Phía sau tham vọng của Trung Quốc cung cấp vắc xin Covid-19 toàn cầu
Nếu Trung Quốc dùng ngoại giao vắc xin ngừa Covid-19, điều này sẽ củng cố sức mạnh mềm của Trung Quốc, giúp Trung Quốc hồi sinh việc thực hiện sáng kiến "Vành đai, con đường".
07:00 05/08/2020
Cái gọi là "ngoại giao Chiến lang" của Trung Quốc đã gây chú ý trong năm nay khi Bắc Kinh không ngần ngại đáp trả các bên đổ lỗi cho Trung Quốc khiến đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, chiến lược này có thể sắp thay đổi khi Trung Quốc tự định hình là lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, tuyên bố cấp các khoản vay và ưu tiên phân phối vắc xin do nước này sản xuất cho một số nước.
Các loại vắc xin ngừa Covid-19 do Trung Quốc nghiên cứu, phát triển là vài trong số các mẫu vắc xin có tiềm năng trong cuộc chạy đua của thế giới nhằm đối phó dịch Covid-19.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng, nếu thành công, vắc xin của họ sẽ trở thành một "hàng hóa toàn cầu". Đó cũng là cam kết mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại cuộc họp của WHO hồi tháng 5. Cam kết được đưa ra giữa lúc nhiều loại vắc xin ngừa Covid-19 trên thế giới đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, tình trạng thiếu hụt nguồn cung vắc xin có thể kéo dài hàng tháng thậm chí hàng năm.
Đến nay, Trung Quốc chưa gia nhập Covax, một cơ chế do WHO lập ra nhằm đảm bảo phân phối công bằng vắc xin cho các nước tham gia, song dường như Bắc Kinh đã đưa ra lời đề nghị riêng cho các nước đang phát triển. Các nhà ngoại giao Trung Quốc những tuần gần đây nói rằng, các nước như Nepal, Afghanistan, Pakistan và Philippines có thể hưởng lợi từ các vắc xin thành công do Trung Quốc bào chế.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tháng trước thông báo về khoản cho vay 1 tỷ USD hỗ trợ các nước Mỹ Latinh và Caribe mua vắc xin ngừa Covid-19. Hồi tháng 6, ông Tập Cận Bình cho biết các nước châu Phi sẽ được ưu tiên tiếp cận vắc xin sau khi Trung Quốc hoàn tất phát triển vắc xin.
Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về y tế toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại ở New York (Mỹ), nhận định hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp cận vắc xin có thể giúp Trung Quốc nâng vị thế trên trường quốc tế. "Nếu Trung Quốc dùng ngoại giao vắc xin, điều này sẽ củng cố sức mạnh mềm của Trung Quốc, giúp Trung Quốc hồi sinh việc thực hiện Sáng kiến một vành đai, một con đường", ông Huang nói.
Tuy nhiên, nguồn tin nội bộ ngành cho biết, tập trung ban đầu của Trung Quốc vẫn là phân phối vắc xin để đáp ứng nhu cầu nội địa ngay cả khi tăng năng lực sản xuất. Mặc dù mỗi năm Trung Quốc sản xuất hàng trăm triệu liều các loại vắc xin khác, nhưng các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn khó cạnh tranh với các nhà sản xuất của Ấn Độ hay các công ty đa quốc gia của phương Tây.
Trung Quốc vốn không phải một “người chơi lớn” về cung cấp vắc xin toàn cầu, một phần là bởi Trung Quốc có dân số đông, bản thân họ đã có một thị trường nội địa rất lớn, ông John Donnelly, chuyên gia tại một công ty tư vấn phát triển vắc xin ở Mỹ, cho biết.
Tính đến tháng trước, 13 công ty ở Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở phục vụ cho việc sản xuất vắc xin ngừa Covid-19, SCMP dẫn thông tin từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc cho biết. Tuy nhiên, nguồn tin không nêu rõ liệu các cơ sở này có thể sản xuất bao nhiêu liều vắc xin.
Theo ông Donnelly, Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp khác để cung cấp vắc xin “Made in China” ra thị trường thế giới bằng cách chuyển giao công nghệ sản xuất cho các nước khác.
Link nguồn: https://dantri.com.vn/the-gioi/phia-sau-tham-vong-cua-trung-quoc-cung-cap-vac-xin-covid-19-toan-cau-20200804153045819.htm
Mỹ: Tìm ra "chân tướng" những gói hạt giống bí ẩn gửi từ Trung Quốc?
Tổng cộng có 14 loại hạt giống bí ẩn đã được gửi vào Mỹ từ Trung Quốc trong suốt gần 1 tháng qua. Sau khi tiến hành điều tra, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã xác định được danh tính của những hạt giống “không mời mà đến” này.