PHÂN TÍCH CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI THỜI BIDEN SẼ LẤY TRỌNG TÂM LÀ TẦNG LỚP TRUNG LƯU
Đường lối đối ngoại của chính quyền Biden có thể từng được phản ánh khá rõ trong một báo cáo ít người để ý. Tài liệu do Quỹ Carnegie về Hòa bình Thế giới công bố trước ngày bầu cử.
02:30 18/12/2020
Với nhan đề Để chính sách đối ngoại của Mỹ phục vụ tầng lớp trung lưu tốt hơn, báo cáo lập luận rằng các chính sách hoặc đề xuất đường hướng đối ngoại hiện tại không nhận được ủng hộ rộng rãi.
Công chúng Mỹ dường như không mặn mà với những đường lối như đẩy mạnh toàn cầu hóa sau Chiến tranh Lạnh (được nhiều chính quyền trước đây theo đuổi), hay “nước Mỹ trên hết” (của Tổng thống Trump), hay đòi hỏi cắt giảm can thiệp nước ngoài, giảm chi tiêu quốc phòng (của phe cấp tiến).
Thay vào đó, báo cáo này kêu gọi một chính sách đối ngoại “bớt tham vọng hơn”, khiêm tốn hơn, làm sao để các quyết sách đưa ra có lợi cho tầng lớp trung lưu ở nhà.
Theo Nikkei Asia, báo cáo này có ba điểm nổi bật.
Điểm đầu tiên là cần thừa nhận rằng toàn cầu hóa không hoàn toàn mang lại lợi ích cho người Mỹ. Thứ hai, đội ngũ đối ngoại phải phối hợp với đội ngũ làm chính sách trong nước và đội ngũ làm kinh tế. Thứ ba, Mỹ cần phải tạo sự đồng thuận về chính sách đối ngoại để đem về lợi ích cho tầng lớp trung lưu.
Hai vị trí được ông Biden đề cử đang cho thấy báo cáo của Quỹ Carnegie sẽ “hiện diện” đáng kể trong chính sách của chính quyền mới.
‘Tư duy mới’: đối ngoại phục vụ người dân, thay vì tập đoàn
Người được đề cử chức cố vấn an ninh quốc gia, Jake Sullivan, cũng là đồng tác giả của báo cáo. Ông Biden nói ông Sullivan sẽ mang “tư duy mới” đến với chính sách đối ngoại.
“Jake hiểu tầm nhìn của tôi, rằng an ninh kinh tế chính là an ninh quốc gia, và nó giúp định hướng điều mà tôi gọi là ‘chính sách đối ngoại cho tầng lớp trung lưu’, cho các gia đình, như gia đình nơi anh ta lớn lên ở Minnesota, được cha mẹ là nhà giáo dạy cho những giá trị về làm việc chăm chỉ, sự tử tế, sự phụng sự và tôn trọng”, ông Biden nói.
Đề cử thứ hai là Susan Rice, cựu cố vấn an ninh quốc gia, được đề cử vào vị trí giám đốc Hội đồng Chính sách Đối nội của Nhà Trắng. Bà là chuyên gia về đối ngoại kỳ cựu, và như vậy bà sẽ là người kết nối giữa đội ngũ làm an ninh quốc gia và đội ngũ làm kinh tế.
Khi giới thiệu đề cử, ông Biden nói bà Rice sẽ làm việc chặt chẽ với ông Sullivan và Brian Deese - người được đề cử giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia. “Cùng nhau, họ sẽ phối hợp thực thi chính sách trong nước, chính sách kinh tế và an ninh quốc gia một cách chặt chẽ chưa từng có”, ông Biden nói.
Bà Rice cũng từng nói: “Trong thế kỷ 21, các ưu tiên về đối ngoại, kinh tế, đối nội đều liên quan sâu sắc”.
Ông Biden cũng nói về “chiến lược mới” khi giới thiệu người được đề cử làm đại diện thương mại Mỹ, Katherine Tai. “Thương mại sẽ là trụ cột quan trọng để chúng ta xây dựng lại và thực thi chính sách đối ngoại tốt hơn cho tầng lớp trung lưu”, ông Biden nói.
Những đề cử trên báo hiệu một chính sách đối ngoại sẽ tương đối khác so với thời Trump và thời cựu Tổng thống Barack Obama.
“Cho đến nay, đàm phán thương mại trước tiên là nhằm đem về cơ hội kinh doanh cho các công ty Mỹ, còn người tiêu dùng Mỹ chỉ là thứ yếu”, Edward Alden - nhà nghiên cứu cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại - nói với Nikkei Asia.
“Chưa có mục tiêu hỗ trợ cho tầng lớp trung lưu ở trong đó, nhưng các ưu tiên sẽ hoàn toàn khác kể từ giờ”, ông nói thêm.
Chưa có sự ủng hộ rộng rãi cho đối ngoại
Báo cáo của Quỹ Carnegie cũng hỏi ý kiến hàng trăm chủ kinh doanh, nông dân, nhà giáo dục, các quan chức cấp bang và địa phương tại các bang Ohio, Nebraska và Colorado, xem họ nghĩ gì về chính sách đối ngoại của Mỹ.
“Sau ba thập kỷ nước Mỹ đứng đầu trên trường quốc tế, tầng lớp trung lưu của Mỹ lại đang ở thế bấp bênh”, báo cáo viết trong phần mở đầu.
“Toàn cầu hóa làm lợi quá nhiều cho những người giàu nhất và các công ty đa quốc gia, làm trầm trọng hơn cách biệt giàu nghèo, mà không làm cho mức lương trung bình của người lao động Mỹ tăng lên”, báo cáo viết.
Báo cáo cho rằng: “Không có bằng chứng cho thấy tầng lớp trung lưu của Mỹ sẽ ủng hộ việc khôi phục sự thống trị của Mỹ trong thế giới đơn cực, hay leo thang Chiến tranh Lạnh với Trung Quốc, hay tiến hành cuộc đối đầu khổng lồ giữa phe dân chủ và phe độc tài trên thế giới”
Bên nào cảm nhận đúng được mong muốn của người Mỹ - ông Biden và ông Sullivan, hay các ứng viên Cộng hòa tương lai - sẽ là một câu hỏi rất quan trọng.
Dale Mathias, cựu phó chủ tịch công ty tư vấn tài chính Lazard Freres, cho rằng việc giải quyết các thách thức kinh tế mà tầng lớp trung lưu của Mỹ đang đối mặt nên là ưu tiên hàng đầu cho mọi chính quyền Mỹ.
Mỹ “chưa có cách tiếp nhận hợp lý với hàng trăm nghìn quân nhân được điều đến Trung Đông rồi trở về trong thương tật. Nhiều gia đình, vợ con bị ảnh hưởng bởi các diễn biến này, và nước Mỹ vẫn chưa đối mặt trực diện với các vấn đề”, bà Mathias nói.
Theo báo cáo của Quỹ Carnegie, rất ít người ủng hộ chính sách đối ngoại của thời ông Trump. Nhưng điều này cũng không dẫn tới sự ủng hộ nồng nhiệt cho việc quay lại chính sách đối ngoại của nhiều chính quyền trước.
“Các chính sách (trước đây) khiến quá nhiều cộng đồng ở Mỹ gặp rủi ro về kinh tế, trong khi Mỹ lại cố gắng tạo thay đổi ở nước khác. Tầng lớp trung lưu của Mỹ cần một con đường mới”.
Báo cáo này cho rằng Mỹ cần phải tìm ra chính sách ngoại giao sao cho có sự ủng hộ chính trị rộng khắp. Cách tốt nhất và duy nhất hiện tại để xây dựng sự ủng hộ đó là phải làm sao cho chính sách đối ngoại Mỹ có lợi ích hơn cho tầng lớp trung lưu.
Hậu bầu cử Tổng thống Mỹ, Joe Biden bị 'tẩy chay' vì phát biểu công kích, mỉa mai Donald Trump
Đây được coi là một trong những "đòn thù" cuối cùng của ông Donald Trump nhắm vào Joe Biden trước khi chính thức nhường quyền chỉ đạo Nhà Trắng lại cho đối thủ vào ngày 20/01 tới đây.