Phòng chăm sóc quá tải, y tá đổ bệnh hàng loạt khiến các bệnh viện Mỹ điêu đứng trước sóng bùng phát nCoV mới

Phòng chăm sóc đặc biệt quá tải, y tá đổ bệnh hàng loạt khiến các bệnh viện Mỹ điêu đứng trước sóng bùng phát nCoV mới.

08:00 13/07/2020

Trong lúc nhiều bang ở phía nam và phía tây Mỹ vật lộn với tình trạng thiếu hụt thiết bị xét nghiệm và những loại thuốc chống virus quan trọng, các bệnh viện đang tràn ngập bệnh nhân Covid-19. Họ buộc phải hủy các cuộc phẫu thuật ít nghiêm trọng và cho bệnh nhân xuất viện sớm. Các bác sĩ lo ngại tình trạng bệnh viện quá tải có thể kéo dài lâu.

Một điểm xét nghiệm nCoV nhanh ở Wimauma, bang Florida. Ảnh: NYTimes.

Một điểm xét nghiệm nCoV nhanh ở Wimauma, bang Florida. Ảnh: NYTimes.

Bệnh viện giờ đây phải vất vả tìm kiếm y tá và tuyển dụng thêm bác sĩ. Thống đốc Florida Ron DeSantis thông báo ông sẽ cử 100 y tá tới giúp đỡ Hệ thống Y tế Jackson ở Miami, nơi cho biết họ đã phải tuyển thêm 80 y tá trong hai tuần qua. Jackson Memorial, bệnh viện tiêu biểu trong hệ thống này, chỉ còn 28 phòng chăm sóc đặc biệt trong tổng số 234 phòng.

“Khi các nhà quản lý bàn về khả năng tăng đột biến ca nhiễm, họ thường chỉ nói đến một sự kiện đơn lẻ. Nhưng thứ chúng tôi đang phải tiếp nhận giống như mỗi ngày xảy ra một vụ tai nạn xe buýt vậy và tình hình ngày càng nghiêm trọng hơn”, John Sinnott, chuyên gia nội khoa tại Đại học Nam Florida, nhà dịch tễ học hàng đầu tại bệnh viện đa khoa Tampa, bình luận.

Tại Nam Carolina, Vệ binh Quốc gia đã được điều động từ sớm để hỗ trợ bệnh viện thực hiện thủ thuật truyền tĩnh mạch và đo huyết áp. Số bệnh nhân Covid-19 mà Trung tâm Y tế Roper St. Francis ở Charleston tiếp nhận tăng tới 65% một ngày.

Bác sĩ Christopher McLain cho hay ông thường bắt đầu mỗi ngày mới bằng cách quỳ gối cầu nguyện, hỏi Chúa xem đội ngũ của ông sẽ phải đối phó với dịch bệnh như thế nào. “Chúng tôi đang lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn”, ông nói.

Tại Mississippi, 5 trong số những bệnh viện lớn nhất bang đã hết phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân nặng, Thomas Dobbs, quan chức y tế bang, hôm 9/7 cho biết. “Bệnh viện Mississippi giờ đây không đủ khả năng chăm sóc cho bệnh nhân Mississippi”.

Thống đốc Texas Greg Abbott đã ra lệnh cho các hạt trong bang tăng số giường bệnh, đồng thời yêu cầu bệnh viện hoãn thực hiện các thủ thuật hay những cuộc phẫu thuật không cấp bách nhằm dồn nỗ lực ứng phó Covid-19.

Tại bệnh viện 463 giường Eisenhower Health ở Rancho Mirage, California, phía đông thành phố Los Angeles, số ca nhiễm nCoV đã tăng từ chưa đầy 12 hồi tháng 5 lên 77 vào tuần qua. Gần như tất cả 34 giường chăm sóc đặc biệt đều đã có bệnh nhân, trong đó 1/2 là bệnh nhân nhiễm nCoV.

Theo lời bác sĩ Diego Maselli Caceres từ Bệnh viện Đại học San Antonio, Texas, ông đã chứng kiến số bệnh nhân Covid-19 cần chăm sóc đặc biệt tăng gấp 7 lần trong tháng qua, lấp đầy ba tầng bệnh viện thay vì một tầng như trước đây. Ông phải tăng ca làm việc tới 15 giờ mỗi ngày.

“Bạn ngập tràn trong hàng loạt cuộc gọi cùng lúc”, Caceres kể, nhắc tới những cảnh báo “mã xanh” từ loa thông báo, thường yêu cầu bác sĩ và y tế khẩn trương tới trợ giúp một bệnh nhân nguy kịch nào đó.

“Khi nghe lời gọi trên loa, bạn sẽ phải chạy từ đầu này tới đầu kia của bệnh viện, giống như đi cứu hỏa và bạn phải cố gắng hết sức để giúp đỡ. Mọi thứ thực sự quá tải”, ông chia sẻ.

Tại Trung tâm Y tế Đại học Nam Carolina ở Charleston, thời gian chờ ở phòng cấp cứu có thể lên tới 4 tiếng trước khi bệnh nhân được gặp bác sĩ. Bệnh viện đã dựng lều bên ngoài để bệnh nhân ngồi chờ và đảm bảo cách biệt cộng đồng. Tuy nhiên, bệnh nhân thường bỏ đi trước khi được điều trị vì quá mất kiên nhẫn.

Khi các bác sĩ và y tá cũng nhiễm nCoV giống bệnh nhân của mình, nhân lực bệnh viện lại càng mỏng đi. Một số bác sĩ cấp cứu phải tăng ca và các bệnh viện đang lên kế hoạch áp dụng hệ thống mới, yêu cầu bác sĩ luôn trong trạng thái trực chiến, có thể được điều động bất cứ lúc nào, kể cả vào ngày nghỉ, để đối phó với lượng bệnh nhân tăng đột biến.

Roopa Ganga, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại hai bệnh viện ở Tampa, cho hay họ đang thiếu trầm trọng thuốc chống virus remdesivir, buộc bà phải chọn bệnh nhân nào cần đến thuốc nhất. Bệnh nhân cũng được cho xuất viện một cách tích cực, nhưng đôi khi quá sớm. Nhiều người phải trở lại bệnh viện chỉ vài ngày sau vì các triệu chứng xấu đi.

Các y bác sĩ được báo New York Times phỏng vấn nói họ chưa từng đối phó với sóng lây nhiễm nào có tốc độ tăng đột biến như hiện nay.

Rick Stern, một y tá chuyên khoa ung thư đang chuyển sang chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Eisenhower Health, cho biết công việc của ông những ngày này thật sự đau lòng.

Ngày đầu tiên làm công việc mới, ông chứng kiến một bệnh nhân ung thư nhiễm nCoV qua đời chỉ sau 15 tiếng. Khoa ung thư của ông giờ đây có khoảng ba người qua đời mỗi ngày vì Covid-19.

“Tôi có nhiều kinh nghiệm với các bệnh nhân qua đời, nhưng những gì đang diễn ra thực sự khác biệt. Những người đó, họ chưa sẵn sàng ra đi”, Stern chia sẻ.

(Theo New York Times)

Tags:
Tổng thống Trump lần đầu tiên đeo khẩu trang nơi đông người

Tổng thống Trump lần đầu tiên đeo khẩu trang nơi đông người

Từng tránh đeo khẩu trang nơi công cộng, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/7 lần đầu tiên đeo khẩu trang khi đến thăm một cơ sở quân y bên ngoài Washington.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất