Phụ huynh Việt ở nước ngoài đồng tình việc học sinh sử dụng điện thoại ở lớp
Trong khi học sinh Trung Quốc bị cấm sử dụng điện thoại, học sinh ở Mỹ, Đức được nhà trường lẫn cha mẹ cho phép mang thiết bị đến lớp.
06:00 24/09/2020
Trong Thông tư 32 được ban hành ngày 15/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định từ ngày 1/11, học sinh THCS, THPT được dùng điện thoại di động và các thiết bị khác trong giờ học, nếu được giáo viên cho phép và để phục vụ học tập. Văn bản này thay đổi hoàn toàn so với Thông tư 12 năm 2011, cấm học sinh dùng điện thoại di động, máy nghe nhạc trong giờ học dưới mọi hình thức. Quy định cấm giáo viên "sử dụng điện thoại di động khi đang dạy học trên lớp" cũng được bỏ.
Thông tư mới làm dấy lên nhiều ý kiến tranh cãi trong cả giáo viên lẫn phụ huynh Việt Nam về việc có nên cho phép học sinh mang điện thoại vào lớp và cần quản lý như thế nào để việc sử dụng điện thoại trong giờ học đảm bảo hiệu quả.
Chị Hải Yến, cựu du học sinh Việt Nam đang sinh sống ở thành phố Thường Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, cho hay giống như các trường Việt Nam lâu nay, đa phần các trường học ở Trung Quốc đều cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học.
"Trường học từ cấp một đến cấp ba đều không cho sử dụng điện thoại. Thậm chí cháu tôi học đại học rồi cũng bị cấm. Nếu có thì là do học sinh lén sử dụng", chị Yến, người lấy chồng Trung Quốc, có hai con trai đang học tiểu học ở trường công, chia sẻ với VnExpress.
Trung Quốc chưa có luật cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường học nhưng theo chị Yến, các trường đều e ngại thiết bị điện tử thông minh sẽ khiến học sinh mất tập trung trong giờ học và một số em có thể sử dụng để lên mạng tìm đáp án khi làm bài kiểm tra.
Vấn đề hạn chế học sinh sử dụng điện thoại từng được đưa ra bàn bạc nhiều lần trong ngành giáo dục Trung Quốc. Triệu Chí Trung, hiệu trưởng Học viện Địa lý và Môi trường thuộc Đại học Sư phạm Hải Nam, từng đề xuất cấm học sinh 16 tuổi trở xuống sử dụng điện thoại di động trong bài viết đăng trên Nhật báo Pháp chế ngày 12/2/2019.
Tháng 8/2018, "Đề xuất phương án phòng ngừa cận thị ở thanh thiếu niên nhi đồng", do Bộ Giáo dục Trung Quốc cùng 8 bộ khác đưa ra, cũng đề nghị cấm học sinh đưa điện thoại di động, máy tính bảng và thiết bị điện tử cá nhân vào lớp học. Nhà trường cần thống nhất cách quản lý nếu cho phép học sinh mang các thiết bị này tới lớp.
Ngành giáo dục Nhật Bản cũng áp dụng quy định khắt khe về việc học sinh sử dụng điện thoại. Từ năm 2009, Bộ Giáo dục Nhật Bản cấm tất cả học sinh tiểu học lẫn THCS mang điện thoại tới trường. Chỉ một số trường hợp được ngoại lệ nếu cha mẹ đăng ký với nhà trường và trình bày được lý do con họ cần có điện thoại di động, ví dụ dùng trong trường hợp khẩn cấp.
Tuy nhiên, quy định này vừa được nới lỏng cách đây hai tháng, trong bối cảnh lượng học sinh trung học sử dụng điện thoại di động ngày càng tăng và nhiều học sinh phải về nhà muộn do tham gia các hoạt động ngoại khóa.
Theo chính sách mới nhất được áp dụng từ tháng 7, học sinh Nhật Bản từ cấp THCS sẽ được phép mang điện thoại đến trường để liên lạc trong các trường hợp khẩn cấp. Tuy nhiên, việc nới lỏng đi kèm với 3 điều kiện của Bộ Giáo dục Nhật Bản, bao gồm cha mẹ phải hạn chế các chức năng trên điện thoại của con cái, trường học phải quy định rõ nơi cất điện thoại và ai chịu trách nếu các thiết bị bị mất. Các sở giáo dục trên toàn quốc cũng phải thiết lập các quy định riêng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường để đảm bảo học sinh sử dụng điện thoại một cách phù hợp.
Riêng tại tỉnh Osaka, cả học sinh tiểu học và THCS đều được phép mang điện thoại đến trường để liên lạc khi khẩn cấp. Quyết định này được đưa ra sau trận động đất lớn ở Osaka vào tháng 6/2018, khiến nhiều học sinh bị mắc kẹt và một em tử vong.
Chị Thu Giang, ở quận Shinagawa, thủ đô Tokyo, người có con đang học tiểu học, cho biết do độ tuổi còn quá nhỏ, các bé không được sử dụng điện thoại trong lớp. Tuy nhiên, chị vẫn an tâm khi để con tự đi học một mình, bởi tất cả các trường trong quận đều phát cho mỗi học sinh một thiết bị thông minh có thể phát tín hiệu khi gặp người xấu. Bố mẹ có thể đăng ký tích hợp chức năng gọi điện thoại vào đó nhưng chỉ dùng trên đường đến trường và từ trường về nhà, tuyệt đối không sử dụng trong giờ học.
Trong khi đó, các trường học và phụ huynh ở phương Tây thoải mái hơn với việc cho phép học sinh được sử dụng điện thoại và việc quản lý chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của các em.
"Nhìn chung học sinh Đức được phép mang điện thoại đến trường, nhưng trong lớp phải tắt điện thoại và chỉ sử dụng trong giờ giải lao", thầy giáo Nguyễn Thế Tuyền, giáo viên tiếng Đức và Toán tại thủ đô Berlin, cho biết. "Khi làm bài kiểm tra, học sinh phải nộp điện thoại cho thầy cô giáo, hết giờ kiểm tra thì nhận lại".
Thầy Tuyền cho biết các trường học Đức không cấm điện thoại bởi đây là thiết bị liên lạc cần thiết trong trường hợp đột xuất. Hầu hết học sinh Đức có ý thức tốt nên không xảy ra trường hợp sử dụng điện thoại với mục đích cá nhân trong giờ học. Tại các lớp học của thầy Tuyền, học sinh cũng được khuyến khích tự giác.
"Thỉnh thoảng có em quên tắt tiếng điện thoại là xin lỗi ngay", ông cho hay.
Chị Thu Phương, ở thành phố Auckland, New Zealand, cho con trai sử dụng điện thoại di động từ khi lên cấp 3 nhưng rất an tâm bởi có cách quản lý hoạt động trực tuyến của con.
"Học sinh New Zealand được phép mang điện thoại đến trường và xin phép thầy cô sử dụng trong lớp học. Điểm hay là Wifi ở trường chỉ phục vụ mục đích tra cứu thông tin chứ không vào mạng xã hội được", chị Phương cho biết. "Tôi không cho tiền để mua 4G và giá 4G ở New Zealand cũng rất đắt. Khi đi học về, con sử dụng Wifi ở nhà nên tôi cũng có thể kiểm soát được".
Nhà trường cũng rất quan tâm đến các xu hướng trên mạng xã hội và phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn, giáo dục con cái về việc online. Gần đây, chị Phương đã nhận được thư nhắc nhở phụ huynh về một clip tự tử trên TikTok và Facebook, trong đó hướng dẫn học sinh không nên xem các clip có nội dụng trên và cần trao đổi với cha mẹ, thầy cô khi gặp vấn đề về tinh thần. Họ cũng hướng dẫn học sinh xoá, báo cáo và phân biệt các clip tương tự để tránh những ảnh hưởng không tốt tới các em.
Sống tại thành phố Santa Ana, bang California, Mỹ, anh Nigel Phạm, người có con gái đang học lớp 10, cho biết mình cho con sử dụng điện thoại hai năm nay và em được phép mang đến trường.
"Tuy nhiên, việc sử dụng cũng bị hạn chế, chỉ trong giờ nghỉ giải lao và ăn trưa", anh nói. "Trong lớp, nếu cần, giáo viên sẽ cho phép học sinh dùng chromebook, tức máy tính xách tay chạy trình duyệt Google Chrome, của trường để học và làm bài".
Ông Lương Tạ, ở Cypres, California, cho rằng điện thoại thông minh bây giờ đã trở thành vật tùy thân nên không chỉ người lớn mà phần đông học sinh cũng đều sở hữu. Ngoài chức năng liên lạc, các em có thể dùng để tra từ điển, đọc sách, thời khóa biểu, báo giờ.
"Nhiều thầy cô giáo ở các trường trung học Mỹ đã cho học sinh dùng điện thoại thông minh để tương tác trong lớp học. Tôi từng có dịp tham quan một lớp học và thấy học sinh dùng điện thoại thông minh để trả lời câu hỏi qua một ứng dụng và cô giáo dùng nó để tổng kết ý kiến", ông kể.
Hai con của ông Tạ nay đã vào đại học và được bố cấp điện thoại từ năm lớp 7, khi đây vẫn còn là thứ xa xỉ. Là người đam mê công nghệ, ông dự đoán trước thiết bị điện tử sẽ vô cùng phát triển và hữu ích trong tương lai nên không cấm đoán, nhưng đặt ra những quy định rất nghiêm khắc đối với việc sử dụng điện thoại của các con.
"Điện thoại thông minh là con dao hai lưỡi, biết sử dụng thì rất có lợi. Tương lai, chuyện dùng điện thoại di động trong lớp học chỉ có tăng và không giảm, vì vậy không nên cấm học sinh sử dụng trong lớp học cho việc học", ông nói. "Tuy nhiên, sẽ có những học sinh thiếu ý thức, sử dụng điện thoại với mục đích không tốt trong giờ học, tệ hơn nữa là chìm đắt trong thế giới ảo hay tiếp cận những văn hóa phẩm đồi trụy".
Ông cho rằng cả phụ huynh lẫn các nhà giáo dục đều phải có trách nhiệm trong việc giáo dục và quản lý việc sử dụng điện thoại của các học sinh, xem đây là việc cần thiết như giáo dục giới tính.
"Nhà trường và thầy cô giáo phải có những tiết giáo dục cho các em ý thức sử dụng điện thoại, nhận biết cái nào có lợi, cái nào có hại", ông nêu ý kiến. "Cha mẹ cần rèn luyện cho các con ý thức tự giác từ bé và dung hòa việc sử dụng điện thoại với đời sống thực. Họ cũng cần phải cập nhật kỹ thuật để gần gũi và chung nhịp với con hơn, kiểm tra con cái khi cần".
Anh Nigel Phạm đồng tình với quan điểm này, bởi hạn chế học sinh sử dụng điện thoại là đồng nghĩa với việc hạn chế cơ hội tiếp cận những cái hay của thế giới.
"Quan điểm của tôi là cho phép con cái sử dụng điện thoại nhưng thoả thuận cha mẹ được phép kiểm tra và giới hạn các ứng dụng. Chúng ta cũng nên thường xuyên trao đổi với con cái những thông tin trên Internet để giúp con cái nhận xét cái gì đúng sai, cái nên xem và không nên", anh nói.
Ông Tuyền cho rằng ngành giáo dục nên mạnh dạn trong vấn đề này để tiến tới tìm ra giải pháp hợp lý, đừng nên "không quản lý được thì cấm". "Dần dần sẽ xây dựng cho học sinh ý thức tự giác trong việc sử dụng điện thoại mà vẫn giữ cho môi trường học đường dân chủ, văn minh", ông Tuyền nói.
Link nguồn: https://vnexpress.net/phu-huynh-viet-o-nuoc-ngoai-dong-tinh-viec-hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-o-lop-4164965.html
Căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc tìm cách ‘ve vãn’ công ty nước ngoài
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra, Bắc KinhTrung Quốc đang thay đổi chiến thuật để “chèo kéo”, thu hút cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài.