế rộng hơn đang chuyển đổi năng lượng của đất nước, từ thế hệ sản xuất bằng than sang khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, sắc lệnh mới không đề cập đến việc liệu Mỹ có rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 hay không, theo đó Mỹ cam kết cắt giảm khí thải nhà kính từ 26-28% vào năm 2025 so với các mức của năm 2005, vì chính quyền vẫn đang chia rẽ về vấn đề này.
Sắc lệnh nói trên được đưa ra sau một số động thái của ông Trump nhằm xóa bỏ những hạn chế của chính quyền người tiền nhiệm Obama về khai thác mỏ, khoan và khai thác dầu khí. Trong hai tháng đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã hủy bỏ quy định cấm các công ty khai thác mỏ bề mặt gây ô nhiễm nguồn nước và gạt sang một bên hệ thống kế toán mới buộc các công ty than và các công ty năng lượng khác phải trả thêm tiền thuê cho liên bang.
Chính phủ cũng thông báo sẽ xem xét lại tiêu chuẩn hiệu quả về nhiên liệu cho ô tô con và xe tải nhẹ, đồng thời phê chuẩn hai dự án xây đường ống dẫn dầu lớn là Dakota Access và Keystone XL, vốn bị ngừng lại từ thời ông Obama.
Mỹ đối đầu 120 nước, tẩy chay đối thoại cấm vũ khí hạt nhân
Mỹ và 40 nước cùng tẩy chay cuộc cuộc thảo luận diễn ra lần đầu ở Liên Hợp Quốc của 120 quốc gia khác nhằm xây dựng lệnh cấm vũ khí hạt nhân có tính ràng buộc pháp lý.