Phở Việt ở trời Tây: Thử rồi thích, ăn rồi yêu

Không gì ngon và ấm lòng người xa xứ hơn một tô phở ở trời Tây. Thời tiết vào thu lành lạnh, mưa rơi rả rích hay mùa đông với cái lạnh thấu xương, thêm ngoài trời tuyết rơi trắng xóa, ăn một tô phở vào thì thôi rồi, bao ấm, bao ngon. Sướng.

08:57 16/08/2023

Ngã bệnh, nằm thui thủi ở nhà, tôi mơ đến tô phở bò...

Tôi vốn thích đi du lịch, khám phá văn hóa, cảnh đẹp và ẩm thực. Tôi lên Google tìm món ăn đặc trưng và quán ăn có đồ ăn ngon trước hết. Thử món ăn mới và được ăn ngon đối với tôi là quan trọng hơn cả.

Ngày biết mình sẽ xuất ngoại trong một thời gian dài, đến một đất nước xa xôi, nền văn hóa ẩm thực có nhiều điểm khác biệt, tôi vừa háo hức vừa lo lắng. 

Trong chuyến đi dài ngày hiện nay, sau những ngày đầu tiên thỏa mãn với các món ăn đặc trưng ở miền đất mới, tôi bắt đầu nhớ và thèm các món ở quê nhà. Thêm vào đó, một người vốn chỉ quen với cái nóng quanh năm ở TP.HCM, nay phải chống chọi với cái lạnh -22 độ C và một vùng tuyết trắng xóa, đã ngã bệnh.

Chồng đi làm, nằm thui thủi ở nhà, tôi mơ đến tô phở bò nghi ngút khói của tiệm phở Quỳnh gần nhà thờ Tân Phước (quận Tân Bình). Thỉnh thoảng thèm phở, sau khi tan lễ, chị em tôi vẫn thường ghé ăn.

Thế là: Google nào! Ồ, ở ngay khu trung tâm có ba tiệm phở này: Pho Viet, Viet Wok và Ha Noi Cousin.

Thành phố tôi đang ở là một thành phố nhỏ ở phía đông nước Đức, Chemnitz. Dân số chỉ khoảng 245.000 người, trong đó cộng đồng người Việt chiếm khoảng 1.000 người.

Sau hơn 10 năm sinh sống và làm việc ở đây, tôi nhận thấy ngày càng có nhiều quán Việt và đa phần đều có món phở trong thực đơn của mình.

Có lẽ người Đức ngày càng cởi mở hơn với văn hóa và ẩm thực nước ngoài. Thêm vào đó, phở là một món dễ ăn đối với người nước ngoài. Thử rồi thích. Ăn rồi yêu.

Phở ở một quán ăn Việt

Các món phở luôn ở trang đầu trong thực đơn bữa trưa, và ở trang đầu hay đầu tiên trong thực đơn chính trong mục món chính. Hầu hết trong thực đơn có món phở bò, phở gà, phở trộn, phở chay... 

Tô phở luôn to, đầy bánh, thịt và một ít rau (chủ yếu là hành lá xắt nhỏ, hành tây và giá). Có nơi tô phở còn có thêm cà rốt hay tùy phiên bản biến tấu mà có tôm, cà ri, đậu hũ... Hương vị đã được sửa đổi sao cho hợp với cả khẩu vị của người Đức. Phong cách trình bày món phở cũng ngày càng trang trọng hơn, tinh tế hơn, ví dụ như nhà hàng Vietnamnam, Hoang 58…

Các bạn Tây không những thích ăn phở mà còn tự nấu để thưởng thức. Ông Karsten, một đồng nghiệp của chồng tôi, rất thích nấu ăn và thưởng thức các món ăn mới. Chúng tôi mời vợ chồng ông đến nhà chơi và ăn thử món phở của chúng tôi. Vợ chồng ông tấm tắc khen ngon và ăn hết một tô phở to.

Vào dịp Giáng sinh, chồng tôi tặng ông một chai nước mắm ngon. Ông đã lên mạng tìm hiểu công thức nấu phở, rồi nấu thử và chụp hình khoe với chúng tôi xem.

Còn tôi chưa bao giờ ra nhà hàng ăn phở cả, bởi vì nhà tôi đã có một đầu bếp chuyên nấu phở cho tôi ăn mỗi khi tôi thèm hay tôi bệnh, chứa chan tình cảm của người nấu. Đầu bếp ấy chính là chồng tôi.

Chồng tôi hay hầm xương ống bò hoặc đuôi bò để lấy vị ngọt và béo cho nước dùng. Phần thịt rải trên bánh phở thường là nạm, tái và bò viên. Hôm nào phần nạm có dính tí gân, tôi thích lắm. Ăn vào sừng sực, thấy thiệt là sung sướng.

Tô phở có gia vị như những công thức phở truyền thống khác: quế, thảo quả, hồi… và dĩ nhiên không thể thiếu nước mắm.

Để món phở tròn vị và có mùi thơm đầy đủ của một tô phở bò, hành tây, hành lá, tiêu và tối thiểu phải có rau ngò gai được phủ lên trên cùng của tô phở.

Tôi còn học được công thức làm sốt chấm thịt bò và bò viên. Một ít tương đen Hoi Sin Sauce, một chút tương ớt Sriracha và một ít nước cốt chanh, rồi khuấy đều lên.

Nước chấm phải có đủ vị ngọt, chua, cay lấn át vị mặn. Chồng tôi rất thích nước chấm này, và tôi là người pha nước chấm ngon hơn. Vì vậy mỗi lần nấu món phở, chàng nấu, thiếp làm nước chấm, hòa tấu, làm cho món phở thêm vị hạnh phúc.

Không gì ngon hơn và ấm lòng người xa xứ khi được ăn một tô phở ở trời Tây. Thời tiết vào thu lành lạnh, mưa rơi rả rích hay mùa đông với cái lạnh thấu xương, thêm ngoài trời tuyết rơi trắng xóa, ăn một tô phở vào thì thôi rồi, bao ấm, bao ngon. Sướng.

pv

Tags:
Người Pháp 20 tuổi sống cho tuổi trẻ, 30 tuổi sống có ý vị, 40 tuổi sống có trí tuệ, 50 tuổi sống thản nhiên với đời và ở tuổi này họ trở thành là “vật báu vô giá“

Người Pháp 20 tuổi sống cho tuổi trẻ, 30 tuổi sống có ý vị, 40 tuổi sống có trí tuệ, 50 tuổi sống thản nhiên với đời và ở tuổi này họ trở thành là “vật báu vô giá“

Khi nhắc đến Pháp, người ta thường liên tưởng đến những bức tranh phong cảnh thơ mộng, lãng mạn đầy chất thơ, hoặc những phong cách thời trang thanh lịch xuất hiện đó đây trên khắp các tạp chí. Nhưng ít ai biết rằng, người Pháp còn sở hữu những phong cách sống thú vị đáng để học hỏi.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất