Phong cách thời trang từ chiếc áo gây tranh cãi của Melania Trump
Đệ nhất phu nhân Mỹ được nhận xét là người độc lập và thường tự mình đưa ra quyết định liên quan tới trang phục.
03:00 24/06/2018
Hôm 21/6, Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump thổi bùng lên làn sóng tranh cãi gay gắt khi mặc chiếc áo khoác in dòng chữ "Tôi thực sự không quan tâm, còn bạn thì sao?" trong chuyến thăm trại tị nạn dành cho trẻ em nhập cư trái phép bị tách khỏi cha mẹ ở thành phố McAllen, bang Texas. Một ngày sau, không ít người vẫn cảm thấy khó hiểu vì hành động của bà, theo Washington Post.
Câu hỏi đặt ra là vì sao các cố vấn, nhân viên Nhà Trắng, những người đáng nhẽ phải cho Melania lời khuyên hợp lý về trang phục, lại không can ngăn bà với quyết định mặc chiếc áo khoác mang thông điệp gây tranh cãi rõ ràng như vậy?
Không lo về những lời chỉ trích
Đội ngũ nhân viên của Đệ nhất phu nhân Melania miêu tả bà là một phụ nữ quyết đoán, luôn đề cao lòng trung thành và sự riêng tư.
Đội ngũ Cánh Đông Nhà Trắng của Melania gồm 10 cố vấn, con số khá khiêm tốn so với đội ngũ khoảng 25 người làm việc cho cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama hay Laura Bush. Bà còn không có cả trợ lý riêng.
Trả lời phỏng vấn hồi tháng 4, Lindsay Reynolds, Chánh văn phòng của Đệ nhất phu nhân Mỹ, tiết lộ Melania "rất năng suất, có thể tự mình làm gần như mọi việc", vậy nên bà cho rằng bản thân không cần một trợ lý riêng đặc biệt đi theo mọi lúc, mọi nơi.
Melania cũng được biết đến là người muốn đưa ra quyết định đối với cả những công việc mà các đệ nhất phu nhân đời trước thường giao cho người khác đảm nhận.
Trong lần tổ chức tiệc đầu tiên tại Nhà Trắng, bà nhất quyết không thuê người lên kế hoạch sự kiện ở bên ngoài như thông thường mà tự mình lựa chọn từ những thứ nhỏ nhặt nhất như hoa hay khăn trải bàn.
Bên cạnh đó, bà thường xuyên lựa chọn trang phục mà không cần cố vấn, không phụ thuộc quá nhiều vào người tư vấn phong cách. Hồi tháng 12 năm ngoái, phát ngôn viên của Đệ nhất phu nhân Melania Robin Givhan cho hay bà "luôn chọn thứ mình thích và cảm thấy phù hợp cho sự kiện. Bà ấy không lo lắng về những lời chỉ trích".
Nhà thiết kế thời trang Herve Pierre, người thỉnh thoảng tư vấn phong cách cho Melania Trump, trong cuộc phỏng vấn với tờ Women's Wear Daily khẳng định bà chưa bao giờ thấy một chiếc áo khoác nào gây tranh cãi như chiếc mà Đệ nhất phu nhân Mỹ mặc.
Vậy chẳng lẽ không có ai ở vị trí để có thể đưa ra lời khuyên rằng bà không nên mặc nó khi tới một trại tập trung những trẻ em tị nạn bị tách khỏi cha mẹ bởi chiếc áo mang thông điệp dễ khiến người khác cảm thấy bị xúc phạm?, cây bút Emily Heil từ Washington Post đặt câu hỏi.
Anita McBride, người từng giữ chức chánh văn phòng cho cựu đệ nhất phu nhân Laura Bush, ví những tương tác giữa các cố vấn chính trị và đệ nhất phu nhân mà họ phục vụ giống như một "điệu nhảy tinh tế".
"Bà ấy có thể thực sự muốn mặc nó và khăng khăng làm vậy. Có thể đội ngũ nhân viên của bà ấy không ý kiến gì. Chúng ta khó lòng biết được", McBride cho hay. "Nhưng khi bạn thực hiện một chuyến đi như vậy, họ cần phải hiểu rằng mọi thứ họ làm, nói hay mặc đều mang thông điệp nào đó".
Theo McBride, cố vấn cho một quan chức chính phủ cấp cao đôi lúc còn bao gồm cả việc bảo họ mặc những thứ họ không muốn. "Đấy là tính chất của công việc này. Bạn nêu lên lời khuyên và hướng dẫn tốt nhất rồi cuối cùng, họ tự quyết định".
McBride cho biết công việc chọn lựa trang phục của các đệ nhất phu nhân Mỹ ít khi được thực hiện vào phút chót. Với những chuyến thăm, đặc biệt là công du nước ngoài, đội ngũ nhân viên bên cạnh đệ nhất phu nhân thường chuẩn bị những bản "lưu ý về trang phục" trong lịch trình.
Bản ghi nhớ này đánh dấu các sự kiện mà họ phải tham gia, đồng thời liệt kê tất cả những yếu tố có thể ảnh hưởng tới việc lựa chọn trang phục, từ thời tiết tới địa hình nơi tổ chức sự kiện hay hàng loạt vấn đề nghi thức khác, chẳng hạn như liệu một màu nào đó có mang ý nghĩa đặc biệt gì trong văn hóa của quốc gia tới thăm hay không.
Cố ý?
Một cựu cố vấn Nhà Trắng từng làm việc với các quan chức Mỹ hàng đầu dưới thời cựu tổng thống Barack Obama và Bill Clinton lưu ý tới sự khác thường trong việc ống kính truyền thông có thể bắt được khoảnh khắc bà Melania bước lên máy bay.
Theo ông, khi đệ nhất phu nhân Mỹ di chuyển một mình từ Washington, thông thường, họ sẽ không để truyền thông tiếp cận lúc lên máy bay. Vì vậy, quyết định cho phép báo giới chụp ảnh bà Melania thực sự gây hoài nghi, liệu đây là hành động cố tình hay vô ý?
Vị cựu cố vấn Nhà Trắng nghiêng về phương án đầu tiên. Ông ngờ rằng bà Melania thực sự muốn truyền thông điệp ghi trên chiếc áo khoác tới những người tị nạn. Tổng thống Donald Trump trong khi đó nói thông điệp trên chỉ nhắm tới mục tiêu duy nhất là truyền thông.
"Đây được cho là chuyến đi một mình quan trọng nhất của Melania kể từ thời điểm bà đảm nhận vai trò đệ nhất phu nhân đến nay", ông bình luận. "Tại sao phải gửi thông điệp đả kích tới truyền thông để làm xao lãng ý nghĩa chuyến thăm?".
Nguồn: Vnexpress.net
Đệ nhất phu nhân Melania Trump phản đối chính sách nhập cư của chồng
Bà Melania Trump nói bà “ghét phải thấy” cảnh trẻ em bị tách khỏi cha mẹ ở biên giới và cho rằng chính phủ không chỉ cần điều hành bằng pháp luật mà phải bằng cả trái tim.