Phong cách dạy học nước Mỹ: Thầy cô … ném kẹo để lớp khỏi buồn ngủ

Ở buổi học đầu tiên, thầy cô nói với sinh viên rằng họ có thể mắc lỗi và mong sinh viên sửa cho điều đó. Để lớp học khỏi buồn ngủ và tăng tính tương tác, có thầy giáo luôn xuất hiện với bịch kẹo to đùng…

20:30 12/10/2017

Lối dạy học thú vị, đặc biệt có hiệu quả của thầy cô giáo ở Mỹ được Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chip) hiện đang theo học bậc thạc sĩ tại ĐH Stanford danh tiếng chia sẻ trong bài viết “Phong cách dạy học nước Mỹ”.

Tuần này là tuần đầu tiên trong năm học 2017 – 2018. Những buổi học đầu tiên khiến mình nhận ra một số điểm thú vị của cách dạy học bên này và muốn chia sẻ với mọi người, hy vọng sẽ giúp ích cho những người quan tâm đến ngành giáo dục.

Mình chia sẻ những điều này không với hy vọng đề cao giáo dục nước Mỹ. Thực ra giáo dục nước Mỹ vẫn còn nhiều hạn chế, ví dụ như tiền học phí quá cao dẫn đến việc nhiều sinh viên mang nợ nhiều sau khi tốt nghiệp, hay quá đề cao những trường top nên cộng đồng ít để ý đến trường không top, trong khi phần lớn người thực sự sẽ học trường không nằm trong top. Mình viết bài này chỉ vì thấy cái hay của họ nên muốn học hỏi.

GS Mark Horowitz của ĐH Stanford trong một buổi nói chuyện với sinh viên.

Thầy cô giáo cảnh báo rằng mình sẽ mắc lỗi

Hồi đi học ở Việt Nam, mình có ấn tượng rằng người dạy phải là người biết tất cả mọi thứ về môn mình dạy. Cách suy nghĩ này khiến học sinh, sinh viên không dám tranh luận với thầy cô, càng không dám phản bác họ, đồng thời cũng khiến cho người dạy tự ái khi bị chỉ ra lỗi sai.

Ở Stanford, trong buổi học đầu tiên, các thầy cô đều nói trước rằng họ sẽ mắc lỗi, và mong các sinh viên hãy giúp họ chỉ ra lỗi đó. Ví dụ, trong lớp Linear Dynamics System, thầy nói rằng trong các lần dạy học trước, thầy đã mắc lỗi, nên lần này thầy sẽ cần sinh viên để ý và chỉ ra lỗi của thầy.

Trong lớp Decision making under uncertainty, thầy đùa rằng nếu thầy có mắc lỗi thì đó là do thầy cố tình mắc lỗi để xem sinh viên tỉnh táo đến đâu. Donald Knuth, giáo sư ở Stanford, một huyền thoại ngành khoa học máy tính với bộ sách The Art of Computer Programming và hàng đống giải thưởng, viết check trị giá $2 cho sinh viên chỉ ra lỗi trong sách của mình. Ai nhận được check này thì tự hào lắm. Những check này đã trở thành hàng độc được mọi người tìm mua trên eBay.

Và các thầy cô giáo hay mắc lỗi thật. Thỉnh thoảng sẽ có sinh viên giơ tay bảo: “Ơ thầy, cái kia là x bình phương chứ không phải là x”, và thầy sẽ bảo: “À đúng rồi. Rất xuất sắc. Cảm ơn em.” Không ai tự ái, cũng không ai tự nhiên thấy thiếu tin tưởng người dạy. Những lỗi này khiến sinh viên nhận ra rằng thầy cô giáo cũng là người trần như mình, giúp mối quan hệ thầy trò trở nên bình đẳng hơn.

Khuyến khích tính tương tác

Ở Mỹ, một lớp học mà không có ai đặt câu hỏi sẽ được coi là một lớp buồn ngủ. Cả tiếng đồng hồ cứ ngồi nghe một người nói thì chán chết. Thầy dạy môn Programming Languages của mình đã nói trong buổi đầu tiên rằng: “Phương pháp dạy truyền thống thầy nói trò nghe đã trở nên lạc hậu.” Thầy, cũng như nhiều giảng viên khác ở Stanford, tìm cách làm cho lớp học của mình mang tính tương tác nhiều nhất có thể.

Thầy Mehran Sahami là người phổ biến phong trào ném kẹo cho sinh viên đặt câu hỏi. Mỗi buổi học, thầy xuất hiện với một bịch kẹo to đùng, ai đặt câu hỏi thì thầy sẽ ném kẹo cho người đó. Sinh viên đua nhau đặt câu hỏi để được ăn kẹo hay chỉ để xem khả năng ném xa của thầy.

Tính tương tác không chỉ được tính bằng số câu hỏi sinh viên đặt ra, mà còn vào việc sinh viên trả lời câu hỏi thầy cô giáo đặt ra. Mỗi khi đặt câu hỏi mà không ai trả lời, thầy Keith Schwarz sẽ đứng đó bắt đầu nhảy một điệu nhảy kì cục để sinh viên thấy buồn cười quá phải trả lời.

Nhiều thầy cô giáo thử nghiệm với mô hình lớp học gọi là “flip classroom.” Thay vì lên lớp nghe thầy giảng, sinh viên sẽ ngồi nhà xem video bài giảng và đọc tài liệu trước, lên lớp chỉ để thảo luận với thầy cô và những người học cùng.

Thầy cô nhận trách nhiệm dạy học

Năm đầu tiên lên office hours (thời gian sinh viên có thể gặp trực tiếp thầy cô và trợ giảng để hỏi về nội dung học), mình đã sợ rằng mọi người sẽ nghĩ là mình dốt. Kiểu như, bài tập dễ thế mà mình cũng không làm được à. Nhưng khi mình lên gặp giáo sư, thầy bảo rằng trách nhiệm dạy là của ông. Nếu câu đơn giản mà mình cũng không làm được thì không phải là do mình dốt, mà là do thầy đã không biết cách truyền đạt kiến thức cho mình hiểu. Sau đó thầy thử giải thích cho mình từ nhiều khía cạnh khác nhau. Khi mình tự nhiên à lên rằng đã hiểu, ông rất thích thú và bảo: “Có khi cách giải thích này hiệu quả hơn, để thầy cập nhật giáo trình lần tới dạy”.

Phần lớn thầy cô giáo bên này hiểu được rằng sinh viên học lớp của họ là vì sinh viên muốn học môn đó, chứ không phải sinh viên đã biết môn đó rồi. Vì vậy, họ rất bao dung với sự thiếu hiểu biết của sinh viên.

Thầy cô luôn nhấn mạnh rằng không có câu hỏi nào là ngốc nghếch, cũng không có ai là quá dốt để học một môn nào đó. Mỗi khi ai đó đặt câu hỏi trong lớp, thầy cô luôn trả lời trước hết rằng “good question”, “excellent”, “I’m glad you asked that question”.

Dĩ nhiên, thỉnh thoảng mình vẫn thấy hơi ngượng vì nghĩ rằng câu hỏi của mình ai cũng đã biết, nhưng khi mình chia sẻ điều đó với thầy cô, họ thường cười và bảo rằng họ đã gặp nhiều sinh viên có câu hỏi đúng như em vậy.

Các giáo sư dạy ở Stanford đều là người rất xuất sắc trong chuyên ngành của họ, nhưng khi nói chuyện với họ, mình luôn bị ấn tượng bởi sự khiêm tốn của họ. Họ luôn cho mình cảm giác họ lắng nghe, tôn trọng mình, và muốn làm tròn trách nhiệm của người dạy là giúp trò hiểu bài. Thiết nghĩ, nếu thầy cô nào cũng có tâm như thế, thì trò không giỏi cũng khó.

Huyền Chip

(Sinh viên bậc thạc sĩ, ĐH Stanford – Mỹ)

Theo Dân trí

Tags:
Những bí quyết để thợ nail vượt qua ngày đầu ở tiệm mới

Những bí quyết để thợ nail vượt qua ngày đầu ở tiệm mới

Đi làm ở chỗ mới lúc nào cũng hồi hộp, nhưng cũng có phần vui. Ai cũng suy nghĩ rất nhiều về việc chuẩn bị cho chỗ làm mới. Theo NAILPRO Magazine, đây là những bí quyết giúp thợ nail vượt qua được ngày đầu đi làm ở tiệm mới.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất