Ông Trump tiến thoái lưỡng nan vụ sa thải Giám đốc FBI
Sau quyết định sa thải Giám đốc Cơ quan điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính trường Hoa Kỳ vốn đã rạn nứt nay càng thêm chia rẽ.
17:08 16/05/2017
Tiếp tục gây chia rẽ chính trị và dư luận
Sau hơn 1 tuần kể từ khi ông chủ Nhà Trắng quyết định sa thải ông , chính trường và dư luận Mỹ vẫn chưa nguôi đồn đoán về mục đích thực sự đằng sau quyết định này. Giữa bối cảnh còn đầy hoài nghi, tuần vừa rồi ông Trump lại “đổ thêm dầu vào lửa” qua một dòng trạng thái đăng tải trên Twitter.
Qua câu chữ, người ta cho rằng ông Trump ám chỉ, đã ghi âm các cuộc đối thoại với ông Comey và cảnh báo cựu Giám đốc FBI chớ nên “hé răng” với báo chí. Song, bản thân Tổng thống, người phát ngôn Nhà Trắng đều từ chối xác nhận hoặc bác bỏ các cáo buộc nghe lén.
Không chấp nhận câu trả lời này, hiện nay, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của ông Trump tiếp tục bị phân hóa sâu rộng vì những động thái của Tổng thống. Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham cho biết, Nhà Trắng cần phải làm cho rõ việc có nghe lén hay không. Nếu có, Tổng thống cần phải bàn giao các bản ghi âm một cách minh bạch.
Một Thượng Nghị sĩ khác của đảng Cộng hòa, ông Mike Lee nhận định rằng, nếu lén ghi âm, chắc chắn Nhà Trắng sẽ nhận được trát hầu tòa và buộc phải giao các tang vật. Nhận định của ông Lee được coi là khá quan trọng vì ông là người nằm trong danh sách ứng viên tiềm năng có thể thay thế Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonin Scalia.
Về phía đảng đối lập, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết, ông chủ Nhà Trắng phải lập tức giao lại cho Quốc hội tất cả các bản ghi âm và cảnh báo. Nếu ông Trump tiêu hủy những bản ghi âm đó, ông sẽ vi phạm luật pháp Mỹ.
Ông Schumer còn cho biết, các Nghị sĩ đảng Dân chủ tại Thượng viện có thể sẽ không bỏ phiếu để thông qua ứng viên cho vị trí Giám đốc FBI mới cho đến khi Chính phủ Mỹ thành lập một nhóm công tố viên đặc biệt để điều tra mối quan hệ có thể có giữa ông Trump với Nga. Hiện nay, Nga bác bỏ mọi cáo buộc còn Nhà Trắng cũng khẳng định không hề có chuyện thông đồng.
Về phía dư luận, khảo sát từ NBC/Wall Street Journal cho thấy, tỉ lệ người dân Mỹ ủng hộ quyết định sa thải ông Comey chỉ khoảng 29% và có 38% người không ủng hộ.
Ai sẽ làm Giám đốc FBI?
Bên cạnh tranh cãi trên, vấn đề ai làm tân Giám đốc FBI cũng thu hút sự chú ý của dư luận. Chính quyền Tổng thống Trump hứa sẽ nhanh chóng chọn lựa ứng viên và có thể công bố trong tuần này.
Theo thông báo từ Nhà Trắng, Bộ Tư pháp đang phỏng vấn 4 ứng viên để lựa chọn Giám đốc FBI gồm: Quyền Giám đốc FBI Andrew McCabe, Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn; Thẩm phán Tòa phúc thẩm New York Michael Garcia và cựu Trợ lý Tổng chưởng lý Alice Fisher. Nhận định về khả năng của ứng viên Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn, Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham cảnh báo: “Theo lẽ thường, ông John Cornyn là lựa chọn sáng giá cho vị trí Giám đốc FBI nhưng tình hình hiện nay rất bất thường”.
Ngoài ra, Đảng Dân chủ đe dọa sẽ tẩy chay và không bỏ phiếu thông qua đề xuất ứng viên Giám đốc FBI mới nhưng theo số ghế hiện nay tại Thượng viện của đảng Dân chủ chỉ chiếm thiểu số, không đủ phiếu để chặn đề xuất. Tuy vậy, theo ông Schumer, “có không ít Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ quyết định của đảng Dân chủ”. Theo phân tích từ tờ Los Angeles Times, với cơ cấu hiện nay, đảng Cộng hòa chiếm 52 ghế trong Thượng viện 100 ghế. Chỉ cần 3 Nghị sĩ đảng Cộng hòa ủng hộ ý kiến của đảng Dân chủ, không chấp nhận lựa chọn Giám đốc FBI của ông Trump, đề xuất đó sẽ thất bại.
Máy bay Learjet gặp sự cố khi hạ cánh tại sân bay Teterboro ở New Jersey, 2 người thiệt mạng
Hai phi hành đoàn đã thiệt mạng sau khi một máy bay nhỏ rơi vào chiều nay trong một khu công nghiệp ở phía bắc New Jersey, thành phố Carlstadt.