Phép lịch sự của người Việt: Bao giờ cho đến ngày xưa?
Có một sự thật rằng, nhiều người Việt ra nước ngoài đã bị sốc văn hóa và hình thành ngay cái nhìn đầy trìu mến với đất nước mình mới đặt chân lên chỉ bằng một câu nói, một hành động mà người nước ngoài coi là tự nhiên như hơi thở.
13:00 22/11/2018
Sống trong lịch sự – sống trong hạnh phúc
Cô Kim đang làm ăn sinh sống ở Pháp chia sẻ rằng ấn tượng vô cùng kinh ngạc khi lần đầu đi xe buýt ở đây không phải vì sự tiện nghi, sạch sẽ, quy củ trên xe mà là bởi… một câu chào của người tài xế. Anh Hùng ở Úc lại chia sẻ rằng sau một thời gian sống ở đây, bản thân không còn bị bất ngờ trước những lời chào, xin lỗi, cảm ơn nữa, nhưng vẫn giữ nguyên vẹn niềm vui thích khi được “sống trong lịch sự”. Một niềm vui rất giản đơn mà theo anh không thể có được khi ở trong nước.
Tôi cũng như nhiều người Việt mới sang nước ngoài khác, cũng ngạc nhiên và thích thú không kém khi được những người không quen biết chào hỏi ở những nơi cứ tưởng sẽ chẳng cần chào hỏi nhau. Ở bến tàu, ai đó đi lại gần vạch đánh dấu chờ tàu, chào bạn và đứng đợi tàu cùng bạn. Trong phòng làm thủ tục hành chính, ở sảnh bệnh viện, phòng chờ… chỉ cần đi lướt qua nhau, họ chào bạn và thậm chí nở một nụ cười mỉm lịch thiệp.
Rồi như năng lượng của sự thân thiện có khả năng lây lan, bạn cười lại và buột ra một lời chào, rồi cả những lời cảm ơn, xin lỗi một cách tự nhiên và hạnh phúc. Khổng Tử đã từng nói rằng:
Ở chung với người thiện như vào nhà có cỏ chi lan, lâu mà mà chẳng thấy mùi thơm, tức là mình cũng đã hóa ra thơm vậy.
Ở chung với người lịch sự cũng vậy, lâu dần bạn sẽ hóa ra thơm mà không tự nhận thấy.
Rồi như một thói quen và xu hướng nhân văn của con người là muốn lan tỏa những điều tốt đẹp, bạn mang hương thơm về quê nhà. Bạn chào và cảm ơn cô thu ngân ở siêu thị, nét mặt cô dường như giãn hơn mọi ngày. Bạn chúc mừng năm mới bác bảo vệ ở khu tập thể, cái rét mướt của rạng sáng mùng Một dường như bớt tê tái hơn với nụ cười tươi rói của bác bảo vệ già.
Nhưng đôi khi cũng là một sự lạc lõng và hụt hẫng đáp trả lại bạn. Bạn giữ cửa cho người đi sau nhưng họ không đưa tay ra giữ tiếp và cảm ơn bạn, họ chị đơn giản đi qua và mặc kệ bạn như thể đó là nhiệm vụ của bạn. Bạn kiên nhẫn xếp hàng chờ mua vé xem phim rồi ai đó chen lên trước bạn một cách bình thản như thể bởi bạn có nhiều thời gian rảnh hơn họ. Bạn xin lỗi khi chẳng may va phải ai đó nhưng họ đáp lại bằng một cái nhìn khó định nghĩa và hoàn toàn im lặng, để bạn thêm tin rằng đúng là bạn đã có lỗi.
Lịch sự là giả tạo, kiểu cách?
Có người nói muốn sống lịch sự ở Việt Nam cũng khó. Chẳng mấy chốc bạn sẽ lại bị đồng hóa ngược trở lại với những thói quen khiến bạn bớt hạnh phúc hơn, hằm hè và hoài nghi hơn. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng lịch sự là một sự giả tạo, “màu mè”, kiểu cách.
Một mẫu giao tiếp điển hình khi ai đó giúp bạn có thể là như thế này: “Cảm ơn anh/chị”, “Ôi dào khách sáo thế!”… Thật ra một câu nói tưởng chừng như đơn giản như vậy, tỏ ra là thân thiết và không câu nệ hình thức, nhưng nó lại có khả năng gây tổn thương và ngăn cản những lời chân thành nhất. Khách sáo vốn có nghĩa là lịch sự bề ngoài, nhưng không thật lòng, thiếu thân mật. Khi người ta muốn bày tỏ sự biết ơn của mình mà lại bị nói là khách sáo, thì dần dà sẽ chẳng còn muốn nói lời cảm ơn nữa.
Thật ra người Việt xưa khá thanh lịch và lịch sự. Thời xưa đi học, trẻ em đã được dạy ngay từ tấm bé rằng:
Con người ta, bất cứ sang hay hèn, cũng phải giữ cho nó lễ phép. Lễ phép là cái tư cách của người có giáo dục biết tự trọng và trọng người. Cho nên thánh hiền đời trước dạy ta cốt lấy chữ “Lễ” làm đầu.
Lễ phép vẫn thường được hiểu là cách ứng xử một chiều của người dưới với người trên hơn là theo hướng ngược lại. Thế nhưng đó là sự mất mát dần của chữ nghĩa và hệ tư tưởng. Người Việt xưa coi lễ phép là điều mà ai ai cũng phải có và là cách đối đãi với tất cả mọi người chứ không chỉ có bậc bề trên. Và khi từ lịch sự chưa du nhập vào Việt Nam thì lễ phép có thể hiểu chính là cư xử lịch thiệp, có giáo dục, theo nghĩa của từ lịch sự sau này.
Trong cuốn “Luân lý giáo khoa thư” có dẫn câu chuyện nhỏ khi dạy trẻ về Lễ rằng: “Xưa có một vị công tử, một hôm cùng đi chơi với ông thầy học. Ra đường gặp một thằng bé bán kẹo chắp tay vái. Ông thầy học cúi đầu chào lại, công tử thấy vậy, hỏi rằng: ‘Sao tiên sinh lại chào một đứa hèn hạ như vậy?’. Ông thầy trả lời: ‘Thưa vâng, tôi chào nó để khỏi mang tiếng rằng tôi không lễ phép bằng nó’.
Lễ phép là cái lễ, cái phép tắc mà con người có giáo dục nên đối đãi với nhau, là cái cốt cách của người tự trọng và biết trọng người. Lễ phép, lịch sự vì thế chắc chắn không phải một sự giả tạo, kiểu cách. Nó thể hiện con người bạn và một mong mỏi bày tỏ sự tôn trọng đối với người khác. Vì thế, khi ai đó cảm ơn bạn, đừng nói rằng họ đang khách sáo, hãy nhận tấm lòng của họ và khiêm tốn đáp lại “Không có gì!”. Đừng làm phai nhạt mất “hương thơm” đang muốn lan tỏa của những lời “cảm ơn”.
Bất lịch sự nơi công cộng bởi niềm tin đã mất?
Có người cũng đã từng phân tích rằng người Việt chen lấn, xô đẩy, không biết xếp hàng cũng bởi vì họ đã mất lòng tin vào sự công bằng. Tôi thấy đó là một lý luận khá thuyết phục. Trong xã hội Việt Nam ngày nay, khi người có lợi thế đi cửa sau sẽ luôn được dịch vụ tốt hơn, khả năng giải quyết công việc nhanh hơn thì người ta không còn tin vào việc mình chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi là sẽ được việc nữa.
Khi ai đó chen ngang và chẳng có ai có ý kiến gì. Người bán vé, nhân viên thu ngân, cán bộ hành chính… không có ý kiến gì, cũng chẳng phê bình hay yêu cầu người chen ngang xếp hàng theo lượt. Người ta sẽ dần mất niềm tin và hoài nghi lẫn nhau, nhăm nhe giữ chỗ và đề phòng kẻo có kẻ chiếm mất quyền lợi của mình. Bởi họ không được bảo vệ và cái xấu không bị lên án.
Giả tạo tiểu tư sản…
Trước kia khi chúng ta chào người già, người trên, hơn mình về vai vế, thứ bậc trong gia đình, dòng họ… thì thường cúi đầu nói “lạy ông, lạy bà, lạy cụ…”. Trẻ em chào người lớn cũng khoanh tay gập người, đó là nét văn hóa lâu đời mà trẻ em miền Nam giờ vẫn còn lưu giữ được. Ở đây không đánh giá rằng nét văn hóa này có còn phù hợp hay không, nhưng rõ ràng nghe em bé Sài Gòn thưa “con chào chú” với cái gập người 90 độ khiến người nghe cũng thấy mát lòng mát dạ.
Và cái cách người ta phủ nhận nét đẹp này thật phũ phàng và lệch lạc làm sao. Đã có thời người ta nói rằng cái gập người cúi chào đó là lễ nghi phong kiến cần phải xóa bỏ. Cư xử lịch thiệp có tiết chế là giả tạo kiểu tiểu tư sản nên cũng phải xóa bỏ. Người Việt thanh lịch một thời đã nhanh chóng học theo “Cách mạng văn hóa” của người Trung Quốc mà xóa bỏ đi các lễ nghi và cách giao tiếp lịch sự, ai cũng là đồng chí cả, không cần câu nệ. Dân ta từ đó cảm thấy lịch sự với nhau có gì đó giả tạo, kiểu tiểu tư sản.
… Hay bởi đánh mất văn hóa truyền thống tốt đẹp?
Có cùng nguồn gốc văn hóa như người Việt hay người Trung, người Đài Loan luôn cố gắng lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của mình. Và kết quả thể hiện ra ngay ở những tiểu tiết trong cách họ ăn nói, cư xử. Khi tôi hỏi cô bạn người Đài Loan của mình rằng “Cậu ăn cơm chưa, ăn cùng mình đi!”, cô ấy lịch sự từ chối rằng “Cảm ơn cậu, mình vừa mới ăn rồi!”. Có gì đặc biệt ở đây không? Xin thưa rằng có một chi tiết nhỏ thôi nhưng thể hiện một tư duy rất khác.
Tôi chợt nhận ra sự khác biệt khi vừa trước đó đi siêu thị về có mua chút bánh trái. Tới cửa nhà gặp bé My hàng xóm và hỏi bé “Con ăn tối chưa? Ăn bánh giò không, chú mới mua?”. Bé thưa rằng “Không ạ, con no rồi”. Một câu nghe qua tưởng chừng đã quá đủ lễ phép của bé con biết điều.
Thế nhưng có sự khác nhau cơ bản trong cách đa phần người Việt từ chối điều gì đó. Đó là họ chỉ nghĩ ngay về nhu cầu của mình (đói, no hay không, có cần ăn hay không) và từ chối. Nhưng người Đài Loan sẽ nghĩ ngay tới lời mời của người khác với mình trước, và nói lời “cảm ơn”. Một lời từ chối nhưng nếu bạn nghĩ về mình trước hay nghĩ về người khác trước, người nghe là hoàn toàn có thể phân biệt được.
Có một câu chuyện tương tự khác về cách người Việt trả lời khi được hỏi rằng “Có ai muốn uống cà phê không? Tôi đang định đi mua”. Phần lớn số người có mặt trong văn phòng lúc đó đều trả lời “Có” hoặc “Không”. Chỉ có một người nói rằng “Không, cảm ơn anh!”. Nó càng làm cho những câu trả lời “Có” mà không kèm theo lời cảm ơn thêm phần bạc bẽo, vô ơn.
Văn hóa truyền thống được dạy trong các trường học thuở xưa đều khuyên bảo người ta hướng Thiện, tu tâm, dưỡng tính. Tu bỏ cái vị tư ích kỷ, giáo dưỡng nhân cách, tính tình để làm sao luôn biết nghĩ đến người khác. “Điều gì không muốn thì đừng làm cho người”. Thế nhưng chúng ta lại quy chụp tất cả thành lễ nghi phong kiến, kiểu cách tiểu tư sản để khiến con người Việt Nam giờ chao chát, hoài nghi và hằn học với nhau từ ngoài đường cho tới gia đình, công sở.
Thuần Dương
Chiến thuật có thể khiến Trung Quốc 'tự bắn vào chân' trong đòn thương mại với Mỹ
Lãnh đạo Trung Quốc dường như đã phạm sai lầm khi áp thuế với đậu nành Mỹ, động thái khiến Trump càng thêm cứng rắn.